Trong mấy năm gần đây, tôi đã viết đến 50 bài liên quan đến chủ đề Xã hội Dân sự. Trong bài viết gần đây nhất là vào cuối tháng Ba 2012, nhân dịp ngày Giỗ Đầu của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, tôi đã lấy nhan đề là: "Nguyễn Đức Quang và tính Năng động của Xã hội Dân sự Việt nam". Nay thì tôi muốn khai triển thêm về khía cạnh Sáng tạo trong khu vực Xã hội Dân sự hiện nay trong thời đại Internet trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Như ta đã biết sự tiến bộ trong xã hội con người thì đều phát xuất từ những cố gắng sáng tạo không ngừng của các thành viên họat động trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật, tổ chức công quyền, quản lý điều hành, văn học nghệ thuật, tư tưởng học thuật v.v… Nói chung, thì giới chỉ huy lãnh đạo trong bất kỳ cơ sở chính trị kinh tế hay văn hóa xã hội nào cũng đều tìm cách phát huy sáng kiến nhằm cải tiến nâng cao năng xuất phục vụ xã hội trong phạm vi trách nhiệm của đơn vị cơ hữu của mình.
Nhưng trong khu vực chính quyền Nhà nước (the State), thì người làm chính trị thường bị hạn chế trong tầm họat động của mình, do những nhóm quyền lực từ mọi phía làm áp lực thế này thế nọ khiến cản trở việc thực thi chương trình ích quốc lợi dân của mình. Và cả trong lãnh vực Kinh doanh về kinh tế cũng như thương mại (the Marketplace), thì giới doanh nghiệp nhiều khi cũng sử dụng những thủ đọan cạnh tranh thiếu lành mạnh nhằm đạt mục tiêu lợi nhuận riêng cho tập đòan của mình, mà bất chấp đến những thiệt hại gây ra cho nhân quần xã hội.
Mà chỉ trong khu vực Xã hội Dân sự (XHDS = the Civil Society) gồm những tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi (non-governmental, non-profit organisations), ta mới dễ có điều kiện để phát huy sáng kiến phục vụ xã hội của mình hơn là trong hai khu vực Nhà nước và khu vực Kinh doanh như vừa nói ở trên. Và trong mấy chục năm gần đây, XHDS càng ngày càng thêm tích cực mạnh dạn hơn nữa trong vai trò làm "Đối trọng đối với chính quyền Nhà nước" (Counterbalance) – nhằm bảo vệ sự Công bằng Xã hội và Phẩm Giá cùng Quyền Con Người của mỗi cá nhân người công dân – để thực hiện cái quyền lực của Nhân dân trong tư thế "Kiểm sóat và Quân bình" (Checks and Balance) đối với cơ quan Nhà nước.
Tôi xin trưng dẫn một số sự kiện thực tế vừa xảy ra gần đây – để minh họa cho chiều hướng lạc quan và tiến bộ này của XHDS.
1 – Trường hợp giải thóat của Luật sư Trần Quang Thành vừa từ Trung quốc đến Mỹ
Ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) bị mù mắt từ nhỏ, nhưng đã có ý chí vươn lên bằng cách miệt mài trau dồi kiến thức về luật pháp và đã có khả năng hành nghề luật sư để bênh vực những nạn nhân của sự áp bức từ nhân viên chính quyền Trung quốc, cụ thể là giúp việc khiếu kiện tập thể (class action) cho hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai. Vì thế mà ông bị tù đày và bị canh giữ nghiêm ngặt tại địa phương tỉnh Sơn Đông.
Nhưng nhờ có sự yểm trợ rất nhiệt thành của các tín đồ Thiên chúa giáo, cụ thể là tổ chức ChinaAid do ông Bob Fu làm Giám đốc, ông Thành đã vượt thóat được sự kiềm chế này và đến được thủ đô Bắc Kinh, rồi từ đó mà liên lạc trực tiếp được với giới chức trong Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington. Nhờ vậy, mà chính phủ Mỹ đã ra tay hành động để giải thóat ông Thành khỏi sự kềm kẹp của chính quyền Trung quốc.
Nhưng cũng vì thế mà có sự căng thẳng về ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, vì Trung Quốc tố cáo rằng Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của mình. Trước sự bế tắc căng thẳng chính trị đó, thì may mắn làm sao, một số nhân vật trong tổ chức nhân quyền Human Rights Watch – như Sophie Richardson, Dinah Pokempner đã liên hệ với Đại học New York để xin cấp học bổng cho Luật sư Thành qua Mỹ học bổ túc về luật theo hệ chính quy, vì trước đây ông Thành chỉ có thể mày mò tự học, nên chưa được đào tạo đúng theo tiêu chuẩn chuyên môn của ngành luật pháp. Và cuối cùng, như ta đã biết vào cuối tháng Năm 2012 vừa qua, ông Thành đã được nhà cầm quyền Bắc Kinh chấp thuận cho xuất ngọai đến nước Mỹ để theo học về luật tại Đại học New York.
Cái mưu trí sáng kiến và tinh thần năng nổ tích cực của tổ chức ChinaAid cũng như của Human Rights Watch trong trường hợp này đã giúp "Giữ Thể diện" (face saving) cho chính quyền Trung Quốc – và nhờ đó cũng làm dịu bớt được sự căng thẳng đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh vậy.
2 – Từ sự nổi giận của giáo sư Peter Drucker đến chiến dịch "Occupy Wall Street"
Giáo sư Peter Drucker (1909 – 2005) là một vị Đại sư nổi danh khắp thế giới, ông chuyên giảng dậy tại nhiều đại học ở Mỹ và viết sách về môn Quản trị kinh doanh trong hơn nửa thế kỷ. Ông còn được mời làm cố vấn cho nhiều đại công ty trên thế giới cũng như cho nhiều cơ quan Nhà nước của Mỹ và Canada.
Nhưng khi ông khám phá ra chuyện có nhiều giám đốc công ty đã tham lam làm giàu một cách bất chính – đến độ có thu nhập gấp mấy trăm lần so với lợi tức trung bình của người công nhân, thì giáo sư đã rất phẫn nộ giận dữ. Ông tuyên bố: "Đó là điều không thể tha thứ được về mặt luân lý cũng như về mặt xã hội – và chúng ta sẽ phải trả một cái giá nặng nề cho tình trạng đó" (nguyên văn tiếng Anh: "This is morally and socially unforgivable, and we will pay a heavy burden for it!"
Và sau đó, ông đã chấm dứt việc làm cố vấn cho các đại công ty, mặc dầu ông được họ trả lương rất hậu hĩ. Thay vào đó, giáo sư Drucker đã dồn hết tâm sức vào việc cố vấn hướng dẫn cho các tổ chức thiện nguyện nhân đạo như Hội Nữ Hướng Đạo, tổ chức Salvation Army, Nhà thờ Saddleback Valley Church của mục sư Rick Warren v.v… Ông hòan tòan tự nguyện giúp cho các tổ chức bất vụ lợi này, mà không hề nhận lại bất kỳ một sự đãi ngộ hay thù lao nào.
Rồi gần đây, giới trẻ ở Mỹ đã phát động một chiến dịch lấy tên là "Occupy Wall Street" (Chiếm đóng Wall Street) nhằm lên tiếng cảnh cáo giới tài phiệt chuyên môn khai thác làm giàu bất chính đến nỗi gây ra cuộc khủng hỏang kinh tế tài chánh từ mấy năm nay. Phong trào này đã lan rộng ra nhiều thành phố trên nước Mỹ cũng như tại nhiều nước khác. Tuần vừa qua, khi viếng thăm New York, tôi có hỏi anh bạn Dick Hughes về chuyện "Occupy Wall Street bây giờ ra sao rồi?" Dick trả lời tôi rằng: Cái chính là phong trào này đã gửi ra một thông điệp thật rõ ràng như thế này: "Giới tài phiệt của quý vị chỉ có 1% dân số thôi. Còn quần chúng nhân dân chúng tôi chiếm đa số tuyệt đối là 99% đấy. Như vậy, thì quý vị phải biết liệu cách mà đối xử, không thể nào mà cứ tung hòanh bừa bãi, tham lam làm giàu bất chính mãi được nữa…"
Phong trào Occupy Wall Street này làm tôi nhớ lại lời tuyên bố của Thánh Gandhi ở Ấn Độ đã nói thật dứt khóat rằng : "There is enough for everyone's need, but there is never enough for everyone's greed " – Xin tạm dịch là: "Xã hội có thể cung ứng đủ cho nhu cầu của mọi người, nhưng không bao giờ lại đủ cho sự tham lam của mọi người đâu!"
Tại nước Pháp gần đây, người ta đổ xô nhau đi mua một cuốn sách nhỏ của tác giả Stéphane Hessel có nhan đề là "Indignez-vous" – "Các bạn hãy giận dữ" trước những bất công tệ nạn của xã hội. Và từ đó mà dấn thân nhập cuộc góp phần vào công việc cải thiện xã hội.
Cũng như ở Việt Nam, trước tình hình "Giả dối lên ngôi, đạo đức suy đồi" hiện nay, thì người sĩ phu quân tử không thể nào mà lại có thể giữ mãi cái thái độ của kẻ bàng quang, dửng dưng vô cảm, vô trách nhiệm – để "mặc kệ nó" (mackeno) bất kể đất nước xấu xa tệ hại ra sao.
3 – Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Harrisonburg, tiểu bang Virginia (Harrisonburg Summit)
Harrisonburg là một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Virginia, cách xa thủ đô Washington DC chừng 100 miles về phía Tây Nam, trong khu thung lũng Shenandoah Valley, sát với tiểu bang West Virginia. Dân số chừng 45,000 người, thì có đến 20,000 là sinh viên và giáo chức thuộc hai Đại học James Madison University (JMU) và Eastern Mennonite University (EMU).
Bắt đầu từ năm 2009, chính quyền thành phố do thị trưởng Kai Degner lãnh đạo đã có sáng kiến tổ chức hàng lọat các Hội nghị Thượng đỉnh gọi là Harrisonburg Summits nhằm quy tụ đại diện các cơ sở và tổ chức tư nhân ở địa phương cùng ngồi lại với nhau để bàn thảo về phương hướng phát triển của địa phương. Là một người có dịp đến tham dự từ phiên họp ban đầu với bà con tại Harrisonburg, tôi xin ghi ra một cách tóm lược về lọai summit này, đại để như sau:
Hội nghị đầu tiên đã diễn ra vào ngày 30 tháng Năm 2009 với chừng 150 tham dự viên trong khuôn viên Nhà thờ First Presbyterian Church ở khu trung tâm thành phố. Trong số thành phần tham dự, có đại diện của chừng 60 tổ chức cơ sở tại địa phương – mà điển hình là Nhà thờ First Bresbyterian, các Đại học JMU, EMU, Bridgewater College, các tổ chức the Rockingham Memorial Hospital, the Sierra Club Virginia Shenandoah Group, the Climate Action Alliance of the Valley, the Harrisonburg City Democratic Committee…
Các đề tài được bàn thảo trong vòng gần 4 giờ, lần lượt theo từng nhóm nhỏ và được đúc kết trong phiên họp khóang đại vào lúc xế chiều trong ngày. Cụ thể, ta có thể ghi ra mấy chủ đề đáng chú ý như sau: "Green Jobs & Economic Stimulus", "Energy, Coal, Nuclear and Alternatives", "Insulating Homes (Especially of low-income families", "Plan for City to Decrease Carbon Footprint", JMU/Local government Cooperation"…
Vào ngày 21 tháng Chín 2010, một Hội nghị khác đã diễn ra lấy tên là "Harrisonburg Student-Citizen Summit" quy tụ đại diện các cơ sở giáo dục như JMU, EMU, Blue Ridge Community College, Bridgewater College, National College etc…
Mọi thông tin liên hệ đến các sinh họat của Harrisonburg Summits này đều được phổ biến rộng rãi trên Internet nơi website dưới đây, mà các cư dân ở địa phương cũng như các bạn đọc khắp nơi đều có thể tham khảo một cách dễ dàng : www.harrisonburgsummits.com".
4 – Để tóm tắt lại:
Đến đây tôi xin tóm lược lại với vài ghi chú vắn tắt sau đây:
A/ Với loại công tác từ thiện nhân đạo truyền thống, thì XHDS đóng vai trò làm Đối tác với chính quyền Nhà nước (Counterpart), điển hình như họat động của Hội Hồng Thập Tự, Cơ quan Bác ái (Charities)…
Nhưng với lọai công việc nhằm bảo vệ sự Công bằng Xã hội, Nhân phẩm, Nhân quyền…, thì XHDS lại đóng vai trò làm Đối trọng đối với chính quyền Nhà nước (Counterbalance). Vai trò này khá tế nhị, khó khăn phức tạp – nhất là khi phải đối đầu với một chính quyền độc tài ngoan cố và thâm độc tàn bạo như chính quyền cộng sản ở các quốc gia Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam hiện nay. Vì thế, mà XHDS cần phải khai triển một sách lược khôn ngoan, kiên trì nhằm đạt tới những thắng lợi dứt khóat cho công cuộc xây dựng một xã hội tiến bộ, nhân ái và hài hòa.
B/ Như đã có dịp trình bày trong bài "Suy nghĩ về sự Thách đố của thế hệ chúng ta" được phổ biến vào đầu năm 2012 mới đây, tôi xin ghi lại sự lạc quan phấn khởi của mình trước sự nhập cuộc tranh đấu của những người còn rất trẻ hiện nay ở quốc nội – mà tiêu biểu là những nữ nhi xuất sắc như Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Hùynh Thục Vy, là những trang nam nhi hào kiệt như Việt Khang, Hùynh Ngọc Hiếu, Đòan Huy Chương… Tuy vẫn còn là một thiểu số chưa đông đảo lắm, nhưng rõ rệt họ đều đã biểu lộ những tính chất cao quý của giới sĩ phu quân tử trong truyền thống ngàn xưa của dân tộc chúng ta – đó là những tính chất được gói ghém trong có 3 chữ: Nhân, Trí và Dũng. Và trong tiếng Anh, tôi gọi đây là: "The 3C Minority – Compassionate, Creative & Courageous".
Và chính những người trẻ tuyệt vời như thế đang là những nhân vật tiêu biểu sáng ngời trong khu vực Xã hội Dân sự của Việt nam chúng ta hiện nay vào đầu thế kỷ XXI. Mà vì muốn nhấn mạnh đến tính chất sáng tạo phong phú của họ trong hành động tranh đấu kiên trì cho sự Vẹn tòan Lãnh thổ, cho Phẩm giá và Quyền Con người, nên tôi đã lấy nhan đề của bài viết này là: "Xã hội Dân sự, đó chính là sự Sáng tạo" vậy. (The Civil Society, it's precisely Innovation, it's Creativity).
Costa Mesa, ngày đầu tháng Bảy năm 2012
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét