Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Tám mươi lăm (85) năm tuổi, đảng cộng sản đã làm được gì cho dân tộc Việt Nam? (Việt Hoàng)

Nguồn thongluan

Được đăng ngày Thứ ba, 27 Tháng 1 2015 09:53 

chunghiacongsan12"..Chúng tôi đề nghị một câu hỏi khác về ĐCSVN, đơn giản và cụ thể hơn để người dân Việt Nam có thể đồng ý với nhau ở câu trả lời và qua đó chúng ta có thể tìm được sự đồng thuận cho tương lai, câu hỏi đó là: "Nếu không có ông Hồ và ĐCSVN thì Việt Nam hôm nay sẽ tốt hơn hay xấu hơn?"…"

 

chunghiacongsan12

Chính quyền Việt Nam đang hân hoan chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ 85 của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) (3/2/1930-3/2/2015). Sẽ có nhiều hoạt động rộn ràng và nhiều bài diễn văn lâm ly, kể lể về "công lao trời biển của Đảng ta" suốt 85 năm qua. Để "hòa chung" vào "niềm vui" lớn đó của đảng, chúng ta thử tìm hiểu xem là sau 85 năm, đảng đã làm được những gì cho đất nước và cho dân tộc Việt Nam?

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương vừa được ban hành nhằm "tuyên truyền kỷ niệm 85 năm ngày thành lập ĐCSVN" thì:

 "85 năm xây dựng và trưởng thành, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những thành tựu vĩ đại. Đó là:

Thứ nhất: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã xoá bỏ chế độ thực dân, nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai: Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Thứ ba: Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam".

Chúng ta hãy cùng nhau đánh giá xem ba "thành tựu vĩ đại" của ĐCSVN là như thế nào?

Thành tựu thứ nhất: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã xoá bỏ chế độ thực dân, nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hiện tại tôi không rõ sách lịch sử giảng dạy tại các trường học viết gì về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (CMT8), còn dưới thời tôi đi học (trước năm 1987) thì hầu hết sách giáo khoa dạy sử đều viết rằng CMT8 thành công là do Pháp bị Nhật hất cẳng khỏi Đông Dương sau đó đến lượt Nhật bị Đồng Minh đánh bại, lợi dụng khoảng trống quyền lực này, Việt Minh đã nổi dậy và cướp được chính quyền. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ đó. Sau khi tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam giai đoạn này thì tôi biết được là nó không đúng hoàn toàn như vậy. Trước khi Việt Minh cướp được chính quyền ("cướp chính quyền" là cụm từ được sách lịch sử viết như vậy chứ không phải tôi tự nghĩ ra), thì tại Việt Nam đã có một chính phủ khác của người Việt Nam tồn tại trước đó, chính phủ của ông Trần Trọng Kim. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về chính phủ Trần Trọng Kim tại đây kimdunghn.wordpress.com 

Một tài liệu rất đáng tham khảo nữa về thời kỳ này là cuốn "Việt Nam 1945-1995 Chiến tranh-Tị nạn-Bài học lịch sử" của giáo sư Lê Xuân Khoa trong đó có phần nói về chính phủ Trần Trọng Kim và được báo Văn hóa Nghệ An trích dẫn. Với sự ra đời của chính phủ Trần Trọng Kim thì "chế độ thực dân, nửa phong kiến" đã bị xóa bỏ rồi chứ không chờ đến khi có chính phủ của Việt Minh. Nhìn lại các nước thuộc địa xung quanh Việt Nam thì có lẽ "một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc" cũng hoàn toàn có thể thành sự thật khi các nước Phương tây trao trả độc lập cho các nước từng là thuộc địa tại Đông Nam Á cũng như trên khắp thế giới. Chính vì vậy mà "thành tựu vĩ đại" này không phải thuộc về ĐCSVN mà nó thuộc về chính phủ Trần Trọng Kim. Một câu hỏi ngoài lề là tại sao chính phủ Trần Trọng Kim lại thất bại trước Việt Minh? Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng thất bại của chính phủ Trần Trọng Kim là vì chính phủ này không xuất phát từ một…tổ chức chính trị, dù rằng nội các này bao gồm những nhân sĩ trí thức hàng đầu của Việt Nam, tất cả họ đều là những người yêu nước và có học thức cao. Ông Lê Xuân Khoa viết "Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong một hoàn cảnh rất tình cờ của lịch sử, không do kết quả tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một đảng phái hay một phong trào chính trị nào. Sau gần một thế kỉ bị Pháp đô hộ, lần đầu tiên nước Việt Nam được độc lập (dù mới chỉ một phần) mà không phải hi sinh xương máu". Một nhận định của ông Lê Xuân Khoa về các đảng phái chính trị mà chúng tôi hoàn toàn chia sẻ: "Dù sao, đó cũng chính là lầm lỗi của các đảng phái quốc gia nói chung, không có một tầm nhìn rộng rãi về chính trị thế giới sau Thế chiến thứ hai, không hợp tác được với nhau để có một sách lược chung…". Rõ ràng là các đảng phái quốc gia (không cộng sản) lúc đó đã không có được những sách lược cần thiết và một viễn kiến về tương lai hay bất cứ một dự án, cương lĩnh chính trị nào để thuyết phục người dân vì vậy Việt Minh với những khẩu hiệu đơn giản như "người cày có ruộng", "độc lập dân tộc"…cộng với một tổ chức chặt chẽ, quyết đoán đã nhanh chóng "cướp được chính quyền".

Thành tựu thứ hai: Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai kéo dài trong 9 năm 1945-1954 kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Thực dân Pháp là một nước bảo thủ, sau những thất bại tại chính quốc cũng như tại các nước thuộc địa, chính phủ Pháp muốn vớt vát uy tín bằng cách cố níu kéo và duy trì ảnh hưởng tại các nước thuộc địa cũ trong đó có ba nước Đông Dương. Pháp chỉ đồng ý cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa làm một nước độc lập nhưng phải nằm trong Liên Bang Đông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp. Do đánh giá thấp về Việt Minh (đã được Liên xô và Trung Quốc hỗ trợ mọi mặt) nên Pháp đã mắc sai lầm khi lựa chọn giải pháp quân sự để duy trì ảnh hưởng tại Đông Dương. Đánh giá về giai đoạn lịch sử này là công việc của các sử gia. Độc giả có thể tham khảo thêm tại đây.

Sau gần một trăm năm sống dưới chế độ thực dân Pháp, khát vọng cháy bỏng của người dân Việt Nam là độc lập dân tộc. ĐCSVN đã nắm bắt được tâm lý này nên đã động viên được người dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ có thể xem như là một "thành tựu vĩ đại" của ĐCSVN, tuy nhiên chính nhân dân Việt Nam mới là những người hy sinh nhiều nhất về sức người, sức của trong cuộc kháng chiến đó. "Thành tựu" này, vì vậy, không là chỉ riêng của mỗi ĐCSVN.

"Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" với "đại thắng mùa xuân 1975" thì khác hoàn toàn với cuộc chiến chống Pháp. Đúng là ĐCSVN đã "thống nhất đất nước" và "làm tròn nghĩa vụ quốc tế" với Liên Xô, Trung Quốc cũng như với phong trào cộng sản quốc tế. Tuy nhiên thành tựu "giải phóng dân tộc" và "bảo vệ tổ quốc" thì rõ ràng là không thuyết phục. "Cuộc giải phóng" này đã làm hơn 5 triệu người Việt Nam, ở cả hai phía, thiệt mạng và sau ngày 30/4/1975 hàng triệu người bỏ nước ra đi. Một vết thương quá lớn mà không biết đến bao giờ mới có thể hàn gắn lại được giữa những người Việt Nam với nhau. Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng cuộc chiến tranh này là vô nghĩa, đánh đuổi Mỹ đi rồi nay lại trải thảm đỏ mời họ quay lại. Một cuộc "hôn nhân" phải lòng vòng mất 70 năm như lời ông Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu trong "Hội thảo Việt Nam-Hoa Kỳ: Thêm 20 năm thành công nữa" sáng 26/1/2015 tại Hà Nội.  ĐCSVN cũng đã thất bại trong việc "bảo vệ tổ quốc". Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và nhiều vùng đất, vùng biển của tổ quốc đã và đang bị Trung Quốc xâm chiếm mà chính quyền Việt Nam bất lực không làm gì được.

Thành tựu thứ ba: Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam".

Đa số lớp thanh niên Việt Nam sinh ra sau năm 1975 đều không còn mấy ưu tư về cuộc chiến tranh đã đi qua. Điều quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là công ăn việc làm và hạnh phúc cá nhân. Phát triển kinh tế cũng là mục tiêu quan trọng nhất của chính quyền Việt Nam, nó cũng là biện minh duy nhất cho sự chính đáng của ĐCSVN trong việc độc quyền lãnh đạo đất nước. Đúng là sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc. Từ một nước đói ăn triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên đây không phải là nhờ "công cuộc đổi mới" mà là nhờ "đổi cũ", nghĩa là chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần trong đó có kinh tế tư nhân thay vì nền kinh tế tập trung và kế hoạch như trước. Chủ trương này cũng không bắt đầu từ ĐCSVN mà là từ chính người dân Việt Nam và một vài cá nhân là đảng viên như ông Kim Ngọc. Mục tiêu "công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" hoàn toàn thất bại. Sau 70 năm cầm quyền tuyệt đối và duy nhất tại Việt Nam thì ĐCSVN với hệ thống kinh tế chủ đạo là các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được cái đinh ốc cho hãng Samsung hay cái vỏ chai đựng rượi cho Nhật Bản. Việt Nam vẫn chưa có một công ty hay một thương hiệu mang tính toàn cầu nào, thậm chí ngay cả tại Châu Á. Mục tiêu "đưa đất nước quá độ lên xã hội chủ nghĩa" thì chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời là hết thế kỷ này không biết có đến được hay không. "Nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam" nhưng lại không phù hợp và đúng đắn với tư duy của cả thế giới vì vậy Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo đói và kém phát triển nhất thế giới. Bước sang năm thứ 15 của thế kỷ 21 mà nhiều người Việt Nam vẫn còn đói ăn, thử hỏi trách nhiệm này thuộc về ai?

Rõ ràng là thành tựu thứ ba này hoàn toàn không có thật, nó chỉ là nói lấy được và không thuyết phục được ai. ĐCSVN chuẩn bị kỷ niệm 85 ngày thành lập và 70 năm cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam với một tư duy và hành động vẫn như cũ, không một chút thay đổi. Vẫn độc tài toàn trị, không chấp nhận dân chủ tự do, kể cả tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Cho dù nội bộ ĐCSVN đang sát phạt nhau sống mái để tranh dành quyền lãnh đạo đất nước nhưng tất cả giới lãnh đạo Việt Nam đều "đồng thuận với nhau tuyệt đối là chống dân chủ và nương tựa vào Trung Quốc để tồn tại".

Việc phán xét về "công, tội" của ĐCSVN là việc của các sử gia và hậu thế. Hiện tại khi đất nước vẫn còn bị đặt dưới sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối" của ĐCSVN thì sự tranh cãi đúng sai về chủ đề này sẽ bất tận và gây ra những chia rẽ không đáng có. Chúng tôi đề nghị một câu hỏi khác về ĐCSVN, đơn giản và cụ thể hơn để người dân Việt Nam có thể đồng ý với nhau ở câu trả lời và qua đó chúng ta có thể tìm được sự đồng thuận cho tương lai, câu hỏi đó là: "Nếu không có ông Hồ và ĐCSVN thì Việt Nam hôm nay sẽ tốt hơn hay xấu hơn?". Trả lời được câu hỏi đó thì chúng ta có thể trả lời được nhiều câu hỏi quan trọng khác như: Người dân Việt Nam có thể trông chờ gì vào ĐCSVN nữa hay không? Liệu 70 năm cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam đã đủ với ĐCSVN hay chưa? Người dân Việt Nam có nên tiếp tục đặt niềm tin, sự kiên nhẫn và chờ đợi vào ĐCSVN nữa hay không? Nên chọn một "giải pháp thay thế" khác là "giải pháp dân chủ đa nguyên" để thay thế cho "giải pháp cộng sản" đã hết thời hay không?...

Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét