Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

VOA. Bào chữa không công, luật sư trẻ hết lòng vì lý tưởng công bằng xã hội

Nguồn VOA

Thứ Tư, 15/04/2015
Trà Mi-VOA

Sau khi phanh phui vụ án 5 công an Phú Yên đánh chết dân gây chấn động dư luận hồi năm ngoái, một luật sư trẻ đã bất chấp những đe dọa về sự nghiệp và tính mạng để tiếp tục phơi bày ra ánh sáng thêm một cái chết oan ức của một cậu bé vô tội 14 tuổi vì tay công an.

Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên nổi danh như một anh hùng được mọi người cảm phục và tôn vinh khi một mình đứng ra bảo vệ và giúp đỡ miễn phí cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trên con đường đi tìm công lý, tự chuốc cho mình những bất an, áp lực, đe dọa, và sự khủng bố tinh thần thường xuyên.

Trong khi chưa hoàn toàn chiến thắng trong vụ án đó, chưa lường hết được những hậu quả đang chờ chực phía trước, luật sư Đôn kết hợp với luật sư Trần Văn Đạt bảo vệ không công cho một bị hại nữa là em Tu Ngọc Thạch, học sinh cấp 2 ở Khánh Hòa bị công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, đánh chết vào năm 2013.

Kết thúc phiên phúc thẩm cuối tháng 3 vừa qua, tòa đã chấp nhận hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, nhưng đã phớt lờ yêu cầu của luật sư Đôn đề nghị khởi tố tòa cấp dưới vì đã "ra bản án trái pháp luật," "bao che tội phạm," "giảm nhẹ hình phạt" cho các bị cáo công an, những vi phạm thường thấy trong hệ thống pháp luật thiếu độc lập tại Việt Nam. 

Trò chuyện với VOA, vị luật sư trẻ mưu sinh bằng nghề nông tại một vùng quê khốn khó của Phú Yên nhưng hết lòng phục vụ người nghèo trải lòng về lý tưởng đóng góp cho công bằng xã hội mà anh quyết tâm theo đuổi đến cùng, và kêu gọi mọi người cùng đồng hành ủng hộ công lý.

Luật sư Võ An Đôn: Hai vụ án công an dùng nhục hình với anh Ngô Thanh Kiều và em Tu Ngọc Thạch khác nhau ở chỗ vụ anh Kiều các bị cáo là công an chính quy của thành phố Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên. Còn vụ em Thạch thì bị lực lượng công an xã, không phải lực lượng công an chính quy. Em Thạch và bị cáo Khỏe trước đây là bạn học cùng lớp xích mích khi đi coi lô tô ở địa phương trước đó 1, 2 ngày. Tới ngày 29/12/2013, em Thạch đạp xe đi ngang quán nước, em Khỏe bên trong cầm chai nước khoáng đuổi theo và quăng trúng vào sau ót của em Thạch. Khỏe, một bị cáo trong vụ án, là con của một công an của xã mà Thạch đang sinh sống.

Trà Mi: Vậy nguyên nhân vụ việc là do có đụng chạm tới con của công an, nên mới có sự can thiệp của công an xã trong việc này?

Luật sư Võ An Đôn: Đúng, chính vì vậy nên bị cáo Lê Minh Phát, công an xã, mới bắt em Tu Ngọc Thạch về đồn đánh đập cho đến chết. Giám định pháp y nói Thạch bị đa thương tích trong đó có chấn thương sọ não dẫn tới chết người. Ngoài ra còn bị dập não, các bộ phận trong cơ thể bị đa thương tích. Gan, tim, phổi bị sưng huyết. Nhìn bên ngoài thì các vết đánh đã bầm hết rồi.

Trà Mi: Tất cả những thương tích đó có được xác nhận là do bị cáo gây ra? Bị cáo có nhận tội không?

Luật sư Võ An Đôn: Tại tòa, bị cáo Lê Minh Phát, người bị cho là đánh chết em Thạch, đổ tội cho Khỏe, nói rằng nguyên nhân cái chết do Khỏe ném chai nước trúng đầu của Thạch. Phát nhận có hành vi đánh Thạch, nhưng nguyên nhân gây chết thì không nhận. Tuy nhiên, qua chứng cứ rõ ràng thì Hội đồng Xét xử đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả lại hồ sơ để điều tra xét xử lại.

Trà Mi: Những sai phạm chủ yếu trong vụ này mà luật sư đặt trọng tâm làm rõ là gì?

​​Luật sư Võ An Đôn: Bị hại không có một hành vi phạm tội nào, nhưng các bị cáo công an xã lại bắt về trụ sở là không đúng quy định pháp luật. Thêm vào đó, họ còn dùng chân tay, dùi cui, mũ bảo hiểm đánh em đến chết là hết sức trái pháp luật khiến dư luận rất phẫn nộ. Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Vạn Ninh xét xử bị cáo Phát 2 tội gồm "bắt người trái pháp luật" và "cố ý gây thương tích." Theo đúng quy định pháp luật, hành vi của Phát lẽ ra phải truy tố xét xử theo tội giết người mới đúng. Tại tòa phúc thẩm, tôi yêu cầu hủy án sơ thẩm, khởi tố từ tội "giết người." Thứ hai, tòa sơ thẩm xử Lê Minh Phát và Lê Nhật Tâm tội "bắt người trái pháp luật" áp dụng khung 1 là không đúng. Việc này gây hậu quả nghiêm trọng là chết người, phải áp dụng khung 3. Thứ ba, tôi yêu cầu khởi tố Hội đồng Xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Vạn Ninh vì tòa làm không đúng pháp luật, cố tình bao che để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bị cáo phạm tội với trẻ em, có tính chất côn đồ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Nhưng tòa sơ thẩm lại bỏ qua những tình tiết tăng nặng đó.

Trà Mi: Hai trong ba đề nghị của luật sư coi như đang được xem xét. Còn đề nghị thứ ba không được hồi đáp, họ giải thích thế nào?

Luật sư Võ An Đôn:  Hội đồng Xét xử làm ngơ, không đá động tới việc này. Ở Việt Nam từ khi ban hành điều luật này, chưa một thẩm phán hay hội thẩm nhân dân nào bị xử lý về tội danh đó. Các bản án trái pháp luật rất nhiều nhưng chưa có người nào bị xử về tội này.

Trà Mi: Sai phạm của tòa sơ thẩm, luật sư có định theo đuổi tới cùng để đưa ra công lý?

Luật sư Võ An Đôn: Đề nghị của tôi căn cứ đúng luật pháp nhưng không bao giờ họ chấp nhận. Điều luật đó đã ra từ khi có Bộ luật Hình sự nhưng tới nay vẫn chưa áp dụng đối với ai hết.

Trà Mi: Chưa áp dụng không có nghĩa là không áp dụng. Luật sư có nghĩ mình sẽ đi theo đến cùng để nó được áp dụng cho công lý được thực thi?

Luật sư Võ An Đôn: Sau này em cũng sẽ đề nghị tiếp, nhưng để thực hiện được phải có báo chí vào cuộc, dư luận phải lên tiếng.

Trà Mi: Ông nghĩ khó có cơ may như mong đợi, nhưng nếu ai cũng nghĩ như thế thì coi như không có lối thoát?

Luật sư Võ An Đôn: Để việc đó được thực hiện, thứ nhất các cơ quan nhà nước và Viện Kiểm sát phải nhập cuộc, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, dư luận, báo chí phải vào cuộc. Còn không thì khó lắm.

Trà Mi: Sau vụ ông Ngô Thanh Kiều tới nay chưa ngã ngũ mà luật sư đã phải đối mặt với rất nhiều đe dọa, bất an, áp lực. Trong khi chưa hoàn toàn thắng lợi trong vụ án đầu, giờ bước sang vụ thứ nhì, ông có nghĩ mình đang chuốc thêm họa vào thân hay chăng? Điều gì đã khiến ông nhận bảo vệ không công cho thêm một bị hại nữa?

Luật sư Võ An Đôn: Chính tình trạng dân chết trong đồn công an rất nhiều, giới luật sư thì không dám đụng tới các vụ án 'nhạy cảm' đó vì sợ công việc bị khó khăn, tính mạng bị nguy hiểm. Mình là luật sư mà không giúp được gì thì rất áy náy lương tâm. Cho nên, tôi biết dù nguy hiểm, khó khăn nhưng tôi chấp nhận tất cả để nói lên tiếng nói công lý, bảo vệ người dân, giảm bớt tình trạng dân chết trong đồn công an.

Cái tôi trăn trở nhất là hệ thống luật pháp này. Học luật quy định một nơi mà ra thực tế thực hiện lại một nẻo khác. Cái đau đầu nhất của tôi là vấn đề đó.
Luật sư Võ An Đôn

​​Trà Mi: Ông mường tượng con đường phía trước của mình như thế nào?

Luật sư Võ An Đôn: Rủi ro thì rất nhiều. Tương lai phía trước thì không biết như thế nào. Mình làm hết lương tâm-đạo đức nghề nghiệp thôi chứ tương lai phía trước mù mịt lắm, tính từng ngày thôi. Khi nào mình còn sống, còn hành nghề thì mình giúp người dân thôi chứ không biết được tương lai sẽ như thế nào.

Trà Mi: Trong các vụ án công an đánh chết dân hầu hết là bức cung nhục hình, lạm dụng quyền lực. Họ nói không cố tình gây ra cái chết. Nhưng vì lối hành xử trước nay quen tay rồi, cho nên, nhiều khi đưa tới kết cục ngoài ý muốn. Để bài trừ tận gốc tình trạng bạo hành trong ngành công an, theo luật sư, giải pháp khả thi phải như thế nào?

Luật sư Võ An Đôn: Nguyên nhân của bạo hành trong ngành công an thứ nhất là được giao quá nhiều quyền lực mà không có sự giám sát dẫn tới lạm quyền. Thứ hai là do trình độ, năng lực của cán bộ công an còn thấp, không dùng lý lẽ thuyết phục người ta nhận tội mà dùng bạo lực, đánh đập để lấy lời khai. Nhiều khi do cấp trên giao nhiệm vụ phải lấy bằng được lời khai, do áp lực công việc mà người ta dùng nhục hình. Để khắc phục tình trạng này, công tác giam giữ phải tách riêng, không giao công an nữa thì sẽ giảm được nhiều. Bạo hành trong ngành công an mà xử lý nghiêm, nặng thì sẽ giảm ngay thôi. Nhưng ngược lại, bên tòa án, các cơ quan tiến hành tố tụng lại không dám xử nghiêm vì áp lực từ nhiều phía. Họ bảo vệ cán bộ lẫn nhau, nhiều khi xử mức án rất nhẹ. Để xử lý nghiêm, đòi hỏi toàn hệ thống các cơ quan, trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng, phải độc lập. Xử nghiêm, mức án nặng mang tính răn đe cao, thì lực lượng công an sẽ bớt  dùng bạo hành đối với người dân.

Trà Mi: Như vậy sự thay đổi như mong đợi đó nên được bắt đầu từ đâu?

Luật sư Võ An Đôn: Từ luật pháp, từ những người làm công tác ban hành soạn thảo luật pháp, từ Quốc hội.

Trà Mi: Từ luật pháp thôi có đủ hay không?

Luật sư Võ An Đôn: Việc này mang tính vĩ mô cả một hệ thống, cả cơ chế luôn, rất là khó nói. Là luật sư bảo vệ miễn phí cho người dân bị công an bạo hành đánh chết mà đa số là người nghèo thấp cổ bé họng, không quyền không tiền; để việc tôi làm có hiệu quả, mong cộng đồng quan tâm ủng hộ, báo chí lên tiếng. Có như vậy mới thành công được, chứ một mình tôi chẳng làm được gì.

Trà Mi: Một mình đứng ra bảo vệ cho người nghèo, ông có bao giờ cảm thấy bị lẻ loi? Có bao giờ ông cảm giác mình là một luật sư đơn độc giữa thế giới xung quanh còn nhiều bóng tối ảm đạm hay không?

Luật sư Võ An Đôn: Hiện ở Việt Nam có khoảng 10 ngàn luật sư, nhưng tôi thấy rất đơn độc, chẳng ai bảo vệ mình hết, một mình mình vậy thôi. Luật sư là để bảo vệ công lý, bảo vệ người dân cho dù có muôn vàn khó khăn. Nguyện vọng của tôi là tôi làm đúng luật pháp mà bị cản trở hay bị gây khó khăn thì Hội Luật sư cả nước cứ căn cứ vào Luật Luật sư mà giúp tôi, bảo vệ tôi đúng luật pháp. Tôi chỉ mong muốn như vậy thôi. Cái tôi trăn trở nhất là hệ thống luật pháp này. Học luật quy định một nơi mà ra thực tế thực hiện lại một nẻo khác. Cái đau đầu nhất của tôi là vấn đề đó.

Ông Tu Ngọc Hoài, bố của em học sinh lớp 9 Tu Ngọc Thạch bị công an đánh chết ở Khánh Hòa, xúc động bày tỏ lòng cảm kích đối với những người như luật sư Đôn đã giúp mang lại hy vọng và niềm tin công lý cho người nghèo thấp cổ bé miệng như gia đình ông:

"Luật sư Đôn ở Phú Yên tư vấn, biện hộ cho gia đình tôi miễn phí không lấy một đồng bạc nào hết. Luật sư Đạt cũng vậy. Hai luật sư này có tấm lòng quảng đại lắm. Gia đình tôi rất cảm ơn. Hai luật sư đã biện hộ giúp lấy lại công bằng cho đứa con tôi đã chết. Tôi mong họ mau sớm điều tra vụ việc của con mình. Vụ này mà bị bỏ lơ thì vụ khác họ lại bắt chước. Vụ này mà làm sáng tỏ thì làm gương cho những kẻ khác. Luật sư Đôn và luật sư Đạt vừa có tài vừa có đức, mình không biết dùng lời nào để cảm ơn họ. Tôi mong muốn, yêu cầu pháp luật, chính quyền Việt Nam, những nhà lãnh đạo làm sao  phải minh chính, minh bạch, công minh, công lý. Tôi và vợ tôi lúc nào cũng đau đớn vì đứa con mình không có tội lỗi gì hết, nó là người nhỏ vô tội mà, đâu biết gì đâu mà họ đánh đập tàn bạo như vậy. Gia đình tôi đau đớn, lúc nào cũng đau buồn, thậm chí không thể nào mà bước chân đi làm."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét