Nguon VOA
13.01.2015
Trong mấy tuần vừa qua, sự kiện thu hút sự chú ý của các cư dân mạng
và những người quan tâm đến sinh hoạt chính trị Việt Nam nói chung
nhiều nhất có lẽ là sự xuất hiện của trang blog mang tên "Chân Dung
Quyền Lực". Trên mạng lưới internet, từ facebook đến blog, ở đâu người
ta cũng xôn xao bàn tán về Chân Dung Quyền Lực (CDQL). Ảnh hưởng của
CDQL lớn đến độ nhà cầm quyền Việt Nam, hết người này đến người khác,
phải lên tiếng cảnh cáo mọi người không được nói xấu giới lãnh đạo,
gây chia rẽ trong nội bộ đảng và làm suy yếu chế độ.
Giống trang Quan Làm Báo trước đây, nội dung chính của trang CDQL là
nhằm vạch trần tệ nạn tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam. Tuy
nhiên, trang CDQL khác trang Quan Làm Báo ở nhiều điểm.
Thứ nhất, nó chuyên nghiệp hơn. Trang Quan Làm Báo được trình bày một
cách khá nhếch nhác, cách hành văn cũng khá luộm thuộm. CDQL, ngược
lại, có hình thức khá đẹp và đặc biệt, được viết với một văn phong rõ
ràng mạch lạc, không khác một cán bộ tuyên huấn có tay nghề cao.
Thứ hai, về nội dung, Quan Làm Báo tập trung vào mâu thuẫn giữa chính
quyền và nhóm "tài phiệt" tại Việt Nam; CDQL tập trung vào nạn tham
nhũng của các thành viên trong Bộ chính trị, tức những người có quyền
lực cao nhất nước.
Thứ ba, về sức thuyết phục, Quan Làm Báo rất ít có bằng chứng để hỗ
trợ sự lên án của mình, CDQL, ngược lại, nói đến đâu trưng bằng chứng
ra đến đó. Các bằng chứng ấy bao gồm: giấy kê khai tài sản, nhà cửa
với địa chỉ và hình ảnh rõ ràng, hình ảnh chụp với thân nhân hoặc bạn
bè. Khó biết những bằng chứng ấy chính xác đến độ nào. Nhưng nó gợi
lên ấn tượng là chúng có thật.
Thứ tư, về nguồn tin, cả Quan Làm Báo lẫn CDQL đều gợi ấn tượng là nó
đến từ bên trong: Quan Làm Báo biết trước Bầu Kiên bị bắt; CDQL loan
báo chính xác ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh được chở về Việt Nam, trong
khi hầu hết giới chức tại Việt Nam, kể cả những người trong uỷ ban bảo
vệ sức khoẻ của Trung ương cũng như giới lãnh đạo tại Đà Nẵng đều mù
tịt. Sự chính xác này khiến dư luận nói chung càng tin những gì được
viết trên CDQL là những lời tố cáo từ trong nội bộ giới lãnh đạo Việt
Nam hiện nay. Hơn nữa, phần lớn các bài viết trên CDQL đều có hình ảnh
cụ thể và rõ ràng của những người được đề cập. Ngoài gia đình hoặc
những giới chức có thẩm quyền lớn, ai có thể có những bức ảnh ấy?
Tất cả những đặc điểm vừa nêu đều dẫn đến một kết luận: Trang CDQL là
nơi giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay dùng để tố giác và hạ uy tín của
nhau trong cuộc chạy đua vào Bộ chính trị cũng như các chức vụ cáo
nhất trong hệ thống đảng (Tổng bí thư) và nhà nước (Chủ tịch nước và
Thủ tướng).
Nhưng kết luận ấy lại dẫn đến một nghi vấn khác: Ai là người đứng sau
trang CDQL?
Để trả lời câu hỏi ấy, có thể phân tích nội dung trên trang CDQL.
Về đối tượng được đề cập, tính đến Chủ nhật 11 tháng 1 năm 2015, trên
trang CDQL có khá nhiều người được mang ra mổ xẻ. Nhiều nhất là Phó
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 27 bài; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 20
bài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 18 bài, Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng 8 bài, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh 7 bài
(tất cả đều liên hệ đến tình trạng bệnh hoạn của ông), Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng 5 bài, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị 4 bài,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Công an Trần
Đại Quang, mỗi người 2 bài , Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La
Thăng, Thường trực Bí thư Trung ương đảng Lê Hồng Anh và Trưởng ban Tổ
chức Trung ương đảng Tô Huy Rứa mỗi người một bài.
Về sự đánh giá, có thể chia thành hai nhóm. Một, nhóm bị đả kích kịch
liệt, chủ yếu vì tội tham nhũng hoặc bất tài, vô đức; và hai, nhóm
được khen ngợi. Thật ra, cái gọi là được khen ngợi ấy không thể gọi
được là nhóm bởi ở đó chỉ có một người duy nhất: Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng được khen là một "hình ảnh độc tôn" trên sân khấu
chính trị Việt Nam, người đầy tài năng và quyền lực, hơn nữa, có triển
vọng trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam thời hậu cộng sản.
Nhìn vào nội dung như trên, người ta dễ có ấn tượng chính Nguyễn Tấn
Dũng hoặc đàn em của Nguyễn Tấn Dũng đứng đằng sau trang CDQL. Thú
thực, tôi không tin lắm. Thứ nhất, Nguyễn Tấn Dũng không vụng về đến
độ ra tay một cách lộ liễu để ai cũng có thể thấy được như vậy. Ở
cương vị của ông, ai cũng thấy, đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Thứ hai,
nếu là Nguyễn Tấn Dũng, đối tượng bị ông đả kích kịch liệt nhất sẽ là
ba đối thủ nặng ký nhất trong guồng máy đảng và nhà nước: Nguyễn Phú
Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng, những người ngang tầm và
có khả năng giành giựt chiếc ghế Tổng bí thư mà dư luận đồn đoán là
ông sẽ nhắm tới sau khi làm Thủ tướng hết hai nhiệm kỳ. Trên trang
CDQL, cả ba người này đều bị phê phán gay gắt, nhưng đối tượng bị kết
án nặng nề nhất lại là một người khác, hiện đang giữ chức phó Thủ
tướng: Nguyễn Xuân Phúc. Cho dù Nguyễn Tấn Dũng đang có tham vọng gì
trong kỳ đại hội đảng sang năm, Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là
đối thủ của ông. Ông không cần phải ra tay như vậy. Cái giá phải trả
quá lớn trong khi kết quả lại không được gì. Thứ ba, vấn đề được phanh
phui nhiều nhất trong các bài viết đả kích từ Trương Tấn Sang đến
Nguyễn Sinh Hùng, Phùng Quang Thanh và Nguyễn Xuân Phúc đều là vấn đề
kinh tế với những khối tài sản kếch xù của họ cũng như của anh chị em
hay con cháu họ. Tôi nghĩ đây là một đề tài mà Nguyễn Tấn Dũng không
dại gì xới lên bởi nó sẽ gây tác dụng ngược: về phương diện này, có lẽ
không ai trong guồng máy chính quyền Việt Nam có mức giàu có như ông
và con cái của ông cả.
Vậy thì là ai?
Tôi lóe ra ý nghĩ: Nguyễn Bá Thanh (hoặc đàn em của ông) chăng? Chỉ có
Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới biết rõ tình trạng
bệnh hoạn của ông đến vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của
Nguyễn Bá Thanh mới biết rõ các chi tiết liên quan đến lịch trình
chuyến về Việt Nam từ bệnh viện Mỹ của ông đến vậy. Chỉ có Nguyễn Bá
Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương
với chức năng tìm kiếm dấu vết tham nhũng, mới nắm rõ hồ sơ về gia sản
của các cán bộ đến như vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của
Nguyễn Bá Thanh mới căm ghét Nguyễn Xuân Phúc, hai người vốn là đồng
hương nhưng lại là đối thủ với nhau trong một thời gian dài, đến như
vậy. Và chỉ có Nguyễn Bá Thanh mới ra tay một cách khốc liệt như vậy
vì, thật ra, ông không có gì để mất cả: Với tình trạng bệnh hoạn như
vậy, nếu còn sống sót, sự nghiệp chính trị của ông coi như đã kết
thúc, ông không hy vọng gì giữ được chiếc ghế trong Trung ương đảng,
đừng nói gì là Bộ chính trị.
Dĩ nhiên, xin nhấn mạnh, đây là phỏng đoán. Chỉ là phỏng đoán.
Điều quan trọng hơn, bất kể người nào đứng sau trang CDQL và họ nhắm
đến bất cứ một mục tiêu gì, những sự phanh phui về tệ nạn tham nhũng
của những cán bộ lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước như
vậy cũng là những tài liệu cực quý, lần đầu tiên dân chúng mới được
biết một cách cụ thể. Trong trận đấu đá này, có người thắng kẻ bại,
nhưng kẻ bại cuối cùng chắc chắn vẫn là đảng Cộng sản: Dưới mắt dân
chúng, họ hiện nguyên hình là những tên tham nhũng vơ vét tài sản của
đất nước để làm giàu cho bản thân và họ hàng.
Đó mới là điều đáng để chúng ta quan tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét