Hiện nay, các nước ASEAN, nhất là 5 nước có Biển Đông đang bị Trung Quốc kiếm chuyện dựa theo cái "đường lưỡi bò" tự vẽ để xâm lấn lãnh hải, khai thác tài nguyên biển. Hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo và mọi người dân ở các nước trong khu vực cần phải rất cảnh giác, tỉnh táo, coi vận mênh dân tộc, chủ quyền quốc gia là trên hết, không vì lợi ích cá nhân, phe nhóm mà thỏa hiệp, làm ăn vội vàng, bất hợp pháp của Trung Quốc. Làm như thế là coi lợi ích cá nhân, coi đồng tiền to hơn vận mệnh quốc gia, dân tộc. Trong khi Trung Quốc đang thực hiện "chiến lược 3 bước": Tranh chấp, rồi "gác tranh chấp, cùng khai thác", tiến tới chiếm luôn vùng biển-đảo, các nước trong khu vực cần thấy rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt để tránh hậu họa cho dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của mình.
Trước hành động ngày càng tìm đủ mọi cách gia tăng các hoạt động xâm lấn, đe dọa chủ quyền lãnh hải, lấy cớ cùng khai thác hoặc đấu thầu tài nguyên biển của Việt Nam, Philippines và các nước trong khu vực, thiết nghĩ các nước ASEAN cần phải đoàn kết chặt chẽ vì hơn bao giờ hết vì lợi ích chung cả khu vực và của quốc gia, dân tộc mình. Hãy không ngừng nâng ý thức tự chủ và hết sức cảnh giác, đừng để Trung Quốc dễ dàng tách bó đũa bẻ từng chiếc, làm triệt tiêu sức mạnh đoàn kết trong khu vực, mất độc lập, chủ quyền lãnh thổ, tự do hàng hải, mất ổn định và hòa bình và trì kéo sự phát triển trong khu vực.
Tờ "Nhân dân Nhật báo" cường điệu phao tin, rằng sau khi Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc công bố mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí trên Nam Hải vào ngày 26/6, những doanh nghiệp hữu quan của quốc gia Đông Nam Á bày tỏ hứng thú về việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí này. Ngày 26, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị phát biểu phê phán mạnh mẽ Trung Quốc mở thầu quốc tế tại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có hiệu lực. Trước việc này, ông Hồng Lỗi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản biện cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí trên Nam Hải là hành động doanh nghiệp bình thường, phù hợp với pháp luật Trung Quốc và thông lệ quốc tế hữu quan.
Ngày 24/6, truyền thông của TQ cho hay trên trang web "Nhật báo nhà tư vấn Philippine" đưa tin cho biết Công ty Dầu mỏ Philex Philippine đang chuẩn bị cùng Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc khai thác dầu mỏ ở bãi Lễ Lạc trên Nam Hải mặc dù chưa được nhà đương cuộc của Philippines xác nhận!
Ông Vin-xơn Ni-a-bông, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng, phòng hợp tác đối ngoại của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Ma-lai-xi-a cho phóng viên biết, công ty "không nhấn mạnh tranh chấp chính trị, chủ yếu xem xét lợi ích kinh tế, thông thường triển khai hợp tác khai thác trên danh nghĩa nhà thầu, thông qua khai thác, phân chia lợi nhuận, mang lại lợi ích kinh tế cho Ma-lai-xi-a".
Giám đốc chuyên trách tài vụ của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan cho biết, lần này Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương thông báo mở thầu 9 lô dầu khí trên Nam Hải, để hợp tác thăm dò, khai thác với công ty nước ngoài, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan có hứng thú, sẽ thảo luận tính khả thi về khai thác dầu mỏ trên vùng biển Nam Hải. [Các tin này đã được xác minh là không có thực, xem bài: Truyền thông Trung Quốc xạo tin về Biển Đông? – BVN chú thích]
Nhìn về bản chất của sự kiện, đây là hành động leo thang trắng trợn nhất kể từ khi họ xuất trình đường lưỡi bò lên Liên Hiệp Quốc (7-5-2009). Nếu như năm ngoái với hành động 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta chỉ là hành động "thử gân", khiêu khích, thì hành động năm nay là hành động thực thi, nếu có điều kiện.
Tương tự như vậy, hồi tháng 9-2010, Hãng tin Kyodo dẫn lời một nguồn tin từ chính phủ cho biết, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã chụp được những hình ảnh vệ tinh cho thấy thiết bị và nhân công đã được chuyển tới vùng biển tranh chấp để chuẩn bị cho việc khoan dầu tại vùng biển Shirakaba theo cách gọi của Nhật Bản hoặc Xuân Hiểu theo cách gọi của Trung Quốc. Động thái mới này diễn ra trong khi quan hệ giữa hai nước vẫn căng thẳng vì vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau khi tàu cá Trung Quốc va chạm với 2 tàu tuần tra Nhật Bản ở quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Theo hãng tin Kyodo, nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu, Nhật Bản cũng xem xét việc tự khoan thử ở vùng biển của mình ngay gần cạnh đó, điều này khiến căng thẳng giữa hai bên càng tăng cao. Trong khi dó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du tuyên bố Trung Quốc có toàn quyền khai thác dầu khí ở Xuân Hiểu và việc khai thác này là "hoàn toàn chính đáng".
Giáo sư C.Thayer, Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a có cảnh báo rằng "bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ thật kỹ" trước khi quyết định (Nhân dân điện tử 29-6-2-2011).
Theo tác giả Đào Tiến Thi: Sự đời nhiều khi như thế, các ông lớn không dám làm (vì phải giữ thế chiến lược lâu dài và phải giữ cả thể diện quốc gia) nhưng ông nhỏ lại dám! Vì nhỏ thì chỉ cần lợi nhỏ và không cần thể diện. Vậy là, trong việc này, Trung Quốc thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào mức độ phản ứng của Việt Nam chứ không nên tin rằng không có anh nào dám vào.
Vậy ta phải làm gì?
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ, nói: "Việc Trung Quốc trắng trợn mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng biên VN là một chuỗi các hoạt động liên tục, liên tục trên nhiều phương diện khác nhau của họ. Rõ ràng, có thể nói, đây là chuỗi các bước đi có tính toán trong chiến lược tiến ra biển nhằm thực hiện độc chiếm biển Đông trong phạm vi đường biên giới lưỡi bò mà Trung Quốc đã đưa ra từ lâu. Tôi không bác bỏ những ý kiến cho rằng, những hành động mới đây là một "đòn gió" hay đây là một đối phó sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển, nhưng theo tôi nếu nhìn nhận một chuỗi các sự kiện thì đây không đơn thuần là một hành động trả đũa hay đối phó với công tác lập pháp của chúng ta vừa rồi mà nó nằm trong một ý đồ chiến lược có bài bản được soạn sẵn".
Ông Trần Công Trục nói rằng: Rõ ràng Trung Quốc đang thực hiện "chuỗi bước đi" có tính toán. Ngoài việc có những phản ứng ngoại giao có tính nguyên tắc thì Việt Nam phải có hành động cụ thể". "Hành động cụ thể" là hành động gì? Lời "cực lực phản đối" của ông Lê Thanh Nghị là cần thiết nhưng không phải là hành động cụ thể. Như hàng trăm vụ "cực lực" khác, Trung Quốc đâu có ngán "cực lực", đều bỏ ngoài tai.
Phải nhìn vào bản chất ưa vũ lực của Trung Quốc. Họ không cần phải nghe lời "cực lực" là chỉ để ý đến tiềm lực, thực lực, thế lực, uy lực. Và ngay trong tiềm thức tư tưởng, Trung Quốc rất muốn Việt Nam và các nước ĐNA rơi vào cảnh suy lực, kiệt lực, dẫn tới bất lực, dễ dàng cho nhà cầm quyền Bắc Kinh thỏa mộng bá vương siêu cường.
Người ta đã đặt vấn đề: Nếu có tập đoàn nào đó trúng thầu và khai thác thì liệu Việt Nam có dám đem quân đội ra đánh đuổi họ không? Chắc là không, vì đến nay quan điểm của VN vẫn là "kiên trì giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình, tránh xung đột vũ trang…". Nhưng đến mức ấy mà VN phản ứng vẫn yếu mềm, chần chừ, cũng không khởi kiện lên Tòa án Quốc tế và Liên hiệp quốc thì quả là "VN càng nhu nhược, càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới".
Trong khi đó có một cách thật dễ và thật hiệu quả là toàn dân xuống đường biểu thị khí thế quật cường của dân tộc, cho thấy nhân dân ta sẵn sàng đương đầu ngay cả khi Trung Quốc phát động chiến tranh, thì nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn phải co cái "vòi bạch tuộc" lại. Vì họ quá biết trong lịch sử, một khi dân tộc Việt Nam đã đoàn kết lại và quyết tâm chiến đấu thì những đội quân xâm lược hùng mạnh của họ đều tan tác, tan tác đến kinh hồn bạt vía có khi phải "chừa" hàng trăm năm mới lại dám tiến đánh. Và cũng chỉ khi toàn dân Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thì bạn bè quốc tế mới giúp đỡ, chứ không ai giúp đỡ kẻ ngồi không. Thế nhưng việc nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc bằng hành động trên đã bị nhà cầm quyền quyết tâm ngăn chặn và Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng sang hứa với Trung Quốc "không để tiếp diễn". Những người từng đi biểu tình thì ít nhiều đều đã "nếm mùi yêu nước": người bị bắt, người bị đánh, người bị tù, người mất việc, người mất chỗ ở, người bị cơ quan kiểm điểm. Và tất cả đều bị bôi nhọ danh dự bị qui kết là những kẻ phá quấy, tiếp tay cho phản động nước ngào (?!).
Truy nguyên vụ việc, phân tích vấn đề: Người Trung Quốc không thể dễ dàng "lẻn vào" làm bè nuôi cá ở Cam Ranh cả chục năm nay, mà có ký cót hợp đồng đàng hoàng với chính quyền thành phố Cam Ranh. Biên phòng biết, công an, chính quyền tính Khánh Hòa và có thể Bộ NN-PTNT cũng biết, nhưng tại sao lại kéo dài tính trạng bị mất cảnh giác đến như vậy? Cho đến khi báo chí kêu rầm lên, chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới giải quyết, mà chỉ phạt bên "đối tác" có 4 triệu đồng? Những đoàn công nhân vào làm ăn tận Nhà máy Khí-điện-đạm Cà Mau, Bô-xít Tây Nguyên, các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ, rồi thuê đất rừng đến 50 năm ở một số nơi. Vậy, ai cho phép? Ai đã ăn tiền, chia chác, hoa hồng để ký hợp đồng? Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lợi ích quốc gia sao đem bán rẻ rúng như vậy? Lại nhiều đoàn tư thương Trung Quốc tự do qua lại biên giới, đi khắp nước lừa đảo nông dân, mua bán, phá giá các loại hàng hóa nông sản? Rồi tiền giả, hàng giả. thịt thối... tung sang phá rối, lũng đoạn thị trường, phá giá đồng tiền VN, làm cho lạm phát gia tăng, thực phẩm, trái cây có hóa chất độc hại tung vào thị trường VN tràn ngập…
Chúng ta có nhiều lực lượng, nhiều cơ quan chủ quản, ngành chuyên trách lo việc này (biên phòng, công an, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, thuế vụ, quản lý thị trường, kiểm dịch, y tế…), chúng ta có chính quyền bề dày xây dựng và phát triển đã quá nửa thế kỷ rồi, vậy mà nay để xảy ra sự quản lý lỏng lẻo, và không ít vụ có sự cố tình cho phép người Trung Quốc tung hoành ngang dọc khắp đất nước như vậy! Vì lợi ích nhỏ hẹp của cá nhân, phe nhóm, bè cánh mà để xảy ra những tình huống, những vụ việc làm mất độc lập dân tộc như vậy hay sao?
B.V.B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét