Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Hạ Đình Nguyên : Sự thất vọng vĩ đại sau nghị quyết 5

Nguồn boxitvn

Sự thất vọng luôn đồng nghĩa với đau khổ. Nhưng đau khổ vì một ý nghĩa lớn, như nỗi đau của Nguyễn Trãi khi tiễn cha qua Ải Nam Quan, là nỗi đau vĩ đại. Những giọt nước mắt đậm màu máu phải nuốt vào lòng lúc này, sẽ biến thành sức mạnh phục vụ cho tương lai. Không phải chỉ vì động cơ mất cha, mà còn vì mất nước. Nó sẽ tạo nên những Ải Chi Lăng…

Cuộc chiến tranh giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có biết bao con người như thế, như Nguyễn Trãi. Những Anh hùng Liệt sĩ đã nằm xuống trong ý chí khát khao về một nền Độc Lập, về một cuộc sống Dân chủ cho toàn dân, với đầy đủ giá trị làm người. Đoàn quân đã ra đi trong nỗi đói rét cùng cực với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của các tầng lớp nhân dân, trong đó cống hiến nhiều nhất về số lượng, là xương máu của các thế hệ nông dân. Họ ra đi vì mình, vì tất cả, nói rộng ra là Tổ quốc.

Nghị quyết 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc với lời khẳng định gắn liền với sinh mệnh chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không tam quyền phân lập! Đất đai là của toàn dân mà quyền là do nhà nước định đoạt! Lời tuyên bố gọn lỏn, rất uy quyền, như lệnh truyền từ một lãnh đạo tối cao: Toàn dân nghe đây! Không tam quyền phân lập! Nhà nước thống nhất quản lý đất đai!

"Đột phá về lý luận" mà lại không tam quyền phân lập, đất đai vẫn được khẳng định là của"toàn dân", quả không một chút ánh sáng, dù của một que diêm!

Vậy thì dân chủ chỗ nào? Ai là người chủ đất nước? Sức mạnh của dân tộc ở đâu để giữ nước?

Thế là, từ 1945 đến nay, 67 năm đi trên con đường đấu tranh đẫm máu vẫn chưa tới đích! Người dân, có miệng mà không được nói, nông dân có đất mà không được quyền. Muốn nói, phải nói theo y hệt ông Tổng Bí thư, đất đai thì để cho "nhóm lợi ích" quy hoạch với nhân danh là phát triển đất nước. Độc lập, nhưng phài nghe lời khuyên của "bạn", kẻ đã từng "dạy ta một bài học" năm 1979, với trên 10.000 sinh mạng chiến sĩ, tài nguyên buông lỏng để chúng khai thác, rừng biển để chúng nuôi trồng… người dân lên tiếng phản đối thì bị đàn áp.

Lời tuyên bố kết luận Nghị quyết 5của ông Tổng Bí thư, liên quan đến vận mệnh Quốc gia là một bước ngoặt suy đồi hay hưng thịnh, trong một tình hình gay go đòi hỏi một sự chuyển hóa thông minh và phù hợp với nhân dân ở thời đạinày.

Tại Đại hội XI, ông từng tuyên bố xanh rờn: Phải "đột phá" về lý luận! Đó là niềm hy vọng le lói cho một sự đổi mới của người dân. Té ra, chẳng có gì cả! Không phải hình ảnh con ngựa kéo xe, mà xe đẩy con ngựa chạy tới, theo trớn quay vô cảm của bánh xe, mà người ta gọi tế nhị là lỗi hệ thống. Ai cũng biết "lỗi hệ thống" là gì! Người dân hỏi, cái gốc vấn đề là ở đâu? Hỏi tức là đã biết, biết rõ cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân! Nó nằm ngay trong tư tưởng của ông Tổng Bí thư, qua lệnh truyền của ông: Không tam quyền phân lập! Đất đai thì của toàn dân, mà do nhà nước định đoạt! Chung quy, ông rất lo cho sự tồn vong của Đảng này thôi, như trong Nghị quyết Đại hội 11 bộc lộ. Ông sợ rằng, có dân chủ, có tam quyền phân lập, thì Đảng sẽ mất vị trí lãnh đạo độc tôn. Trả quyền sở hữu đất đai về cho dân, quyền lực nhà nước các cấp sẽ bị suy giảm, cơ hội tham nhũng sẽ bị phanh phui, sẽ… gây ra tình trạng mất ổn định xã hội! Vậy sự tồn vong của Đảng trên nền tảng nào?

Ta thử lui lại, nhớ về một thuở ban đầu lưu luyến ấy:

"Đảng ta sinh ở trên đời

Một hòn máu đỏ nên người hôm nay

Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây, xương sắt da đồng

Đảng ta, muôn vạn công nông

Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin"

Đảng do nhân dân mà có, ăn cơm gạo của nhân dân mà lớn lên, phục vụ mục tiêu tối thượng của dân tộc mà tồn tại, nhân dân là sinh lực của Đảng. Vậy mà, Đảng ngày nay không giống như thế nữa. Không còn là hòn máu đỏ trong sự chia sẻ đùm bọc của nhân dân, mà đang lớn mạnh, gắn bó với đặc quyền lực và đặc lợi. Đàng có trăm tay nghìn mắt, nhưng không phải của nhân dân, mà của Đảng, để theo dõi nhân dân, nhằm che mắt, bịt miệng nhân dân. Đệ tứ quyền – quyền của báo chí– nằm trong tay, hoặc là trong đầu của chỉ vài con người. Nay, tiếng nói của người dân trên mạng cũng bị triệt phá.Đảng ngày nay không có gì để phải kiên cường đấu tranh, với ví von xương sắt da đồng, mà đã khác xưa, xương đã thấm chất cường quyền, da đã dày tính tham nhũng. Muôn vạn công nông bị mất đất và không có việc làm. Mất đất theo cái cách "đúng quy định", cứ thế mà diễn ra, từ địa phương này tới địa phương khác. Còn, muôn vạn tấm lòng niềm tin, thì Tổng Bí thư đã nói rồi đó, nó bị "xói mòn"! Ôi, róc rách giống như nước suối chảy qua khe!

Thế nhưng, lời nói của ông Tổng Bí thư có đạt hiệu quả "nhất hô bá ứng" hay không? Các cấp Ủy ban, Hội, Đoàn từ Trung ương đến địa phương, lại có cả Quốc hội nữa, có ý kiến gì chưa? Lẽ nào ren rét một bề về cái "chân lý" ông Tổng Bí thư khẳng định? Khó tin điều này có thật! Nhân dân đã bày tỏ bằng nhiều cách, từ việc trần truồng thí mạng cùi, cho đến việc dùng súng hoa cải liều thân cho đỡ tức. Một số đại biểu các cấp và trong Quốc hội cũng đã phản ứng, đã nói nhiều, dù trong chừng mực. Có phải tất cả 14 vị trong Bộ Chính trị đều nhất trí với Tổng Bí thư? 170 vị Uỷ viên Trung ương Đảng cũng cùng nhất trí với ông Tổng Bí thư? Không một ai trong số đó chia sẻ tư duy của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều vị nhân sĩ trí thức, các vị cách mạng lão thành về thực tế lùng bùng của đất nước? Nguyên lý "tập trung dân chủ" là một mật mã bí hiểm, tương tự như mật mã " làm chủ tập thể", mà không một nhà toán học nào đủ khả năng có thể "sơ đồ hóa" nổi! Không tam quyền phân lập, để thay thế bằng: Nhà Nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng ta còn có các hệ lụy: con người xã hội chủ nghĩa, nhà trường xã hội chủ nghĩa, bệnh viện xã hội chủ nghĩa, vân vân và vân vân… Tất cả đều là cụ thể, là hiện thực, lại đang bày ra đấy, trên cái nền mơ hồ, mới chỉ gọi được tên là "định hướng xã hội chủ nghĩa"! Mới chỉ là định hướng mà đã có được "pháp quyền", thật là khó hiểu! Những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm, lý luận và thực tiễn được biện giải trong một "hộp đen" có tên là "giai đoạn quá độ". Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc… vượt qua bao nhiêu nữa những ghềnh thác để đến chân trời xã hội chủ nghĩa? Xã hội chủ nghĩa quả là một cụm từ bế tắc, vô cùng bế tắc, và gây khủng hoảng! Chân trời cứ mãi lùi xa trong vô vọng, vì quả đất tròn. Ông Giordano Bruno (1548-1600) liều sinh mạng mà cương quyết khẳng định điều ấy.

Sửa đổi Hiến pháp là công việc trọng đại của toàn dân, toàn quân, của đại biểu các cấp, các tổ chức Hội, Đoàn thể…, nó phải được phát động sâu rộng khắp nước tham gia. Sao ông Tổng Bí thư vội vàng úp bộ trong cái khung rất hẹp và chủ quan của mình lên đầu 90 triệu nhân dân? Việt Nam tuy là một quốc gia, nhưng là một quốc gia nhỏ bé, lẽ nào muốn dẫn đầu thế giới về Chủ nghĩa xã hội, như hơi đã bốc ra ở bài nói chuyện trật nhịp tại Cuba? Lẽ ra Trung Quốc, với giấc mơ làm "anh cả đỏ", mới là nước đi đầu của "phe xã hội chủ nghĩa", nếu có! Họ đã không đi đầu, mà chuyển sang "lợi ích cốt lõi" và bành trướng. Thế,"bạn đã khuyên ta" đi lên hàng đầu chăng? Ở Trung Quốc, người dân ít nghe nói đến từ ngữ chủ nghĩa xã hội, các quan chức của họ cũng không nói đến từ ngữ này, khi ra giao dịch quốc tế, trừ khi đến Việt Nam. Sao họ khôn thế?

Mới đây, như thông tin chính thức đã loan, ông Đinh Thế Huynh đã cầm đầu một phái đoàn ta đi dự tập huấn tại Hải Phòng, do "bạn" sang "thảo luận" về lý luận xã hội chủ nghĩa, hẳn đã đem lại một cuộc "đột phá" ngoạn mục? Dân ta biết rằng thực phẩm Trung Quốc chứa đầy chất độc hại, từ sữa mélamine, trái cây, đến áo quần, giày dép… Nhưngthực phẩm tinh thần càng nguy hiểm hơn, nhất là các món hàng về lý luận. Họ lý luận cho họ là một chuyện, họ lý luận giúp ta thì khác! Họ lũng đoạn cách làm ăn để ta tự lụn bại, ngóc đầu không lên, họ xâm nhập vào hệ thần kinh não bộ, vào hệ thần kinh dạ dày, vào khắp lục phủ ngũ tạng. Họ muốn một Việt Nam bệnh hoạn để trở thành chư hầu! Họ rủ rê ta cùng nhìn ở "tầm cao chiến lược", trong khi dân ta không hề mơ bá chủ. Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, trưởng đoàn tập huấn đã tiếp tục nhắc lại với Đinh Thế Huynh: "đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện" nhằm "củng cố địa vị cầm quyền của mỗi đảng", và hứa hẹn"giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa hai nước". Ta không có tầm cao chiến lược nào chung với Trung Quốc về mộng siêu cường. Dị mộng sao bảo ta đồng sàng? Muốn giải quyết thỏa đáng những tồn tại, muốn thực hiện 16 chử vàng và 4 tốt, thì Việt Nam sẵn sàng, nhưng hãy lập tức tuyên bố trả toàn bộ Hoàng Sa lại cho Việt Nam! Ngẩng mặt lên mà nhìn thế giới bằng cái nhìn chân thật và thân thiện, không tham lam, không gian dối, thì mới nên nói những lời nhân nghĩa, hòa hiếu. Nhân dân Trung Quốc không thiếu những người có lương tri và nhân cách.

Trong thời đại ngày nay, một quốc gia muốn trở thành siêu cường, làm anh thiên hạ, thì không thể dùng kiểu dao búa "sức mạnh trên đầu mũi súng" được nữa. Bất chấp tàu ngầm, máy bay, kể cả việc đưa người lên vũ trụ, chẳng dọa được ai! Một siêu cường phải đi tiên phong về văn hóa, phải thể hiện được văn minh nhân bản, phải sòng phẳng, công bằng, phải tôn trọng luật chơi, được sự nể trọng và tin cậy của cộng đồng thế giới, phải lấy nhân loại làm mục tiêu xây dựng, lấy trái đất làm đối tượng bảo vệ. Có hào phóng, cao cả mới mong được thế giới hưởng ứng. Một đất nước còn đàn áp, hà khắc với nhân dân mình, còn cắt cổ mổ bụng nhân dân để bán nội tạng, còn ăn cắp kỹ thuật, còn làm thực phẩm độc cho nhân dân ăn và xuất khẩu, bên ngoài thì tham lam đất đai, chiếm đảo, giành biển, lộ rõ tướng gian, thì không ai tin. Một cái Đảng như thế, không ai làm bạn được. Cái "giềng mối xã hội" của Khổng Tử, cái "đạo đức" của nhà Chu xa xưa của Trung Quốc, từng có ảnh hưởng đến các nước lân cận, đã bị Đảng Cộng sản chôn vùi trong âm u lòng đất.

Các nỗ lực làm áp lực, đi đêm thầm kín, và lời đường mật rủ rê bè đảng trong chuyến công cán của Lưu Vân Sơn sang Việt Nam, đã hoàn toàn thất bại. Và Việt Nam đã trả lời. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, phản ảnh đúng tiếng nói yêu nước thiêng liêng nghìn đời của toàn dân với số phiếu đa số tuyệt đối.

Quốc hộiViệt Nam đã tiến lên một bước về phía trước, trong tự tin và chính nghĩa.

Một vị Tướng Việt Nam đã nói: "Không đưa Quân đội Nhân dân đàn áp Nhân dân", liên quan việc lấy đất giao cho các nhóm lợi ích theo cách "đúng quy định". Lời nói trên đã đưa vai trò quân đội về đúng với nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của quân đội, là củng cố sức lực để cùng toàn dân chống xâm lược.

Nhưng nội bộ Việt Nam, Quốc hội, Đảng, và Chính quyền các cấp, sẽ nói gì với nhân dân về dân chủ và quyền sở hữu đất đai? Có phải lời của Tổng Bí thư là mệnh lệnh tuyệt đối của một lãnh tụ?

Đảng Cộng sảnViệt Nam đã bước ra khỏi bóng râm của một thời kỳ thần thánh, điều kiện lịch sử đã cho phép nó trở về vị trí một chính đảng của xã hội, dân chủ, bình đẳng, và là một tập thể gồm những con người bình thường. Không phải là "bất hạnh", mà đích thực là "hạnh phúc" được làm một con người bình thường, gắn liền với trọng trách mà luật pháp xã hội đã giao cho. May mắn vì đã qua rồi, thời kỳ mà Đảng được mặc định là không bao giờ sai lầm. Nhưng Đảng đã từng sai lầm, và nay qua Đại hội 11 thì Đảng thừa nhận đang suy thoái. Đó là một một khẳng định công khai, dũng cảm, lành mạnh.Vì thế, Đảng cần tiếp nhận sự phê phán của xã hội, xã hội có quyền phê phán Đảng một cách đường hoàng, công khai, và phải thừa nhận phê phán là quyền của công dân. Đó là một trong những vấn đề quan trọng của ý thức dân chủ.mà Đảng cần thể hiện.

Lãnh tụ là người được cộng đồng tôn vinh, theo cách tự nguyện chứ không áp đặt, với sự kính trọng và yêu quý, là một người thông minh gắn liền với tầm nhìn thời đại. Thông minh là không lội ngược dòng thời đại, vượt qua những chủ thuyết lạc hậu, những đam mê quyền lực cá nhân, gắn kết với mục tiêu nhân bản và biết đấu tranh, xây dựng các giá trị nhân quyền. Bất kể người đó xuất thân từ một nước nhỏ hay nước lớn, từ một xứ sở văn minh hay còn lạc hậu, ngay cả ở một vùng văn hóa thấp hay trong lao tù. Cộng đồng thế giới từng ngợi ca những con người biết đấu tranh, bênh vực cho người dân bị áp bức, bị ngược đãi của đất nước mình, biết hướng đên tư duy nhân bản và nêu gương đấu tranh xây dựng lý tưởng nhân quyền ở tầm rộng lớn hơn, như người tù da màu Mandela của châu Phi, bà San Suu Kyi của Miamar, đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng… Nhân cách của lãnh tụ gắn liền với các giá trị thời đại, mạnh dạn thoát ra khỏi hào quang của quá khứ, bước ra khỏi bóng râm của quyền lực tưởng rằng bất khả xâm phạm, tin tưởng vào nhân dân, hướng đến việc xây dựng một nền dân chủ thật sự, thật lòng. Tiếng thơm để đời là chắc chắn, nếu không, thì như cụ Nguyễn Du nói: "những phường giá áo, túi cơm sá gì!".

Bao giờ Việt Nam có một lãnh tụ như thế?

Tháng 6-2012

H. Đ. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét