Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Nguyễn Văn Viên : Công an tự cho mình quyền câu lưu và thu passport của công dân

Nguồn chuacuuthe

ĐĂNG NGÀY: 31.08.2014 , MỤC: - TIN NỔI BẬTTIN VIỆT NAM

VRNs (31.08.2014) – Sài Gòn – Anh Nguyễn Văn Viên, thành viên Nhóm NoU Hà Nội, bị công an và an ninh câu lưu suốt mười mấy tiếng đồng hồ sau khi anh có chuyến bay từ Thái Lan trở về Hà Nội, vào ngày 28.08 vừa qua.

"Đến khoảng 18 giờ 30 tối, họ tịch thu passport của tôi và thả tôi về. Tôi phản đối việc thu passport vì tôi không vi phạm gì hết. Họ nói, "giữ lại passport còn cần phải làm rõ một số việc?". Tôi nói: "khi nào các anh trả tôi?" Họ nói, "anh cứ về, có gì chúng tôi sẽ liên lạc và mời anh làm việc sau…" Anh Văn Viên cho biết.

Anh Văn Viên lên án việc mình bị công an và an ninh đã câu lưu trái phép.

Được biết, anh Nguyễn Văn Viên tham gia nhóm NoU Hà Nội từ năm 2012 và đã từng đi biểu tình chống Hoa Lục xâm lược VN, yêu cầu thả tự do cho người yêu nước, trả tự do cho chị Bùi Thị Minh Hằng, Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh. Anh Văn Viên chia sẻ: "Từ khi tôi ra Hà Nội học, tôi biết được nhiều tin tức, được tiếp cận với thông tin internet đa dạng, thấy được nhiều chuyện, nhiều vụ việc oan trái nên chỉ hy vọng sẽ làm gì đó cho đất nước tốt hơn. [Như là], nhiều chuyện bi hài về người nghèo và người giàu, người có quyền và người dân bình thường, dân phòng và những người bán hàng rong, rồi vấn đề trong việc Trung Quốc chèn ép dân ta về kinh tế, văn hóa, đặc biệt về chính trị, bá quyền nước ta về lãnh thổ… mà không được [nhà cầm] quyền lên tiếng bảo vệ. Tôi thấy điều đó không công bằng và người chịu hậu quả lại là những người dân thấp cổ bé họng.

Sau đây, xin mời quý vị theo dõi buổi làm việc giữa anh Nguyễn Văn Viên với nhóm công an và an ninh, tại đồn công an xuất nhập cảnh cửa khẩu Nội Bài.

Pv. VRNs

………………………………………………………….

140829009

Vừa qua, tôi có việc qua Campuchia và Thái Lan ít ngày, khi trở về nhập cảnh sân bay Nội Bài (NB) lúc 8 giờ 30 sáng 28/8, tôi đã bị khoảng 20 nhân viên an ninh (AN) mặc thường phục, sắc phục, cảnh sát cơ động, tiếp rước nồng nhiệt như nguyên thủ quốc gia về nước. Họ quay camera chĩa về tôi từ nhiều phía. Khi tôi làm thủ tục nhập cảnh, họ xem passport rồi yêu cầu tôi đi theo để làm rõ một số vấn đề trong hộ chiếu. Tôi nói "hộ chiếu rõ ràng đúng pháp luật chẳng có gì để tôi phải đi theo các anh cả". Họ nói, "anh cứ đi theo thì sẽ biết". Tôi nói, "tôi đang mệt chỉ muốn về nhà". Khoảng 10 người vây tôi ở cổng ra và ép tôi lên chiếc xe biển xanh 80, trong đó có một cảnh sát cơ động, ba AN thường phục, và một người lái xe. Tôi yêu cầu họ cho tôi biết họ đang đưa tôi đi đâu? Tôi cần được biết điều đó. Nhưng họ chỉ nói đưa đi làm việc và cứ đợi rồi tôi sẽ được biết.

Họ đưa tôi đến đồn công an xuất nhập cảnh cửa khẩu Nội Bài (Nhiều anh em đã phải đến đây), bắt tôi lên tầng ba. Từ sáng cho đến khi tôi được thả vào buổi chiều đã có 5 người thay nhau vào tra hỏi tôi, chẳng ai trong số họ mặc quân phục, mang quân hiệu, tên tuổi. Tôi nói, tôi chẳng làm việc với ai hết vì tôi không biết tên tuổi, chức vụ và các anh từ đâu tới. Sau đó họ giới thiệu tên và nơi làm việc. Họ nói là từ Bộ Công an bên cục phòng chống khủng bố, gồm những người tên Hải, Trung… Nghe đến đây đã thấy buồn cười nhỏ rãi rồi. Ba người an ninh bắt đầu thay nhau hỏi tôi.

AN: "Anh có người đi đón không?". Tôi: "Tôi không biết".

AN: "Anh đi ra nước ngoài làm gì?". Tôi: "Tôi sang đó tìm việc làm".

AN: "Anh tìm việc gì?". Tôi: "Tôi vẫn đang có quyền của một công dân, tôi muốn đi đâu thì đi, tôi không vi phạm pháp luật, không làm gì sai nên tôi không có gì để nói với anh về quyền riêng tư cá nhân của tôi cả. Các anh bắt tôi về đây là đang vi phạm pháp luật."

AN: "Chúng tôi có thông tin anh liên quan đến khủng bố nên yêu cầu anh hợp tác." Tôi: "Tôi chỉ thẳng tay vào mặt tên an nói: Tôi yêu cầu anh ăn nói cẩn thận nha. Bằng chứng đâu? Ai khủng bố hử? Đừng tưởng các anh thích nói sao thì nói nha."

AN: "Chúng tôi đang điều tra và nghi ngờ anh." Tôi: "Tôi yêu cầu anh ăn nói cẩn thận và đưa ra bằng chứng. Anh nghĩ anh là công an, an ninh thì thích nghĩ sao về người dân thì nghĩ à. Loạn à! Như thế, nếu tôi là công an thì tôi có quyền chỉ thằng này tao nghi ngờ mày khủng bố, thằng kia tao nghi ngờ mày trộm cắp mà không đưa ra được bằng chứng chứng minh điều đó hả. Vậy là các anh đang xúc phạm nhân phẩm của người dân đấy. Tôi nói cho các anh biết."

AN: "Vậy nên nếu anh không làm gì sai thì cho chúng tôi biết anh sang đó làm gì?" Tôi: "Tôi chẳng có nhiệm vụ phải nói quyền riêng tư của tôi gì hết. Các anh ép tôi về đây, tôi yêu cầu các anh cho tôi biết lý do. Và chứng minh điều các anh nói đi, nếu tôi vi phạm pháp luật thì bắt khởi tố tôi ngay, còn nếu không các anh đang vi phạm quyền tự do công dân".

Một an ninh khác hỏi tôi.

AN: "Anh đi bao lâu?". Tôi: "Tôi không nhớ."

AN: "Anh sang đó gặp ai?" Tôi: "Tôi quên rồi."

AN: "Khi sang đó thì anh ở đâu?" Tôi: "Tôi chẳng nhớ."

AN: "Anh ở đâu sao lại không biết?" Tôi: "Tôi quên rồi."

AN: "Anh sang đó có ai đón không?" Tôi: "Tôi không biết."

AN: "Anh nói thế chỉ có trẻ con mới tin được thôi, làm sao chúng tôi tin được, anh vừa đi về mà hỏi cái gì cũng không biết ah?" Tôi: "Tôi chẳng nhớ."…

AN: "Facebook của anh là Cụ Già Vào Mạng ah?" Tôi: "Tôi không biết."

AN: "Có hình ảnh và thông tin trên facebook là của anh. Sao anh lại không biết?" Tôi: "Facebook nhiều nên tôi làm sao biết được, hơn nữa thẻ ngân hàng, mật khẩu họ còn đánh cắp mạo danh được nữa."

AN: Anh có hay đi biểu tình chống Trung Quốc không?" Tôi: "Tôi có, Tôi ghét sự bá quyền của Trung Quốc."

AN: "Anh có hay liên lạc với [Facebooker] Peter Lam Bui không?" Tôi: "Tôi chẳng biết."

AN: "Vừa rồi Peter Lam Bui ra Hà Nội, anh có gặp không?" Tôi: "Tôi chẳng nhớ."

AN: "Anh có hay gặp Diễn viên Kim Chi không?" Tôi: "Tôi chẳng nhớ."

AN: "Anh có hay liên lạc với ông Hùng ở NoU không? Ông Vũ Mạnh Hùng ấy?" Tôi: "Tôi chẳng biết."

AN: "Anh tham gia NoU lâu chưa?" Tôi: "Tôi chẳng nhớ."

AN: "Anh có đá bóng ở đó mà, anh tham gia khoảng bao lâu rồi, khoảng thôi?" Tôi: "Tôi cũng không biết, rảnh thì đi đá bóng cho khỏe người thôi, tôi thích đá bóng".

AN: "Đá bóng có mất tiền không? Hay có ai tài trợ không? Đá bóng xong sao mọi người hay đi uống bia vậy?" Tôi: "Bỏ tiền túi ra để đóng. Chẳng có ai tài trợ."

AN: "Cái gì anh cũng nói không biết, không nhớ, quên rồi thì chúng tôi không thể làm rõ những những liên quan về anh." Tôi: "Tôi chẳng vi phạm pháp luật, nên tôi có quyền của một công dân, các anh bắt tôi về đây tôi yêu cầu các anh đưa ra lý do và chứng minh điều tôi vi phạm, nếu tôi vi phạm các anh cứ khởi tố tôi. Còn nếu không tôi yêu cầu anh thả tôi ngay lập tức."

AN: "Chúng tôi không bắt anh về đây mà chỉ "mời" anh về làm việc thôi." Tôi: "Tôi chẳng có gì để làm việc cả tôi đang mệt."

AN: "Công dân có có nghĩa vụ phải hợp tác với công an để điều tra, anh nên nhớ điều đó." Tôi: "Nhưng công dân cũng phải có quyền cơ bản của mình, tôi chẳng vi phạm gì cả. Nếu các anh không đưa ra được lý do và bằng chứng là tôi phạm tội mà cứ giam giữ vô cớ thì anh em bạn bè tôi sẽ đến đòi người và báo chí truyền thông sẽ đưa tin, khi đó các anh sẽ lại khổ thôi. Các anh nên cân nhắc nhé."

Sau đó họ bắt đầu khám xét đồ đạc của tôi, chụp ảnh điện thoại, ví tiền, đồ đạc… Trong danh bạ điện thoại của tôi có 249 số họ chép ra 2 tờ giấy A4. Rồi thỉnh thoảng lại dừng để hỏi. Đây là số của của ai? Có phải của Linh Thoại, DCCT không? Số này của Peter Lâm Bùi hả….? Tôi trả lời chẳng nhớ gì hết. Họ lục tìm và kiểm tra các cuộc gọi đến và đi…

Đến trưa, AN mua nước và bánh mì vào cho tôi, thấy tôi không ăn họ nói, "anh sợ chúng tôi cho gì vào đó sao?" Tôi trả lời "tôi sẽ chẳng ăn gì vì tôi đang bị các anh bắt giữ trái luật, không đưa ra được lý do và bằng chứng tôi phạm tội, hơn nữa việc công dân chết trong đồn công an ngày càng nhiều mọi người thấy sợ cũng là điều dễ hiểu."

Họ nói, "sao các anh chỉ nói những điều không tốt về công an thế? Anh có biết bao nhiêu việc tốt chúng tôi làm không mà chỉ toàn nêu những việc không tốt và nghĩ xấu về chúng tôi." Tôi trả lời, "tôi biết nhiều việc các anh làm có ích cho xã hội, và đó là bổn phận của các anh, còn việc các anh đánh chết người, tra tấn, ép cung… là các anh đang vi phạm pháp luật…"

Đến khoảng 14 giờ chiều cùng ngày, AN lại bắt đầu hỏi về việc tôi ra nước ngoài làm gì nhưng tôi vẫn trả lời là tôi đã nói như lúc đầu và chẳng có gì thay đổi.

Họ nói, "anh có khai hay không thì chúng tôi cũng biết anh đi đâu, làm gì?" Tôi trả lời, "thế thì các anh hỏi làm chi cho mất thời gian? Đừng hỏi nữa, biết tôi vi phạm gì thì bắt khởi tố đi?".

Họ nói, "đâu phải cứ hơi tý là chúng tôi bắt giam khởi tố mọi người đâu. Chúng tôi thấy gia đình anh có lý lịch, đạo đức tốt…v.v nên khuyên anh nên suy nghĩ lại, đâu phải nước ta cứ đa đảng là tốt đâu? Sẽ loạn, bạo lực, chiến tranh… Anh còn trẻ còn phải lập gia đình, vợ con, còn chăm sóc bố mẹ…nữa." Tôi nói to: "nếu các anh nói theo kiểu suy nghĩ quan điểm của các anh thì anh cứ nói, còn nếu anh định lên lớp tôi thì anh ra ngoài mà nói, anh không phải bố mẹ tôi nhá."

Họ nói: "tôi chỉ muốn chia sẻ chân thật thế thôi chứ đâu lên lớp anh…" Rồi họ nói Việt Tân không tốt, Việt Tân ngày xưa ăn thịt người lẫn nhau…. Rồi không để Việt Tân lợi dụng. Tôi trả lời: "Tôi chẳng tham gia đảng phái nào hết, tôi chẳng quan tâm điều đó, tôi sẽ làm cái gì tôi thấy tốt cho đất nước, đơn giản vậy thôi."

Đến khoảng 18 giờ 30 tối, họ tịch thu passport của tôi và thả tôi về. Tôi phản đối việc thu passport vì tôi không vi phạm gì hết. Họ nói, "giữ lại passport còn cần phải làm rõ một số việc?" Tôi nói: "khi nào các anh trả tôi?" Họ nói, "anh cứ về, có gì chúng tôi sẽ liên lạc và mời anh làm việc sau…"

Tài khoản cá nhân bị mất, gmail của tôi bị thay đổi password trong lúc AN thu giữ đồ thiết bị điện thoại của tôi. Đây là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền cá nhân của tôi. Tôi cực lực phản đối điều đó.

Ngoài ra, Lúc khoảng 16 giờ chiều, có một người dân trèo cột điện để kéo dây cáp, bất ngờ ngã rơi xuống, tiếng kêu ịch rất lớn. Tôi đứng dậy nhòm qua cửa sổ, nhìn thấy và hô to có người bị điện giật. Anh an ninh tên Chung nhào lại cầm tay tôi (chắc sợ tôi làm gì đó để bỏ chạy) và nhìn ra cửa sổ thấy có người nằm bất động ở đó. Rồi an ninh Chung gọi điện cho một số người khác ra để cứu… (May mà người dân đó chỉ bị gãy chân). Bị bắt vào trong đó mà mình còn làm được điều tốt thì ở ngoài chắc còn làm nhiều việc tốt hơn phải không các anh an ninh?".

Nguyễn Văn Viên

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Lã Việt Dũng : Đồng Tháp ký sự (1)

Nguồn chuacuuthe
ĐĂNG NGÀY: 30.08.2014 , MỤC: - TIN NỔI BẬTPHÓNG SỰ

VRNs (30.08.2014) – Đồng Tháp – Hà Nội – Kính tặng Chị, anh Minh, em Quỳnh và những người đang ngày đêm đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam.

 

Tài nguyên, con người và cái nghèo

Chúng tôi đến Đồng Tháp tối 24 sáng 25, tại một huyện cách thành phố Cao Lãnh 50km. Từ Long An lên đến đó đường xá heo hút, chằng chịt kênh rạch nhưng để đảm bảo an toàn, cả nhóm đều vui vẻ chấp nhận. Cả huyện chỉ có một khách sạn bề thế nằm toạ lạc cạnh UBND xã nhưng điều ngạc nhiên là cửa rả rất hời hợt, không chắc chắn. Giả vờ quay xuống hỏi lễ tân, em nhìn ra phía uỷ ban và khẽ cười bảo không sao đâu ạ, ý như đã được bảo kê. Sau một giấc ngon lành, anh em dậy ăn sáng, cafe và bắt đầu đi thăm thú.

Trưa hôm đó, "thổ dân Long An" dẫn chúng tôi ra Đồng Sen. Đi trên những con đường nhỏ hẹp vắng lặng, hắn kể rằng hắn đã đến Lấp Vò, đường xá cũng bé tẹo như vậy. Chúng tôi chạnh lòng nhớ tới chị và những người bị bắt, ở chốn vắng vẻ, xa xôi, dân trí thấp lấy đâu ra mà ách tắc giao thông với 700 người hiếu kì, lại còn phục sẵn cả truyền hình tỉnh thì không dàn dựng mới là lạ!

Đồng Sen thật đẹp, trải dài, sen nở quanh năm. Lê Dũng Vova lẩm bẩm: "Cái này mà ở Hà Nội thì bọn con gái có mà khoả thân ra chụp ảnh hết!". Tự dưng mình lại nhớ tới chuyện "áo tàng hình" của lão, lúc đó mà có áo tàng hình thì hay phải biết. Mình thật tệ, trong khi cả chuyến đi lúc nào lão cũng nghĩ tới chuyện mặc áo tàng hình để cứu chị, thì mình chỉ nghĩ trò linh tinh. Nghe kể hồi chị bị bắt đi cải tạo, cô vợ cũ thấy lão nửa đêm ngồi dậy bật khóc, tưởng lão điên, thế là bỏ. Ai ngờ mắt trước mắt sau lão dẫn về một cô vợ mới ít hơn 20 tuổi vừa trẻ đẹp lại cùng chí hướng. Anh em đấu tranh có lẽ phải cám ơn lão vì sau vụ đó, chuyện gia đình ổn hẳn. Dân suy thoái bây giờ – đi dân nhớ, ở dân thương – ai bỏ chỉ có mà thiệt! :)

Trời Đồng Tháp thoáng mát khiến con người ở đây cũng trở nên hào sảng và phóng khoáng. Tính tình thoải mái, dễ chịu cùng lối sống tự do, hồn nhiên đã bị làm cho hoen ố bởi một tờ báo đảng với bài "ba chữ N". Họ có thể phải làm nghề này nghề nọ, nhưng là bởi họ nghèo chứ họ rất tốt, thật thà chất phác. Đặc biệt, họ hướng thiện và khá dễ giác ngộ. Cả nhóm vừa nhậu le le, thịt chuột, cá lóc vừa nghe "thổ dân Long An" kể chuyện tù. Vốn tính ngay thẳng, ngang tàng, lại bị liệt vào dạng "tù chính trị" nên hắn khá được trọng vọng. Hắn ở đó quậy phá, đánh nhau, làm thơ và kể chuyện chính trị xã hội. Chả biết hắn làm thế nào mà giác ngộ được cả đám, nửa đêm không ngủ quay ra đả đảo "tập đoàn độc tài" và đem "cha già dân tộc" ra chửi. Hắn đã như thế, chị mà vào thì ảnh hưởng còn lớn hơn. Nếu chị ở đó ba năm, miền Tây sẽ tràn ngập toàn dân "suy thoái".

Đồng Tháp đẹp và phong phú nhưng nghèo. Quán xá khách sạn thì lụp xụp, người dân thì gầy gò, nhem nhuốc và dân trí thấp.  Ở huyện đã thế, ở thành phố cũng chẳng khá hơn là bao. Khi chúng tôi hỏi anh lái taxi, anh bảo ở Cao Lãnh chỉ có toà án và mộ ông Sắc là to :). Hôm sau, lúc nói chuyện khi tôi bị bắt, cậu an ninh điều tra thừa nhận về sự nghèo nàn ở đây, nhưng hỏi đểu: "Theo anh thì làm thế nào?". Hỏi đểu thì nhận được câu trả lời đểu: "Giờ không tham nhũng, để tiền phát triển hạ tầng, đường xá; giảm sưu thuế, trả tự do cho dân kinh doanh du lịch; không cướp đất để phát triển nông nghiệp thì giàu ngay chứ gì!". Cậu ta quay sang: "Các anh lúc nào cũng chỉ nhìn mặt trái, thấy cái xấu". Hic, các anh sống bằng tiền thuế của dân, ăn trên ngồi trốc không thấy đẹp mới lạ!

 

Côn đồ

Hôm sau, anh em chúng tôi tiến về Cao Lãnh. Trước đó, tin xấu dồn dập về những nhóm bị chặn, bị giữ, bị bỏ giữa rừng khiến mọi người không khỏi lo lắng. Tụ nhau ở chợ Cao Lãnh, anh em quyết định đi taxi tới toà. Gọi xe mới biết, một chỉ thị từ công an cấm tất cả các xe taxi đưa khách tới khu vực quanh toà án nên chúng tôi bảo thế nào cũng không nhận. Paulo bèn nghĩ ra một cách, cứ gọi taxi đi du lịch lòng vòng rồi chuyển hướng. Cả nhóm lên 3 xe, xe tôi dẫn đoàn. Khi hỏi nên đi xem gì, lái xe taxi bảo đi xem mộ ông Sắc! Tôi hỏi ông ấy là ai, làm được gì cho Đồng Tháp mà mộ to thế thì anh lái xe trả lời nghe nói ông này là thầy thuốc, tốt bụng lắm. Đúng là miệng như loài sản, chuyện ông này làm quan say rượu đánh chết người, bị hạ cấp và lưu đày biệt xứ thì giấu nhẹm!

Lòng vòng một lúc, chúng tôi cũng đến được khu vực gần toà. Cả nhóm chưa kịp tập trung thì một toán dân phòng, công an, an ninh chìm cùng đội quay phim xông đến. Tôi cùng Hoàng Vi đang yêu cầu anh công an giải thích tại sao chỗ này không có biển cấm – thì bị cưỡng chế lên xe CSCĐ, tận mắt chứng kiến thói côn đồ của dân phòng khi vừa đánh vừa chửi em Bình – No-U Vinh. Điều này được ghi rõ vào bản tường trình sau đó: "Tôi đang đi du lịch thì có một người bạn gọi điện rủ đi qua một phiên toà công khai. Khi tới nơi thì tôi bị một toán dân phòng đi sang đường nói không được đứng ở đây. Tôi đi sang vỉa hè cạnh đó nhưng vẫn tiếp tục bị đuổi. Tôi thấy một chị bụng chửa đang hỏi tại sao ở đây không có biển cấm mà lại đuổi, bèn đứng lại hỏi cùng. Khi đang đợi anh công an trả lời thì bị một toán CSCĐ lôi lên xe. Tôi thấy có người bị đánh và giờ không hiểu tại sao mình lại bị bắt ở đây" :). Về tới đồn Mỹ Phú, chúng tôi cũng gặp nhóm bác Tường Thuỵ, chị Liberty và một vài nhóm khác cũng đang quyết liệt đấu tranh trong sự hung hăng của công an cộng sản.

 

Chiếc balo, Kinh thánh và băng rôn "Tự do cho người yêu nước"

Bị đưa lên xe lúc đó ngoài Bình và tôi còn có Kỳ (Đà Nẵng), Paulo Thành Nguyễn và một vài người nữa mà tôi không nhớ tên. Thấy Paulo đeo balo, một tên dân phòng chồm tới giật mặc kệ việc Paulo ôn tồn yêu cầu lập biên bản. Khi bị đưa xuống xe, Paulo quay ra đòi túi liền bị tụi CSCĐ cản trở và phi xe chạy mất.

Chừng mười phút sau, một toán công an hùng hổ cầm chiếc balo đó đặt trên một vỉa hè rộng, giả bộ lục tung tìm bằng chứng. Chúng vứt một quyển Kinh thánh, một quyển sách xuống đất và trải ra một tấm băng rôn. Đang ở xa theo dõi, Paulo không chịu được chạy lại nhặt lên và mắng: "Các anh là ai mà dám xúc phạm Kinh thánh thế này?". Tên công an trông thấy Paulo như bắt được vàng, bảo: "Mày, chính mày là chủ cái túi này, mày vào đây làm việc!". Paulo nhất quyết không chịu với lý do lấy đồ không lập biên bản, chỉ thừa nhận Kinh thánh và quyển sách là của mình, còn băng rôn không biết ai đút vào lúc nào.

Việc đặt cái balo trên vỉa hè rộng là một thủ đoạn khá tinh vi, công an muốn dân đứng quanh nhìn thấy như là một bằng chứng phạm tội của bọn "phản động". Một máy quay được điều đến để quay nội dung băng rôn, mình tranh thủ đứng cạnh "đánh vần" to: "Hãy trả tự do cho Bùi Hằng, Văn Minh, Thuý Quỳnh"; "Giam cầm người yêu nước là có tội với đất nước". Sau khi đọc to, mình quay sang nói với anh công an đứng trong đám đông: "Tôi nói thật với các anh chứ tôi chả thấy nội dung băng rôn này có gì sai. Người ta là người nhà và bạn bè, người ta muốn trả tự do cho mấy người này là chuyện của người ta, toà xử thế nào là chuyện của toà, can cớ gì mà bắt. Còn câu sau thì càng đúng, sai cái gì?". Bị đuối lý, hắn lảng sang chỗ khác.

 140829001

Chụp ảnh là chống người thi hành công vụ?

Khi mọi người đang đấu tranh ở ngoài đồn thì một tay hùng hổ, ra dáng trùm an ninh phi xe máy tới: "Đề nghị anh em xử lý quyết liệt, đứa nào quay chụp bắt luôn vì tội chống người thi hành công vụ!". Chống người thi hành công vụ bằng máy ảnh??? Mình lại chợt nghĩ tới vụ Lấp Vò, vụ chị Thêu ở Dương Nội và nhiều vụ cưỡng chế đất đai khác, khi người dân không tấc sắt trong tay, chỉ có chiếc máy ảnh là công cụ duy nhất ghi lại sai phạm của chính quyền thì bị công an đàn áp không thương tiếc dưới cái mác "chống người thi hành công vụ"! Một chính quyền không những tước đoạt tài sản, sự tư hữu của nhân dân, lại còn tước đoạt luôn cả quyền được tự bảo vệ của dân trước sai phạm của chính quyền để rồi bỏ tù họ rồi còn hô hào là "của dân, do dân, vì dân sao"? Hỡi các ông đang ngồi trên cao tít tắp, chỉ biết rung đùi hô khẩu hiệu này nọ, liệu các ông có thể trả lời câu hỏi này được không?

Và hiệu lực của "lệnh miệng" này đến ngay tức thì khi Minh Khang giơ điện thoại định chụp thì bị lao vào đánh đập và lôi đi. Ok, người này "ngã xuống" thì sẽ có người khác đứng lên! Thấy Paulo đang diễn thuyết trước ống kính, mình quyết định rút điện thoại quay lại, với niềm tin bị bắt thì sẽ có thể đấu lý (nếu không bị đánh) với họ, rằng tôi đang "giúp người thi hành công vụ" chứ không phải chống. Như một phép lạ, mình quay được cả một đoạn clip khá dài mà không bị chặn.

Nhưng rồi cũng chẳng thoát, vì đấu tranh ác liệt, lại mặc áo "nhân quyền" nên tôi cùng Hoàng Bùi và một bạn bên PGHH lại một lần nữa bị tống lên xe CSCĐ đưa đi.

LÃ VIỆT DŨNG

(còn nữa)

Phạm Quế Dương : Nhớ lại về mình

Nguồn danlambao

Phạm Quế Dương (Danlambao) - Sách "Đêm dày lấp lánh" vừa ấn hành ở Mỹ của Nguyễn Thanh Giang là một công trình đồ sộ. Sách viết về 60 nhân vật lịch sử đã có cống hiến lớn cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, Trần Độ, Trần Dần... đến Trần Huỳnh Duy Thức, Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Điếu Cày, Đỗ thị Minh Hạnh... Không chỉ kể về khối lượng, với 548 trang in khổ A4, tương đương hơn một nghìn trang in khổ thông thường, sách là một biên niên sử mang hơi hướng sử thi vì được viết không chỉ bằng trí tuệ thật uyên thâm và uyên bác mà còn bằng một tấm lòng ưu ái rất đáng trân trọng.

Về mặt trí tuệ, nhiều bài trong "Đêm Dày Lấp Lánh" có giá trị như một bản tóm tắt luận án tiến sỹ với ngồn ngộn tư liệu và những phát hiện mới làm người đọc ngạc nhiên. 

Nghiên cứu về Nguyễn Trãi, tác giả đã phát hiện và chứng minh được rằng chính Nguyễn Trãi đã đưa ra một định nghĩa về "dân tộc" sớm hơn, đầy đủ hơn Stalin. Cho đến năm 1913, người ta mới đọc được một định nghĩa được xem là có giá trị đầu tiên trong lịch sử nhân loại của Stalin về dân tộc. Song định nghĩa dân tộc của Stalin chỉ nêu lên bốn yếu tố: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý. Trước đó, Nguyễn Trãi còn nói đến yếu tố thứ năm: nhân dân.

Ông kết thúc bài viết bằng một nhận thức về tầm nhân loại của tư tưởng Nguyễn Trãi:

"Các học giả thường nói tới bốn thế hệ nhân quyền:
- thế hệ của những quyền tự do chính trị;
- thế hệ của những quyền lợi kinh tế xã hội;
- thế hệ của các quyền lợi cộng đồng;
- thế hệ của những quyền lợi nhân loại.

Từ "Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" đến "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân", từ "yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu" đến "Hòa bình là gốc của nhạc", "Dập tắt chiến tranh cho muôn đời", phải chăng tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã xuyên suốt bốn thế hệ nhân quyền".

Các học giả Việt Nam từ xưa đến nay khi nghiên cứu về xã hội Truyện Kiều hoặc chỉ nhìn qua lăng kính định mệnh, hoặc lên án đồng tiền….Nguyễn Thanh Giang, dưới con mắt của nhà dân chủ, đã nhìn ra nguyên nhân tàn hại đời Kiều là do pháp luật không được thượng tôn. Ông dẫn ra đến hơn 30 câu Kiều có chữ "oan" và chữ "oán". 

Bài viết này không dám đảm đương nhiệm vụ giới thiệu cuốn "Đêm dày lấp lánh". Việc này phải dành cho các học giả xứng tầm. Chỉ xin được "tát nước theo mưa" để tâm sự đôi điều.

Trước hết phải cảm ơn Nguyễn Thanh Giang đã vì quá thương yêu mà đưa tôi vào danh sách những danh nhân trong lịch sử đấu tranh vì tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Phải chăng đây là một-cuốn-sách-bia.

Ngoại tám mươi, nhiều khi lẩn thẩn buồn nghĩ về cái tuổi già vô tích sự, đọc Nguyễn Thanh Giang tự nhiên thấy được an ủi rất nhiều. NTG không chỉ nhắc lại những ngày hào hùng đánh Pháp ở đồn Tu Vũ, đánh Tàu ở Biên giới phía Bắc mà còn dẫn ra những câu mình đã từng nói, từng viết mà không còn nhớ: "Góp ý với đại hôi IX đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài "Phải cải cách chính trị cùng với cải cách kinh tế" ông (tức là tôi) viết: 

"…Tình hình đất nước ta ngày càng tụt hậu xa so với thế giới về kinh tế, ngay cả những nước gần cận trong khu vực. Nạn tham nhũng tràn lan không bài thuốc chũa trị, từ người lái xe ôm đến bà bán nước vùng quê đều rõ, sao những người lãnh đạo đảng CSVN không thấy mà lúc nào cũng chỉ muốn người ta tung hô Đảng sáng suốt, Đảng quang vinh, đời đời nhớ ơn Đảng... Muốn cứu vãn tình thế không thể chỉ đổi mới bằng cải cách kinh tế mà phải nhanh chóng triệt để cải cách, đổi mới chính trị. Phải nói thẳng là cải cách-đổi mới chính trị, không thể nói là cải cách-đổi mới hành chính, một kiểu nói lừa dối lương tâm... Người đứng đầu Đảng và Nhà nước (Chủ tịch nước hay Tổng thống) phải là một. Đảng cử ra ba bốn người rồi để dân trực tiếp bỏ phiếu. Không thể như hiện nay, Đảng cử ra Tổng Bí thư thì tự nhiên dân phải nhận là Vua của mình rồi. Sự thật đó là Vua của ĐCSVN chứ có phải của dân đâu... Phải thật sự bầu cử tự do. Người dân được tự do ứng cử, xoá bỏ việc mọi danh sách phải thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đó là một việc làm lùa bịp, trấn áp trắng trợn người tài một cách bẩn thỉu, đáng khinh mà những người cầm đầu Mặt trận Tổ quốc đã có lúc tự nhận mình chỉ là " cây cảnh"... Quân đội, công an là công cụ vũ trang của Nhà nước, không phải của riêng Đảng. Trả lại câu nói của Bác Hồ:" Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân". Tự sửa câu nói lịch sử của Bác Hồ là bất hiếu, bất trung ... ĐCSVN phải xin lỗi vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ Xét lại, vụ Kim Ngọc, vụ án Trường Xuân. Các vụ này xử lý oan bao nhiêu hiền tài của đất nước...".

Mấy bạn cựu chiến binh cổ lai hy đọc những đoạn ấy ngỏ lời khích lệ tôi: "Cách đây hơn chục năm mà đã dám viết được như thế thì NTG xếp ông vào hàng "Chiến sỹ dân chủ" không sai đâu"

Thật ra, NTG không chỉ biểu dương mà đã từng thẳng thắn phê phán tôi. Thấy tôi bị bắt, bị đưa ra tòa xử tội và bị tống vào tù, như là vừa thương vừa giận NTG đã trách móc tôi ăn nói bỗ bã đốp chát quá với tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Lê Đức Anh. Xin lỗi NTG, cho đến bây giờ tôi vẫn không ân hận, sám hối gì. Với cái tội đưa Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nói Nông Đếch Mạnh như tôi còn quá nhẹ. Bỏ vợ ốm chết để hú hý với người tình của con thì thật là Nông-Đức-nông-tài. Thời Mạnh làm Tổng bí thư đã dấy lên phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Hẳn là ông ta thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh sâu sắc lắm nên mới như thế. 

Về ông Lê Đức Anh thì xin kể thêm câu cuyện sau:

Hồi làm Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự tôi thường tiếp xúc trực tiếp để lấy tài liệu viết về các vị tướng như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà... Thấy vậy, cậu Ngọc - thư ký riêng của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh - bốn lần mời tôi đến gặp Đại tướng nhưng tôi đều tìm cớ đánh lảng. Lúc ấy Lê Đức Anh có tiếng xấu về vụ thảm sát tướng Nguyễn Bình và vụ Năm Châu Sáu Sứ, bây giờ lại lộ thêm vụ Thỏa ước Thành Đô 1990 thì tôi khẳng định rằng nặng lời như vậy vẫn còn quá nhẹ.

Sau khi Đại tướng Văn Tiến Dũng thôi chức Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng (1986), Tết tôi theo một số tướng lĩnh đến nhà riêng chúc Tết. Các tướng lĩnh chúc tết Đại tướng, nhưng tôi thì ngồi yên. Khi phu nhân Đại tướng bước vào tôi mới đứng dậy: "Cháu xin chúc Tết cô khỏe mạnh, bình an, mọi sự may mắn". Phu nhân của Đại tướng là bà Tám Kỳ. Bà hỏi: "Anh là ai?". "Cháu là Phạm Quế Dương là cháu của ông Sung" (Ông Sung là bác của bà Tám Kỳ). Bà cười rất vui: "Thế à". Quay lại, tôi mới chúc tết Đại tướng Văn Tiến Dũng. Khi ra về, vài vị tướng hỏi tôi khi Đại tướng còn đương chức sao không đến thăm và chúc tết Đại tướng. Tôi trả lời: "Em không đến, vì sợ người ta cho là có ý đồ cậy cục". 

Không biết Nguyễn Thanh Giang lấy tài liệu từ đâu mà đã viết như sau: 

"Bà Đỗ thị Cư - nguyên phó giám đốc Lâm trường Yên Bái, đảng uỷ viên đảng bộ Bộ Lâm nghiệp– đã viết về chồng mình- đại tá Phạm Quế Dương - như sau: "Gia đình tôi tự hào có người chồng chung thủy, người cha mẫu mực, người ông hiền hoà. Đối với họ tộc giữ được nếp gia phong, kính trên nhường dưới. Đối với bạn bè chân thành cởi mở. Đối với cấp dưới khoan dung độ lượng. Không ỷ quyền nạt nộ kẻ dưới. Biết thương yêu đồng đội lúc khó khăn. Không phân biệt kẻ sang người hèn. Đối với cấp trên, anh Dương có cá tính đặc biệt, không cơ hội, khom lưng, nịnh hót, cầu lợi cá nhân, chỉ phục tùng người thực sự có tài và rất tôn trọng người tài. Nếu như ai đó bất tài, thất đức thì dù ở cấp cao đến mấy cũng không thần phục được anh Dương. Chính vì thế mà anh luôn bị thiệt thòi và gặp rất nhiều gian truân trong suốt quá trình công tác của mình... Anh là người dám nói trước những điều nhiều người biết nhưng không dám nói, dám làm những việc nhiều người thấy cần phải làm nhưng không dám làm...".

Rất cảm ơn Nguyễn Thanh Giang đã gợi lại cái quá khứ không đến nỗi đáng chê trách để tôi được an ủi phần nào trong những ngày cuối đời buồn tủi. Hy vọng rằng con cháu của 60 vị được tôn vinh trong cuốn "Đêm dày lấp lánh" cũng sẽ được tự hào về cha ông mình mà noi gương sáng dấn thân mạnh mẽ cho tiến trình dân chủ hóa nước nhà.


Hà Nội 30 tháng 8 năm 2014 
Khu Tập thể 37 Lý Nam Đế - Hà Nội
ĐT: 04. 63700002.


Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

LS HÀ HUY SƠN : BÙI HẰNG THANH THẢN HÁT KHI BƯỚC VÀO VÀ BƯỚC RA

Post lại từ huynhngocchenh

Hà Huy Sơn /FB Hà Huy Sơn 

Ảnh lấy từ FB Huỳnh Ngọc Chênh
Nhớ lại mấy điều đặc biệt ở phiên Tòa:

1. Nhân chứng 1 bên yêu cầu triệu tập 17 người: Tòa cho có mặt 03. Bên kia nhân chứng 32 người (trong đó 1/3 là công an huyện, xã).

2. HĐXX (03) và VKS (02) vẫn chưa chắc ăn bất ngờ cho thêm 01 LS là Chủ tịch Đoàn LS Đồng Tháp làm người bảo vệ cho 01 CA huyện là người bị anh Minh đánh đúng 1 cái vào tay (a Minh nói ko đánh ai) không có có 1 tý xây xước. Vị LS làm chức năng KSV buộc tội bị cáo chứ ko làm chức năng bảo vệ cho thân chủ (vì người CA huyện đó ko có gì cần pải bảo vệ).
3. Có 02 bản tường trình đánh máy của 02 nhân chứng là CA giống hệt nhau từng chữ, chấm, phẩy, chỉ khác ký tên.

4. Bên ngoài thì ở các ngã tư hoặc thảm cỏ vỉa hè tập chung nhưng nhóm khoảng 4-5 người cách nhau độ vài trăm mét. Khi có các LS đi qua thì họ cử 01 người giả đi tập thể dục ở đằng sau, bên cạnh để xem chúng tôi nói chuyện gì. Họ là phụ nữ khoảng trên 50 tuổi, đeo khẩu trang, đi bộ đội muc BH, chỗ tập trung nhóm của họ có nước đóng chai, giống nhau như là được phát để trực làm nhiệm vụ. Nếu nghe được gì họ sẽ đt báo cho lực lượng khác đại ý là chúng nó đang đi hướng về hướng nào, nó nói cái gì ấy, bọn này như là LS... Đặc trưng này lần đầu tôi gặp ở ngoài phiên tòa.
...
5. Bà Hằng khi bước vào phiên toà và khi ra khỏi phiên toà đều hát rất thanh thản. Trong phiên toà bà Hằng rất bình tĩnh và mạch lạc, sau khi bị tuyên án bà Hằng tươi cười và bình thản khi tay bị còng, bước ra xe tù, có người áp giải xung quanh.
* * *
Tôi xin chia sẻ bài bào chữa tại phiên tòa ngày 26/08/2014 tại Đồng Tháp để mong được trao đổi và học hỏi.

BÀI BÀO CHỮA
Cho bà Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh
tại phiên tòa HSST ngày 26/08/2014 tại TAND tỉnh Đồng Tháp
Về "Tội gây rối trật tự công cộng" theo điểm c khoản 2 điều 245 - BLHS
Kính thưa HĐXX,

Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội xin trình bày quan điểm bào chữa cho bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị cáo buộc về "Tội gây rối trật tự công cộng" theo điểm c khoản 2 điều 245 – BLHS, như sau:
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
...
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

I. Tóm tắt vụ án:

- Khoảng 08 giờ ngày 11/02/2014, xảy ra sự việc.
- 11 giờ 45 Công an xã Mỹ An Hưng B lập biên bản bắt người phạm tội quả tang bà Hằng, bà Quỳnh và một số người khác.
- 19 giờ ngày 11/02/2014, CA huyện Lấp Vò ra QĐ 15/QĐ-TGN tạm giữ bà Hằng theo thủ tục hành chính 24 giờ (19 g 11/02/2014 – 19 g 12/02/2014); bà Quỳnh cũng vậy.
- Ngày 12/02/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lấp Vò ra Lệnh số 26/LBKC-CQĐT bắt khẩn cấp đối với bà Hằng và bà Quỳnh cũng vậy.
- Ngày 21/02/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lấp Vò ra QĐ 20 Lệnh tạm giam bà Hằng 02 tháng 21 ngày (21/02 – hết 12/05/2014) và bà Quỳnh cũng vậy.

II. Tố tụng hình sự:

1. Số lượng người dân theo:
- KLĐT là 700 người dân (trang 04),
- Cáo trạng là 500 người dân (trang 03),
- BL 724 ghi lời khai của Công an viên Lê Văn Huy Tin Anh cho rằng khoảng 600 người dân.
- BL 728 ghi lời khai của CA huyện Lấp Vò, Nguyễn Thành Lai: khoảng 600 người dân,…

Đây là một căn cứ không khách quan, nên không thể coi là chứng cứ theo như quy định của khoản 1 điều 64 "Chứng cứ" – BL TTHS.

2. Cáo trạng (trang 04) cho rằng bà Hằng, bà Quỳnh chửi người dân địa phương là "đồ ngu dân" là không đúng vì nếu có thì cụm từ này không ám chỉ người dân.

3. Lực lượng tuần tra giao thông đường bộ tuyến đường liên huyện thông thường không cần thiết phải mang theo đến 04 máy camera ghi hình, ghi âm nếu không có một mục đích được xắp đặt trước. Việc này cho thấy có dấu hiệu Công an huyện Lấp Vò có đã chuẩn bị trước để tìm kiếm chứng cứ nhằm ghép tội cho bà Hằng, bà Quỳnh, ông Minh và những người cùng đi.

4. Biên bản bắt người phạm tội quả tang hồi 11: 45 ngày 11/02/2014 của Công an xã Mỹ An Hưng B đối với bà Hằng, bà Quỳnh và những người cùng đi được lập tại ấp An Quới là sai với quy định của khoản 1 điều 82 – BL TTHS:

"Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã

1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền."

5. Quyết định số 15/QĐ-TGN ngày 11/02/2014, tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với bà Hằng (bà Quỳnh cũng vậy) 24 giờ từ 19 giờ ngày 11/02/2014 đến 19 giờ ngày 12/02/2014 là sai với quy định tại khoản 1 điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

"Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác."
Vì sự việc xảy ra đến 12 giờ 30 ngày 11/02/2014 trở giao thông đã được giải tỏa.

6. Bà Hằng, bà Quỳnh vừa bị bắt theo trường hợp phạm tội quả tang (theo điều 82 – BL TTHS) lại vừa bị bắt theo Lệnh bắt khẩn cấp (theo điều 81-BL TTHS) là vô lý nó thể hiện quyết tâm bắt người bằng được của cơ quan công an Đồng Tháp.

III. Yếu tố cấu thành tội phạm:

1. Mặt khách quan của tội phạm:

Cáo trạng cho rằng ách tắc giao thông đến 12 giờ 30, khoảng 2 giờ 30 phút. Kết luận này chỉ dựa vào lời khai của những người làm chứng, nhưng những người làm chứng không có căn cứ nào để chứng minh là ắch tắc giao thông từ khoảng 10 giờ đến 12 giờ 30.

1.1. Cơ quan điều tra chỉ dựa vào các lời khai của những người làm chứng, nhưng những người làm chứng hôm đó không có máy ghi hình, kèm đồng hồ đo thời gian để chứng minh mà chỉ khai theo cảm tính. Người làm chứng không có bằng chứng khách quan nào để xác định giờ nào bắt đầu ắch tắc giao thông hoặc giờ nào thì giải tỏa.

Theo khoản 2 điều 67 "Lời khai của người làm chứng" – BL TTHS:

"Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó."

Do vậy, các lời khai đó không được coi là chứng cứ.

1.2. Lực lượng tuần tra hôm đó không lập biên bản về việc ắch tắc giao thông nên không có căn cứ xác định ắch tắc giao thông 2 giờ 30 phút.

2. Mặt chủ quan của tội phạm:

"Tội gây rối trật tự công cộng" theo điểm c khoản điều 245 – BLHS phải là lỗi cố ý.
2.1. Nếu xảy ra việc vi phạm giao thông: đi xe mô tô dàn hàng ba thì bà Hằng, bà Quỳnh cũng không phải là người có liên quan.

2.2. Cáo trạng cho rằng đã có khoảng 500 người dân kéo đến xem và người đi đường không đi được phải dừng phương tiện giao thông làm cho người tham gia giao thông trên đường không thể qua lại được trên huyện lộ DH67B thuộc huyện Lấp Vò. Hay nói cách khác đây là do hiếu kỳ của người dân địa phương chứ không phải lỗi của bà Hằng, bà Quỳnh.

Sáng ngày 11/02/2014, bà Hằng, bà Quỳnh và mọi người cùng đi đến Lấp Vò đã xuất phát từ Tp.HCM ngày 10/02.2014 để về thăm người quen ở Lấp Vò nên vô lý họ mới cố ý gây ra cản trở giao thông để để phá hỏng chuyến đi của mình.

2.3. Cáo trạng không chứng minh được hành vi của bà Hằng, bà Quỳnh: "có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;" theo quy định khoản 2 điều 63 "Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự" – BL TTHS

"Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;"

2.4 Nếu ngày 11/02/2014, có gây ra cản trở giao thông thì đối với bà Hằng, bà

Quỳnh không phải là lỗi cố ý nên về mặt chủ quan của tội phạm không cấu thành tội theo điều 245 – BLHS. Mặt khác lực lượng tuần tra có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát theo khoản 2 điều 4 Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an, quy định:

"Điều 4. Nhiệm vụ

Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có các nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân và nhiệm vụ cụ thể sau đây:

2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật."

2.5. Nếu sáng ngày 11/02/2014, lực lượng tuần tra giao thông xác định được nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn giao thông trên huyện lộ DH67B, không xử phạt trường hợp đi xe mô tô dàn hàng 3 thì đã không xảy ra ách tắc giao thông.

IV. Kiến nghị:

Kính thưa HĐXX,

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và thẩm vấn tại phiên tòa hôm nay, mọi chứng cứ để cáo buộc bà Hằng, bà Quỳnh chỉ duy nhất dựa vào lời khai của các nhân chứng do Cơ quan điều tra xắp đặt. Lỗi gây ra ách tắc giao thong ngày 11/02/2014, nếu có không phải lỗi cố ý của bà Hằng, bà Quỳnh mà là lỗi của lực lượng Công an tuần tra giao thông.

Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, sự việc xảy ra ở nơi thì cả thế giới đều biết đến. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam chịu sự ảnh hưởng rất lớn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nếu phiên tòa hôm nay không khách quan, không có công lý sẽ không thuyết phục được người dân và làm mất đi đáng kể sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vụ án này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong nước và quốc tế.

Về nhân thân bà Hằng, bố đẻ là người có công với chế độ, bản án ngày hôm nay nếu là một án oan thì sẽ là một báo oán, vì vậy tôi mong HĐXX xem xét.

Về nhân thân bà Quỳnh, chưa có tiền án, tiền sự; gia đình có công với chế độ.
Với các luận cứ tôi đã trình bày ở trên:

1- Căn cứ khoản 1 điều 227 – BL TTHS tôi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh vì các bị cáo không có tội.

2- Đề nghị Tòa trả lại các đồ vật tạm giữ cho bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

3- Đề nghị Tòa ra quyết định khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích và cướp giật tài sản" mà bị hại chính là bà Hằng, bà Quỳnh và những người cùng đi.

Tôi xin chân thành cám ơn các sự lắng nghe của các quý vị,

Tp. Cao Lãnh, ngày 26/08/2014
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn

Trần Trung Đạo: TT Ngô Đình Diệm đã từng giúp gạo cho dân Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ?

Nguồn facebook Trần Trung Đạo

(Đức Đạt Lai Lạt Ma, người thứ hai trong hình, 24 tuổi, đang trên đường vượt thoát từ Tây Tạng sang Ấn Độ, tháng Ba 1959)

 

Vài tháng trước trên internet xuất hiện bài viết "Câu chuyện thật cảm động của đức ĐẠT LẠI LẠT MA nói về ĐỆ NHẤT VNCH" với nội dung chính:

 

"Ngày 20.09.2013 khi người Việt tại Đức được vinh dự đón Đức Dalai Lama tại chùa Viên Giác, Ngài đã kể lại 1 câu chuyện thật cảm động. Những thập niên 50, Mao Trạch Đông xua quân vào Tây Tạng giết sư, đốt chùa và gây ra hằng hà xa số tội ác với 1 dân tộc Tây Tạng hiền lành chịu đựng. Năm 1959 Đức Dalai Lama phải cùng dân tộc của Ngài từ bỏ quê hương lên đường tỵ nạn. TQ lúc bấy giờ như con hổ đói, họ dùng đủ mọi cách để truy lùng ...Ngài.   Khoảng thời gian đó trên thế giới ít người biết và để ý đến tình hình xảy ra ở Tây Tạng, và cũng chẳng ai biết gì về 1 thanh niên với nụ cười thật nhân hậu đang dìu dắt dân tộc mình lánh nạn trước mũi súng bạo tàn của Mao Trạch Đông. Ấn Độ luôn có đụng độ với TQ về vấn đề biên giới, vi vậy họ không muốn làm tình hình căng thẳng thêm, nên cũng chẳng tha thiết giúp đỡ đoàn người tỵ nạn đến từ Tây Tạng. Tin tức về tình hình bi đát từ Tây Tạng chẳng được loan truyền, lại bị TQ cô lập thông tin toàn diện, nên thế giới chẳng ai biết đến mà quan tâm.  Đoàn người tỵ nạn vì vậy thiếu thốn cơ cực đủ điều, tình hình lúc bấy giờ thật nghiệt ngã.

 

May thay ở vùng Đông Nam Á có 1 vị Tổng Thống cũng nhân đạo không kém. Ông từng biết thế nào là tỵ nạn CS, vì chính ông cũng đã mở rộng vòng tay đón tiếp và giúp đỡ hằng triệu đồng bào của ông chạy nạn CS từ Bắc vào Nam... Đó là cố TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm đối với dân tộc của ông vào những ngày tháng khó khăn nhất".

 

Vài hôm sau tôi nhận bài viết phản bác bài viết trên với cái tựa khá dài  "ĐỨC DALAI LAMA, ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI CỦA NHÓM "HOÀI NGÔ"" của tác giả Nguyễn Kha. Tác giả dành khá nhiều công sức để tìm kiếm gần như tất cả các phương tiện truyền thông thông dụng, từ google cho đến các trang web Tây Tạng và nhất là nghe kỹ youtube thu lại buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở chùa Viên Giác.

 

Theo tác giả Nguyễn Kha, ngoài ba lần nhắc đến Việt Nam trong chiến tranh, trong toàn bộ buổi thuyết pháp "Đức Dalai Lama đã không còn đả động gì đến Việt Nam nữa. Nhất là Ngài HOÀN TOÀN KHÔNG NÓI MỘT TIẾNG "PRESIDENT DIEM" HAY MỘT TIẾNG "RICE DONATION" NÀO CẢ. Do đó, dĩ nhiên là không có câu chuyện hoang đường "Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm" đã "âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng." như "Chị Hoa Lan" đã gian trá phịa ra".

 

Đến Viên Giác, Hannover, Đức

 

Một lần, bạn tôi, Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Dallas gọi để thảo luận về chuyện "TT Ngô Đình Diệm tặng gạo cho dân Tây Tạng" này. Tôi nói với anh, trên quan điểm chính trị và nhân đạo, tôi tin là có nhưng thú thật tôi không chứng minh được bằng tài liệu nào. Biết tôi sắp đi Đức, anh Phước dặn tôi để đích thân nhờ Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, Hannover xác nhận dùm chuyện "hàng tấn gạo" này. Tôi hứa sẽ bạch với thầy.

 

Tôi đến Hannover chiều thứ Năm tuần trước. Lần đầu đến viếng chùa Viên Giác, nhưng về tình cảm, với tôi đây là chuyến trở về. Viên Giác Hannover không có bóng đa già và những mùa thu ngập lá như Viên Giác Hội An. Viên Giác Hannover  không có thằng bé ngồi nhìn bóng trăng soi trên sân gạch mà nhớ đến mẹ mình trong những đêm rằm Vu Lan tháng Bảy như Viên Giác Hội An. Cây đa già đã chết, thằng bé đã đi xa nhưng ký ức của một phần đời cô đơn nhất vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn nó.

 

Sau những chuyện riêng tư, thăm hỏi sức khỏe, tôi bạch với Hòa thượng Thích Như Điển trong thời gian Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm chùa Viên Giác hôm 20 tháng 9, 2013, khi ngài thuyết pháp, khi ngài trò chuyện, khi ngài nói trong chương trình, khi ngài thăm hỏi ngoài chương trình, có bao giờ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến việc "TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng" không?

 

Hòa thượng Như Điển xác định "Không".  

 

Nhưng rồi hòa thượng nói tiếp, sau khi đọc bài viết chính hòa thượng cũng thắc mắc về chuyện "hàng tấn gạo" và bảo các đệ tử, trong đó có nhiều người tu học tại Ấn Độ truy cứu tài liệu để tìm xem nếu Việt Nam Cộng Hòa đã từng viện trợ gạo cho nhân dân Tây Tạng. Ngày 7 tháng 8 vừa qua, hòa thượng nhận được kết quả truy cứu.

 

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã hai lần tặng gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng

 

Tài liệu xác nhận Việt Nam Cộng Hòa đã có cứu trợ gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn, và không chỉ cứu trợ "hàng tấn gạo", vài chục ngàn tấn mà đã gởi hai lần tổng cộng một ngàn năm trăm tấn gạo qua trung gian chính phủ Ấn. Hòa thượng chuyển cho tôi nguyên văn tài liệu và cả đường link dẫn đến tài liệu. Ngài cũng khuyến khích tôi dịch các đoạn liên hệ đến Việt Nam để phổ biến cho công chúng. "Sự thật cần phải làm sáng tỏ", thầy dặn tôi như thế.

 

Tôi thật có duyên với câu chuyện "hàng tấn gạo" này vì người đón gia đình tôi ở phi trường và cả nhà ga Berlin lại là chị Hoa Lan. Chúng tôi không biết nhau trước. Chị ở Berlin nên Hòa thượng Phương Trượng chùa Viên Giác nhờ chị đón chúng tôi ở phi trường, đưa sang nhà ga đi Hannover và đón chúng tôi khi về lại Berlin. Khi chị đón tôi ở nhà ga Berlin, trên đường về khách sạn, tôi hỏi có phải chính chị đã nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng "TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng" hay không? Chị Hoa Lan trả lời "Không". Chị Hoa Lan cũng không biết ai đã dùng tên chị để đưa vào bài viết. Vì tôi đã được hòa thượng xác nhận bằng tài liệu chính thức của chính phủ Ấn nên việc chị Hoa Lan có nói hay không không còn là chuyện quan trọng.

 

Giá trị của tài liệu

 

Tài liệu do Hòa thượng Như Điển chuyển dày 116 trang do Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách và Quốc Hội Tây Tạng (Tibetan Parliamentary and Policy Research Centre) công bố năm 2006. Trung tâm đặt văn phòng tại H-10, 2nd Floor, Lajpat Nagar - III, New Delhi - 110024, INDIA.  Đây là tổng kết các biên bản ghi lại các buổi phỏng vấn các lãnh đạo trong chính phủ Ấn Độ. Những người được phỏng vấn có Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru, Bộ Trưởng Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon, Bộ trưởng Thương mại Shri D.P. Karmarkar, Thứ trưởng Ngoại Giao Shri A.K. Chanda, Bộ trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Shri T.T. Krishnamachari và nhiều viên chức cao cấp khác có liên hệ đến tiến trình định cư người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn từ năm 1952 đến năm 2005.

 

Phỏng vấn Thủ tướng Nehru

 

Ngày 19 tháng 12 năm 1960, người phỏng vấn tên Shri Harihar Patel hỏi Thủ Tướng Shri Jawaharlal Nehru: "Thủ tướng vui lòng cho biết tên các quốc gia, cơ quan cứu trợ tư có liên hệ đến công việc cứu giúp và định cư người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn và số lượng cũng như tên các trại do các cơ quan đó điều hành tại Ấn, Sikkim và Bhutan?"

 

Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru: "Các chính phủ Úc, Mỹ và Tân Tây Lan đã viện trợ 10 lakhs Rupees, 4,75,000 Rupees, 2,63,920 Rupees theo thứ tự để chính phủ Ấn chi dùng cho các chương trình tỵ nạn Tây Tạng. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng 1300 tấn gạo".

 

Các cơ quan thiện nguyện tư cung cấp thức ăn, áo quần, thuốc men v.v. gồm có (1) Co-operative for American Relief Everywhere; (2) American Emergency Committee for Tibetan Refugees; (3) Catholic Relief Services in India; (4) National Christian Council of India; (5) World Veterans' Federation; (6)  Indian Red Cross Society; (7) Junior Chamber International; (8) The Buddhist Society of Thailand. Không có một trại tỵ nạn nào được đặt dưới sự điều hành bởi các cơ quan từ thiện ngoại quốc."

 

Phỏng vấn Bộ Trưởng Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon

 

Ngày 30 tháng Tư, 1962,  người phỏng vấn tên Shri N. Sri Rama Reddy phỏng vấn Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Shrimati Lakshmi Menon: "Thủ tưởng có vui lòng cho biết đúng hay không rằng Chính phủ Nam Việt Nam đã đề nghị tặng 200 tấn gạo để cứu giúp người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ". Bộ trưởng Ngoại Giao Ấ Shrimati Lakshmi Menon đáp "Đúng vậy, thưa ông".

 

Như vậy, việc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chỉ một lần mà hai lần và cũng không chỉ vài ngàn mà hàng trăm ngàn tấn gạo là chuyện thật.

 

Người xác nhận nghĩa cử cao quý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không phải là một viên chức cấp thấp chăm lo công việc cứu trợ hay một phóng viên báo chí góp nhặt tin tức đó đây mà chính từ lời phát ngôn trang trọng của cố Thủ Tướng  Shri Jawaharlal Nehru, người có thẩm quyền cao nhất của chính phủ Ấn và cũng là nhà kiến trúc nên quốc gia dân chủ Ấn Độ hiện đại ngày nay.

 

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng gạo cả hai lần đều qua trung gian của chính phủ Ấn và các trại tỵ nạn Tây Tạng ngày đó như Thủ Tướng Shri Jawaharlal Nehru xác nhận, đều đặt dưới quyền điều hành của các cơ quan xã hội Ấn nên đức Đạt Lai Lạt Ma có thể không biết.

 

Lý do không "hoang đường" mà rất đơn giản và dễ hiểu.

 

Về mặt nhân đạo, việc cố Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng gạo cho nhân dân Tây Tạng phát xuất từ tình người. TT Ngô Đình Diệm đâu cần phải vượt qua hàng rào tôn giáo như người viết bài gán ghép cho cố tổng thống. TT Ngô Đình Diệm cũng không phải "âm thầm" giúp đở chỉ vì ngài là "Tổng Thống Công Giáo" mà lại giúp đở "những người Phật Giáo Tây Tạng". Đạo Công Giáo chẳng những không cấm cản mà còn khuyến khích con cái Chúa giúp đở những người khó khăn, đói khát, chịu đựng không cùng tôn giáo. Hình ảnh Mẹ Teresa sẽ mãi mãi như ánh trăng thương yêu soi sáng sông Hằng Hindu Ấn Độ. Hàng triệu người Việt tỵ nạn Cộng Sản sau 1975 đã vượt qua được chặng đường đầu đầy khó khăn phần lớn cũng nhờ vào bàn tay cứu giúp của những người không cùng tôn giáo.

 

Về mặt chính trị, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm chắc chắn biết rằng Việt Nam Cộng Hòa và Tây Tạng có nhiều điểm giống nhau về hoàn cảnh lịch sử và địa lý chính trị. Hai dân tộc từng chịu đựng dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, hai quốc gia nhỏ chịu số phận vùng trái độn sát biên giới Trung Cộng, hai cuộc di dân tìm tự do trong đói khát, chịu đựng, viện trợ gạo, do đó, là một cách để thế giới thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa luôn đứng về phía những người cùng chiến tuyến tự do. Tổng thống Ngô Đình Diệm không làm việc đó trong "âm thầm" mà đã chính thức thông báo cho Thủ tướng Ấn Độ Shri Jawaharlal Nehru biết và được thủ tướng vui mừng đón nhận. Ngày nay rất nhiều quốc gia có cảm tình với Tây Tạng nhưng trong thời điểm 1960 chỉ vỏn vẹn bốn quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Hòa đã đóng góp trực tiếp vào việc cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng. Và trong số bốn quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa có thể là nước nghèo nhất về của cải nhưng giàu hơn nhiều cường quốc về lòng nhân đạo.

 

Hai lý do đó chẳng "hoang đường" nhưng rất đơn giản và dễ hiểu mà vị lãnh đạo một quốc gia cùng số phận với Tây Tạng hẳn phải biết.

 

Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm có đức tính sống cao cả hơn và có một tâm hồn trong sáng hơn nhiều người đang "ca tụng" hay "vinh danh" ngài.  Nếu biết kính trọng, hãy để ngài là cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, đừng cô lập ngài thành một vị "Tổng Thống Công Giáo". Lịch sử để lại nhiều vết thương đau nhưng không có vết thương đau nào là của riêng Công Giáo hay Phật Giáo mà là vết thương đau của dân tộc.

 

Phản bác bài viết "Câu chuyện thật cảm động của đức ĐẠT LẠI LẠT MA nói về ĐỆ NHẤT VNCH", tác giả của bài "ĐỨC DALAI LAMA, ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI CỦA NHÓM "HOÀI NGÔ" cũng chẳng xây dựng hay tích cực gì hơn. Thái độ hiềm khích, hằn học thể hiện ngay trong cách dùng từ, đặt tựa.  

 

Không thể đánh giá một con người đã sống, một biến cố đã xảy ra hơn nửa thế kỷ bằng tiêu chuẩn ngày nay. Phương pháp đó thiếu đặc tính khách quan và lịch sử. Dân chủ là một tiến trình từ thấp đến cao, từ non trẻ đến trưởng thành chứ không phải là một sản phẩm được chế tạo theo một công thức, mẫu mực nhất định hay được nhập từ một quốc gia nào. Nền dân chủ Mỹ trả giá bằng sinh mạng của sáu trăm ngàn người lính hai miền trong năm năm nội chiến. Nền dân chủ Nam Hàn cũng phải chịu đựng ám sát, đảo chính, độc tài, tham nhũng trước khi trở thành một trong G20 của thế giới ngày nay.

 

Việt Nam Cộng Hòa, sau hiệp định Geneva, từ một thường dân cho đến nguyên thủ quốc gia đều bắt đầu hành trình dân chủ đầy gai góc bằng hai bàn tay trắng, vừa học vừa hành trong máu và nước mắt. Không ai muốn nhưng đã để lại những hố sâu, những vết nứt trên đường đi của các thế hệ hôm nay. Một người Việt Nam có trách nhiệm, nếu không giúp lấp lại những cách ngăn, không giúp xoa dịu nỗi đau, không giúp bắt một nhịp cầu cảm thông thì cũng không nên đào sâu thêm hố hận thù, chia rẽ trong lòng một dân tộc đang quá khao khát thương yêu và đoàn kết.

 

Trần Trung Đạo

(Trên xe lửa từ Berlin đi Prague, chiều 26-8-2014)

 

 

Tham khảo:

-       Indian Parliament on the issue of Tibet RAJYA SABHA DEBATES 1952 -2005 (http://www.tpprc.org/publication/rajya_sabha_debates_on_tibet-2006.pdf)

Bùi Tín : Tất cả chỉ là phương tiện

Nguồn VOA

27.08.2014

Dư luận trong ngoài nước đang xôn xao bàn tán về lá Thư ngỏ của 61 đảng viên CS, phần lớn là trí thức cấp cao từng đảm nhận những chức vụ quan trọng như giáo sư, viện sỹ, chuyên gia, cố vấn trong bộ máy đảng và nhà nước. Thật ra từ năm 2010, trước Đại hội đảng thứ XI, theo yêu cầu của Bộ Chính trị mời toàn đảng và toàn dân góp ý vào các văn kiện dự thảo, nhiều trí thức đã mạnh dạn và chân thành góp ý, nhưng lãnh đạo đã có thái độ cực kỳ ngạo mạn, gần như không hề tiếp nhận một ý kiến phản biện nào, dù cho đó là ý kiến sáng suốt, tỉnh táo, có cơ sở lý luận vững chắc, thực tiễn rõ ràng, lập luận chặt chẽ.

Đó là những ý kiến của Giáo sư Trần Phương và ông Vũ Khoan, từng là phó thủ tướng: của các Giáo sư Đào Xuân Sâm, Đào Công Tiến, Phan Văn Tiệm, Nguyễn Mại, Võ Đại Lược; của nguyên Đại sứ Nguyễn Trung; của các chuyên gia Vũ Quốc Tuấn, Trần Đình Thiên, Việt Phương, Lê Đăng Doanh; của các nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nữ chuyên gia ngân hàng Dương Thu Hương; của cựu trưởng Ban Bảo vệ chính trị trung ương đảng Nguyễn Đình Hương.…. Đó là mới chỉ kể những người tiêu biểu nhất, trong đó không ít người tôi từng quen biết, từng trao đổi ý kiến từ khi còn ở trong nước.

Tôi rất hiểu tâm trạng của những trí thức có trình độ, có tâm huyết như thế, và tôi cũng hiểu sự chán nản, bực bội, có khi phẫn nộ của anh chị em khi thấy lãnh đạo vẫn cứ một mực ù lỳ, giáo điều, ôm chặt chủ nghĩa Mác-Lênin đã thất bại hiển nhiên, «kiên trì» chế độ độc quyền đảng trị mục nát, duy trì chế độ sở hữu toàn dân về ruộng đất kỳ quặc, thực hiện chính sách phi lý hèn với bọn bành trướng, ác với dân.

Ông Nguyễn Trung đã sốt ruột sau khi viết nhiều luận văn rất dài, viết cả vở kịch «Lũ» để cảnh báo về tình hình cực kỳ nghiêm trọng, nay lại cảnh báo khẩn cấp về «thảm họa Đen» đang gõ cửa nước ta (có thể đọc trên mạng Thời đại mới), nhưng vẫn chỉ là công cốc, thật đau lòng, khốn khổ về tinh thần cho người có tâm có tầm như thế.

Chẳng lẽ hàng ngũ trí thức VN đành chịu bó tay, theo lập luận rằng Bộ Chính trị kêu gọi góp ý, mỗi người đã chân thành tích cực góp ý, thế là hoàn thành nhiệm vụ, xong việc, còn lại là trách nhiệm của họ, của lãnh đạo? Nghĩ như thế có ổn không?

Tôi nghĩ có một hàng rào tâm lý ngăn cản đội ngũ trí thức nước ta dấn thân mạnh mẽ hơn nữa cho quê hương đất nước và nhân dân thân yêu của mình. Một hàng rào có hại, nguy hiểm. Đó là khái niệm phong kiến về lòng trung thành. Trung thành với đảng CS, với chế độ độc đảng, vì sau khi vào đảng, anh chị em thường nghĩ và gọi là «đảng ta», «chế độ ta», trung thành với lá cờ Tổ quốc, lá cờ đảng được coi là «những lá cờ của ta», ta từng mang xương máu ra để bảo vệ kia mà. Trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với điều lệ đảng, với hiến pháp của đất nước, trung thành với đường lối, chính sách, luật pháp của đảng và nhà nước ta. Tất cả đều thiêng liêng, đặt trên bàn thờ để cúng bái, không ai được coi thường, xúc phạm. Đạo đức xã hội phong kiến kiểu Khổng giáo cho rằng không trung thành là xấu xa, đáng tủi hổ, là phản bội, là nhục nhã, phải bị lên án, bị trừng phạt. Người quân tử phải trung với nhà vua, làm điều phải, vâng lời cha mẹ, thầy giáo, không được làm trái.

Lúc này xã hội ta cần truyền đạt, cổ xúy một thái độ tiến bộ. Đó là coi đảng, nhà nước, học thuyết, đường lối, lý luận, điều lệ, hiến pháp… tất cả chỉ là công cụ, là phương tiện để con người, xã hội sử dụng trong sự nghiệp phát triển nhằm mưu cầu hạnh phúc chung. Tất cả những công cụ, phương tiện ấy đều không có gì là thiêng liêng, vĩnh cửu, đều có thể sửa chữa, thay đổi, thay thế tùy theo điều kiện cụ thể. Như cái cày cái bừa của nông dân, cái búa cái kìm của người thợ, cái kim của cô thợ may, cái bút của anh sinh viên. Không thể giữ thái độ cổ hủ, cố định, đình trệ, rất phản khoa học, trái tự nhiên.

Nếu có chăng điều thiêng liêng thì đó là yêu nước thật lòng, thương dân thật lòng, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của quê hương, làm điều thiện tránh điều ác, tránh lòng tham, không đi ngược lại lương tâm, không làm trái điều mình tin là lẽ phải, phải có dũng khí, không làm theo điều gì sai lầm có hại cho nhân dân đất nước.

Chủ nghĩa Mác-Lênin áp dụng ở Liên Xô, Đông Âu đã thất bại hiển nhiên, bị gạt bỏ dứt khoát vậy còn tiếc rẻ làm gì? Chủ nghĩa xã hội thực tiễn đã phá sản triệt để trong hơn 10 nước; ở VN Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đến cuối thế kỷ này cũng sẽ chưa thấy mặt mũi nó ra sao, vậy thì giữ nó làm gì? Chủ nghĩa cộng sản còn xa vời hơn, chưa thấy hình dáng nó ra sao, huống gì các ông CS hiện nay toàn là tư sản lớn nhỏ cả, vậy thì chủ nghĩa CS đã trở thành vô nghĩa, ôm nó mãi làm gì? Các ông Mác-Lênin chẳng có gì là thiêng liêng mà lại còn có hại, thì còn có lý gì để còn luyến tiếc, để ghi mãi trong cương lĩnh, điều lệ đảng?

Hơn 20 năm trước toàn thế giới có trên 100 đảng và nhóm CS, nay tuyệt đại đa số đã giải thể, đã chết, gần như tuyệt chủng, vậy giữ mãi cái danh hiệu CS cô độc, bị lịch sử thải loại không thương tiếc, cho vào bảo tàng rồi, không dám bỏ sang một bên để mang tên mới liệu có còn khôn ngoan?

Khi hàng vạn trí thức CS đã nhận rõ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đem ra áp dụng đã tàn phá đất nước, chủ nghĩa xã hội thực tiễn đã là tai họa hiển nhiên cần dứt khoát từ bỏ nhưng lãnh đạo không chịu nghe theo lẽ phải, vậy thì các anh chị em đó còn có lý do gì để tiếp tục giữ niềm tin tuyệt đối trung thành với đảng? Như thế là đã tự mình mâu thuẫn với chính mình, phản bội lại trí tuệ và lương tâm của chính mình, không nhất quán với bản thân mình, vậy có còn là trí thức chân chính lương thiện hay không? Họ đã ngụy biện, lấy sự trung thành với đảng, với lãnh tụ, với học thuyết, với cương lĩnh để che dấu thái độ ươn hèn, thỏa hiệp với sai lầm và còn trên thực tế đồng lõa với tội ác.

Tôi còn nhớ trước Đại hội XI của đảng CS, Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ yêu cầu đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin để trở về với dân tộc, nếu không ông sẽ công khai đốt thẻ đảng vì đảng không còn là đảng của ông và của nhân dân nữa. Ông đã làm đúng như thế, và ông cùng một số đảng viên CS phản tỉnh đã vĩnh biệt đảng CS đang nghĩ đến việc chung sức lập một tổ chức chính trị mới để phục vụ nhân dân, dân tộc, hợp với thời đại mới. Đây là một suy nghĩ đáng quý.

Tôi tha thiết mong mỏi những đảng viên lâu năm tôi từng quen biết, từng trân trọng, như Giáo sư Trần Phương, nhà chính trị-ngoại giao Vũ Khoan, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, anh Vũ Quốc Tuấn, Luật sư Trần Quốc Thuận, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cô Nguyễn Thanh Bình, con gái của tướng Vĩnh, nữ giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Toản, vợ cố Trung tướng Cao Văn Khánh, Giáo sư Hoàng Tụy - xin tất cả các bạn quý mến khác nữa, hãy dấn bước thêm, theo hướng đoạn tuyệt với những gì các bạn đã cho là sai lầm, hư hỏng, nguy hiểm cho đất nước cho đồng bào, dứt tình triệt để với bọn bành trướng khi dã tâm của chúng đã mười phân rõ mười. Xin các bạn hãy nhất loạt từ bỏ những công cụ cực kỳ tệ hại kéo dài, đã gây biết bao thảm họa, để cùng nhau tạo nên công cụ mới, lý luận mới, đường lối đối nội đối ngoại mới, bạn bè mới, liên minh mới phục vụ cho phát triển và phồn vinh của Tổ quốc, cho đồng bào đang trông đợi ở chúng ta.

Rất mong tất cả các bạn có thái độ phản biện quyết liệt hơn nữa với những văn kiện dự thảo cho Đại hội đảng lần thứ XII sắp đến, không thể tiếp tục chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa CS mơ hồ ảo ảnh, nền chuyên chính độc đảng tệ hại…Chỉ cần có thái độ dứt bỏ những công cụ cũ kỹ, lạc hậu có hại ấy, và lựa chọn thay thế bằng những dụng cụ hiện đại, tiên tiến, có ích. Còn cách dứt bỏ thì tùy, như thẻ đảng viên có thể cất vào ngăn kéo, cho một mồi lửa, vứt vào thùng rác, đào sâu chôn chặt vào quá khứ hay lịch sự trao lại cho Ban Tổ chức của đảng, bắt tay từ biệt các đồng chí cũ, nhẹ nhàng đoạn tuyệt với danh nghĩa đảng viên, mang danh nghĩa mới là người công dân dân chủ.

Mong các bạn quý hãy bước thêm một bước tới trước, chung sức tạo nên một tổ chức mới, một công cụ mới, từ trí tuệ tinh thông, từ tâm huyết nồng nhiệt để xây dựng đất nước hưng thịnh, phồn vinh, thành quả phát triển được chia chung cho toàn xã hội.

Xin nhớ biết bao nhà lãnh đạo từng gắn bó với lý luận Mác-Lênin, với học thuyết cộng sản cuối cùng đã ngay thật thốt ra là đảng CS theo chuyên chính vô sản không thể đổi mới, không thể cải tạo, không thể hoàn lương, nó đã hư hỏng từ gốc đến ngọn. Nó còn ngày nào là gây hại, làm mất thời gian là của quý nhất của nhân dân, của dân tộc ngày ấy.

Vậy thì mọi đảng viên CS còn có lương tri, còn được lòng yêu nước thương dân mách bảo, hãy làm một cử chỉ nhân đạo, cho đảng CS một ân huệ là góp phần kết thúc sự tồn tại tệ hại của nó, tiễn đưa nó vào viện bảo tàng. Nó không còn có chút gì là thiêng liêng, cao quý, không mảy may có ích.

Rồi các bạn sẽ thấy, cuộc đời sẽ thanh thản, nhẹ nhàng, đáng sống hơn trước, cảm thấy gần với nhân dân, đồng bào, có ích cho cuộc đời này rất nhiều. Dù cho có bị chụp mũ, bị đánh hội đồng là «phản bội», «theo chân bọn phản động», «tay sai cho đế quốc» cũng không hề hấn gì khi lương tâm trong sáng, luôn thật lòng yêu nước thương dân.

Trên đây là những lời tâm huyết của một người do hoàn cảnh địa lý-chính trị-xã hội đã ở trong đảng CS hơn 42 năm (từ tháng 3/1946 đến tháng 9/1990), đã từ biệt đảng 25 năm nay, tuy được đảng CS đào tạo, sử dụng nhưng không thể không chia tay với một công cụ chính trị nguy hại cho dân cho nước, và từ đó cảm thấy có ích cho cuộc đời, thật sự cảm thấy hạnh phúc tự hào hơn bao giờ hết.