Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Hà Sĩ Phu - Tiến lên trong đa dạng

Nguồn boxitvn

Trong một lời dẫn đặt trước bản tin của RFI và BBC ngày hôm qua 30-11-2012, chúng tôi có đặt vấn đề "nỗi căm giận ngút trời" của trí thức yêu nước người Việt và nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh nóng bỏng thời sự về nguy cơ bị xâm chiếm biển đảo như tình hình hiện đang diễn biến từng ngày. Lời dẫn đó xét ra vẫn thích hợp với bài viết này, nên xin phép được đưa lại, có một vài thêm thắt:

Theo tin nóng mà cộng tác viên của BVN, ông Nguyễn Thái Sơn vừa chuyển đến cho chúng tôi thì Luật sư Vũ Đức Khanh mới gửi một Thông báo về việc Hoa Kỳ sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ mối quan ngại trước việc Trung Quốc cho in bản đồ có hình bản đồ lưỡi bò phi pháp trên loại hộ chiếu phổ thông gây căng thẳng cho nhiều nước ở vùng Đông Nam Á và cả châu Á Thái Bình Dương. Cũng trong buổi đối thoại dự kiến đó, Hoa Kỳ sẽ còn phản đối việc Trung Quốc tự ý cho mình quyền khám xét tàu thuyền qua lại trên biển Đông kể từ ngày 1-1-2013 trở đi. Thông báo như sau:

THÔNG BÁO

Theo một nguồn tin giấu tên từ BNG Hoa Kỳ cho biết chiều nay 29/11 vào lúc 3:30 pm Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell sẽ có buổi làm việc riêng với Đại sứ TQ tại Mỹ ông Zhang Yesui tới BNG. Nói đúng hơn là BNG HK đã triệu tập Đại sứ TQ đến để (1) nêu quan ngại và tìm lời giải thích của TQ về vụ "hộ chiếu lưỡi bò" và; (2) HK cũng sẽ đưa lời phản đối việc TQ cho phép từ 1/1/2013, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ "lên tàu và khám xét" thuyền bè nước ngoài qua lại khu vực tranh chấp trên biển mà Trung Quốc coi là 'lãnh hải' của họ ở Biển Đông. Đối với HK, hành động này biểu hiện sự "leo thang không cần thiết" và HK vô cùng quan ngại đến sự "tự do lưu thông hàng hải" trong khu vực. HK nhấn mạnh "tự do lưu thông hàng hải" là "quyền lợi quốc gia" của HK như lời của Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng tuyên bố: "The U.S. has a national interest in the maintenance of peace and stability, respect for international law, freedom of navigation, unimpeded lawful commerce in the South China Sea".

Theo nguồn tin trên thì hiện giờ đã lưu hành tại BNG HK một bản thảo của một "Press Release" mà BNG HK sẽ đưa ra sau buổi họp chiều nay với Đại sứ Zhang với nội dung được cho là "mạnh mẽ" nhất từ phía HK từ trước giờ.

Chúng tôi sẽ cập nhập thông tin vào thời điểm thuận lợi nhất.

Trân trọng.

LS Vũ Đức Khanh

Rõ ràng Hoa Kỳ đã rất nhạy bén trước âm mưu mới hết sức nguy hiểm và cũng là một hành vi cực kỳ láo xược của bọn cộng sản Trung Hoa. Hàng trăm trí thức và nhân dân Việt Nam vừa ký vào bản Tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc dùng chiêu in "bản đồ lưỡi bò" trên hộ chiếu mới cấp cho người dân nước chúng để hăm dọa các nước có chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên những vùng mà lưỡi bò của bè lũ Tập Cận Bình thè tới. Chắc chắn bước đi mới này của lũ quỷ đỏ sẽ còn làm nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Đông Nam Á như Philipinnes, Malaysia… căm giận ngút trời. Không chỉ thế, đây là một sự thách thức với cả thế giới, ít ra là với những nước có giao thương đường biển tới Đông Nam Á và Đông Á. Như ngọn lửa phụt lên từ chiếc nồi sup-de, phản động lực của cả vùng Biển Đông, cả vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ chuyển sang một hình thái gay gắt như thế nào, chúng ta chưa thể nào lường hết.

Trong sáng ngày 30-11-2012 lại có tin tàu của Trung Quốc táo tợn luồn sâu vào trong vùng biển Khánh Hòa để cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Một cái tát trời giáng đối với những kẻ hết lòng lo toan dàn xếp theo kiểu "đi đêm" giữa đồng chí cộng sản với nhau từ vài năm nay, những tưởng lời hứa cuội trên giấy của bọn để tiện kia là thiêng liêng lắm, để rồi quay về đàn áp, bắt bớ tàn bạo những người dân lên tiếng phản đối bọn cầm quyền Trung Quốc, ra sức giải tán các cuộc biểu tình của nhân dân chống hành vi lấn chiếm trắng trợn của Trung Quốc.

Những trao đổi, góp ý mới đây nhất trong hàng ngũ trí thức ký vào bản Tuyên bố25-11-2012 (xem http://www.boxitvn.net/bai/42994 vàhttp://www.boxitvn.net/bai/43021... ) nhằm tìm kiếm một sự thống nhất quan điểm về mục tiêu đấu tranh cũng như xác định những biện pháp hữu hiệu hơn cho mục tiêu đó chứng tỏ việc nhận thức bộ mặt kẻ thù và cả những mối liên kết phức tạp "bạn thù", đúng hơn là hiểu cho thật đúng đâu là "thù trong giặc ngoài" đang có những cọ xát, dịch chuyển quan trọng.

Và vì thế, đến nước này mà người cầm chịch đất nước vẫn giữ nguyên đường lối hữu hảo lịch sự – thực chất là cúi đầu – trước bọn cầm quyền Bắc Kinh, ra sức cung cúc thực hiện mấy phương châm nhảm nhí "4 tốt" và "16 chữ vàng" mà bọn chúng xỏ xiên ban cho, thì có lẽ mọi sự không thể nào như cũ. Trong tâm lý của phần đông dân chúng – tức tâm lý đám đông, Psychologie des foules, một khái niệm do Gustave Le Bon (1841 - 1931) đề xuất, như một hiện tượng xã hội tuyệt không thể xem thường – đã có chuyển biến ngày một rõ, nhưng chắc chắn sẽ còn chuyển biến mau lẹ hơn, và các thứ Trò Diễn mà lâu nay mọi người vẫn cố bấm bụng để xem như một thứ "chính kịch" trên chính trường, rồi sẽ phải đến lúc hoàn toàn biến thành… những tấn đại bi hài kịch với những trận khóc cười xen nhau đến vỡ bụng.

Bauxite Việt Nam

Nhà bác học tu sĩ Công giáo Teilhard de Chardin Pháp từng có câu: Hỡi những gì đang hướng thượng (xứng đáng là trí tuệ) thì hãy hội tụ lại với nhau (Tout ce qui monte, Converge!). Xin đề cập chân lý ấy trong bối cảnh toàn dân Việt Nam đang cùng thế giới tiến bộ đấu tranh chống những bước leo thang nguy hiểm của bọn xâm lược Trung Quốc, chính thức dùng "hộ chiếu lưỡi bò" để ngang ngược thông báo như trêu tức cho cả thế giới biết Biển Đông chỉ là ao nhà của chúng, chúng sẽ kiểm soát, khám xét tất cả những ai đi qua. Riêng Việt Nam vốn "sừng sững bên bờ biển Đông" thì sẽ thành một nước không có biển, muốn có biển phải thành một quận huyện của Trung Hoa.

Trong mối căm giận ngút trời thấy Tổ quốc bị khinh thường, lịch sử 4 nghìn năm oai hùng bị nhạo báng, nhân dân có nguy cơ trở thành những vong quốc nô kiểu mới, giới trí thức tiến bộ không thể ngồi yên.

Nếu xã hội Việt Nam chỉ là một xã hội bình thường như bao xã hội khác, thậm chí cứ khổ sở như một xã hội nô lệ chính thức (như hồi thuộc Pháp) thì nhân dân đã có những cuộc biểu tình hàng vạn người như thời Phan Châu Trinh để bộc lộ quyết tâm bảo vệ đất nước. Khốn nỗi xã hội ta lại là một xã hội ưu việt, hạnh phúc nhất nhì thế giới, nên đành khoanh tay ngồi nhìn để "đảng và nhà nước lo", xuống đường thì "chưa mất nước đã mất mạng" vì những tội trốn thuế hay lợi dụng dân chủ tự do. Tự biểu tình một mình trong nhà còn vô khám huống chi xuống đường "cản trở giao thông"?

Vậy thôi thì hãy làm điều tối thiểu là ra một bản Tuyên bố để lấy chữ ký rộng rãi phản đối cái "hộ chiếu lưỡi bò" vậy, dẫu biết rằng theo luật của đảng thì làm thế cũng là phạm pháp (không được ký kiến nghị tập thể, không được tụ họp quá 5 người!). Âu thế cũng là một chút dấn thân vượt rào khi chưa xin phép, giữa kỷ nguyên "ra ngõ gặp anh hùng". Ra tuyên bố là một đòi hỏi khách quan.

Nhưng điều tối thiểu này đâu có đơn giản? Dù không phải người soạn thảo "văn bản Tuyên bố" tôi cũng hình dung ra nỗi khổ tâm của những người soạn thảo. Muốn chống xâm lược ắt phải có sức mạnh quốc gia trong đó có quyết tâm của Nhà nước, của quân đội. Rất dễ hiểu là bản dự thảo (đăng trên trang Người lót gạch) đã có câu "Chúng tôi cùng nhân dân cả nước sát cánh với Nhà nước…", nhưng lập tức xuất hiện những nhận xét không thể bỏ qua: nhà nước có chống Tàu xâm lược đâu mà đòi "sát cánh"? Sát cánh để cùng chống xâm lược bằng cách ôm hôn, để cùng tự trói chân trói tay bằng 16 chữ vàng-4 tốt, để cùng hứa với quân xâm lược ngăn cấm biểu tình ư, để cùng tự nguyện hạ tầm quốc gia để giao du với một tỉnh miền núi Quảng Tây, cùng nâng hai tay kính cẩn, cùng phấn chấn múa ca mừng tình hữu nghị "chưa bao giờ tốt như bây giờ" ư, cùng nhắm tịt mắt để ru ngủ nhau "tình hình biển Đông không có gì mới", cùng nhẫn tâm đục bỏ những dòng chống xâm lược của ông cha ra khỏi những văn bia lịch sử…ư?

Thế là, trong văn bản chính thức buộc lòng phải sửa mấy dòng "sát cánh" ấy. Thực ra chữ "sát cánh" cũng tốt thôi, nếu sửa là "Nhà nước phải sát cánh cùng nhân dân", (dân biểu tình thì nhà nước phải sát cánh ủng hộ) nhưng nói thế e mắc tội lớn. Ban soạn thảo phải trần tình với bạn bè rằng "văn bản phải thật mềm mới ra đời được", phải chấp nhận nhiều điều chưa như ý để "tập trung vào kẻ thù chính". Tôi biết anh em mình nói vậy để tự trấn an và thuyết phục mọi người còn nông nổi thôi, chứ giữa "ngoại xâm" và "nội xâm" (nội xâm kẻ xâm lược ở bên trong tức kẻ bán nước) thì đâu là kẻ thù chính, giữa quân địch bên ngoài với kẻ mở cổng thành thì đâu là kẻ thù chính? Cũng ví như trong nhà có kẻ đã bí mật đem "dâng" thì thằng hàng xóm đểu giả đâu cần phải "cướp" nữa, cứ hòa bình hữu nghị như không, một ngày như mọi ngày, diễn biến như vậy thì ai là kẻ chính đây? "Ngoại thù" tám lạng thì "nội thù" cũng dư nửa cân, e sợnội thù thì làm sao giữ nước?

Sau mấy ngày cân nhắc, qua sự thể hiện trên các trang mạng, tôi hiểu sự thể đã hình thành một kiểu ứng xử đa dạng, pha trộn: Văn bản chính chỉ tập trung vào kẻ ngoại xâm, tránh kẻ nội xâm, nhưng bên cạnh đó, không biết hữu ý hay vô tình, đã có nhiều hình thức bổ sung, hỗ trợ, vạch rõ tính "khả nghi" và biểu hiện "đóng kịch vụng về" bị lòi mặt chuột của nhà nước đối với quyết tâm giữ chủ quyền, và yêu cầu nhà nước (nếu còn yêu nước) phải cho dân biểu tình, phải khuyến khích dân biểu tình giữ nước, ít nhất thì "dân tộc anh hùng" cũng cố theo cho bằng anh loàng xoàng Philippine… Chẳng lẽ mỗi thể chế lại có một kiểu yêu nước khác?

Điều vui là nhiều người đã hưởng ứng ký tên vào bản Tuyên bố. Nhưng điều mừng không kém là cũng có nhiều ý kiến phát hiện chỗ còn trống trong văn bản này, đã bằng cách này cách khác điền vào chỗ khuyết mà bản Tuyên bố đã, vô tình hay hữu ý, chừa ra. Một sự đa dạng đã hình thành, có chủ động hay không chưa biết, nhưng cuộc sống vốn cứ đa dạng như thế. Nếu cùng hướng thượng ắt sẽ gặp nhau. Kẻ trước người sau, kẻ mềm người cứng, kẻ tung người hứng, chỗ này số ít, chỗ kia số đông, không hẹn cũng gặp. Còn lũ người chỉ "hướng hạ" thì dù cùng hội cùng thuyền một thuở rồi cũng tìm cách này cách khác chơi xỏ nhau thôi.

Xã hội vốn đa dạng, huống chi một xã hội thoát thân từ mấy cuộc tương tàn, từ một lý thuyết phân ly, từ những chỗ đứng khác xa nhau về độ an toàn và tai họa? Đa dạng trong ứng xử chẳng những là tất yếu phải thừa nhận mà còn là nhu cầu, là phương pháp tốt nhất để chuyển một xã hội đang yếu kém toàn diện thành một xã hội "công bằng-dân chủ-văn minh" đúng nghĩa (đúng nghĩa là theo nghĩa chung của nhân loại chứ không lọc qua khe ngắm của một chủ nghĩa hay một đảng chuyên quyền). Muốn chuyển biến "hướng thượng" một cách hòa bình ắt phải tôn trọng phương pháp "bắc cầu". Trên cây cầu một chiều hướng thượngtừ độc tài toàn trị tiến sang thế giới dân chủ pháp quyền thì nhịp cầu nào cũng cần thiết, người trước người sau, miễn là cùng nhau tẩy chay bọn đi ngược chiều hay ngồi lỳ nghẽn lối.

Lâu nay tôi thường nhớ đến câu thơ Nguyễn Duy (1988):

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn

Những người tốt đang cần liên hiệp lại!

TỐT là hướng thượng, TỐT "nhiều" nhưng chưa "mạnh" do còn phân tán, lệch pha, chưa gặp được nhau, vì những kẻ "hướng hạ" muốn phá, quyết phá tan sự "liên hiệp lại".

Bản thân giữa những người tốt cũng có những trở ngại, những độ chênh, nhưng trở ngại lớn nhất là sự bảo thủ và nghi kỵ, giữa một môi trường không thiếu những giả danh và ý xấu. Nhưng sự bổ sung cho nhau rất tự nhiên trong cuộc ký "Tuyên bố chung" phản đối "hộ chiếu lưỡi bò" này là một ví dụ khích lệ. Phải chăng điều thiện cũng nên có nhiều dạng ứng xử nặng nhẹ khác nhau, mỗi dạng có công chúng riêng, thậm chí cũng "phê và tự phê" công khai (xin đừng cười) cho cái thiện càng thêm mạnh, không coi đó là mâu thuẫn. Có lẽ nên cảm ơn kẻ đã gây cho đất nước ta tình trạng lâm nguy, khiến những người Việt Nam đang rất khác nhau bỗng cùng tỉnh ra và gần nhau lại.

30-11-2012

H.S.P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét