Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 120702
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Hoa Kỳ làm gì khi đó? - Tranh luận về ngân sách....
* Thao dượt RIMPAC 2012 *
Hôm 25 vừa qua, tập đoàn CNOOC thông báo sẽ mở chín lô dầu ngoài Đông hải để mời thiên hạ cùng thăm dò và khai thác qua các liên doanh. Khu vực này trùm lên 160.000 cây số vuông mà Đông hải đây là biển Đông của Việt Nam, giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngay hôm sau, bốn tầu "hải giám" của Trung Quốc đã xuất hiện tại Trường Sa, để "sẵn sàng chiến đấu"....
Là một trong ba tập đoàn nhà nước về năng lượng, CNOOC ("Trung Quốc Hải dương Thạch du Tổng công ty"), là mũi nhọn chiêu dụ các tổ hợp quốc tế nhằm hợp thức hóa việc Bắc Kinh đòi chủ quyền trong cái lưỡi bò chín đoạn của họ. Nhưng là mũi nhọn có cán sắt của bộ máy Hải quân.
Ở đằng sau, những tướng lãnh cực đoan nhất đang công khai đả kích tâm lý "phòng thủ bạc nhược" khiến Trung Quốc khó bành trướng về quân sự, chiến lược và kinh tế. Đề đốc Trương Triệu Trung còn khẳng định rằng xứ sở có cả triệu kẻ bội phản, những viên chức được đào tạo tại các Đại học Anh-Mỹ và nay đưa ra những chủ trương hiếu hòa với quốc tế.
Phiên dịch cho dễ hiểu mà đáng ngán là Trung Quốc "không chủ trương bá quyền", nhưng có quyền bành trướng chính đáng - và không chấp nhận một trở lực nào ở bên trong hay bên ngoài. Vì vậy mới có nước cờ đưa pháo sang sông.
Biến cố dồn dập ấy xảy ra sau 1) vụ chạm trán với Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough – Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham và nhận là của mình – và 2) việc Việt Nam vừa cho Quốc hội thông qua Luật biển hôm 21 và đôi bên lập tức đấu khẩu.
***
Từ cả chục năm nay, CNOOC dùng thuật liên doanh - lần đầu với Crestone Energy của Mỹ năm 1992 - để học nghề khai thác dầu khí ngoài khơi, rồi dần dần chiếm thế thượng phong trên hai đối thủ lẹt đẹt phía sau là Việt Nam và Philippines. Ngày nay, đã có tay nghề lại có tiền bạc, CNOOC phất cờ tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Tổ hợp quốc tế nào mà vì lòng tham cùng ký hợp đồng khai thác thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực được Hải quân Bắc Kinh kiểm soát và bảo vệ.
Trong khi ấy, lãnh đạo xứ này lại đang lúng túng với vụ chuyển quyền sau Đại hội 18 sắp tới.
Phe "Thái thượng hoàng" của lão đồng chí Giang Trạch Dân muốn cài thêm vây cánh trong thế hệ lãnh đạo thứ năm. Thế hệ thứ tư là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì muốn có người nối tiếp sự nghiệp 10 năm lãnh đạo của mình và giảm thiểu ảnh hưởng của người kế vị là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình - thuộc "Thái tử đảng", cũng gần gũi với nguyên Chủ tịch họ Giang.
Nơi mà cả ba tay Giang Hồ Tập cùng đấu trí là Trung ương Quân ủy hội, hai cơ chế lãnh đạo quân đội của đảng và của nhà nước, có cùng tên và cùng thành phần nhân sự 12 người, trong đó có 10 tướng lãnh. Sau khi hết làm Chủ tịch/Tổng bí thư, Giang Trạch Dân vẫn cầm đầu Quân ủy thêm hai năm. Hồ Cẩm Đào cũng tính vậy làm Tập Cận Bình phải chờ thêm hai năm mới lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội. Vì vậy, cả ba đều tranh thủ hậu thuẫn của các tướng. Thừa cơ hội để tác động vào dư luận và đả kích các đối thủ là những ngôi sao diều hâu nhất, như La Viện, Hàn Húc Đông, Trương Triệu Trung hay Lưu Nguyên.
Chúng ta có cùng lúc sự chuyển động kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh tại một khu vực chiến lược của toàn cầu. Khi Bắc Kinh đưa pháo sang sông, phía sau thì om xòm thanh la não bạt, Hoa Kỳ làm gì?
***
Dụng lễ thì có Đô đốc Samuel Locklear III, Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương từ Tháng Tư.
Là viên tướng Mỹ cao cấp nhất đã đến Bắc Kinh kể từ bốn năm nay, ông kết thúc bốn ngày thăm viếng vào Thứ Sáu vừa qua với một thông điệp hòa hoãn: Hoa Kỳ không muốn ngăn chặn mà muốn hợp tác với Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh chẳng nên e ngại.
Nhưng làm sao Bắc Kinh không giật mình khi hôm đó lại khai mở cuộc Tổng diễn tập RIMPAC của Vòng cung Thái bình dương tại Hawaii, với sự tham dự của 22 quốc gia Âu-Á-Úc và Trung Nam Mỹ, kể cả Liên bang Nga, lần đầu tiên tham dự. Đây là sáng kiến của Hoa Kỳ từ năm 1971. Hai năm một lần lại tập dượt để ngăn ngừa xung đột, cứu trợ nạn nhân ngoài biển, và cứ vậy mà mở ra cho nhiều quốc gia khác cùng tham gia - từ năm nước ban đầu tới 22 nước ngày nay.
Trong số này, và đến cuộc tập dượt thứ 23 vào tuần qua, vẫn không có Trung Quốc!
Đã thế, mùng hai Tháng Sáu, Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta đọc tham luận trước diễn đàn Đối thoại Sangri-La do viện IISS tổ chức tại Singapore với mấy điểm nhấn: Hoa Kỳ đã, đang và còn là cường quốc Á Châu, để duy trì sự ổn định và quyền tự do giao lưu trên Thái bình dương. Trong mục tiêu đó, từ nay đến 2012, Hoa Kỳ sẽ đưa 60% hải đội qua Thái bình dương, kể cả sáu trong số 11 hàng không mẫu hạm của mình.
Vì nhu cầu giảm chi khi bị thiếu hụt ngân sách và vay mượn quá nhiều, ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ bị Quốc hội cắt 487 tỷ đô la trong 10 năm tới. Nhưng, theo ông Panetta, đấy cũng là cơ hội biến phẩm thành lượng, là cải tiến bộ máy quân sự cho gọn, nhẹ, linh động và hiện đại hơn. Có tin được không?
***
Ta hãy lùi lại để nhìn vào cả bàn cờ.
Thế giới toàn cầu hóa ngày nay có 90% hàng hóa chuyển dịch giữa các lục địa bằng đường biển. Trong số này, phân nửa về trọng lượng và một phần ba về trị giá là phẩm vật giữa Ấn Độ dương và Thái bình dương, từ Nhật Bản xuống Úc châu. Vùng biển này là nơi sinh hoạt của 40% dân số địa cầu, gần ba tỷ người, và có vị trí chiến lược nhất thế giới qua các yết hầu như Eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Đây cũng là nơi hàng năm chuyển vận đến 1.200 tỷ đô la của ngoại thương Hoa Kỳ.
Vì vậy, khu vực này là nơi mà tính toán về địa dư chính trị của Trung Quốc lại đe đọa yêu cầu toàn cầu hóa và tự do lưu thông của Hoa Kỳ và các nước.
Hoa Kỳ chủ trương bảo vệ quyền tự do chuyển vận trên mọi dòng hải lưu cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc, mà Bắc Kinh không tin, đôi khi chẳng sợ. Vì thế, không chỉ chủ trương, Hoa Kỳ cần chứng minh khả năng đó. Tại vùng biển Đông Nam Á mà Trung Quốc coi là vùng trái độn quân sự và thuộc quyền khai thác của mình, các nước đều chờ xem Hoa Kỳ có khả tín, đáng tin hay không.
Vì trước khi nói cứng tại Singapore, cũng ông Panetta lại cảnh báo ở nhà, rằng yêu cầu giảm chi ngân sách sẽ làm suy yếu khả năng quân sự của Hoa Kỳ, và gây vấn đề cho an ninh thế giới. Ông ta không thuộc đảng Cộng Hoà hoặc là tay lái súng chủ chiến như cánh tả vẫn hay lèm bèm! Nhưng ông cũng biết rằng nói về bảo vệ đại dương, thì số chiến hạm khả dụng của Mỹ hiện chỉ có 250 đơn vị, 60% của số này là 150. Chỉ bằng 25% sức mạnh hải quân Hoa Kỳ trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc vì Liên Xô tuột xích chìm lỉm. Với Trung Quốc hung hăng như vậy, liệu chiến tranh lạnh có tái diễn không?
Đâm ra cuộc tranh luận về ngân sách tại Mỹ có thể chi phối cách ứng xử của các nước.
Khó tin vào lá chắn Hoa Kỳ, chi bằng ta hợp tác với Bắc Kinh và xin mẩu bánh của CNOOC. Nếu không tranh chấp về chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, các nước có thể tính vậy cho an toàn, như tuần qua Thái Lan đã trì hoãn trả lời khiến cơ quan NASA của Mỹ phải bỏ dự án sử dụng lại căn cứ không quân U-Tapao. Nếu có tranh chấp, nhiều nước cũng nghĩ lại và trở về giải pháp đàm phán ngoại giao, hoặc tỏ thiện chí là cấm dân chúng biểu tình chống Trung Quốc!
Nghĩa là mặt trái của ngân sách Mỹ bất ngờ thấm sang đối sách ngoại giao của các nước! Có nên đứng cùng nước Tề trù phú mà đang suy yếu ngoài biển, hay ngả theo cường Tần ở bên trong? Cứ như cuộc cờ thời Chiến Quốc vậy!
Khi các con diều hâu đầy lon lá tại Bắc Kinh đòi mở cờ gióng trống xuống biển Đông, họ bất ngờ góp tiếng vào cuộc tranh luận về chi thu của Mỹ, giữa mùa tranh cử. Ai bẫy ai trên bàn cờ này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét