22.10.2014
Điếu Cày tới Mỹ- Phỏng vấn Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Sau khi blogger Điếu Cày được Hà Nội trả tự do và tức tốc tống xuất ra khỏi Việt Nam, Ban Việt ngữ -VOA đã tiếp xúc với các nhà báo độc lập ở trong nước để tìm hiểu phản ứng của giới tranh đấu cho dân chủ ở nước nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc Điếu Cày được thả khỏi nhà tù là một tin vui, không những cho ông, mà còn cho Phong trào Dân chủ nói chung. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
"Mặc dù chúng tôi đã dự báo trước về chuyện này nhưng vẫn là một niềm vui. Vấn đề Điếu Cày không chỉ là vấn đề riêng của Điếu Cày mà đó còn cho phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung nữa. Đơn giản là một điều thế này: tù nhân lương tâm quan trọng nhất như là Điếu Cày mà được thả, thì theo tôi đã có một sự nhượng bộ đáng kể từ phía nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và đối với đòi hỏi của Hoa Kỳ. "
Ông Phạm Chí Dũng bày tỏ hy vọng rằng trong những ngày sắp tới, sẽ có thêm những người tù chính trị khác được phóng thích, như người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ hy vọng trong cuộc họp báo của bà trong ngày thứ Ba.
Về nguyên do Hà Nội buộc nhà báo Điếu Cày phải lập tức rời Việt Nam ngay sau khi ra khỏi nhà tù, tương tự như trường hợp của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, lại không cho ông báo tin cho gia đình biết, nhà báo Phạm Chí Dũng nói:
"Điều đó cho thấy là họ sợ, nhà nước e sợ những nhân vật này (như Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày) sẽ tạo ra ảnh hưởng trong giới dân chủ ở Việt Nam, nhưng mà thực sự ra thì tình hình ở Việt Nam thì đó gần như là một nỗi sợ bóng sợ gió, khi họ cảm thấy rất thiếu tự tin, và từ tình trạng thiếu tự tin như vậy thì vấn đề quản lý đất nước, quản lý xã hội, quản lý an ninh đối với họ trong thời gian tới sẽ là một thách thức rất lớn."
Ông Phạm Chí Dũng cho rằng vụ blogger Điếu Cày được trả tự do có liên hệ trực tiếp tới sự hiện diện của hai quan chức cấp cao Mỹ tại Việt Nam ngay trong lúc này. Đó là Trợ Lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Tom Malinowski, đến Việt Nam để thảo luận việc củng cố và mở rộng Quan hệ Đối tác Toàn diện với Việt Nam, và Đại diện Thương Mại Mỹ Michael Froman có mặt ở Việt Nam để đẩy mạnh thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với Hà Nội.Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói:
"Tôi cho là hoàn toàn có mối liên hệ so sánh với nhau tại vì đã có những dẫn chứng trong lịch sử, gần đây nhất là vào đầu tháng Ba năm nay. Tháng Ba 2014, nữ Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman của Hoa Kỳ sang Việt Nam, lúc đó thực ra chưa xuất hiện tín hiệu gì, nhưng mà đột nhiên, trường hợp ông Nguyễn Hữu Cầu, Đại úy Quân lực VNCH được thả, rồi sau đó dẫn tới một loạt tù nhân chính trị như Đinh Đăng Định, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi rồi sau đó là Cù Huy Hà Vũ. Đó là lần đầu tiên từ năm 1975 nhà nước Việt Nam thả nhiều người đến thế, tới 5 tù nhân. Sau Lễ Quốc Khánh 2/9, mặc dù Điếu Cày chưa được thả nhưng mà đã có bảy tù nhân chính trị, chủ yếu là người thuộc chế độ cũ được thả ra. Sau đó thì đến Điếu Cày. Điếu Cày là người thứ 14 trong năm. Phải nói năm 2014 là một năm đặc biệt, và ứng với con số 14 thì đã có 14 tù nhân chính trị được thả ra. Tôi cho là vấn đề đó có liên hệ mật thiết với vấn đề TPP, và vấn đề TPP lại liên hệ mật thiết với vai trò của ông Froman, tức là Đại diện Thương mại của Mỹ."
Trong khi cộng đồng người Việt hải ngoại đang ăn mừng việc nhà báo Điếu Cày được trả tự do và đã tới Hoa Kỳ, một số người lo ngại một khi rời khỏi nước, thì cũng như nhiều người khác, dù kiên cường tới đâu, cuộc đấu tranh của những người bên ngoài nước cũng sẽ kém hiệu quả, nhà báo Phạm Chí Dũng nói điều đó không nhất thiết xảy ra:
"Vè khách quan có thể nói như vậy. Người đấu tranh dân chủ bất đồng chính kiến luôn luôn phải chịu những rủi ro trực tiếp và gián tiếp, mà người ở ngoài nước khi ngồi trong phòng lạnh gõ bàn phím sẽ không bị một mối đe dọa nào cả. Tuy nhiên khó khăn đó có thể khắc phục được nếu như những lực lượng dân chủ ở ngoài nước đoàn kết thống nhất với nhau. Muốn làm nên một sự nghiệp lớn lao nào đó thì những lực lượng hải ngoại phải biết thống nhất với nhau và thống nhất với những nhân vật lưu vong ở trong nước đi ra."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét