Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Phạm Quế Dương : Nhớ lại về mình

Nguồn danlambao

Phạm Quế Dương (Danlambao) - Sách "Đêm dày lấp lánh" vừa ấn hành ở Mỹ của Nguyễn Thanh Giang là một công trình đồ sộ. Sách viết về 60 nhân vật lịch sử đã có cống hiến lớn cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, Trần Độ, Trần Dần... đến Trần Huỳnh Duy Thức, Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Điếu Cày, Đỗ thị Minh Hạnh... Không chỉ kể về khối lượng, với 548 trang in khổ A4, tương đương hơn một nghìn trang in khổ thông thường, sách là một biên niên sử mang hơi hướng sử thi vì được viết không chỉ bằng trí tuệ thật uyên thâm và uyên bác mà còn bằng một tấm lòng ưu ái rất đáng trân trọng.

Về mặt trí tuệ, nhiều bài trong "Đêm Dày Lấp Lánh" có giá trị như một bản tóm tắt luận án tiến sỹ với ngồn ngộn tư liệu và những phát hiện mới làm người đọc ngạc nhiên. 

Nghiên cứu về Nguyễn Trãi, tác giả đã phát hiện và chứng minh được rằng chính Nguyễn Trãi đã đưa ra một định nghĩa về "dân tộc" sớm hơn, đầy đủ hơn Stalin. Cho đến năm 1913, người ta mới đọc được một định nghĩa được xem là có giá trị đầu tiên trong lịch sử nhân loại của Stalin về dân tộc. Song định nghĩa dân tộc của Stalin chỉ nêu lên bốn yếu tố: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý. Trước đó, Nguyễn Trãi còn nói đến yếu tố thứ năm: nhân dân.

Ông kết thúc bài viết bằng một nhận thức về tầm nhân loại của tư tưởng Nguyễn Trãi:

"Các học giả thường nói tới bốn thế hệ nhân quyền:
- thế hệ của những quyền tự do chính trị;
- thế hệ của những quyền lợi kinh tế xã hội;
- thế hệ của các quyền lợi cộng đồng;
- thế hệ của những quyền lợi nhân loại.

Từ "Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" đến "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân", từ "yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu" đến "Hòa bình là gốc của nhạc", "Dập tắt chiến tranh cho muôn đời", phải chăng tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã xuyên suốt bốn thế hệ nhân quyền".

Các học giả Việt Nam từ xưa đến nay khi nghiên cứu về xã hội Truyện Kiều hoặc chỉ nhìn qua lăng kính định mệnh, hoặc lên án đồng tiền….Nguyễn Thanh Giang, dưới con mắt của nhà dân chủ, đã nhìn ra nguyên nhân tàn hại đời Kiều là do pháp luật không được thượng tôn. Ông dẫn ra đến hơn 30 câu Kiều có chữ "oan" và chữ "oán". 

Bài viết này không dám đảm đương nhiệm vụ giới thiệu cuốn "Đêm dày lấp lánh". Việc này phải dành cho các học giả xứng tầm. Chỉ xin được "tát nước theo mưa" để tâm sự đôi điều.

Trước hết phải cảm ơn Nguyễn Thanh Giang đã vì quá thương yêu mà đưa tôi vào danh sách những danh nhân trong lịch sử đấu tranh vì tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Phải chăng đây là một-cuốn-sách-bia.

Ngoại tám mươi, nhiều khi lẩn thẩn buồn nghĩ về cái tuổi già vô tích sự, đọc Nguyễn Thanh Giang tự nhiên thấy được an ủi rất nhiều. NTG không chỉ nhắc lại những ngày hào hùng đánh Pháp ở đồn Tu Vũ, đánh Tàu ở Biên giới phía Bắc mà còn dẫn ra những câu mình đã từng nói, từng viết mà không còn nhớ: "Góp ý với đại hôi IX đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài "Phải cải cách chính trị cùng với cải cách kinh tế" ông (tức là tôi) viết: 

"…Tình hình đất nước ta ngày càng tụt hậu xa so với thế giới về kinh tế, ngay cả những nước gần cận trong khu vực. Nạn tham nhũng tràn lan không bài thuốc chũa trị, từ người lái xe ôm đến bà bán nước vùng quê đều rõ, sao những người lãnh đạo đảng CSVN không thấy mà lúc nào cũng chỉ muốn người ta tung hô Đảng sáng suốt, Đảng quang vinh, đời đời nhớ ơn Đảng... Muốn cứu vãn tình thế không thể chỉ đổi mới bằng cải cách kinh tế mà phải nhanh chóng triệt để cải cách, đổi mới chính trị. Phải nói thẳng là cải cách-đổi mới chính trị, không thể nói là cải cách-đổi mới hành chính, một kiểu nói lừa dối lương tâm... Người đứng đầu Đảng và Nhà nước (Chủ tịch nước hay Tổng thống) phải là một. Đảng cử ra ba bốn người rồi để dân trực tiếp bỏ phiếu. Không thể như hiện nay, Đảng cử ra Tổng Bí thư thì tự nhiên dân phải nhận là Vua của mình rồi. Sự thật đó là Vua của ĐCSVN chứ có phải của dân đâu... Phải thật sự bầu cử tự do. Người dân được tự do ứng cử, xoá bỏ việc mọi danh sách phải thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đó là một việc làm lùa bịp, trấn áp trắng trợn người tài một cách bẩn thỉu, đáng khinh mà những người cầm đầu Mặt trận Tổ quốc đã có lúc tự nhận mình chỉ là " cây cảnh"... Quân đội, công an là công cụ vũ trang của Nhà nước, không phải của riêng Đảng. Trả lại câu nói của Bác Hồ:" Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân". Tự sửa câu nói lịch sử của Bác Hồ là bất hiếu, bất trung ... ĐCSVN phải xin lỗi vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ Xét lại, vụ Kim Ngọc, vụ án Trường Xuân. Các vụ này xử lý oan bao nhiêu hiền tài của đất nước...".

Mấy bạn cựu chiến binh cổ lai hy đọc những đoạn ấy ngỏ lời khích lệ tôi: "Cách đây hơn chục năm mà đã dám viết được như thế thì NTG xếp ông vào hàng "Chiến sỹ dân chủ" không sai đâu"

Thật ra, NTG không chỉ biểu dương mà đã từng thẳng thắn phê phán tôi. Thấy tôi bị bắt, bị đưa ra tòa xử tội và bị tống vào tù, như là vừa thương vừa giận NTG đã trách móc tôi ăn nói bỗ bã đốp chát quá với tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Lê Đức Anh. Xin lỗi NTG, cho đến bây giờ tôi vẫn không ân hận, sám hối gì. Với cái tội đưa Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nói Nông Đếch Mạnh như tôi còn quá nhẹ. Bỏ vợ ốm chết để hú hý với người tình của con thì thật là Nông-Đức-nông-tài. Thời Mạnh làm Tổng bí thư đã dấy lên phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Hẳn là ông ta thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh sâu sắc lắm nên mới như thế. 

Về ông Lê Đức Anh thì xin kể thêm câu cuyện sau:

Hồi làm Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự tôi thường tiếp xúc trực tiếp để lấy tài liệu viết về các vị tướng như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà... Thấy vậy, cậu Ngọc - thư ký riêng của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh - bốn lần mời tôi đến gặp Đại tướng nhưng tôi đều tìm cớ đánh lảng. Lúc ấy Lê Đức Anh có tiếng xấu về vụ thảm sát tướng Nguyễn Bình và vụ Năm Châu Sáu Sứ, bây giờ lại lộ thêm vụ Thỏa ước Thành Đô 1990 thì tôi khẳng định rằng nặng lời như vậy vẫn còn quá nhẹ.

Sau khi Đại tướng Văn Tiến Dũng thôi chức Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng (1986), Tết tôi theo một số tướng lĩnh đến nhà riêng chúc Tết. Các tướng lĩnh chúc tết Đại tướng, nhưng tôi thì ngồi yên. Khi phu nhân Đại tướng bước vào tôi mới đứng dậy: "Cháu xin chúc Tết cô khỏe mạnh, bình an, mọi sự may mắn". Phu nhân của Đại tướng là bà Tám Kỳ. Bà hỏi: "Anh là ai?". "Cháu là Phạm Quế Dương là cháu của ông Sung" (Ông Sung là bác của bà Tám Kỳ). Bà cười rất vui: "Thế à". Quay lại, tôi mới chúc tết Đại tướng Văn Tiến Dũng. Khi ra về, vài vị tướng hỏi tôi khi Đại tướng còn đương chức sao không đến thăm và chúc tết Đại tướng. Tôi trả lời: "Em không đến, vì sợ người ta cho là có ý đồ cậy cục". 

Không biết Nguyễn Thanh Giang lấy tài liệu từ đâu mà đã viết như sau: 

"Bà Đỗ thị Cư - nguyên phó giám đốc Lâm trường Yên Bái, đảng uỷ viên đảng bộ Bộ Lâm nghiệp– đã viết về chồng mình- đại tá Phạm Quế Dương - như sau: "Gia đình tôi tự hào có người chồng chung thủy, người cha mẫu mực, người ông hiền hoà. Đối với họ tộc giữ được nếp gia phong, kính trên nhường dưới. Đối với bạn bè chân thành cởi mở. Đối với cấp dưới khoan dung độ lượng. Không ỷ quyền nạt nộ kẻ dưới. Biết thương yêu đồng đội lúc khó khăn. Không phân biệt kẻ sang người hèn. Đối với cấp trên, anh Dương có cá tính đặc biệt, không cơ hội, khom lưng, nịnh hót, cầu lợi cá nhân, chỉ phục tùng người thực sự có tài và rất tôn trọng người tài. Nếu như ai đó bất tài, thất đức thì dù ở cấp cao đến mấy cũng không thần phục được anh Dương. Chính vì thế mà anh luôn bị thiệt thòi và gặp rất nhiều gian truân trong suốt quá trình công tác của mình... Anh là người dám nói trước những điều nhiều người biết nhưng không dám nói, dám làm những việc nhiều người thấy cần phải làm nhưng không dám làm...".

Rất cảm ơn Nguyễn Thanh Giang đã gợi lại cái quá khứ không đến nỗi đáng chê trách để tôi được an ủi phần nào trong những ngày cuối đời buồn tủi. Hy vọng rằng con cháu của 60 vị được tôn vinh trong cuốn "Đêm dày lấp lánh" cũng sẽ được tự hào về cha ông mình mà noi gương sáng dấn thân mạnh mẽ cho tiến trình dân chủ hóa nước nhà.


Hà Nội 30 tháng 8 năm 2014 
Khu Tập thể 37 Lý Nam Đế - Hà Nội
ĐT: 04. 63700002.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét