Ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ Việt nam tại Thái lan nhận định tình hình đất nước hiện nay:
Sự thật là đất nước đang lâm nguy chưa từng có – trước hết từ bên trong, hoạ bành trướng tôi không sợ bằng. Đụng vào sửa chữa bất cứ vấn đề gì cho đến nơi đến chốn cũng có thể dẫn đến sụp đổ tất cả, còn hơn cả kiếm củi ba năm thiêu một giờ!.. Hàng thập kỷ nay sự tha hoá của quyền lực đã lên tới đỉnh điểm: Sẵn sàng mất tất cả nhưng giữ đến cùng chế độ! Nhưng nếu duy trì nguyên trạng, thì èo uột và không thể tồn tại bên cạnh Trung Quốc. Cái ngu dốt và cái sợ đang làm phức tạp thêm tình trạng tiến thoái lưỡng nan này.
Tháng Tám mùa thu cách mạng
Điều trớ trêu là vị cựu Đại sứ nêu vấn đề sự tha hóa của quyền lực vào thời điểm mang tính tinh thần rất quan trọng của cuộc cách mạng đã hình thành thứ quyền lực ấy. Đó là khoảng thời gian mùa thu tháng tám, tháng chín, vẫn được những người cầm quyền ca tụng hơn ba phần tư thế kỷ nay. Họ gọi đó là Mùa thu cách mạng, cuộc cách mạng được dẫn dắt bởi ý thức hệ cộng sản năm 1945.
Trong bài viết mang tựa đề Chúng ta lựa chọn gì cho Tổ quốc, ông Nguyễn Trung thử đề ra những giải pháp để Việt Nam có thể thoát khỏi sự đe dọa của cường quốc phương Bắc cùng ý thức hệ là Trung Quốc. Ông viết rằng hiện nay Việt Nam và nước Mỹ cựu thù lại cùng có những lợi ích, và điều này có thể làm cho Việt Nam và Hoa Kỳ đứng cùng một liên minh để bảo vệ sự sống còn của Việt nam.
Chuyện liên minh của ông Nguyễn Trung cũng là suy nghĩ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang trong bài viết của ông mang tên Có nên đặt vấn đề Thoát Trung? Trong đó ông nói rằng thay vì suy nghĩ tìm cách Thoát Trung, tức là thoát khỏi Trung Quốc thì nên tìm cách thân phương Tây, với một liên minh Việt Mỹ.
Bài viết của ông Nguyễn Trung cũng nói đến những bức bách, lấn át mà Bắc Kinh thực hiện đối với Việt Nam hiện nay.
Liên quan đến câu chuyện lấn át này của đồng chí phương Bắc, blogger Cầu Nhật Tân kể lại chuyện xưa từ khi cách mạng cộng sản mới thành công trong bài viết Hơn nữa thế kỷ nhức nhối nơi địa đầu tổ quốc. Trong bài này tác giả kể rằng ngay những năm đầu tiên khi hai đảng cộng sản bắt đầu cai trị hai quốc gia thì đảng cộng sản Trung Quốc lúc nào cũng lấn lướt cả. Cầu Nhật Tân minh họa bằng những ví dụ sống động tại tỉnh Móng Cái trong những năm 60, khi các "đồng chí" Trung Quốc sang giúp miền Bắc Việt Nam cộng sản. Họ đã cho treo hình ông Mao Trạch Đông, kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc, thay vì Việt Nam, và kết quả cuối cùng là nhiều phần đất Việt Nam đã thuộc về Trung Quốc.
Đó là chuyện những người cộng sản Việt Nam đối phó với các đồng chí phương Bắc. Còn trong nước thì từ khi lên nắm quyền, họ đã thực hiện một chế độ toàn trị mà điểm dựa quan trọng cho chế độ đó chính là lực lượng công an. Trong những ngày tháng tám này, nhà báo Đoan Trang nhắc lại một bài cô viết năm xưa mang tên Trời mùa thu Việt nam buồn lắm em ơi! Mùa thu cách mạng đã biết thành một mùa thu buồn cho những người dân Hà nội như Đoan Trang khi thấy nó không còn là của mình nữa, và cô nhắc lại ý thơ của Trần Dần rằng Hà Nội chỉ còn mưa sa trên nền cờ đỏ.
Hà Nội của Đoan Trang và bạn bè bị mất đi nhường cho bóng dáng các viên công an, ngự trị phố phường Hà Nội từ một viên sĩ quan công an dữ dằn hồi những năm bao cấp ra oai với một cô bé làm đổ nước xuống sàn cầu thang, cho đến những viên công an dữ dằn không kém khi đất nước đã định hướng kinh tế thị trường, dồn đuổi những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược về đồn công an.
Chế độ công an trị đó lại tỏ ra bất lực trước những tệ nạn xã hội, tệ nạn tham nhũng ngày nay.
Nhưng dường như vấn nạn đó không được những người điều hành đất nước hôm nay quân tâm đầy đủ. Trong một thông điệp gửi đến ngành công an Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại chú tâm đến những lực lượng chính trị đối lập ngày càng có vẻ được tập hợp lại ở Việt Nam.
Bình luận về việc này, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội nói;
Hằng năm cứ vào dịp ngày 19 tháng 8- ngày truyền thống của ngành công an thì ông Nguyễn Tấn Dũng luôn luôn đến tham dự và có bài phát biểu ở đó. Trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn theo dõi những phát biểu của ông ấy thì phát biểu năm nay với những năm trước đây hoàn toàn giống hệt nhau. Thông điệp là không chấp nhận cho những tổ chức chính trị đối lập được hình thành, phá hoại đất nước. Đó là thông điệp chung thôi. Nhưng đáng lẽ năm nay không nên lập lại thông điệp cũ của những năm trước bởi vì nay có những thay đổi trong tình hình; nhưng thật ngạc nhiên khi ông ta cũng lặp lại thông điệp như vậy.
Tháng Bảy âm lịch mưa ngâu
Tháng tám mùa thu cách mạng của những người cộng sản lại cũng là tháng bảy âm lịch mưa ngâu trong truyền thống Việt Nam, thời gian mà người ta cầu mong cho những oan hồn uổng tử siêu thoát. Tháng bảy mưa ngâu năm nay người ta chứng kiến những tiếc nuối của người dân Sài Gòn và Hà Nội khi những hàng cây cổ thụ bị đốn hạ nhường chổ cho những dự án phát triển đường sá nhà cửa. Mà đồng thời người ta cũng chứng kiến một chuyện bi hài khi thành ủy Hà nội định tổ chức sinh nhật hai ngàn năm tuổi cho…Hai Bà Trưng, một cái ngày mang tính thần thoại.
Một người dân Sài gòn gốc Huế là đạo diễn Song Chi, nhìn cảnh những hàng cây và những ngôi nhà xưa bị xóa bỏ mà viết bài Sài gòn qua bao mùa phai nhạt. Bà mượn ý nhà thơ Vũ Đình Liên để kết thúc như một khúc bi ca về Sài gòn ngày nay:
Sài gòn ơi hồn ở đâu bây giờ!
Một người Sài gòn khác là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, vốn gốc gác Tây Nam bộ và Hà nội, cũng nhìn cảnh mưa ngâu của tháng bảy mà nuối tiếc cho những di tích qua ít ỏi của Sài gòn lần lượt ra đi cho một cái gì đó nhân danh sự phát triển:
Tháng Bảy này, cũng chỉ còn vài ngày nữa sẽ qua, nhưng sự hủy hoại di sản văn hóa vật chất, tinh thần nhân danh "phát triển hiện đại" như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi khác đang làm hôm nay sẽ để lại hậu quả rất lâu dài…
Cứ như vậy, sẽ không còn gì làm cầu Ô thước nối liền quá khứ và tương lai… Tháng Bảy cứ còn mãi, những gì đã mất sẽ không bao giờ siêu thoát…
Làm gì cho hiện tại?
Trở lại với tác giả Nguyễn Trung. Ông cho rằng hiện trạng của Việt nam là khó lòng có thể đứng trong một liên minh với Hoa kỳ vì Việt nam không chia sẻ những giá trị dân chủ như Hoa kỳ, mà ngược lại lại đang thực hiện một chế độ toàn trị. Và chế độ toàn trị này tồn tại dựa trên nỗi sợ của người Việt hiện nay.
Nỗi sợ ấy cũng chính là tính chính trị hóa của xã hội Việt nam mấy mươi năm qua. Nhưng trớ trêu thay nhân danh chính trị, người Việt nam đang xa lánh những gì cần phải làm cho một xã hội tốt đẹp và đứng đắn. Trong bài viết Tôi không quan tâm đến chính trị, blogger Người Buôn Gió kết luận Đôi khi sự bàng quan chính trị, cũng là một âm mưu tiếp tay cho kẻ mạnh như vậy.
Kẻ mạnh này là ai?
Trong bài viết Người Tốt, Kẻ xấu và tên vô lại, blogger Hiệu Minh kể chuyện những trí thức trẻ dấn thân cho con đường dân chủ hóa Việt nam. Đó là kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê Công Định, kỹ sư doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức. Hiệu Minh viết rằng báo chí Việt nam đã từng nêu họ lên như những người tốt, những đầu óc suy nghĩ cho tương lai đất nước. Rồi vì thách thức quyền lực của đảng cộng sản mà họ bị biến thành những kẻ xấu. Hiệu Minh viết:
Đang là người tốt bỗng mang tiếng xấu chỉ có thể do kẻ vô lại dựng chuyện. Người ta nể trọng người tốt, không sợ kẻ ác nếu biết cách chống, nhưng ghê tởm và rất sợ kẻ vô lại. Không thể lấy lòng tốt để đối đãi kẻ vừa Bad vừa Ugly, bởi đó là tự sát.
Để tránh sự tự sát, 61 đảng viên lão thành đã ra lời kêu gọi nhà cầm hiện nay từ bỏ chế độ toàn trị. Ông Trần Đức Nguyên một trong những người đặt bút ký kiến nghị, và từng giữ vai trò thư ký cho cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói rằng:
Cái việc mà đưa ra yêu cầu sửa đổi chế độ toàn trị thì đã nói từ thời kiến nghị 72 rồi. Sau đó có những ý kiến đã nói rõ là đất nước phải chuyển từ chế độ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.
Việc chuyển biến sang dân chủ một cách ôn hòa ấy cũng chính là hướng đến một xã hội Việt nam của những con người tự do. Xin mượn lời cựu đại sư Nguyễn Trung nói về những con người tự do ấy để kết thúc bài điểm blog hôm nay:
Đất nước của con người tự do như thế, sẽ là bất khả xâm phạm đối với bất kỳ kẻ thù nào. Đất nước của con người tự do như thế, sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong hàng ngũ văn minh nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét