2015-01-17
Tại Hội nghị TƯ 10, vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế" đã được đề cập. Tuy vậy TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước." Vậy Đảng CSVN cần đổi mới chính trị theo chiều hướng nào cho phù hợp?
Hội nghị TW10 của Đảng CSVN vừa kết thúc với nhiều vấn đề hết sức quan trọng, trong đó việc tiến hành "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế" được dư luận hết sức quan tâm.
Không có sự thay đổi
Tuy nhiên, phát biểu trong phiên bế mạc Tổng BT Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước. Mà chỉ là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, lề lối làm việc, cải cách hành chính v.v…"
Đánh giá về vấn đề này, từ Hà nội Nhà giáo Nguyễn Thượng Long cho biết, ông rất phấn khởi khi được biết Đảng CSVN có chủ trương đổi mới chính trị. Tuy nhiên phát biểu của Tổng BT đã khiến ông thất vọng. Ông nói với chúng tôi:
"Kết quả của Hội nghị TW10 vừa qua xứng đáng là câu trả lời cho Đơn kiến nghị của 61 cán bộ đảng viên đòi thay đổi thể chế chính trị, đòi thay đổi lý luận Marx – Lenin bằng một ý thức hệ Dân chủ. Tuy vậy việc Tổng BT Nguyễn Phú Trọng cho rằng cải cách chính trị không phải là việc thay đổi về thể chế thì tôi nghĩ rằng nó vẫn y nguyên và vẫn như cũ. Điều đó sẽ làm cho nhiều người muốn có một sự thay đổi tích cực ở VN sẽ hết sức thất vọng. Cái kết quả này nói lên Đảng CSVN giữ y nguyên đường lối cũ mà chẳng có sự thay đổi nào cả."
Tổng BT Nguyễn Phú Trọng cho rằng cải cách chính trị không phải là việc thay đổi về thể chế thì tôi nghĩ rằng nó vẫn y nguyên và vẫn như cũ... Cái kết quả này nói lên Đảng CSVN giữ y nguyên đường lối cũ mà chẳng có sự thay đổi nào cả.
-Nguyễn Thượng Long
Ông Lê Công Giàu, cựu Phó bí thư thường trực Thành Đoàn thấy rằng ý kiến của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng là một ý kiến nhằm đảm bảo tính quá độ.
Từ Sài gòn, ông Lê Công Giàu nhận định:
"Tôi thấy phát biểu đó có nói lên việc muốn đổi mới chính trị đó là điều tốt, nhưng nói như thế (không thay đổi thể chế chính trị) thì rất khó. Tôi nghĩ ở cương vị Tổng BT thì bắt buộc ông Tổng BT phải nói như vậy thôi, chứ đâu có cách nào khác."
Trả lời câu hỏi nguyên nhân nào dẫn đến việc Đảng quyết định đề cập tới vấn đề cải cách chính trị vào lúc này?
Ông Lê Công Giàu thấy rằng chủ trương đó là một bước đột phá cần thiết và quan trọng của Đảng để có thể giải quyết mọi vấn đề vướng mắc.
Ông Lê Công Giàu nói:
"Cái đó có từ sức ép của toàn xã hội và toàn thể nhân dân, và cái sức ép đó đến lúc này tôi nghĩ là nó khá mạnh, buộc Đảng phải nghĩ đến việc có những bước thay đổi để có những bước phát triển nhanh hơn và mạnh hơn. Vì nếu so với các nước xung quanh thì sẽ thấy VN phát triển rất chậm."
Bằng một thái độ thận trọng, ông Vũ Quốc Ngữ một nhà hoạt động xã hội ở Hà nội nhận xét, ông cho biết:
"Ở VN chưa có một lực lượng đối lập đủ mạnh để có sức ép buộc họ (Đảng) phải cải tổ, Đảng CS chưa phải đối mặt với một lực lượng nào có thể gây sức ép cho Đảng phải đổi mới. Tôi nghĩ Đảng cũng không thể thành công, vì họ không muốn đổi mới một cách toàn diện mà chỉ đổi mới mang tính hình thức. Để cứu nền KT bi bét hiện nay thì đáng lẽ Đảng CSVN phải đổi mới một cách mạnh mẽ. Song nếu đổi mới mạnh mẽ thì họ sợ gây xáo trộn dẫn đến quyền lực của họ bị suy giảm."
Trả lời câu hỏi Đảng CSVN có thực tâm muốn cải cách chính trị hay không?
Ông Vũ Quốc Ngữ thấy rằng trước tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, nội bộ Đảng bất ổn thì Đảng thường đưa ra các chủ trương mơ hồ nhằm để trấn an dư luận.
Ông Vũ Quốc Ngữ cho hay:
"Họ chỉ nói thế thôi không có gì đổi mới đâu, vì không có gì là thực chất cả. Kể cả ông Thủ tướng Dũng đầu năm ngoái (2014) cũng phát biểu đầu năm nói về vấn đề dân chủ, cải tổ chính trị để mở mang cho dân chủ hơn. Nhưng theo tôi đó chỉ là những cách thức mỵ dân thôi chứ không có thực chất, mà thực chất là các ông ấy bằng mọi cách để giữ quyền lực chính trị độc tôn của Đảng."
Muốn cải cách chính trị phải thoát khỏi Chủ nghĩa Marx – Lenin
Khi được hỏi: Đảng CSVN cần đổi mới chính trị theo xu hướng nào cho phù hợp?
Theo Nhà giáo Nguyễn Thượng Long đây cũng chính là điều mà các kiến nghị, góp ý hay thư ngỏ… từ trước đến nay đã đề cập. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng muốn cải cách chính trị thì việc giải thoát khỏi Chủ nghĩa Marx – Lenin là vấn đề then chốt. Chứ còn cứ bám víu vào cái học thuyết lỗi thời đó thì mọi sự thay đổi chỉ là sự chắp vá và nửa vời. Tình hình VN sẽ không thay đổi theo hướng tích cực nếu họ tiếp tục theo cái cương lĩnh cũ như vậy. Hội nghị TW10 vẫn tiếp tục định hướng XHCN thì là điều thất vọng của nhiều người mong muốn có thay đổi đáng kể."
Tôi nghĩ rằng muốn cải cách chính trị thì việc giải thoát khỏi Chủ nghĩa Marx – Lenin là vấn đề then chốt. Chứ còn cứ bám víu vào cái học thuyết lỗi thời đó thì mọi sự thay đổi chỉ là sự chắp vá và nửa vời.
-Nguyễn Thượng Long
Báo VNN cho biết, ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương cho rằng "Sự suy thoái của Đảng cầm quyền là nguyên nhân chính trị quan trọng và trực tiếp nhất dẫn đến sự sụp đổ của mô hình CNXH. Do vậy việc đổi mới chính trị là cấp bách, cụ thể trước mắt là cần sớm đổi mới chế độ bầu cử theo hướng đảm bảo thực sự dân chủ; bãi bỏ các quy định và việc làm hạn chế ứng cử, đề cử, thực hiện quyền tranh cử công khai..."
Ông Lê Công Giàu thấy rằng vấn đề then chốt hiện nay là cần thay đổi đường lối, là tiền đề cho việc thay đổi thể chế chính trị. Ông nói:
"Tôi nghĩ nếu muốn thực hiện một cách có hiệu quả thì phải thay đổi các đường lối cơ bản trước tình hình mới. Đây nó cũng là quy luật của xã hội thôi, tức là đảng ra đời kèm theo cương lĩnh, song đến nay mấy chục năm sau thì nó khác rồi thì Đảng phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình. Tôi thấy điều đó là hợp lý, nhưng nếu không thay đổi các điều cơ bản thì rất là khó. Nếu đổi mới chính trị thì phải đổi mới đường lối, rồi từ đó để đổi mới nhân sự. Cái mấu chốt là đường lối, là con đường mình đi thế nào?"
Ông Vũ Quốc Ngữ cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông, ông nói:
"Theo tôi nghĩ nếu Đảng CSVN muốn cải tổ thì họ phải thay đổi cương lĩnh và không được tự cho mình là một đảng chính trị giữ độc tôn ở VN. Đồng thời phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng để cạnh tranh với các đảng phái khác. Có như thế họ mới có thể phát triển được. Cho nên, theo tôi nếu họ muốn mạnh thì họ phải thay đổi cương lĩnh, thay đổi tư duy độc quyền một mình một chợ và phải từ bỏ Chủ nghĩa Marx – Lenin."
Việc đổi mới cơ chế kinh tế tuy chưa triệt để của Đảng CSVN vào năm 1986 đã giúp đưa VN thoát khỏi khủng hoảng KT và tình trạng thiếu ăn là một bài học quý cho công cuộc đổi mới . Chính trị là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu chính trị được cải cách phù hợp sẽ là cơ hội để giúp VN cất cánh, tạo cơ hội để có thể sánh vai với quốc gia tiến bộ trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét