An Thanh - VRNs (06.08.2012) – Sài Gòn – Có khoảng 50 công an, an ninh, mật vụ tìm cách ngăn chặn không cho bất kỳ ai vào chùa Liên Trì, nằm trên đường Lương Định Của, phường An Khánh, quận 2, Sài Gòn. Nhưng cũng có 50 người bằng mọi cách vào được trong chùa để dự lễ thành đạo của Quan Thế Âm Bồ Tát (theo Kinh Đại Thừa, ngày 19.06 Âm lịch hàng năm là ngày thành đạo).
Công an, an ninh, mật vụ là con gì?
Dự đoán trước sẽ có những ngăn trở đến chùa Liên Trì, nên cha Giuse Đinh Hữu Thoại và chúng tôi quyết định đi sớm. Khi qua cầu Ông Cậy, cách tu viện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm khoảng hơn 100 mét, chúng tôi thấy một nhóm công an mặc sắc phục cùng an ninh mặc thường phục đang người ngồi kẻ đứng ngắm nhìm sông Bạch Đằng, mà không để ý đến chúng tôi.
Xe chúng tôi vào chùa chưa đầy năm phút thì có khoảng trên dưới 20 người bước vào sân chùa với thái độ khác những người đi cúng dường hay đảnh lễ. Họ chú ý cha Thoại và chúng tôi chụp những tấm hình quanh khu vực sân chùa.
Trước chùa là quán cá phê có những người an ninh đang ngồi bên đó, bên phải của chùa là một xe múc đang nổ máy và đập ầm ầm. Lúc đầu tôi cứ tưởng hôm nay, gia đình bên cạnh chùa phải giải toả, nhưng sau này tôi được các thầy cho biết, căn nhà đó đã được đập từ lâu. Hôm nay họ mang xe đến để phá vách nhà đang che sân sau của chùa. Chỉ có một cột trụ bê tông, nếu ở nhà chúng tôi có thể dùng búa tạ đập ra lấy sắt dễ dàng, nhưng họ lại dùng cả chiếc xe cơ giới to chỉ để đập cột bê tông của một căn nhà cấp bốn.
Một người có kinh nghiệm xây dựng cho biết, họ đập ra như vậy để lấy sắt bán, với lượng sắt đó, bán chỉ trên dưới một trăm ngàn, nhưng tiền thuê chiếc xe múc này chắc chắn không dưới một triệu/ngày. Như thế mới thấy, họ mang xe múc đến không phải để dọn dẹp công trình đã giải toả, mà muốn đe doạ, khủng bố các sư chùa Liên Trì. Quan sát cách họ làm, chúng tôi thấy đúng như vậy, bởi vì họ làm khoảng 15 – 20 phút rồi ngưng cũng khoảng như thế, rồi lại tiếp tục làm. Chu kỳ cứ liên tục như vậy. Mỗi lần máng xúc của máy mổ xuống cột bê tông làm lung lay nền các tư thất của các sư gần đó.
Những người xông vào chùa đó giằng máy của chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải xoá những gì đã quay. Cha Thoại không đồng ý cho đến khi chủ nhà là Hoà thượng Thích Không Tánh bảo cha xoá cho họ đi ra, thì cha Thoại mới xoá. Riêng máy của chúng tôi, họ muốn tự xoá, tôi đưa cho họ, để thích xoá thì cứ xoá, nhưng cuối cùng không xoá được, đành trả lại máy cho chúng tôi.
Một anh mặt áo thun, nét mặt có độ tuổi trên dưới 30, tự nhận mình là công an khu vực. Anh ta vỗ vai Hoà thượng Thích Không Tánh và nói cách kẻ cả: "Anh Tánh ! Anh có phát quà gì thì phải xin phép nha". Xét về tuổi, anh công an này chỉ đáng tuổi con cháu của Hoà thượng. Xét về tư cách chuyên nghiệp, anh này tự nhận mình là cảnh sát khu vực, tức biết rõ người mà anh ta gọi là "anh Tánh" là một Hoà thượng, người có tuổi đời trên 60 và hơn 40 năm thọ giới tỳ kheo, mà vẫn cứ gọi cách bất kính như thế là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xúc phạm đến tâm tình tôn giáo của đông đảo Phật tử. Anh ấy có thể không bao giờ là Phật tử, nhưng buộc phải kính trọng Hoà thượng Thích Không Tánh, nếu anh ấy còn nhận mình là con người và là nhân viên công lực đang hưởng lương từ tiền thuế của dân.
Điều này xảy ra công khai trước ít nhất 20 người, trước cả lãnh đạo thuộc ngành công an của anh ấy đang có mặt trong chùa.
Linh mục Đinh Hữu Thoại và Hoà thượng Thích Không Tánh cùng đánh giá sự việc của công an vừa gây ra là thất sách, chỉ làm gia tăng thêm sự phẫn uất của dân chúng với công an.
Không có vách tường nào mà không thể vượt !
Tin từ các nơi báo về chùa Liên Trì cho biết nhà bác sĩ Nguyễn Đan Quế đang bị mật vụ chầu chực. Nhà các tù nhân lương tâm và chính trị Phạm Bá Hải, Nguyễn Bắc Truyển bị an ninh bao vây. Ký giả Trương Minh Đức thì bị công an tỉnh triệu tập từ sáng sớm.
"Vợ mục sư Thạch là bà Nụ báo tin khẩn: Hiện nay chồng bà là mục sư Phạm Ngọc Thạch cùng bà và con gái 3 tuổi trên đường đi nhận quà (của Hội Companion) cho tù nhân đang thì hành án trong Trại Giam cũng như cựu tù lương tâm, trên đường đến chùa Liên Trì thì bị công an bắt, tịch thu xe mà không hề vi phạm gì. Công an 113 đem về đồn công an phường An Khánh, Quận 2, sau đó công an phường An Khánh để cho "kẻ lạ mặc đồ dân sự" (lúc ngoài đường thì kẻ lạ xưng tao là giang hồ, khi về đồn thì xưng tao là công an) vào nơi công quyền đánh mục sư Thạch. Hiện nay mục sư Thạch bị sưng mặt còn bị giữ tại đồn công an với vợ đang mang thai tháng thứ 8 và con nhỏ 3 tuổi.
Lúc kẻ lạ xông vào công an phường An khánh đánh mục sư Thạch, giựt điện thoại là lúc Lãnh sự quán Hoa Kỳ liên lạc với mục sư Thạch qua phone. Mục Sư Thạch đại diện cho các TNLT sau đến nhận quà: MS Dương Kim Khải, Truyền Đạo Nguyễn Chí Thành, Mục Sư Nguyễn Thị Hồng, Phạm Bá Hoa, MS Nguyễn Hồng Quang".
Hai ngã (từ hầm Thủ Thiêm đi về bến phà, và phía đường Trần Não đến chùa Liên Trì) được đặt trạm đột xuất. Giữa đoạn đường, dân cư gần như đã phải sơ tán hoàn toàn, giữa ban ngày lại có công an giao thông làm nhiệm vụ. Trong khi đó, những chỗ ùn tắt giao thông cần người giúp giải quyết thì chẳng thấy bóng dáng công an đâu. Ngoài công an giao thông, công an khu vực, và một nhóm người mặt thường phục, khi nhận là công an, khi bị người khác trong nhóm gọi là côn đồ. Hai cửa ngõ này chặn tất cả những ai đi vào. Lý do họ đưa ra công khai là công an đang có chiến dịch bắt ma tuý, nên không cho ai vào.
Không ngờ sau 37 năm gọi là giải phóng thì ở đất Sài Gòn này chỗ nào cũng có ma tuý và lúc nào cũng có thể bắt được ổ ma tuý (!)
Chị Dương Thị Tân (vợ blogger Điếu Cày) và người bạn cũng bị ngăn không cho vào. Chị Tân kể: "Họ kiểm tra giấy tờ xe thấy không có gì lại bảo, vì vùng này đang bắt ma tuý, nên xin các chị khi khác đến". Giằng co mãi, cuối cùng phải về nhà, và hai anh an ninh lẽo đẽo theo về tới cổng nhà ở đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3.
Nhưng vỏ quýt dầy có móng tay nhọn. Khi chúng tôi đang ngồi thì ông thương binh của VNCH đầu tiên đã đến. Ông T năm nay ngoài 70 tuổi, hiện sống ở quận 5. Một lúc sau chúng tôi lại thấy hai ba ông thương binh cao niên lại tới, quý ông này cho biết ở Củ Chi. Rồi người ở Đồng Nai, ở quận 10, quận 8… lần lượt kéo đến. Mọi người ngồi kể nhau nghe cách mình qua mặt an ninh mật vụ canh cổng và thích thú với những "chiến công" nho nhỏ của họ hôm nay.
Chị Bùi Minh Hằng đang nói chuyện với các thương binh VNCH và tù nhân chính trị tại sân chùa Liên Trì sáng nay, 06.08.2012
Đang đợi chờ đến giờ gặp gỡ chung, chúng tôi ngạc nhiên thấy chị Bùi Thị Minh Hằng (cư dân Vũng Tàu) xuất hiện từ cửa sau của chùa bước vào. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chỉ giải thích cửa chùa đóng thì băng qua công trường mà vào, nhờ công trường phá tường nhà chùa, mà chị có thể vào. Nhưng tối nay, không biết giấc ngủ của các thầy thế nào, với khoảng trống không có hàng rào hay vách tường che. Biết đâu, những ai đó không nhận mình là "người" sẽ đến ném hay giấu gì đó vào chùa, rồi sáng mai ập đến khám xét để lấy cớ giải toả chùa cũng nên.
Cha Thoại tiếp chuyện mục sư Hoàng, giáo hội Lutheran
Mục sư Hoàng thuộc giáo hội Lutheran từ Đồng Nai cũng đã đến, lão Hoà thượng Thích Nhật Ban, từ dốc 47 (Long Thành) cũng có mặt. Thượng toạ Thích Viên Hỷ, Phó tổng vụ trưởng vụ thanh niên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng có mặt. Đại đức Thích Đồng Minh, người tháp tùng Hoà thượng Thích Không Tánh cũng đã đến.
Mục sư Hoàng, HT Thích Không Tánh và HT Thích Viên Hỉ
Đến lúc quy tụ gặp gỡ và dùng cơm trưa với nhau, chúng tôi nhận thấy đã có gần 50 người. Như vậy vách tường ngăn cách do công an dựng nên để lấy thành tích, để bòn rút tiền thuế của dân đã vô ích. Không biết mỗi anh an ninh hôm nay đi canh chùa Liên Trì sẽ được bồi dưỡng bao nhiêu, chứ hôm canh các thanh niên biểu tình chống Trung Quốc, mỗi anh an ninh được bồi dưỡng (ngoài lương tháng) mỗi ngày, mỗi người 500 ngàn đồng.
Cháu bé bị ung thư phải vào thuốc hôm qua, nên không có mặt, hôm nay đến đã được thầy Tánh chia sẻ và tặng quà
Hoà thượng Thích Không Tánh trò chuyện với các anh em thương binh mới đến
Vợ của người thương binh VNCH quá cố cũng được đón tiếp
Hoà thượng Thích Không Tánh cho biết: "Trước đây có nhiều người đến giúp chùa lắm, nhưng nay họ sợ, nên ít dám đến, vì mỗi lần họ đi chùa về, bị công an đến nhà đe doạ". Không biết Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có biết chuyện này để cập nhật vào thành tích tự do tôn giáo của VN không?
Thầy Tánh cho biết, hiện còn nhiều anh em thương binh ở ngoài bị cấm không cho vào. Đang có người mua nước và bánh cho họ ăn uống khỏi đói và khát dưới trời nắng nóng. Thầy dự định, nếu họ không vào được, thầy sẽ cho người mang qua ra tận nơi trao cho họ, vì họ xứng đáng được hưởng sự nâng đỡ của anh chị em phương xa.
Hoà thượng Thích Nhật Ban chụp hình chung với cha Thoại
Một ông thương binh nói với chúng tôi: "Lần này là lần thứ hai tôi đến chùa Liên Trì. Món quà tuy không lớn, nhưng tình nghĩa thì lớn lắm. Vì mấy chục năm chúng tôi bị bỏ rơi, không ai quan tâm. Nay qua Hoà thượng Thích Không Tánh, chúng tôi được mọi người nhớ đến".
Khi đã quá trưa, chúng tôi xin phép ra về để chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Vừa rời chùa, một nhân viên an ninh bám theo, khi vừa qua cổng tu viện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm, anh an ninh này ra lệnh cho cảnh sát giao thông chặn xe chúng tôi lại kiểm tra giấy tờ. Chúng tôi không biết quy định của luật là khi nào công an giao thông có quyền yêu cầu người điều khiển giao thông phải dừng xe lại để kiểm tra giấy tờ, nhưng chắc chắn không thể có chuyện muốn dừng xe ai thì dừng, trong lúc phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông không có lỗi gì. Rất may, anh cảnh sát giao thông là một người trẻ đạo đức, thực hiện đúng với trách nhiệm của mình, không gây phiền toái gì cho chúng tôi.
Gần đến "trạm" tay an ninh này vượt qua xe chúng tôi để ra hiệu cho công an giao thông chặn xe chúng tôi
Biển số xe và ngón tay chỉ điểm của an ninh
An Thanh, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét