Vài tuần sau các vụ truy bắt 'sai phạm kinh tế', vốn đang tiếp tục tác động đến thị trường và dư luận, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam vẫn đặt câu hỏi về liên quan giữa các vụ này với tiến trình phê bình và tự phê bình trong Đảng Cộng sản.
Có ý kiến nói chỉnh Đảng có thể chỉ giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ mà không đem lại giải pháp cho khác biệt quyền lợi của Đảng và dân trong lúc kinh tế đang có nhiều dấu hiệu xấu.
Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam không chỉ nên quá tập trung vào tiến trình này mà bỏ qua các vấn đề khác như cải cách hiến pháp, cải tổ chính trị, thể chế, dân chủ và các quyền cơ bản khác.
Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến tháng tới sẽ họp hội nghị trung ương để tổng kết công tác tự kiểm điểm và phê bình.
'Chưa rõ cụ thể'
Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận xét với BBC rằng đợt 'phê và tự phê' trong Đảng "không được thực hiện nghiêm túc" trong suốt mấy chục năm qua.
Theo ông, đây chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến "suy thoái của nhiều cán bộ, tổ chức", trong Đảng từ trung ương đến địa phương.
Trả lời với BBC hôm 10/9/2012, Giáo sư Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhắc lại về nguồn gốc của "phê và tự phê", hay còn được coi là chỉnh Đảng.
"Thực ra phê bình và tự phê bình là một nguyên tắc sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam và dần dần vì Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội, nên phê bình và tự phê bình cũng là một nguyên tắc phổ biến trong sinh hoạt của các cơ quan, đoàn thể chính trị, xã hội của Việt Nam,"
"Nhưng phải nói thật là cũng khoảng độ một hai chục năm nay, gần như là những nguyên tắc này không được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc như là thời gian trước những năm 1975-1976."
Gần đây, hôm 4/9, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại hội nghị kiểm điểm, phê và tự phê của Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nơi ông từng lãnh đạo.
Ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý nguy cơ "đe dọa sự sống còn của chế độ " gồm cả "tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".
Bình luận về điều này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:
"Ý kiến của lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản chắc chắn phải có cơ sở, còn cụ thể như thế nào thì các đảng viên và người dân thường chưa biết."
Cũng bình luận về cuộc chỉnh Đảng đang diễn ra, Tiến sỹ Lê Bạch Dương từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng không chỉ nên quá tập trung vào phong trào này mà lơ là các vấn đề khác căn bản hơn cho quốc gia.
"Trung Quốc can thiệp sâu được vào những chuyện như thế này là rất khó. Và cũng có khả năng người ta cố ý tung ra những tin đồn liên quan tới con ngoáo ộp Trung Quốc để dọa dẫm mọi người"
GS Nguyễn Minh Thuyết
Ông nói: "Những vấn đề liên quan đến chính sách, hiến pháp, ngoài ra còn nhiều vấn đề bức xúc khác về mặt kinh tế, xã hội, cũng phải diễn ra đồng thời,"
"Chứ nếu chỉ tập trung vào những vấn đề hiện nay về kiểm điểm, phê bình thì cũng là một việc tốt thôi, nhưng những vấn đề kia là lu mờ đi được."
Ông nói: "Phải tiến hành song song nhiều hoạt động khác nhau, và như vậy thì mới là tốt."
Không khí xáo trộn
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết xác nhận đã có một không khí 'xáo trộn' trong người dân sau khi một số "đại gia" trong ngành kinh tế, tài chính và doanh nghiệp lớn ở Việt Nam bị bắt giữ, thông qua việc nhiều người dân hối hả "rút tiền" gửi từ các ngân hàng.
Tuy nhiên ông cho rằng các giới ở trong nước, kể cả người dân vẫn còn đang "nghe ngóng" tình hình và chưa thể kết luận liệu có sự liên quan nào giữa "chỉnh Đảng" và các vụ bắt bớ mới đây nhất các nhân vật như Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên), Lý Xuân Hải, cho tới một số cán bộ có liên quan tới các tập đoàn như Tân Tạo.
Về khả năng chuyển tiếp giữa chỉnh Đảng trong nội bộ Đảng sang việc bỏ phiếu tín nhiệm, hay có một số nơi đề nghị gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm, ở Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ, cựu Đại biểu Quốc hội nói: "Quốc hội đang bàn thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm sao cho những quy định về bỏ phiếu tín nhiệm có thể thực thi được, chứ không khó khăn như trước đây.
"Còn công việc sắp tới diễn ra như thế nào thì như tôi được biết hiện nay Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xác định lại nội dung của các đơn thư, phê bình, tố cáo xem có đúng hay không, đúng đến mức độ nào.
"Sau đó có kết luận sơ bộ rồi đưa ra các cuộc họp Trung ương, và tôi chắc là cuộc họp Trung ương đó có tính chất quyết định nhiều đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bác bỏ khả năng có sự can thiệp của nước ngoài, mà như một số ý kiến nói là của Trung Quốc, nhằm thao túng nền kinh tế Việt Nam phía sau các vụ bắt bớ quan chức, doanh nhân trong các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, hay tổng công ty vừa qua, hoặc qua một trang blog hiện đang bị chặn tường lửa.
"Thực sự ra người Trung Quốc can thiệp sâu được vào những chuyện như thế này là rất khó. Và cũng có khả năng người ta cố ý tung ra những tin đồn liên quan tới con ngoáo ộp Trung Quốc để dọa dẫm mọi người."
"Không có chỉ dấu nào cho thấy Trung Quốc can thiệp vào những việc này."
Còn một nhà nghiên cứu xã hội không muốn tiết lộ danh tính thì cho rằng việc phê và tự phê nên chỉ là việc nội bộ của Đảng và đặt câu hỏi:
"Nhân dân là nhân dân, còn Đảng là Đảng. Tại sao câu chuyện lại công bố cho nhân dân? Chuyện công bố cho nhân dân có phải thực sự để cho dân biết thực hay không?"
"Quốc Hội thì khác hơn một chút, Quốc hội là do dân bầu ra cho nên có thể công khai được. Việc của Đảng việc gì phải công khai cho dân. Tôi không tin lắm là lại cần đến như thế."
Ý kiến này cho rằng chỉnh Đảng có thể chỉ giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ Đảng mà không giải quyết xung đột cơ bản giữa quyền lợi của Đảng với Nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét