Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn boxitvn

24/04/2015

Chúng tôi, những người bức xúc về vận nước, chân thành gửi đến Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, những người đang chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc mấy lời tâm huyết đề nghị được xem xét.

1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến đi Trung Quốc và đã có thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc, rồi lại sẽ có chuyến đi Mỹ mà thời gian và mục đích chưa được công bố rõ ràng. Chưa bao giờ những vấn đề đối ngoại của đất nước ta diễn ra dồn dập và quyết liệt như thế. Những vấn đề ấy gắn liền với những quyết sách đối nội và tác động mạnh mẽ lẫn nhau trong tình hình Trung Quốc đang đẩy tới mưu đồ chiến lược bá quyền của họ, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc. Họ dùng nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn để dụ dỗ, mua chuộc, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, lấn chiếm không chỉ trên Biển Đông mà còn trên nhiều địa bàn khác, không chỉ xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải mà còn thâm nhập và gây hại về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đồng thời tìm cách "chia để trị" các nước ASEAN nhằm đối phó với việc Hoa Kỳ thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á.

Đây chính là một thách đố gay gắt bản lĩnh của những người gánh vác trọng trách, hoặc biết chớp lấy thời cơ, đưa dân tộc đi tới, hay lại để vuột mất cơ hội, khiến đất nước bị chìm sâu vào sự lệ thuộc, tiếp tục chịu sức ép nặng nề của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán thời Tập Cận Bình.

2. Những ai có sự hiểu biết sơ đẳng về mối quan hệ Việt - Trung trong lịch sử, đặc biệt trong những năm tái lập lại quan hệ sau cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu của hơn nửa triệu quân Trung Quốc tại biên giới 1979 bằng hội nghị Thành Đô 1990, đặc biệt là những hành động gây hấn ở Biển Đông, hạ đặt giàn khoan HD981, nguy hiểm nhất là ráo riết thực hiện "chiến dịch xây đảo nhân tạo", đều hiểu việc Tập Cận Bình hối hả mời Nguyễn Phú Trọng là nhằm thực hiện những toan tính nham hiểm và xảo quyệt gì.

Màn diễn về nghi thức đón tiếp trọng thể với những lời đường mật nhằm tranh thủ những người nhẹ dạ cả tin để làm mờ bớt đi những áp lực nặng nề đang gây phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là để cản trở tiến trình Việt Nam tham gia TPP đang được xúc tiến mạnh mẽ. Những diễn biến thời cuộc đang gây lo ngại trong nhân dân, nhất là trong giới trí thức.

3. Làm sao có thể tin được Tập Cân Bình và giới cầm quyền Bắc Kinh hiện nay khi mà lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Thông cáo chung Việt - Trung ngày 8.4.2015 nêu nhiều hứa hẹn duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, nhưng không nói gì đến cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982. Như vậy cơ sở quan trọng nhất cả về pháp lý và đạo lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bị bỏ qua. Vì thế, Thông cáo chưa kịp ráo mực thì ngày 9.4.2015 Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về việc xây đảo nhân tạo và thách thức dư luận: "đất Trung Quốc, Trung Quốc cứ xây, không nước nào có quyền nói này nói nọ" tiếp tục luận điệu ngang ngược của Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc.

Bằng máu và nước mắt, người Việt Nam đã quá hiểu bụng dạ của giới cầm quyền Băc Kinh. Họ đang ra sức lừa bịp bằng cái chiêu bài "cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" để thao túng một nước láng giềng vốn không bao giờ chịu khất phục, nay buộc phải lệ thuộc vào những toan tính cho những lợi ích nước lớn của họ:

- Thông đồng với các nước lớn áp đặt những bất lợi cho Việt Nam tại hội nghị Genève năm 1954 nhằm mưu tính những lợi ích riêng của Trung Quốc, là một ví dụ.

- Thông cáo Thượng Hải do Richard Nixon và Chu Ân Lai ký ngày 28.2.1972 nếu gọi đúng tên, chính là thông cáo được viết bằng máu của người Việt Nam, là một ví dụ đau đớn khác.

- Rồi cuộc đánh chiếm Hoàng Sa ngày 19.1.1974 với sự làm ngơ của Mỹ, và cực kỳ dã man là dùng Khmer Đỏ gây ra cuộc chiến biên giới Tây Nam 1976-1978 ngay khi Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh mình còn đầy thương tích, cốt chặn đứng một Việt Nam phục hồi và lớn mạnh làm trở ngại cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông và uy hiếp các nước Đông Nam Á, để rồi năm 1979 phát động cuộc chiến tranh biên giới phía bắc.

Vậy thì khi "hai bên nhìn lại truyền thống tốt đẹp kề vai sát cánh, ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân hai nước", như Thông cáo Việt - Trung viết, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình có nhìn lại những điều dẫn ra ở trên không? Cũng như vậy, khi hô hào "duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông" thì việc Trung Quốc sau khi cướp rồi mở rộng đảo Gạc Ma của Việt Nam, hiện đang gấp rút chi hàng chục tỷ đô la cho các công trình mở rộng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa liệu có nằm trong cái "đại cục" đó không, có là hành động "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" mà Thông cáo rêu rao không?

Bằng những gì đã và đang diễn ra, chúng tôi, cũng như tất cả những người Việt Nam có lương tri từng hiểu rõ những mưu toan thâm độc của giới cầm quyền Bắc Kinh, làm sao có thể tin vào những lời đường mật trong Thông cáo về "Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc", thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước đạt tiến triển mới" như Thông cáo viết.

4. Càng thiết tha với tình hữu nghị láng giềng giữa nhân dân hai nước bao đời sống cạnh nhau, càng phải cảnh giác vạch trần những thủ đoạn nham hiểm, những lời lừa mị, bịp bợm của giới cầm quyền Băc Kinh hiện nay nhằm mua chuộc, thao túng một số người quá mơ hồ về những hứa hẹn viển vông "cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" muốn dựa vào Trung Quốc để củng cố quyền lực đang nắm giữ.

Phải kiên quyết không để xảy ra một "Thành Đô thứ hai"!

Muốn thế, phải ôn lại quyết sách giữ nước của ông cha ta với khí phách kiên cường, biết cương biết nhu, biết đánh biết đàm, và quan trọng nhất là biết vun đắp cho sức mạnh của cả dân tộc "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước" như lời Đức Thánh Trần. Biết quên thù riêng để cùng dồn sức đánh giặc cứu nước như Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn trong thế kỷ 13, biết dũng mãnh thần tốc đánh tan mười vạn quân Thanh song đã dự liệu trước "từ lệnh" để lập lại hoà hiếu với địch thủ khổng lồ như Quang Trung đã làm trong thế kỷ 18.

Trong tháng Tư lịch sử này, để vun đắp sức mạnh của cả dân tộc đứng vững trong vị thế địa – chính trị oái oăm vẫn có thể hoà hiếu với nước láng giềng khổng lồ ấy thì trước hết phải biết phát huy truyền thống khoan dung khởi đầu từ cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo năm 907: "chính sự cốt chuộng sự khoan dung giản dị khiến cho trăm họ đều được yên vui". Theo tinh thần đó, để dẹp bỏ thù hận, Trần Thánh Tông sai đốt các tráp biểu hàng giặc của bọn tiểu nhân hèn nhát năm 1289. Một ví dụ sống động nữa ngay sau Cách mạng Tháng 8.1945 là quyết sách táo bạo và dũng cảm của Hồ Chí Minh đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và trước hết: "Đảng tuyên bố tự giải tán, sự thật là Đảng rút vào bí mật. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để cứu vãn tình thế" vào ngày 11.11.1945.

5. Vào thời khắc quyết định hiện nay trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phơi bày bộ mặt của một siêu cường ham hố và hiếu chiến đang bị công luận trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và cả thế giới lên án, cùng lúc với chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam chúng ta đang đứng trước thách thức và vận hội mới. Vượt qua thách thức để tạo ra một bước đột phá, bứt khỏi sự kìm kẹp, áp lực nặng nề trong "quỹ đạo" của Trung Quốc, hay khiếp nhược đầu hàng trước những dụ dỗ, mua chuộc hoặc uy hiếp, đe doạ của giới cầm quyền hiếu chiến Băc Kinh để tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng, sụp đổ niềm tin, khiến cho đất nước lạc hậu và lạc điệu với thời đại. Trở thành thành viên của TPP là một cái mốc có ý nghĩa để đất nước ta đón lấy vận hội mới.

Phải trên một nền tảng mới với luật chơi mới, dám chấp nhận cái giá phải trả cho một bước chuyển mình, nền kinh tế Việt Nam mới có điều kiện để tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Cũng trên nền tảng ấy, những vấn đề khác tuy sẽ còn gay go, song mới có lực thúc đẩy để thực hiện. Hy vọng rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đáp ứng được mong mỏi ấy, thể hiện được ý chí mạnh mẽ ấy của cả dân tộc khi ông thực hiện chuyến công du đến Mỹ sắp tới.

Vả chăng, mong mỏi ấy, ý chí ấy hoàn toàn có điều kiện thực hiện khi đó là đòi hỏi của cả Việt Nam và Hoa Kỳ vì lợi ích của cả hai. TPP là lời tuyên bố tuyệt đối cam kết chiến lược của Hoa Kỳ về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lâu dài, điều này có ý‎ nghĩa thúc đẩy rất lớn với Việt Nam, đất nước đang cần bước đột phá để bứt lên. Chẳng những thế, "TPP là một cách thức để bảo đảm rằng Hoa Kỳ không đơn giản nhường lại quyền đặt ra quy tắc cho Trung Quốc" như tuyên bố của tổng thống Barack Obama trong phát biểu thường niên trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 1.2014.

Chúng ta không cần và cũng không nhằm liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba, song lại rất cần liên minh với ai có thể giúp chúng ta thêm sức mạnh chống lại kẻ cướp đang xông vào nhà mình. Chúng ta đã có bài học về các nước lớn vì lợi ích riêng của họ, biến nước nhỏ thành con tốt trên bàn cờ chính trị, để quyết giữ vững bản lĩnh của một dân tộc không chịu khuất phục trước mọi áp lực. Nhưng phải sòng phẳng nói rằng: lúc này đây thực lực của Mỹ đang là một sức mạnh giúp chúng ta giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển cũng như trên đất liền. Gia nhập TPP cũng là một trong những nhân tố góp vào quyết sách giữ nước và phát triển đất nước bền vững. Hành động thiết thực nhằm thúc đẩy tiến trình gia nhập TPP chính là đòi hỏi bức xúc của nhân dân Việt Nam hôm nay. Và như vậy cũng là đòi hỏi của lịch sử. Hãy đi vào lịch sử như những người thúc đẩy lịch sử chứ không là tội đồ của lịch sử.

Trong nỗi bức xúc của những người đang ưu tư về vận nước, chúng tôi hy vọng rằng những tiếng nói tâm huyết của chúng tôi đến được với toàn thể các ủy viên Bộ Chính trị, tất cả ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và sẽ nhận được hồi âm. Tốt hơn nữa, nếu có được một buổi gặp để chúng tôi trực tiếp trao đổi với đại diện của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thì càng có ý nghĩa.

Kính thư,

Ngày 18.4.2015

1. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng QĐNDVN, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, Hà Nội

2. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TPHCM

3. Hoàng Tuỵ, Giáo sư toán học, nguyên Chủ tịch Viện IDS, Hà Nội

4. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), Đại biểu Quốc hội khóa 6, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM

5. Lê Công Giàu, nguyên Tổng Thư ký Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn 1966, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TPHCM, nguyên Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), TPHCM

6. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước TPHCM

7. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Thư ký của đc Mai Chí Thọ, TPHCM

8. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, TPHCM

9. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập Báo Lao động, TPHCM

10. Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, TPHCM

11. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh

12. GB. Huỳnh Công Minh, linh mục Giáo phận Sài Gòn

13. Jos. Lê Quốc Thăng, linh mục, Tổng giáo phận Sài Gòn

14. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TPHCM

15. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM

16. Bùi Tiến An, đảng viên hưu trí, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy TPHCM

17. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TPHCM

18. Lê Thân, hưu trí, cựu tù chính trị Côn Đảo, TPHCM

19. Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, cựu tù chính trị Côn Đảo, TPHCM

20. Hồ Hiếu, nhà giáo Sài Gòn, phong trào Tranh thủ Dân chủ Đà Lạt 1966, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM

21. Tô Lê Sơn, kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TPHCM

22. Hà Thúc Huy, PGS.TS. Hóa học, Giảng dạy Đại học, TPHCM

23. Hà Quang Vinh, cán bộ hưu trí Quận 5, TPHCM

24. Lưu Trọng Văn, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá, TPHCM

25. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Khu Du lịch Bình Quới

26. Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả, nhà báo tự do TPHCM

27. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Viện IDS, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức, Hà Nội

28. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam, Hà Nội

29. Phạm Khiêm Ích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội

30. Nguyễn Thị Ngọc Toản, Đại tá, GS, bác sĩ, cựu chiến binh, Hà Nội

31. Nguyễn Thị Ngọc Trai, nhà văn, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội

32. Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Nhà văn Hà Nội

33. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá, cựu chiến binh, Hà Nội

34. Phạm Xuân Phương, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội

35. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội

36. Vũ Linh, nguyên cán bộ giảng dạy Đại học Bách Khoa Hà Nội

37. Nguyễn Kim Chi, Nghệ sĩ ưu tú, Hà Nội

38. Nguyễn Hữu Châu Phan, nhà nghiên cứu văn hoá, Huế

39. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế

40. Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế, hiện sống tại Huế

41. Bùi Văn Bồng, Đại tá, nhà báo, nguyên Trưởng ban Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực miền Tây Nam bộ, Cần Thơ

42. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Lâm Đồng

Các tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét