Donald K. Emmerson, Asia Times , 13-7-2012
Trần Ngọc Cư dịch
Chưa bao giờ trong 45 năm của các cuộc họp định kỳ, luôn luôn được nối tiếp bằng những thông cáo chung nhạt nhẽo, mà các vị bộ trưởng ngoại giao của ASEAN lại không đồng thuận một tuyên bố chung đúc kết những bàn thảo kín đáo của họ để thế giới tùy nghi sử dụng. Nhưng lần này, nghĩa là cho đến bây giờ, họ vẫn chưa làm được điều đó.
Tại buổi bế mạc của hội nghị cấp bộ trưởng vừa mới kết thúc tại Phnom Penh, một sự im lặng đã làm ù tai mọi người. Nguyên nhân gần là các ngoại trưởng đã không đạt được một đồng thuận về việc bản tuyên bố có nên hay không nên nhắc đến Bãi cạn Scarborough, vị trí đang diễn ra một cuộc đối đầu căng thẳng bắt đầu vào tháng Tư giữa Trung Quốc (TQ) và Philippines. Philippines muốn nhắc đến sự kiện này trong bản tuyên bố. Nhưng Cambodia phản đối. Cả hai bên đều không nhượng bộ. "Phương cách đồng thuận của ASEAN" đã thất bại.
Chi tiết về những gì diễn ra mới đây sau những cánh cửa khép tại Phnom Penh cho đến nay vẫn còn mù mịt. Những ảnh hưởng của chúng vẫn chưa được biết rõ. Nhưng cũng không phải là quá sớm để tiên đoán rằng, đối với TQ, hậu quả của việc không tuyên bố có thể được coi như một thắng lợi trước mắt mặc dù về lâu về dài thắng lợi này có thể tỏ ra mong manh.
Cambodia và Trung Quốc
Nguyên nhân chính của sự tan vỡ có liên quan sâu sắc với Bắc Kinh và nỗ lực của nó nhằm bảo vệ tuyên bố quyền chủ quyền nhằm độc chiếm gần như toàn bộ Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Tuyên bố đó được thể hiện trong đường đứt đoạn chín khúc khó hiểu trên các bản đồ TQ, gợi nên hình ảnh một lưỡi bò khổng lồ trùm sâu lên vùng giữa biển Đông Nam Á.
Bất luận nó còn có ý nghĩa nào khác chăng nữa, đường lưỡi bò này bác bỏ các quyền chủ quyền chồng lấn được tuyên bố bởi các nước Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam, tức các quốc gia đã cùng với Cambodia, Indonesia, Lào, Myanma, Singapore, và Thái Lan là thành viên của ASEAN.
Trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2012, Cambodia là nước chủ nhà cuộc họp bộ trưởng của nhóm, và lẽ ra đã đọc bản tuyên bố chung cuối cùng nếu có được một bản văn như thế. Theo chỗ tôi biết, Thủ tướng Cambodia, ông Hun Sen, chưa bao giờ công nhận tuyên bố chủ quyền TQ trên toàn Biển Đông. Nhưng không một lãnh đạo ASEAN nào lại bén nhạy đối với quan điểm và đòi hỏi của TQ như ông. Bằng cách từ chối đọc một tuyên bố có nhắc đến Bãi cạn Scarborough, ông đã hành động trong một đường lối phù hợp với lập trường của TQ trong cuộc xung đột chủ quyền tại Biển Đông.
Theo quan điểm của Bắc Kinh thì ASEAN không việc chi mà phải cố gắng giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; những tranh chấp này chỉ có thể dàn xếp song phương giữa TQ với từng nước một trong 4 quốc gia ĐNA có tuyên bố chủ quyền tại đó, và chỉ khi nào thời gian đủ chín muồi để làm việc đó mà thôi. Trong bối cảnh này, bằng cách từ chối đưa ra một thông cáo chung, chính phủ Cambodia tỏ ra đã làm những gì mà TQ muốn họ làm.
TQ là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Cambodia. Bắc Kinh đã chi tiền rất hào phóng trong các dự án viện trợ hoành tráng tại nước này, kể cả việc chi trả việc xây cất Dinh Hoà Bình (Peace Palace) [gồm văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Cambodia và trung tâm hội nghị quốc tế – người dịch] tại Phnom Penh, nơi các bộ trưởng ASEAN họp. Ngay trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh vào tháng Tư 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đến viếng thăm Cambodia bốn ngày, chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Chủ tịch nước TQ trong vòng 12 năm. Thật khó tin rằng việc chọn thời điểm của họ Hồ chỉ là một sự trùng hợp tình cờ.
Bắc Kinh cảm ơn Cambodia vì đã hậu thuẫn các lợi ích cốt lõi của TQ, một ý niệm mập mờ gồm cả tuyên bố chủ quyền của TQ trên hầu hết Biển Đông vốn gây ra nhiều tranh cãi. Và nếu sự bày tỏ lòng biết ơn của TQ thậm chí có cường điệu lòng trung thành của Cambodia đối với Bắc Kinh đi nữa, không nghi ngờ gì nữa rằng Hun Sen đã lợi dụng vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2012 của nước ông để tránh đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự của nhóm.
Bất cứ một quan sát viên nào cũng có thể kết luận rằng TQ đã thực sự thuê Cambodia làm những điều mình sai khiến, kể cả việc ngăn cản các vị bộ trưởng ASEAN thông qua một tuyên bố chung về Biển Đông. Bây giờ TQ có thể nêu sự thất bại của ASEAN như một bằng chứng củng cố lập trường riêng của mình. Chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ nói: "Chúng tôi không chống lại ASEAN, nhưng nếu các nước này không thể đồng ý với nhau ngay cả các từ ngữ trên một thông cáo chung, làm sao chúng ta có thể kỳ vọng họ ngồi lại đàm phán các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông? Thôi, hãy để vấn đề đó cho chúng tôi bàn thảo trong các cuộc đàm phán song phương với những quốc gia trực tiếp liên hệ, khi thời gian cuối cùng đến lúc chín muồi". Hay những lời lẽ có đại ý như thế.
Để được công bằng với Bắc Kinh và Phnom Penh, phải nói rằng chúng ta chưa biết được, ví có bao giờ biết được, mức độ trách nhiệm mà Philippines phải chịu một phần trong cuộc đấu tranh nội bộ (infighting) – mỉa mai thay – tại Dinh Hoà Bình. Manila quyết tâm thúc đẩy phải nhắc đến Bãi cạn Scarborough trong thông cáo chung. Tại sao phải bức thiết nhắc đến vụ việc trên biển? Tại sao không thể ám chỉ bãi cạn ấy mà thôi? Phải chăng Hun Sen đã nổi giận, như ông từng nổi giận trong quá khứ, và dẹp bỏ bản tuyên bố thay vì nhượng bộ nhau trong cách dùng từ.
Một sự bấp bênh nghiêm trọng hơn nữa là thế này: Sự rạn nứt tại Phnom Penh đã phá hoại khả năng của ASEAN trong việc bảo trợ một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc tại Biển Đông một cách tồi tệ như thế nào?
Việc soạn thảo bộ qui tắc ứng xử
Năm 2002, TQ và các quốc gia ASEAN ký một Tuyên bố không có tính ràng buộc về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông. Một vài lãnh đạo ASEAN đã hi vọng sẽ tổ chức kỷ niệm năm thứ 10 của bản tuyên bố nói trên vào năm nay bằng cách soạn thảo, giữa họ với nhau, một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc. Kế hoạch của họ là phải hoàn tất nhiệm vụ này kịp thời để các bộ trưởng ASEAN công bố bản dự thảo tại cuộc họp tại Phnom Penh.
Điều lạc quan là bản dự thảo bộ qui tắc đã có sẵn rồi, mặc dù nội dung của nó chưa được công bố. Rõ ràng là, nó không phải là một văn bản chải chuốt, nhưng nó đã liệt kê các điểm mà, theo sự phán đoán chung của ASEAN, văn bản cuối cùng phải thể hiện. Người ta có đủ lý do để tin rằng bản dự thảo ấy gồm có những điều khoản dùng để dàn xếp các tranh chấp. Nếu điều này có thực, nó sẽ làm hài lòng các nhà phân tích vốn không tin rằng ASEAN sẽ sẵn sàng hoặc có thể đi ra ngoài bổn phận thông thường: biết ứng xử tử tế, biết giúp đỡ, và không làm cho tình hình xấu hơn.
Chính sự kiện các quốc gia tuyên bố chủ chuyền thường vi phạm các điều khoản đầy lạc quan của văn kiện 2002 mà không bị trừng phạt đã làm cho việc đòi hỏi một bản qui tăc rõ ràng nói lên tính khả thi trở thành cấp bách. Người ta có thể cảm thấy phấn khởi một cách dè dặt trong bối cảnh này, rằng tại Phnom Penh ASEAN đã trao cho TQ một bản dự thảo qui tắc ứng xử để cứu xét – một sự kiện mà các ký giả đã bỏ quên vì quá bận tâm về sự huyên náo của các vị bộ trưởng.
Điều bi quan là, nếu có một thông cáo chung ghi nhận thành quả mà các vị bộ trưởng đã đạt được, thì nó có thể sẽ nhắc đến sự thành công của họ trong việc soạn ra một bản dự thảo qui tắc ứng xử và sẽ mô tả nó như một bước tiến quan trọng. Thiếu sự nhìn nhận đó, văn bản dự thảo có thể chịu một số phận hẩm hiu trong tình trạng đợi chờ, không có một địa vị rõ ràng và có thể bị xem như chỉ là một bản liệt kê các điều nguyện ước. Dù có cố tình hay vô ý, khi Hun Sen hủy bỏ bản thông cáo chung, ông đã chặn đứng việc ASEAN công khai đề cao giá trị của nó như một cơ sở đàm phán chính thức của nhóm này.
Nếu TQ thực tâm muốn tránh bị ràng buộc bởi một bộ qui tắc ứng xử, thì những gì xảy ra tại Phnom Penh đã nói lên chính sách chia để trị mang đặc tính TQ – chia rẽ khối ASEAN để ngự trị sóng nước Biển Đông. Nhưng nói cho ngay, người ta cũng phải ghi nhận rằng TQ không tạo ra sự chia rẽ nội bộ ASEAN từ con số không.
Bắc Kinh gần như không chịu trách nhiệm về việc ASEAN không quyết tâm hay không thể hoặc là thuyết phục bốn thành viên của mình nhượng bộ nhau trong các tuyên bố chủ quyền, hoặc là chặn đứng họ trong việc tạo ra những động thái gây bất ổn trên và trong Biển Đông. Nếu bốn quốc gia có tuyên bố chủ quyền trước tiên chịu giải quyết các mâu thuẫn trong lập trường của họ với nhau, ASEAN đã có thể đưa ra một mặt trận thống nhất trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Những cuộc thảo luận giữa ASEAN và TQ về bản dự thảo qui tắc ứng xử theo chương trình sẽ diễn ra vào tháng 9 này. Vì bản dự thảo là một sản phẩm của ASEAN, những cuộc thảo luận sẽ mang tính cách đa phương từ trong bản chất. Nếu chịu tham dự, TQ sẽ phải để những đòi hỏi song phương của mình ở ngoài phòng họp. Kế hoạch của ASEAN là muốn cùng TQ ký vào một văn bản cuối cùng tại vòng hội nghị thượng đỉnh sắp đến có liên quan tới ASEAN vào tháng 11 này.
Nếu các đàm phán về bản dự thảo không diễn ra tại Cambodia vào tháng 9, các hội nghị thượng đỉnh chắc chắn sẽ diễn ra tại quốc gia này. Tại Phnom Penh vào tháng 11 này, với một người khó lường như Hun Sen, tình hình có thể trở nên tồi tệ thêm một lần nữa. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng sẽ suy nghĩ chín chắn trước khi cho phép mình một lần nữa dính dấp tới việc công khai làm hổ mặt ASEAN trước sự hiện diện của các vị quốc trưởng nước ngoài tề tựu tại đó trước khi lên đường tham dự Thượng đỉnh Đông Á. Một khả năng lớn hơn có thể là, từ nay đến đó, nếu thực sự muốn cản trở bộ qui tắc ứng xử, TQ sẽ phải làm việc gắt gao trong các cuộc thảo luận với ASEAN hoặc là để đình hoãn sự hoàn tất văn bản hoặc là, nếu không làm được chuyện đó, để đảm bảo rằng nội dung văn bản sẽ là nhạt nhẽo tầm thường.
Nếu việc này xảy ra, ASEAN gần như không còn một tự do lựa chọn nào cả vào tháng 11 tới: hoặc là phải thú nhận không thể cùng TQ soạn thảo một văn bản, hoặc là sẽ đưa một văn bản không có sức mạnh gì cả (a toothless edition). Trong sự tính toán việc gì nên (hay không nên) làm và thời điểm nên (hay không nên) làm việc đó, TQ cũng sẽ phải nhìn lên tấm lịch, vì biết rằng vào ngày 1-1-2013, Cambodia, một nước không tranh chấp chủ quyền trên Biển Dông, sẽ nhường vai trò chủ tịch ASEAN cho Brunei, một quốc gia có tranh chấp chủ quyền.
Bản dự thảo của ASEAN không thể ở trong tình trạng được giấu kín mãi. Nếu nó thực sự vẫn là một bí mật, thì không ai ngoài những chính phủ trực tiếp liên quan có thể điểm mặt TQ là nguyên nhân của bất cứ sự thay đổi nào trên văn bản, bao gồm cả những nhượng bộ để thỏa mãn đòi hỏi của Bắc Kinh. Nhưng nếu bản dự thảo được lưu hành trong dạng thức hiện nay, và TQ đòi hỏi một số thay đổi, và nó được thay đổi, thì những chỗ khác biệt với bản gốc cuối cùng sẽ được mọi người biết đến. Các nhà ngoại giao ASEAN sẽ có nguy cơ bị lên án là khuất phục trước con rồng Đại Hán.
Cái rủi ro để việc này xảy ra sẽ tùy vào mức độ Bắc Kinh có quyền theo dõi việc soạn thảo bản qui tắc tương lai ngay từ bên trong ASEAN, và đã sử dụng khả năng tiếp cận này để ảnh hưởng lên việc chọn từ ngữ theo ý mình. Nhưng nếu TQ không đóng vai trò nào bên trong tiến trình soạn thảo của ASEAN, thì bất cứ một người ĐNA nào có quyền tiếp cận bản dự thảo mà muốn ngăn chặn khả năng TQ thay đổi nó sẽ có động lực làm rò rỉ bản dự thảo ra ngoài.
So với các hội nghị thượng đỉnh, các cuộc họp ở cấp thấp hơn sẽ ít khả năng thu hút sự chú ý và nâng cao các kỳ vọng. Một nơi hội họp cấp dưới bộ trưởng dành cho các cuộc thảo luận của ASEAN-cộng-TQ (ASEAN-plus-China) đã được lựa chọn. Trong bối cảnh ít nổi bật đó, có lẽ TQ dễ tìm cách đình hoãn bất cứ một kết quả nào không vừa ý.
Nếu TQ quyết chặn đứng bản qui tắc ứng xử Biển đông, bằng cách đưa nó vào quên lãng vĩnh viễn, liệu các nước ASEAN có thể xúc tiến ký kết với nhau hay không? Việc này không thể xảy ra trong bầu không khí các nước đang cáo buộc lẫn nhau như hiện nay. Nhưng nếu thời gian có thể hàn gắn những vết thương hiện tại mặc dù đồng thời có bào mòn sự kiên nhẫn của ASEAN, người ta cũng quan niệm được khả năng ký kết ấy có thể xảy ra.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại châu Á 1976 của khối ASEAN có thể là một tiền lệ. Những quốc gia thành viên của khối này thoạt đầu đã tự mình soạn thảo và chấp nhận một văn kiện, trước khi mời TQ và các nước khác ký kết. Gần 20 chính phủ bên ngoài Đông Nam Á, kể cả TQ, đã ký kết văn bản đó. Nhưng, lần này Bắc Kinh sẽ chống lại việc bị đặt trước một sự đã rồi (a fait accompli) – bị dí vào tay một văn bản, một cây viết, và một hàng có đánh dấu sẵn để ký lên đó – nhất là một văn bản có ngụ ý quốc tế hóa Biển Đông.
Tuy nhiên có một khả năng là, TQ có thể thay đổi ý kiến. Bắc Kinh có thể sẽ quyết định chấp nhận một nỗ lực đa phương dưới sự bảo trợ của ASEAN nhằm soạn thảo một bản qui tắc ứng xử để chế ngự hành vi của các quốc gia trên Biển Đông. TQ thậm chí có thể chấp nhận một cơ chế giải quyết tranh chấp ở một dạng thức nào đó. Nếu vào năm 2013, đôi song ca Tập-Lý – Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước và Lý Khắc Cường làm Thủ tướng – tại vị hẳn hoi ở Bắc Kinh, chế độ có thể cảm thấy đủ tự tin để chuyển "chính sách ngoại giao bặm trợn" của mình thành một nụ cười dễ dãi.
Tuy nhiên, chúng ta không nên nín thở chờ đợi một sự chuyển hoá như thế. Vì trong chính trị thực dụng (realpolitik, thường là mạnh được yếu thua), các lãnh đạo TQ vẫn bị cám dỗ cần nhắc nhở lãnh đạo các nước ASEAN về sự bất tương xứng giữa nước họ với người láng giềng vĩ đại nhất.
Kích cỡ là quan trọng
Ta hãy so sánh nước giữ ghế chủ tịch kết tiếp của ASEAN là Brunei Darussalam với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bề ngoài, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hai nước là thành viên bình đẳng; mỗi nước có một phiếu biểu quyết. Nhưng dân số Brunei chỉ bằng 0,0003% dân số TQ. Thảo nào, TQ chỉ muốn thương thuyết với Brunei trong một phòng hội chỉ có hai ghế, hơn là đối diện với 10 thành viên Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở trong cùng một phòng họp vào cùng một lúc.
Mặc dù toàn bộ dân số được đại diện bởi 10 nhà thương thuyết ASEAN vẫn ít hơn nửa khối dân số TQ (một chút xíu), họ sẽ là đa số đối với một nhà ngoại giao đơn độc của TQ với tỉ lệ 10 trên 1. Những dạng thức khác nhau của cái logic bất bình đẳng này đã tạo cơ sở để TQ nhiều lần đòi hỏi đàm phán song phương riêng biệt, và với chỉ mỗi một trong 4 nước ĐNA có tuyên bố chủ quyền mà thôi.
Nhưng kích cỡ của một quốc gia cũng mang lại những nỗi bất bình. Mặc dù việc dùng sức mạnh hùng hậu để diễu võ dương oai trên Biển Đông có thể đưa những quốc gia nhỏ bé hơn vào thế bị động, nhưng hành vi này sẽ khẳng định hình ảnh của TQ như một kẻ bắt nạt. Nếu chỉ dùng quyền lực địa-kinh tế và địa-chính trị của mình như một khí cụ thô bạo – "tao lớn con còn này thì không" – TQ sẽ nhanh chóng kích động sức đề kháng chung giữa các dân tộc ĐNA đồng thời chuốc lấy sự khinh bỉ của họ.
Quyền lực thông minh trong một thế giới nối mạng gồm các liên hợp, các dòng chảy thông tin, và các phát kiến cực nhanh ngụ ý phải biết khi nào việc sử dụng sức mạnh cơ bắp quá đáng là phản tác dụng. Kích cỡ quả là quan trọng, nhưng biết cách sử dụng nó lại càng quan trọng hơn. Dựa vào những bằng chứng của chính sách ngoại giao TQ tại Biển Đông, bài học đó chưa được quán triệt hoàn toàn.
Chẳng hạn, vào đầu năm nay, TQ đề nghị thành lập một Nhóm không chính thức (Kênh II – Track II) gồm các Nhân sĩ và các Chuyên gia (Eminent Persons and Expert Group, gọi tắt là EPEG) và giao cho họ nhiệm vụ thảo luận bản dự thảo qui tắc ứng xử và đưa ra các đề nghị thích hợp.TQ đề nghị thêm rằng nhóm ấy sẽ gồm có 10 người, 5 từ TQ và 1 từ mỗi một trong 5 quốc gia ASEAN.
Đối với nhiều giới trong khối ASEAN, sự phân phối này hình như đã minh họa một cách trắng trợn một não trạng đế chế chỉ biết dựa vào kích cỡ quốc gia: "Vì chúng tôi là nước lớn, chúng tôi có quyền chiếm một nửa số ghế của EPEG. Vì các anh là nước nhỏ, các anh phải chia nhau nửa số ghế còn lại. Và, tiện đây cũng xin nhắc nhở, 5 trong 10 thành viên của quí vị dứt khoát sẽ không được ngồi trong phòng họp". Hoặc những tư duy tương tự của TQ.
Cũng có thể là TQ chỉ thả nổi đề nghị EPEG nhằm trì hoãn bộ qui tắc ứng xử. Một khi EPEG được thành hình, Bắc Kinh có thể đình hoãn các quyết định về một văn bản với lý do nhóm cố vấn chưa hoàn tất bản báo cáo của họ. Với nửa số thành viên của EPEG đại diện cho TQ, bản báo cáo này có thể được triển hạn qua nhiều năm.
Tin tức cho biết, trong các cuộc thảo luận sau đó, TQ đã giữ 5 ghế của mình trong khi đồng ý để ASEAN chiếm 10 ghế. Để giảm bớt khả năng của Bắc Kinh trong việc lợi dụng cơ quan cố vấn này để che mắt thế giới và kéo dài việc soạn thảo bộ qui tắc ứng xử, các thành viên ĐNA đã đòi hỏi rằng nhóm EPEG chỉ được triệu tập sau khi việc thương thuyết một văn bản với TQ đã bắt đầu. Nếu một bản thông cáo chung đã được đưa ra tại Phnom Penh, có thể nó đã nhắc đến EPEG. Vì thiếu nó, chúng ta chỉ có thể đoán mò về số phận của cái đề nghị do TQ đưa ra.
Việc TQ âm mưu kiểm soát một nửa số thành viên EPEG chứng tỏ đường lối của TQ ngày càng trở nên cứng rắn. Vào năm 2005, một Nhóm Nhân sĩ ASEAN-TQ đã được triệu tập để duyệt xét các quan hệ ASEAN-TQ và đưa ra các đề nghị cải thiện. Cơ quan đó đã tuân theo qui tắc mỗi-nước-một-ghế, nghĩa là 10 nhân sĩ ĐNA ngồi cùng tham gia thảo luận với 1 nhân sĩ TQ.
Nếu EPEG thực sự nhóm họp với TQ chiếm 1/3 trong 15 ghế, những cuộc bàn thảo của nhóm sẽ dễ dàng chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, nhất là nếu những chia rẽ giữa các nước ASEAN làm suy yếu thêm nhóm đa số. Kể từ tháng 7 năm 2012 TQ tỏ vẻ không muốn chấp nhận một nguyên tắc bình đẳng nào giữa các quốc gia, điều mà 7 năm về trước họ sẵn sàng chấp nhận.
Ít có người dân ĐNA nào chịu theo dõi những diễn biến trong các tổ chức ngoại giao kênh II không chính thức. Một số người có theo dõi sẽ lấy làm nhẹ nhõm khi biết rằng chí ít TQ đã rút lui nỗ lực tước bỏ số ghế của một nửa ASEA. Nhưng nếu công thức 10 + 5 được giữ lại, sự chuyển biến chính trị có đạo lý sang chính trị thực dụng từ công thức 10 + 1 kể từ năm 2005, dù có khiêm nhượng đến đâu, cũng sẽ làm xuống cấp tính chính đáng (legitimacy) của Bắc Kinh trong giới ngoại giao tại Đông Nam Á.
Một quan niệm đã được phổ biến rộng rãi trên các sách báo, viết về lối ứng xử của các quốc gia, cho rằng "cái họa tài nguyên" (a resource curse) có thể làm xáo trộn nền kinh tế chính trị của các nước giàu về dầu khí nhưng nghèo [yếu kém] trong việc quản trị đất nước. Có thể có chăng "cái hoạ kích cỡ" đã xui khiến nước đông dân nhất thế giới đi diễu võ dương oai bằng sức nặng vô địch của mình?
Có bao nhiêu trách nhiệm của chế độ độc tài TQ trong việc gây ra nạn "thâm thủng quyền lực mềm" (soft power deficit) của nước này trước mắt nhân dân Đông Nam Á? Liệu việc dân chủ hoá đất nước, nếu xảy ra, có làm cho TQ được ưa chuộng hơn hay không? Hoặc liệu việc dân chủ hóa có làm tăng thêm sự độc hại của cái họa kích cỡ, khiến nhóm lãnh tụ chóp bu TQ đang bị bưng bít khó hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc dân túy đang thịnh hành lên chính sách đối ngoại?
Bất luận với câu trả lời nào cho những câu hỏi nói trên đi nữa, có hai điều rõ rệt: Bắc Kinh cảm thấy mình có quyền làm chủ Biển Đông, và tham vọng chủ quyền đó đã giới hạn khả năng phóng chiếu quyền lực mềm của TQ trong khu vực.
Ta hãy xét đến việc TQ đang gọi tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông là "không thể tranh cãi". Phải chăng không có ai trong Bộ Ngoại giao TQ nhận ra sự lố bịch của lối mô tả này? Bất luận người ta có nghĩ gì về đường đứt đoạn chín khúc trên bản đồ TQ đi nữa, một điều không thể hoài nghi là, đường biên giới biển đó đang bị tranh cãi. Có bốn quốc gia trong khối ASEAN bác bỏ nó, đấy là chưa nói đến sự bất bình của nhiều nước khác.
Manila đưa ra đề nghị phải tách những phần của Biển Đông đang bị "tranh chấp" ra khỏi những vùng không bị tranh chấp. Có lẽ Bắc Kinh nghĩ rằng trong việc mô tả tuyên bố chủ quyền của mình trên hầu hết Biển Đông là "không thể tranh cãi", Bắc Kinh chỉ còn một việc là bảo vệ lập trường của mình mà thôi. Nhưng trong lãnh vực quyền lực mềm, nơi lời nói có giá trị quan trọng, việc TQ nhất quyết nhấn mạnh tính không thể tranh cãi sẽ làm suy yếu đòi hỏi của mình.
Sự bế tắc tại Phnom Penh có thể làm trì hoãn bộ qui tắc ứng xử Biển Đông. Nhưng nó cũng có thể thúc đẩy tinh thần bất khuất ít ra của một số nước ASEAN không chịu cúi đầu trước nước láng giềng khổng lồ, đồng thời tăng cường động lực của họ trong việc hợp tác một cách khôn ngoan với các nước ngoài khu vực, kể cả Mỹ, vì để bảo vệ nền độc lập quốc gia và của toàn khu vực. Trong khi đó, bốn nước ĐNÁ có tuyên bố chủ quyền phải đảm bảo rằng chính họ, vốn chịu một phần trách nhiệm trong vấn đề, sẽ có một phần trách nhiệm tìm ra giải pháp.
Donald K. Emmerson là chủ nhiệm Diễn đàn Đông Nam Á tại Đại học Stanford. Bài viết mới nhất của ông là "Southeast Asia: Minding the Gap between Democracy and Governance," Journal of Democracy (tháng Tư, 2012).
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét