Lời người dịch: Cách đây 10 ngày Dân Luận đăng lại bài của tác giả Nguyễn Hải Hoành nói về xã hội công dân Trung Quốc trên Tạp chí Tia Sáng. Theo tác giả, sau Đại hội lần thứ XVII của ĐCSTQ, "lần đầu tiên (Đảng) chính thức nêu ra yêu cầu phải tăng cường xây dựng các tổ chức xã hội… Công dân tích cực tham gia chính trị là cơ bản thực hiện dân chủ… Tham gia một cách có trật tự của công dân là mục đích của Đảng". Nói tóm lại, Xã hội dân sự đang thành hình ở Trung Quốc, được ĐCSTQ phong là xã hội công dân "do Nhà nước lập ra và chỉ đạo", có thể được coi là Xã hội dân sự theo đúng nghĩa của nó không? Đó cũng là nỗi băn khoăn của một số người đối với Phong trào Con đường Việt Nam. Nói vậy, không có nghĩa là dưới chế độ cộng sản như ở Trung Quốc, không có những tổ chức bột phát tạo nền móng cho một xã hội dân sự thật sự. Những người theo đạo Phản thệ ở Trung Quốc đã chứng minh là điều đó có thể được. Phong trào Con đường Việt Nam, nếu muốn chứng tỏ không phải được phát khởi từ một "gợi ý" của ban Tuyên giáo, cũng có thể phỏng theo những người Phản thệ Trung Quốc, hoạt động như một tổ chức dân sự, hợp nhất với những tổ chức "ngoài luồng", Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Tin Lành… trong đấu tranh đòi hỏi dân quyền, dân chủ, và phải từ khước quyền được "tham gia chính trị" để khỏi trở thành một thứ Mặt trận Tổ quốc "đổi mới".
Bắc Kinh: Trong một bài viết nổi tiếng của Marx về tôn giáo, người ta chỉ nhớ độc một câu: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Tôn giáo là ảo tưởng, là tha hóa. Không ai nhắc lại là, cũng ngay dòng trên cùng bài, nhà triết học đột phá người Đức này đã đưa ra nhận xét "tôn giáo là tiếng thở than của con người bị áp bức, là linh hồn của một thế giới không tim và cũng là tinh thần thay thế tinh thần đã bị những bó buộc xã hội loại trừ". Người Ki Tô giáo Trung Quốc sẵn sàng lấy lại từng chữ một trong câu nói này của K. Marx để áp dụng cho mình. Ngày nay ở Trung Quốc, những người theo Ki Tô giáo tất nhiên là vì có đức tin, nhưng cũng vì muốn dấn thân – theo nghĩa mạnh nhất của từ ngữ -, như đã được chúng minh qua những chuyện mới đây. Người Ki Tô giáo Trung Quốc là những người đứng hàng đầu trong xã hội dân sự, tranh đấu để làm tiến triển Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân vị.
Chuyện đầu tiên là vụ Trần Quang Thành đã làm lung lay mối quan hệ Mỹ – Trung: chuyện đã biến chuyển một cách ngoạn mục khi người luật sư khiếm thị này đã từ trên giường bệnh của một nhà thương ở Bắc Kinh, điện thoại thẳng đến Nghị viện Mỹ. Ở Washington bên kia đầu giây, một người cầm điện thoại di động đứng trước micro dịch những lời nói cho các nghị sĩ Hoa Kỳ nghe. Người thông dịch này tên là Bob Fu, một người Mỹ gốc Hoa đã trốn qua Hoa Kỳ năm 1990. Người này theo Ki Tô giáo, thuộc tổ chức Cứu trợ Trung Quốc có trụ sở ở Texas, đã từ lâu tham gia những hoạt động hỗ trợ các giáo hội "nằm dưới đất" Trung Quốc. "Trần Quang Thành không phải là người Ki Tô giáo, nhưng chúng tôi, người Ki Tô giáo Trung Quốc, cầu cho tất cả những ai muốn tìm sự thật", ông Zhang Mingxuan, một mục sư ở tỉnh Hồ Nam nói như vậy. Nghĩa cử mà ông bênh vực – tranh đấu chống cưỡng bách phá thai trong chính sách một con – đã gây một tiếng vang lớn trong giới Ki Tô giáo, nhất là ở Hoa Kỳ.
Cái chết khả nghi
Sở dĩ Trần Quang Thành được báo chí nói đến và trốn thoát một cách huyễn hoặc trước mũi của cả chục người vệ binh bao vây làng ông ở tỉnh Sơn Đông, là nhờ sự giúp đỡ của cả một mạng lưới những người Ki Tô giáo cốt cán. He Peirong bí danh "hạt ngọc" người phụ nữ trẻ hăng say, can đảm đã đem xe đến sát ven làng tù túng của Trần Quang Thành, bốc được Trần Quang Thành đem về Bắc Kinh, cũng là một người theo Ki Tô giáo tuy biết là họ Trần không tin đạo. Trần cũng tâm sự là anh chả theo đạo nào cả, nhưng chắc chắn là "có Trời giúp" khi, mặc dù bị tàn tật, đã vượt được bức tường và mọi chướng ngại vật, trốn thoát. "Tôi không theo đạo nào cả nhưng tôi tin là sức mạnh của Trời đã giúp tôi", Trần tuyên bố như vậy.
Cách đây 4 ngày, lại cũng vẫn những tổ chức Ki Tô giáo ở Hồng Kông đã dẫn đầu một cuộc biểu tình khổng lồ để đòi Bắc Kinh phải trả lời về cái chết khả nghi của Lý Vương Dương trong phòng một bệnh viện ở tỉnh Hồ Nam. Ông Lý là một nhân vật có tầm vóc lịch sử trong số những người li khai: bị ở tù 21 năm sau vụ Thiên An Môn, mới được thả ra năm ngoái khi đã 62 tuổi, mắt bị đui tai bị điếc. Người ta nói ông này tự treo cổ tự tử. Có cái lạ là những người thân cận thấy ông treo cổ chết mà chân vẫn chấm đất!
Đảng không còn lí tưởng mà chỉ là bộ máy điều hành
Như Trần Quang Thành, Đảng cũng tin là có Trời, nhưng là Trời của những người phục tòng Đảng ở dưới thế: Trời được khoanh tròn trong 5 tôn giáo được Đảng chính thức công nhận dưới sự chủ trì của một tổ chức Nhà nước và được điều khiển bởi các cấp cao của Đảng. Đối với Đảng vấn đề tôn giáo thật ra chỉ là vấn đề kiểm sát xã hội. Trong số các tôn giáo, Ki Tô giáo, vì có âm hưởng "Tây phương", hay ít nhất là có âm hưởng ngoại nhập, đặc biệt có một chỗ riêng trong màn Radar của các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Chuyện này không phải mới mẻ gì. Cựu giáo sư luật học Vương Nghi nhắc lại là từ 200 năm cho đến nay, vì óc độc lập, những người Ki Tô giáo vẫn bị "mọi chính phủ nghi ngờ" dưới bất cứ thời đại nào, đế chế, cộng hòa hay cộng sản. Không đạo nào có thể ở trên Thiên tử. Thiên tử tự cho mình quyền chỉ định đạo nào là chính thống và chỉ định ai là những giáo trưởng. "từ một thế kỷ nay, Trung Quốc cố gắng để trở thành một quốc gia hùng mạnh và thống nhất. Cái đòi hỏi này nằm trên mọi quyền cá nhân. Từ 1949, hiện tượng này còn được chế độ cộng sản khuếch đại hơn", một mục sư ờ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên nói như vậy. Ông này là một tai mắt trong cộng đồng Ki Tô giáo, được George Bush tiếp ở Nhà Trắng năm 2006. Ông nói tiếp, Ki Tô giáo trái ngược lại, cổ vũ cho sự nẩy nở cá nhân.
Số người Ki Tô giáo hiện nay ở Trung Quốc chiếm ít nhất là 5% dân số. Theo thống kê chính thức, người theo đạo Công giáo là là 5,7 triệu người, nhưng người ta ước lượng ít nhất là 12 triệu người. Phía những người theo đạo Phản thệ, theo thống kê chính thức là 12 triệu, nhưng ít nhất là 35-40 triệu (có người còn nói là từ 70 đến 90 triệu người). Có điều chắc chắn là cộng đồng phản thệ tăng nhanh hơn hàng ngũ Công giáo rất nhiều. Theo Anthony Lam, nghiên cứu viên ở Holy Spirit Study Center Hongkong, "Những người theo đạo Phản thệ tổ chức từng mạng lưới gồm những nhóm nhỏ 30 – 40 người, rất thích hợp với xã hội Trung Quốc hiện giờ. Những người này rất năng động và gắn bó với đời sống hàng ngày trong làng xã hay trong khu phố những thành phố lớn". Trong thực tế, những cộng đồng Ki Tô giáo này biết ứng đáp với những mong đợi của người dân trong khi những cán bộ địa phương của Đảng mỗi ngày một xa rời họ, những lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tự thổ lộ như vậy.
Người Ki Tô giáo có thể làm đảo lộn xã hội? Mới đây giáo sư Fenggang Yang trường đại học Purdue, nói với tạp chí Here and Now là sau thảm kịch Thiên An Môn, rất nhiều người đấu tranh tư tưởng và nhiều người trí thức quay về với đức tin Ki Tô giáo. "Những người này thấy là Đảng không đem lại cái họ muốn tìm nên họ phải kiếm cái để thay thế. Đối với rất nhiều người trẻ, Ki Tô giáo là cái để thay thế." Ông cũng là người đã trở lại Ki Tô giáo khi qua được Hoa Kỳ…" Sau Thiên An Môn, tôi là kẻ "vô gia cư" về phương diện tinh thần, thời kỳ đó cũng rất đau đớn cho tôi. Tôi thấy cần có một mái nhà tinh thần, và sau khi kiếm tìm trong các đạo truyền thống, tôi thấy Ki Tô giáo có nhiều ý nghĩa nhất cho tôi."
Cô quạnh về tinh thần
Sự cô quạnh về tinh thần từ sau biến cố Thiên An Môn (vừa mới kỷ niệm năm thứ 23), vẫn là nỗi lo sợ cho nhiều người Trung Quốc, mặc dù bản chất của sự trống rỗng này có chút thay đổi. Mục sư Chan Kim-Kwong, từ Hồng Kông thường xuyên theo dõi hiện tình các cộng đồng Phản thệ trên lục địa, giảng giải: "Hiện nay Đảng không còn lý tưởng mà chỉ là một bộ máy điều hành. Đảng tạo cho nhiều người cơ hội làm giầu nhưng không tạo ra những ý nghĩa và những giá trị. Xã hội cũng thay đổi rất nhiều. Từ mô hình xã hội cộng sản bình đẳng, mọi người bị đẩy đến một xã hội phức tạp, nhiều tầng lớp, có quá nhiều bất bình đẳng, trong đó không còn có những giá trị xã hội rõ ràng để giúp mọi người trong cách cư xử." Theo ông, nhờ có đức tin những người "mất phương hướng " này tự quản lí được những bất chắc về tương lai.
Cũng không có nghĩa là đoạn đường đi của những người Ki Tô giáo Trung Quốc đã bị chính trị hóa. Một giáo sư đại học ẩn danh nói: "Người Ki Tô giáo Trung Quốc rất ít để ý về chính trị, nhưng khi quyền cá nhân của họ, quyền thực thi đức tin hay quyền được sống có phẩm cách bị xâm phạm, thì họ sẵn sàng tranh đấu." Người Ki Tô giáo vì vậy mà luôn luôn là ngọn giáo của xã hội dân sự. Trong số những luật sư dấn thân trong địa hạt bảo vệ quyền dân sự có rất nhiều người Ki Tô giáo. Mục sư Wang Yi cũng khẳng định: "Từ vụ Thiên An Môn, xã hội không có định hướng rõ ràng. Hiện nay nhiều người trí thức nhắc nhở một cách mơ hồ dân chủ, dân quyền, mà không biết làm thế nào đi xa hơn được. Người Ki Tô giáo thực thi nó bằng cách cho mỗi "cộng đồng tại gia" của mình quyền được tự do biểu lộ, tự do hội họp, tự do xuất bản, dù chỉ giữa họ với nhau." Những người này được sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính của những mạng lưới quốc tế đầy thế lực.
Mục sư Wang Yi tin chắc rằng những người Ki Tô giáo là những người "tiên khởi, chỉ cho xứ sở thấy một mô hình bất phụ thuộc" Và nhờ vậy những người này "sẽ có ảnh hưởng rất lớn trên xã hội Trung Quốc tương lai". Những cộng đồng Ki Tô giáo không chịu sự giám hộ của Nhà nước đi theo con đường này, sẽ phải trải qua những giai đoạn bị đàn áp mỗi ngày một mạnh như đã xẩy ra trong mấy tháng vừa rồi. Nhưng mục sư Zhang Mingxuan quả quyết không hề sợ. Ông nói "Tôi không hận thù gì chính phủ, tôi cầu cho họ." Ông không biết là chính quyền chả cần ông cầu khẩn cho họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét