Phát động "phong trào diệt chuột" hay "cuộc vận động không thả rông chó", cũng là cần thiết, như sự cần thiết của "phong trào hát quốc ca" và "cuộc vận động hỏa táng". Nhưng không thể lấy sự cần thiết này để lãng quên một sự cần thiết khác.
Tháng 3-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đưa ra ý kiến đề nghị Mặt trận Tổ quốc VN phát động sâu rộng phong trào hát quốc ca và tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hình thức hỏa táng trong nghi lễ ma chay.
Hát quốc ca có quan trọng không? Hỏa táng có quan trọng không? Câu trả lời là có. Hát quốc ca hẳn sẽ khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Còn hỏa táng, như Chủ tịch nước nói trên bản tin TTXVN "giúp tiết kiệm quỹ đất và bảo vệ môi trường".
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc không phải, không chỉ là chuyện hát quốc ca. Và tiết kiệm quỹ đất cũng đâu chỉ là chuyện hỏa táng hay địa táng.
Hôm qua, tại hội nghị lần thứ 9 của Mặt trận, báo Thanh Niên dẫn lời ông Lù Văn Que, thành viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận "tự kiểm": Người dân rất lo lắng về tình hình biển Đông. Trung Quốc thành lập TP.Tam Sa, mới chỉ có tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng lên tiếng, vừa rồi lại đấu thầu mời thầu dầu khí, không biết Trung Quốc sẽ dừng lại hay tiếp diễn? Dân nhận xét thái độ của Mặt trận đối với vấn đề này chưa rõ, cần phải xem lại".
Ngay trong ngày QH thông qua luật Biển Việt Nam, Trung Quốc lập tức có quyết định thành lập thành phố Tam Sa để quản lý chính 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Vài ngày sau đó, họ ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam – một hành động mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định là "phi pháp và không có giá trị". Và sau đó, 4 tàu hải giám được đưa đi "tuần tra sẵn sàng ứng chiến" tại khu vực các quần đảo ở Biển Đông.
Ngang ngược. Dồn dập. Trắng trợn. Bất chấp công lý. Bất chấp đạo lý. Bất chấp "16 chữ vàng".
Nhưng ngay cả như thế thì Mặt trận đã làm gì để khơi gợi lòng yêu nước và đoàn kết nhân dân với một niềm tự hào dân tộc? ngoài phát biểu thẳng thắn nhưng duy nhất của GS. Viện sĩ Nguyễn Duy: "Mặt trận cần có tuyên bố về biển Đông để người dân được yên tâm, vì những hành động của Trung Quốc vừa rồi là vi phạm chủ quyền của Việt Nam chứ không phải là chuyện tranh chấp gì nữa cả".
Cũng trong hội nghị nói trên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Mặt trận, GS Lưu Văn Đạt cho rằng báo cáo của Mặt trận "chưa làm rõ được những cái cũ và mới nổi bật trong 6 tháng qua liên quan đến đời sống nhân dân, trong khi thực tế đã xảy ra những chuyện động trời như vụ việc Tiên Lãng (Hải Phòng) hay vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên)". Ông nhận xét rất thẳng thắn: Cái mới nổi lên đáng lo ngại trong 6 tháng qua chính là "bắt đầu có sự đối lập hoàn toàn giữa nhân dân với chính quyền, thậm chí chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp, cưỡng chế thu hồi đất của dân" và "đó là chuyện hoàn toàn không chấp nhận được trong chế độ XHCN của chúng ta".
Trong tiểu thuyết hoạt kê "Bố tôi làm Mặt trận" của một nhà báo 40 năm viết về Mặt trận- có một tình tiết không hoạt kê tí nào. Đó là việc ông chủ tịch Mặt trận phát động "phong trào diệt chuột" và "cuộc vận động không thả rông chó".
Nghĩ cho cùng, điều đó cũng là cần thiết, như sự cần thiết của "phong trào hát quốc ca" và "cuộc vận động hỏa táng". Nhưng không thể lấy sự cần thiết này để lãng quên một sự cần thiết khác.
Mặt trận cần vận động nhân dân hát quốc ca để thể hiện lòng yêu nước nhưng cũng không thể mũ ni che tai với những hành động ngang ngược, "phi pháp" của Trung Quốc với chủ quyền đất nước. Mặt trận cần vận động nhân dân "hỏa táng" để tiết kiệm đất nhưng cũng không thể ngoài cuộc với những mất mát "tư liệu sản xuất" của chính những người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét