Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Tâm tình ông Bảy Nhị : “CHỈ CẦN RÀNH BỐN PHÉP TOÁN LÀ LÀM ĐƯỢC LÃNH ĐẠO”

Nguồn anhbasam

30/10/2012

Bài phỏng vấn dưới đây báo Nhân dân đã đăng số ra ngày 22-10-2012 sau khi biên tập. Những đoạn biên tập chỉnh sửa có màu đỏ sẫm, những đoạn bị cắt bỏ có màu đỏ tươi.

Tâm tình ông Bảy Nhị:

"CHỈ CẦN RÀNH BỐN PHÉP TOÁN LÀ LÀM ĐƯỢC LÃNH ĐẠO" 

Hồ Cúc Phương (thực hiện)

 Tôi gọi điện thoại cho nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Nhị và đề nghị được về tỉnh lúa An Giang thăm ông. Biết tôi lặn lội từ Hà Nội vào, ông xởi lởi, "chờ ngày nghỉ cuối tuần, chú lên Sài Gòn kết hợp công chuyện và tới chỗ cháu luôn cho đỡ cực". Thấy tôi tỏ ý xúc động vì tấm thịnh tình ông dành cho cô phóng viên lần đầu gặp gỡ, bạn bè bảo: "quan chức địa phương, ông nào chẳng có xe hơi, chẳng sở hữu dăm ba căn nhà ở thành phố. Một công đôi việc, đằng nào cuối tuần ổng chẳng về đây nghỉ ngơi, hưởng thụ!". Tôi nghĩ thầm, cũng có lý. Rồi ông tới tận Văn phòng đại diện báo Nhân Dân gặp tôi, đúng hẹn, không sai một phút. Thấy tôi nhìn quanh: "xe chú đậu chỗ nào", ông cười hiền: "chú lên bằng xe đò mà". "Rồi trò chuyện với cháu xong, chú về đâu?". "Kêu thằng con rể chạy xe gắn máy tới rước, lâu rồi chú chưa thăm con, thăm cháu ngoại". "Vậy chứ chú không có nhà riêng trên này sao?" – tôi ngạc nhiên. Lại một nụ cười chân chất, "Đừng nghĩ cứ quan chức là vơ vét được nhiều tiền, thu vén được nhiều tài sản. Chú sinh ra là nông dân, làm quan chức sống cùng nông dân.  Nghỉ hưu, chú nuôi năm  hầm cá tra, được bảy năm rồi, có năm thu hoạch gần cả ngàn tấn, kiếm bộn tiền đó nghe. Chú đã gắn bó máu thịt một đời với mảnh đất Long Xuyên, An Giang. Giờ mắc mớ chi mà lên Sài Gòn ở cho mệt".

Nhiều nhà báo từng được trò chuyện trực tiếp với người đứng đầu vựa lúa An Giang đều đánh giá ông có vốn hiểu biết rất rộng, tư duy nhạy bén, sắc sảo, cách diễn đạt giản dị nhưng đầy sức thuyết phục. Vậy mà nghe nói ngày còn nhỏ, ông còn chưa học hết lớp Nhất trường làng?

Ông Bảy Nhị (cười sảng khoái): Chính xác. Tất cả những kiến thức tôi có được trong đầu đều nhờ vào học lỏm, chẳng hề được đào tạo bài bản cái gì hết trơn. Người ta hay đặt vấn đề nghi vấn bằng cấp của mấy ông quan chức này nọ là đồ thật hay đồ giả. Trường hợp tôi rất khoẻ, khỏi phải đi xác minh chi cho cực. Đời tôi chỉ có duy nhất một tấm bằng lý luận chính trị do Trường Nguyễn Ái Quốc cấp thôi. Tôi bỏ ngang lớp Nhất vì không có tiền làm giấy khai sinh cho đủ thủ tục để thi lên đệ thất. Nhưng quyết tâm tự học không ngừng nghỉ của tôi có được là nhờ ông anh trai ruột Nguyễn Minh Đào (sau này là Phó Bí thư Tỉnh uỷ An Giang) luôn khuyên bảo, động viên. Lý do mà ổng đưa ra giản dị thế này thôi. Giấc mơ mà tôi ôm ấp từ nhỏ là muốn làm được nhiều điều tốt đẹp cho người dân An Giang quê mình. Để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, tôi phải ráng học, phải cố gắng phấn đấu vào Đảng. Vô Đảng là để được giao trọng trách, để có thể làm được nhiều việc có ích. Xin được nhấn mạnh, trọng trách chứ không phải địa vị.  Bởi không được ngồi ở vị trí ấy, không có quyền quyết định thì có muốn phục vụ nhân dân cũng đành chịu. Còn nếu không có chữ nghĩa thì rất khó làm được công việc lãnh đạo, mà nếu có làm thì cũng rất dễ mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết.

Và nhờ nỗ lực tự học không ngừng nghỉ, ông đã được giao trọng trách rất sớm, như một lãnh đạo trẻ nhất tỉnh. Những quyết sách đầu tiên của ông lúc đó, nghe nói cũng rất táo bạo?  

Năm 1988, mới 42 tuổi, tôi trở thành người lãnh đạo trẻ nhất tỉnh, khi nhận quyết định chuyển công tác từ Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ sang làm Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang. Một năm sau, tôi đề xuất xây dựng chương trình khuyến nông đầu tiên của cả nước và ký quyết định thành lập Ban khuyến nông của Sở. Phó Giám đốc đề xuất nên báo cáo Tỉnh uỷ vì đây là việc khá nhạy cảm, Bộ Nông nghiệp lúc đó không ủng hộ. Biết đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ rất đồng tình nhưng không dám quyết, tôi nói luôn với cậu phó, "khỏi báo cáo, tao chịu trách nhiệm toàn bộ. Được thì dân hưởng, tội vạ đâu tao xin gánh hết".  Tôi nghĩ, làm người lãnh đạo thì phải dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân vì tất cả những điều đó. Không được phép dựa dẫm, đổ thừa vào cái gọi là trách nhiệm tập thể. Tính tôi là vậy, quyết liệt tới cùng. Không chỉ một lần, sau này khi đang là Chủ tịch An Giang, tôi cũng đã kiên quyết phản đối chủ trương xây bảy cái cống ngăn thoát nước sông Hậu do Bộ Nông nghiệp chủ trương thực hiện. Tôi nói, trong này đã chống lũ triệt để xong rồi, làm chi cho tốn kém ngân sách thêm nữa, lại cản trở giao thông. Vụ việc sau đó phải báo cáo lên Hội nghị thường vụ Tỉnh uỷ. Ông bí thư bảo, "có tốn kém cũng là tiền trung ương". Tôi phản đối, "đâu có, đó là tiền của dân. Cá nhân nào quyết làm là tôi thưa đến cùng đó".  Mà nghe đâu nay người ta vẫn còn tiếp tục ghi danh mục đầu tư sắp tới.

"Trực ngôn nghịch nhĩ", thái độ quyết liệt ấy chắc chắn mang lại cho ông khá nhiều hệ luỵ. Ông đã chọn cách hoá giải chúng ra sao?

Tôi quan niệm thế này, cái tâm chính là cứu cánh lớn nhất của cuộc đời mình. Làm cái gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy "cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình. Mà rủi có ai làm vậy thì Trời sẽ cứu.

Ngày tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, có một nhân viên làm đơn nặc danh kêu thưa khắp nơi. Tôi quyết định rút anh ta về làm trợ lý, theo dõi tình hình tài chính của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp do Sở quản lý. Mọi người thắc mắc, tôi nói " ở xa không biết nên nghi tao làm bậy, mới kiện cáo tùm lum.  Giờ cho về gần, quan sát tao làm việc trực tiếp, chắc chắn sẽ hiểu". Cậu đó sau này thương tôi lắm đó.

Nhớ hồi tôi quyết định giao đất xây dựng Trung tâm khảo nghiệm Định Thành rồi Nhà máy sản xuất thuốc sâu ngoài Bình Đức, tranh chấp thưa gởi khắp nơi, còn tôi trở thành đối tượng bị cấp trên điều tra, xem xét. May mắn là những cơ sở này đều phát huy được hiệu quả, đem lại lợi ích cho nông dân. Chứng tỏ mình đã giao đất đúng người, đúng chỗ. Mấy chỗ đó mà làm ăn trây trét là chắc chắn khối người mắng: "giao đất cho thằng mắt ma ấy làm gì, thấy nó phá dữ không".

Nhân nhắc tới chuyện giao đất, tôi chợt nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã khẳng định như đinh đóng cột trước công luận: tôi có thể tự hào rằng suốt những năm làm lãnh đạo, tôi chưa hề có đề xuất nào gây hậu quả cho nông dân, không hề bị thế lực nào chi phối chủ trương đầu tư để kiếm lợi mà làm dân thiệt, ngân sách thiệt. Đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn sẵn sàng lắng nghe phê bình, chứ không phải giờ  "hạ cánh an toàn" rồi mới nói mình sạch, nói cho sướng miệng?

Về đề xuất gây hậu quả cho nông dân, tôi tự tin rằng mình tránh được. Bởi tôi sinh ra là nông dân thứ thiệt. Đã có lần tôi khẳng định với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Tôi uống nước phèn mà lớn, đất phèn có thể dùng thủy lợi cải tạo và kỷ thuật canh tác riêng đều có thể trồng trọt được hết các loại cây ngắn ngày nên tôi không sợ". Những quyết sách mà tôi đưa ra không hề liều mạng, bởi tôi chỉ làm khi biết chắc chắn 99,99% thành công. Uy tín dù có nhiều, xài hoài rồi cũng hết. Thất bại là dân chửi te tua, tôi đâu dám quyết bậy.

Ngày làm lãnh đạo, tôi cũng từng xắn quần đi trồng rừng, chửa cháy rừng, thiết kế mương phèn trên đất khai hoang vùng Tứ giác Long Xuyên… cùng người nông dân, anh em kiểm lâm và bộ đội. Không được trang bị nhiều kiến thức khoa học nhưng tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất này, tôi luôn gần dân, học hỏi kinh nghiệm từ dân. Chuyện đắp đập chắn nước để sản xuất vụ Hè Thu 1976 ở huyện Phú Tân lần đầu tiên ở An Giang là tôi học từ kinh nghiệm người Campuchia hồi còn kháng chiến (1972) qua câu họ trả lời tôi "Vì sao đêm qua nước tràn đồng?" – là vì "Ăn bắp rồi bửa đập cho nước vô". Thuyết phục nông dân, tôi dùng hình ảnh và ngôn ngữ trực quan, nôm na. Dân hiểu và nghe, nghe là họ làm theo thôi.

Vâng, những quyết sách do dân và vì dân ấy dù sao cũng dễ thực hiện, vì nó chỉ phụ thuộc vào cá nhân ông Chủ tịch dám làm dám chịu trách nhiệm. Nhưng việc đối mặt với những mánh lới chạy dự án tinh vi, những món lợi quá lớn từ số phần trăm hoa hồng "lại quả", trong khi vẫn phải giữ mình trong sạch là điều rất khó, thưa ông?

An Giang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Chạy dự án, lobby – vận động hành lang … để có suất ngon lành, để hưởng lợi không thiếu. Nhưng tôi dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư là có cơ sở. Là người ký duyệt dự án, tôi chẳng cần nhận bao thơ của ai. Riêng chuyện biết trước qui hoạch, cho người nhà hoặc "tay chân" lén mua đón đầu chờ cơ hội bán (hoặc đền bù) lấy lời là đủ kiếm bộn tiền nhưng tôi dứt khoát nói không. Chuyện (theo thông lệ mà luật cho phép doanh nghiệp) tôi có nhận quà (tiền) cảm ơn (thưởng cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp, cá nhân là có. Nói chưa bao giờ nhận là không thật thà. Mỗi người chỉ dăm ba triệu thì cộng lại cũng đã là một mớ kha khá mà dân nghèo nằm mơ cả đời không có. Nhưng nếu có màu đút lót, xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là tôi kiên quyết gạt đi, nhận mấy cái thứ đó mình chết chắc. Nhưng mình cũng không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử (có thể gọi là "thiếu tế nhị") . Nhớ có những lần "tiền thưởng" khá hậu hoặc có lần người đưa bao thơ "quá dày" … Trả không được, nhận không xong, tôi giao cho thủ quỷ cơ quan lập riêng một cuốn sổ. Gặp người này người kia khó khăn, có cái chi tiền ngân sách không được tôi quyết (qua một cán bộ văn phòng) là cô chi, cuối tháng có quyết toán với nhau rành mạch. Tới ngày tôi rời khỏi ghế Chủ tịch, tôi hỏi, cô báo: "Quỷ của  chú bằng không rồi". Tôi nói: "Vậy là huề!.Giải tán!". (cười). Sau nầy tôi đọc báo, hình như có người biết, phê phán là làm vậy chỉ biết giử mình chớ "không kiên quyết chống tham nhũng". Lập biên bản bắt tại tay người đút lót, theo tôi không phải cách làm hay của người lãnh đạo. Vả lại, ai đút lót mình họ đều nghe ngóng trước xem ông nầy "hảo ngọt" hoặc "thích phần trăm (%)" hay ham đi du lịch không?. Đừng tạo cho người ta cảm giác an tâm khi làm việc đó với mình thì tốt nhất, an toàn nhất. Ngược lại thì khó lắm!. Khổ nhất là họ mua mình không được thì họ sẽ phá mình bằng nhiều cách, nhất là nói xấu. Tôi trả giá cho vấn đề nầy cũng khá đắt, điển hình là một vụ khai thác tài nguyên ở nơi nhạy cảm có nhân tố nước ngoài. Tôi (Chủ tịch tỉnh) kêu lên đến sáu Bộ mà cũng không cứu được tài nguyên!.

Nhưng cùng một cái phong bì giống nhau, cảm ơn hay hối lộ thì không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận biết, thưa ông?

Chính xác. Tôi nhận ra, ranh giới giữa sự tri ơn với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mỏng manh. Người lãnh đạo phải rất tinh tường để nhận ra cái lằn ranh lắm khi vô hình ấy. Ngày đã nghỉ hưu, tôi có thú vui trồng và chăm cây kiểng. Có hôm đang ở xa, tôi nhận cú điện thoại từ một số lạ hoắc. Người gọi trình bày muốn mua một cây thế đã suy của tôi với giá cả chục ngàn đô. Tôi nói, cây sắp chết ôm về làm chi, anh ta bảo em thích nên sẽ cố chăm sóc để nó sống khoẻ. Tôi suy nghĩ lung lắm. Từng ấy đô la là cỡ 200 triệu đồng, nghe cũng ham, tiền nhiều ai không thích. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, một người lạ làm vậy là có ý gì, đằng sau nó là mục đích gì. Cuối cùng, tôi kiên quyết nói không. Ít lâu sau, tôi lại nhận cuộc gọi, từ chính số điện thoại đó. Lần này, anh ta tha thiết nhờ tôi nói một tiếng để đơn vị kiểm lâm cho chuyển mấy cây gỗ từ Campuchia về. Vậy là tôi hiểu ngay vấn đề, chục ngàn đô bỏ ra mua cây kiểng của tôi là để dọn đường, chỉ cần tôi trả nghĩa bằng một chuyến vận chuyển trót lọt là dư thừa. Tôi cười "tao về hưu rồi nói ai nghe", bụng thầm nghĩ "may quá, bán cây rồi thì biết cư xử sao đây".

Chuyện trò nãy giờ, thấy ông Bảy Nhị đúng là một quan chức -  nông dân đươc xếp vào hàng "quý hiếm".  Xin được hỏi câu cuối cùng, làm người lãnh đạo đúng nghĩa được dân tin yêu như ông có khó lắm không ạ?

Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương;  biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Huỳnh Ngọc Chênh : PHẢN BIỆN LẠI PHẢN BIỆN ĐÃ CÓ VĂN HÓA HƠN?

Nguồn huynhngocchenh

   Một
Còn nhớ hồi tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu viết bài "Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ". Bằng lý luận khoa học sắc sảo, ông đã vạch ra rằng động lực phát triển của xã hội là trí tuệ chứ không phải là đấu tranh giai cấp như luận điểm của chủ nghĩa Mác Lê nin mà hàng triệu tín đồ cộng sản trên thế giới đang mê muội tôn sùng.
Theo lời kể của nhà thơ Bùi Minh Quốc, sau khi TS Hà Sỹ Phu viết xong, nhà thơ mang bản thảo ra Đà Nẵng nhờ ông Thuận Hữu lúc đó là trưởng đại diện báo Nhân Dân tại Đà Nẵng lén đánh máy và photo bài viết ấy ra chừng chục bản. Và chục bản photo lòe nhòe đó đã gây ra cơn chấn động mãnh liệt làm dậy sóng giới lý luận đầu não của đảng CSVN.

Bộ máy lý luận của đảng tổ chức ngay một đợt phản kích mạnh mẻ chống lại luận điểm được quy chụp là sai trái phản động của TS Hà Sĩ Phu. Các võ đài lớn độc quyền của đảng như Báo Nhân Dân, QĐND, Tạp chí Cộng Sản...được mở ra. Võ sĩ của phe đảng là những nhà lý luận cấp cao, những giáo sư tiến sỹ chính trị già dặn được tung lên võ đài. Phía đối nghịch là mình ên võ sĩ  Hà Sĩ Phu, tay chân bị trói chặt, miệng bị bịt kín...Trận đấu diễn ra dữ dội với hàng chục bài báo phản bác lại luận điểm của TS bằng những đòn đánh nặng phần quy chụp và rất hung hăng của các vị giáo sư tiến sĩ chính trị đáng kính. Một khí thế bừng bừng sôi sục dâng lên, vì các võ sĩ cung đình biết sau lưng mình có các công cụ bạo lực hỗ trợ và trước mặt mình là một đối thủ cô độc đã bị trói tay, bịt miệng.
Thời đó khán giả xem trận đấu ngạc nhiên đến chưng hửng, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì. Trong số các khán giả ấy có tôi. Tôi tò mò phải tìm cho ra những thế võ mà võ sĩ Hà Sĩ Phu không được sử dụng khi thượng đài.. Cuối cùng tôi bắt gặp bí kiếp võ công là tập photo bản thảo lòe nhòe "Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ" tôi đọc say mê và đến bây giờ đọc lại vẫn thấy vô cùng thú vị.
Võ sĩ Hà Sĩ Phu tuy trong hoàn cảnh bị trói tay, bịt miệng vẫn chẳng hề nao núng. Vài năm sau ông lại tung ra một đòn đánh mới đó bài viết "Chia Tay ý Thức Hệ". Ông dùng lý luận chặt chẽ và thực tiễn sinh động đang diễn ra trên thế giới và ngay trên đất nươc Việt Nam để xuất chiêu hạ "knock out" những gì còn lại của cái gọi là ý thức hệ vô sản.
Biết không thể đấu lại Hà Sĩ Phu bằng lý luận, đám võ sĩ cung đình phải nhờ đến công cụ bạo lực. Côn đồ xuất hiện tông xe vào vị tiến sĩ và công an đến tịch thu túi xách trong đó có chứa bản photo lá thư của ông Võ Văn Kiệt, lấy cớ đó bắt ông vào tù.
Một khi các nhà lý luận thua cuộc thì công an vào cuộc.
        Hai
Sau nầy, khi các võ đài "Lề Dân" ra đời, đảng không còn độc quyền các võ đài nữa, hàng loạt võ sĩ lề dân xuất hiện. Những cây bút phản biện càng ngày càng đông và xuất nhiều chiêu thức võ công lợi hại. Bên cạnh Hà Sĩ Phu đã có Mai Thái Lĩnh, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự...rồi Lê Hiếu Đằng,Tống Văn Công, Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trọng Vĩnh, Tương Lai, Nguyễn Quang A, Tô Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Trung, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Văn Thạnh, Phạm Thành, Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Lê Phú Khải, Võ Văn Tạo, Hà Văn Thịnh, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Nguyễn Trọng Tạo, Người Buôn Gió, Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất, Huy Đức, Thùy Linh, Nguyễn Hữu Vinh, Đinh tấn Lực, Mai Xuân Dũng, Bùi Văn Bồng...Thế hệ trẻ đã có Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định... và rất trẻ là Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hòang Vi, Paulo Thành Nguyễn, Phạm Lê Nguyên Các...Chưa kể đến lực lượng trí tuệ từ hải ngoại góp về như: Ngô Nhân Dụng,Trần Trung Đạo, Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Ngọc Già, Bùi Tín, Phạm Thị Hoài...
Lúc nầy khán giả thấy các võ sĩ cung đình, những giáo sư tiến sĩ chính trị học, hoặc lặn tiêu đâu hết, hoặc rúm ró sợ sệt không dám lên tiếng. Trên 700 võ đài của đảng, không thấy xuất hiện một bài viết phản biện lại các phản biện trên một cách ra hồn ngoài một vài bài qui chụp thô thiển, chống trả yếu ớt kiểu như của anh bộ đội Nguyễn Văn Minh nào đó.. Đâu rồi những nhà lý luận cấp cao? Đâu rồi những học hàm, học vị giáo sư tiến sĩ chính trị học đáng kính? Các vị đã tốn tiền của đảng, của dân ăn học lên đến đỉnh cao, được trang bị vũ khí lý luận sắc bén, từng tung hoành một thời trên các võ đài của đảng khi đối thủ của các vị là võ sĩ đã bị trói tay, bịt miệng nay biến đi đâu hết rồi?
Các vị đó, nếu là người học hành đàng hoàng thì hiểu ra chân lý, vì lòng tự trọng đã không dám phản biện lại một cách bừa bải nên chọn con đường im lặng. Các vị đó, nếu là người chụp giựt, mua bằng cấp để luồn lách ngoi lên thì dứt khoát không viết ra được gì vì không đủ trình độ. Cả sự nghiệp học hành của các vị đó, vào hoàn cảnh rộng đường dư luận như hiện nay, chỉ có thể phun ra được một câu "Chúng là thế lực thù địch, bắt nhốt hết đi"  rồi phủi tay đi hưởng thụ tiếp những ân sủng của đảng.
      Ba
Mới đây trên báo Nhân Dân xuất hiện một bài viết khá nghiêm túc của tác giả Anh Khôi nào đó phản biện lại bài viết của sinh viên Phạm Lê Vương Các. Không biết tác giả Anh Khôi có phải là một nhà lý luận cấp cao có học hàm học vị cao cấp hay không nhưng cung cách thể hiện qua bài viết là đáng khen dù nội dung cũng có chỗ này, chỗ khác không thoát ra khỏi kiểu quy chụp quen thuộc. Bỏ qua chuyện đúng sai của nội dung mà chỉ chú ý đến thái độ, đến phong cách thi đấu thì thấy ra nhiều điểm sáng. Võ sĩ Anh Khôi đã đường bệ thượng đài và công khai đối mặt với đối thủ Vương Các không bị trói tay bịt miệng như các võ sĩ phản biện trước đây. Một trận đấu đàng hoàng mặc dù chưa kết thúc: Chàng sinh viên Vương Các ra đòn, Anh Khôi tung chiêu phản kích, Vương Các được phép vung tay chống trả. (Xem tại đâytại đây và tại đây)
Hoan nghênh báo Nhân Dân đã mở ra một võ đài "fair play" nhất từ trước đến nay dù là các võ sĩ đối phương vẫn chưa được thượng lên đài này. Đây vẫn là võ đài dành riêng cho các võ sĩ cung đình. Rất chờ mong các vị đáng kính ấy nhảy lên xuất chiêu đả kích lại đám phản biện lề dân để khán giả mở mắt và đảng thấy rằng đã không tốn tiền của dân vô ích trong việc nuôi cho các vị ăn học lên cao.
Hơn nữa một khi các vị mạnh dạn thượng đài thì nhà nước khỏi tốn thêm tiền làm tường lửa, khỏi làm trò tin tặc như xã hội đen, khỏi cho an ninh theo dõi các blogger hoặc thủ tướng khỏi phải nhọc công ra chỉ thị cấm đoán và bắt bớ nầy nọ. Chân lý, đỉnh cao trí tuệ, vũ khí sắc bén vô địch...là của các vị thì các vị sợ gì mà phải ẩn núp sau lưng các công cụ trấn áp bạo lực hỡi những nhà lý luận cấp cao, làu làu kinh sử Mác Lê nin?
      Bốn
Gần đây, sau khi một trang blog lạ xuất hiện ồn ào và nhanh chóng vụt lên như đèn pha đó là Quan Làm Báo thì hàng loạt các blog lạ khác xuất hiện theo. Có thể kể ra ở đây là: Cầu Nhật Tân, Vua Làm Báo, Đảng Làm Báo, Anh Tư Sang, Gái bia Ôm Làm Báo, Bồ Câu Đen, Anh Lái Đò, Tập Viết Báo...
Thông tin trên các trang đó thì đủ kiểu, đủ chiều, đủ chiêu và đủ trò. Quan Làm Báo vừa rồi ra một bài viết cảnh báo một số trang trong số ấy cùng với vài trang ra đời trước đây là của công an văn hóa giả dạng.
Trên các mạng xã hội vào lúc nầy, lúc khác cũng xuất hiện các cảnh báo về trang nầy, trang khác là của "thế lực thù địch ngược lại" làm ra để phản tuyên truyền.
Hầu hết các cảnh báo đều tỏ thái độ tiêu cực và khuyên mọi người đừng vào các trang "phản động" ấy, rất nguy hiểm. Riêng tôi lại thấy rằng, sự ra đời của các trang ấy, nếu đúng là từ chủ trương của đảng thì rất đáng hoan nghênh. Đây là tín hiệu cho thấy đảng đã chấp nhận cuộc chơi một cách fair play. Đảng đã dùng những vũ khí phản biện văn minh để phản biện lại các trang phản biện chứ không còn thuần một cách dùng công cụ bạo lực để "phản biện" lại như trước đây.
Phải chăng phản biện lại phản biện đã càng ngày càng có văn hóa hơn?

BS Nguyễn Đan Quế : Đã đến lúc hủy bỏ điều 4 Hiến pháp

Nguồn chuacuuthe

VRNs (30.10.2012) – Sài Gòn - Để chỉnh đốn đảng cầm quyền quá tha hóa, bất lực, tham nhũng từ trên xuống dưới khiến thất thoát hàng chục tỷ đô la như vụ Vinashin, Vinalines, nợ xấu ngân hàng ngày càng chồng chất…. Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch phê và tự phê, và tính giành lấy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông Dũng trì hoãn chưa chịu bàn giao. Ông Trọng lại cho khua chiêng gõ trống triệu tập gấp Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 10-2012 nhằm dựa vào quyền lực tối cao của đảng để lọai bỏ Dũng.

Nhiều người tưởng phen này phe trùm tham ô cùng các nhóm lợi ích sẽ bị tổn thất nặng, nhiều nhân vật cao cấp kể cả Thủ tướng sẽ bị mất chức.

Nhưng không phải. Một bất ngờ chưa từng có tiền lệ: Thủ tướng đi một chiêu "hồi mã thương" đấm thẳng vào mặt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khiến đảng uỷ các ngành các cấp trực thuộc TBT hoang mang, nghi ngờ về vai trò xưa nay vẫn được khẳng định một cách tuyệt đối là "đảng lãnh đạo chính quyền" như đã qui định trong điều 4 Hiến pháp (Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật).

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị sau 15 ngày nhóm họp cho biết: "Bộ chính trị, ban bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên."

Ông nói tiếp: "Bộ chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ chính trị."

Tuy nhiên, ông Trọng chua chát kết luận: "Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ chính trị và một đồng chí trong Bộ chính trị; và yêu cầu Bộ chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá."

Ngay đến tên cúng cơm của Nguyễn Tấn Dũng ông Trọng cũng không dám nhắc đến. Trong khi đó, tất cả các hãng thông tấn nước ngoài đều cho rằng "một đồng chí trong Bộ chính trị" chính là nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hãng tin AFP viết rằng "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không bị kỷ luật đảng dù có sự bất bình về một loạt các vụ bê bối tài chính và tình trạng bất ổn kinh tế, vốn đã làm tổn hại tới sự lãnh đạo của ông", tờ The Wall Street Journal viết: "Thủ tướng Việt Nam thoát khỏi thách thức", hãng tin tài chính Bloomberg thì chạy hàng tít: "Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận sai lầm trong khi ông Dũng vẫn tại vị". Còn giới blogger trong nước bình luận theo đủ cách, như đầu voi đuôi chuột, trên bảo dưới không nghe…

Hầu hết Ủy viên Trung ương đều "tay có nhúng chàm" với tham nhũng nên phải bỏ phiếu ủng hộ Dũng ngồi lại chức vụ thủ tướng. Còn những lý do khác Trung ương đưa ra như không nên thay ngựa giữa đường vì tình thế đang rất khó khăn hay là không tìm được ai khá hơn chỉ là nguỵ biện.

Đến khi bỏ phiếu tín nhiệm, phe thiểu số chủ trương chỉnh đảng để chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, bị đa số thuộc phe bị tố là tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng vô hiệu hoá, làm thất bại mưu đồ của Trọng muốn mượn tay Trung ương kết tội Dũng bất tài và tham nhũng.

Về mặt đảng, trung ương đảng là cơ quan tối cao, bộ chính trị chấp hành những nghị quyết của trung ương và ban bí thư tìm cách thực hiện. Phe muốn chỉnh đảng của Nguyễn Phú Trọng không thuyết phục được trung ương đảng kết tội Dũng tham nhũng là một thất bại lớn. Thanh thế của Trọng bị thương tổn nặng, quyền uy "ngáo ộp" của Đảng bị thách thức nghiêm trọng, chưa từng xẩy ra trong suốt quá trình hiện hữu của đảng.

Sự thật, mâu thuẫn giữa đảng lãnh đạo và chính quyền quản lý là khó tránh khỏi khi những xứ cộng sản bỏ kinh tế nhà nước đi theo kinh tế thị trường. Một nhà nước độc tài toàn trị với bộ máy tập trung cao độ, quan liêu, cửa quyền như chế độ cộng sản khi bị thoái trào, thì tệ nạn hối mại quyền thế, tham nhũng, kéo bè kéo đảng của những nhóm lợi ích mọc nên như nấm. Trung Quốc hiện tham nhũng đầy rẫy, Liên Xô hay Đông Âu trước đây cũng vậy.

Hệ thống cai trị của cộng sản từ trung ương đến địa phương luôn song hành như hình với bóng ở tất cả mọi cấp mọi ngành: đảng uỷ lãnh đạo – chính quyền quản lý.

Việt Nam đổi mới năm 1986. Nhờ Hiệp ước song phương Mỹ – Việt 2001 và sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 2007, Việt Nam phát triển nhanh về kinh tế – xã hội, vượt ra ngoài khá xa tầm hiểu biết và khả năng kiểm soát của Bộ chính trị; trong khi cán bộ quản lý về mặt chính quyền lại quá kém và thèm khát tiền của sau thời gian dài vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng là có thể vừa giữ vững được tư thế "đảng lãnh đạo – chính quyền quản lý" vừa lợi dụng được tiền tư bản để phát triển đất nước theo kinh tế thị trường.

Nhưng thực tế xẩy ra khác: quyền lực, tiền tài, danh vọng đã làm lòng tham nổi dậy và lý tưởng xã hội chủ nghĩa tiêu tan ra mây khói. Cán bộ chính quyền có dịp làm quen, liên hệ, tiếp xúc với giấy phép, dự án, nhà đầu tư, nhà thầu… nên giầu lên nhanh chóng. Phe đảng uỷ có tiếng là lãnh đạo mà không có miếng, dần dần ngả theo phe chính quyền kiếm ăn theo.

Hiện tượng phổ biến này cả đảng biết rõ, nhưng dấu diếm, sợ mất hết uy tín.

Khi ông Dũng lên làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu năm 2006 và tiếp tục nhiệm kỳ 2 từ 2011: Là một người ăn bạo, thời gian tại vị khá dài nên chân rết phe đảng mạnh, gia dình và phe đảng Dũng chia nhau nắm hết cá nguồn kinh tế và tài chánh béo bở, vung tiền đầu tư công bừa bãi, không sợ ai, không coi đảng ra gì, dẫn đến phá sản của hầu hết các tập đoàn và đại công ty nhà nước, điển hình là mất trắng hàng chục tỷ đô la ở Vinashin và Vinalines, công ty điện lực, Vietsopetro, Việt Nam Airlines, nợ xấu ngập đầu của hệ thống nhà ngân hàng…

Chuyện đổ bể hàng loạt, tình thế lâm nguy. Nguyễn Phú Trọng hốt hoảng phát động phê và tự phê, cùng triệu tập Hội nghị Trung Ương 6 tính đường chỉnh đảng, nhưng mọi chuyện đã muộn! Kết quả bỏ phiếu tại Hội nghị là đa số ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng, chống lại Trọng. Điều này cho thấy: Đảng lãnh đạo (ôm mộng kiên trì với chủ nghĩa Mác – Lênin) bị chính quyền quản lý (tham nhũng hết thuốc chữa) coi thường; hay nói rõ hơn là người đứng đầu Đảng là Tổng bí thư Trọng bị Thủ tướng Dũng hạ đo ván, thua một cách nhục nhã trước toàn đảng, toàn quân và toàn dân .

Từ đầu đến cuối hội nghị, Dũng không hề có một lời tỏ vẻ hối lỗi hay nhận tội dù chỉ là lấy lệ trước Trung ương hay Bộ chính trị. Nhưng một tuần sau, Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò thủ tướng lại xuất hiện trước một phiên họp của Quốc Hội, tự nhận lãnh trách nhiệm yếu kém của Chính phủ trước các đại biểu nhân dân, với mục đích nhằm xoa dịu áp lực to lớn ngày càng tăng của quần chúng, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát cao, tham nhũng tràn lan cùng sự bất ổn và nợ xấu quá lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Cảm nhận gió đổi chiều, nhiều đại biểu, cựu lãnh đạo, trí thức đã lên truyền hình khen Thủ tướng là thẳng thắn và ủng hộ kế hoạch giải quyết khó khăn kinh tế của Thủ tướng năm 2013.

Ý nghĩa của những sự việc liên tiếp xẩy ra trong thời gian ngắn chưa đầy một tháng như thầm nói lên rằng: "Dũng không chối có tham nhũng. Nhưng Nguyễn Phú Trọng phải biết rằng đa số uỷ viên trung ương đều có dính líu và ăn chia với Dũng. Kết quả bỏ phiếu ra sao đã cho toàn Đảng thấy Dũng đang lãnh đạo đất nước này, chứ không phải Trọng".

Dũng chỉ xin lỗi trước Quốc Hội, trên nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất của toàn dân như Hỉến pháp đã ghi, là một gáo nước lạnh tạt vào mặt Đảng, tố cáo Đảng đã chuyên quyền, coi khinh tất cả các đại biểu của nhân dân. Rõ ràng qua hành động công khai này, Dũng nhục mạ Đảng từ Bộ chính trị, Ban bí thư, đến Ban chấp hành Trung ương.

NHƯNG những đấu đá nội bộ giữa một đảng cộng sản độc quyền thoái hoá và một chính quyền quản lý bất lực, tham nhũng tràn lan lại là một cơ may hiếm có mà phong trào đấu tranh đòi Dân Chủ Hoá Việt Nam cần khéo léo khai thác.

Ai cũng biết Quốc Hội hiện nay chỉ là bù nhìn của Bộ chính trị, hơn 99% thành viên Quốc Hội là đảng viên cộng sản do Bộ chính trị dật giây. Nhưng tình hình xã hội đang thay đổi lớn. Càng ngày càng nhiều đảng viên bất mãn với đảng, không còn lý tưởng, tư tưởng chính trị giao động. Họ ý thức Sức Mạnh Quần Chúng áp lực mạnh lên giới cầm quyền ngồi ở Hà Nội đòi phải Dân Chủ Hoá đất nước (theo gương Miến Điện). Ngày càng nhiều thành phần xét lại và đồng thuận với quần chúng là phải Dân Chủ mới diệt trừ tham nhũng và phát triển bền vững được. Những thành phần này hãy còn thiếu chủ động, có thái độ "chờ xem", ngóng trông cơ hội.

Do đó, một khi đảng bế tắc về lãnh đạo, bất lực trước một chính quyền tham nhũng lớn, những người có ước vọng Dân Chủ Hoá Việt Nam phải biết "tương kế tựu kế" lợi dụng việc đề cao Quốc Hội trong chức năng là đề ra chính sách cho chính phủ và kiểm soát chính phủ khi thi hành. Đây chính là tạo thời cơ "lộng giả thành chân" cho Quốc Hội nắm lại quyền lực tối cao, đứng trên đảng và các phe phái đang cấu xé nhau, như Hiến pháp qui định, nhưng đã bị Bộ chính trị nhân danh Đảng tước đoạt bấy lâu nay.

Khi Quốc Hội có cơ may thoát khỏi ảnh hưởng chuyên chế của Bộ chính trị, Sức Mạnh Quần Chúng có thể làm thành phần Quốc Hội thay đổi theo hướng ủng hộ Dân Chủ. Từ đó ảnh hưởng lên sự hình thành những chính phủ kế tiếp tiến bộ hơn.

Trước diễn biến của tình hình kinh tế – xã hội – chính trị hết sức phức tạp hiện nay, thái độ của Phong trào Đấu tranh cho Nhân Quyền và Dân Chủ Việt Nam nên như thế nào? Phải làm gì?

Một mặt, trước tiên và quan trọng nhất là phải đưa Sức Mạnh Quần Chúng đòi Dân Chủ Hoá tiếp tục tiến lên cao trào để thiết lập Dân Chủ thực sự cho đất nước.

Mặt khác, mở ra cơ hội cho những thành viên tiến bộ trong đảng có vai trò tích cực hơn trong tiến trình chuyển đổi sang Dân Chủ một cách ôn hoà, bất bạo động, bằng cách hướng Sức Mạnh Quần Chúng thúc đẩy Quốc Hội tự tin có hậu thuẫn quần chúng để tự khẳng định mình là đại biểu dân bầu (dù chưa phải là bầu cử tự do) với nhiệm vụ là cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia, theo đúng Hiến pháp đã qui định.

Một Quốc hội độc lập không bi đảng chi phối, bỏ phiếu thông qua quyết định hủy bỏ diều 4 hiến pháp, chấp nhận đa nguyên đa đảng, sẽ giúp rửa mặt cho đảng, giúp đảng có cơ hội trở về với đại khối dân tộc và mở đường giúp đảng đóai công chuộc tội. Nếu như đa số các đại biểu Quốc Hội lại tiến đến chỗ thông qua được nghị quyết hủy bỏ điều 4 Hiến pháp chấp nhận đa đảng.

Đạt được đột phá này sẽ là một bước tiến dài trên đường đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam.

BS Nguyễn Đan Quế

VRNs. Tường thuật trực tiếp phiên tòa xử Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang

Nguồn chuacuuthe

VRNs (30.10.2012) – Sài Gòn – 13:15 – Kết quả chúng tôi vừa nhận được từ phiên tòa: nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình bị kết án 6 năm tù giam và 2 năm quản thúc; nhạc sĩ Việt Khang bị kết án 4 năm tù giam và 2 năm quản thúc.

Luận điệu của tòa án cho rằng những bài hát do 2 nhạc sĩ này sáng tác làm cho người dân nghe và chán ghét chế độ cộng sản VN nên 2 thanh niên này bị kết án một cách bất công như vậy.

12:45 - Chúng tôi vừa nhận được tin phóng viên Huyền Trang, VRNs đang bị câu lưu tại công an phường bến Thành, số 16-18 đường Lê Anh Xuân, phường Bến Thành, quận 1, sài Gòn, số điện thoại (08) 3829.7373. Chúng tôi vừa gọi đến số này và viên công an trực đã nói dối là không có. Xin anh chị em nào có thể, vui lòng gọi vào số này để chất vấn công an về lý do, tại sao bắt cô Huyền Trang.

- Lúc 12:00 – Cô Huyền Trang, phóng viên Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam đã bị an ninh mật vụ vây quanh tại công viên trước Dinh độc lập. Sau đó bị bỏ lên xe công an mang đi mất. Hiện nay không ai liên lạc được với cô Huyền Trang.

- Lúc 11:30 – Công an các nơi đổ về tòa đông hơn ban sáng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là dấu phiên tòa sắp kết thúc. Công an đưa lực lượng đến để áp tải hai nhạc sĩ về nơi tạm giam.

11: 15 – Anh Cao Hà Trực, dân oan vườn rau Lộc Hưng, P.6, Tân Bình bị bắt lúc 7 giờ sáng nay tại cây xăng Hòa Hưng khi anh vừa ra khỏi nhà. Hiện nay anh vẫn còn bị câu lưu tại công an Phường 15 quận Tân Bình mà không biết lý do bị giữ.

10:30 - Một phóng viên của VRNs vào được bên trong sân tòa án từ lúc 7g00 quan sát và đưa tin: Từ 6g00 sáng ở cổng tòa án đã có rất đông công an sắc phục, mật vụ, cscđ 113. Tại bãi đậu xe trong khu vực tòa án, chúng tôi nhận thấy có nhiều xe bảng số xanh, xe cứu hỏa của CA TP, xe của lực lượng vũ trang quận 1, xe cs 113, xe cs giao thông, có 1 xe của ngoại giao,…

Sóng điện thoại trong khu vực tòa án bị phá, không thể liên lạc với nhau bằng điện thoại được, nhất là sóng Vina. Rất đông công an và mật vụ ngồi rải rác khắp sân tòa. Lối vào khu xử án hình sự được đặt hàng rào sắt chắn ngang và có nhiều công an chìm nổi đứng kiểm soát từng người ra vào. Hiếm lắm mới thấy một người đi qua được hàng rào sắt này. Khoảng 7g45 chúng tôi thấy anh Trần Văn Việt, anh trai của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình xuất hiện tại bãi giữ xe, không biết anh có vào được bên trong không.

Chúng tôi cũng nhận ra được luật sư nhận bào chữa cho nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình tại sân tòa, trong bộ vest đen đang đứng nói chuyện với một đồng nghiệp khác. Lúc 9g20 xuất hiện 2 ca viên của ca đoàn liên Xóm 7-8 của giáo xứ ĐMHCG và linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, nhà thờ Kỳ Đồng đang trò chuyện với nhau. Hai ca viên này tiến đến hàng rào sắt đề nghị được vào tham dự nhưng công an nhất quyết không cho, dù đây là phiên tòa công khai.

Linh mục Đinh Hữu Thoại bị công an bắt:

Khoảng 9g30, cha Đinh Hữu Thoại lấy xe máy ra về. Vừa ra đến cửa tòa án thì bỗng đâu một nhóm mật vụ chạy đến yêu cầu dừng xe! Sau đó 1 anh trong số này gọi cảnh sát giao thông đang đứng ở đó đến yêu cầu tôi đưa xe vào lề đường. Cha Thoại hỏi anh mật vụ: "Anh là ai mà chặn xe tôi rồi gọi CAGT đến?" Anh ta không trả lời mà né ra một bên. Trong khi CSGT đang kiểm tra giấy tờ xe và bằng lái thì một mật vụ khác chạy đến cầm CMND của cha Thoại trên tay anh CSGT để ghi tên ngài vào giấy. Cha Thoại giật lại CMND từ tay mật vụ và hỏi: "Anh là ai mà dám giật CMND của tôi trên tay anh CGST đang làm nhiệm vụ". Hắn ta im lặng bỏ đi. Sau khi kiểm tra không có lý do gì giữ xe và người nên CSGT đã trả lại giấy tờ và cha Thoại lên xe chạy đi.

Nhưng vừa chạy đến ngã tư NKKN – Lý Tự Trọng, một tốp 3 chiếc xe mô tô của CS 113 rượt theo và la lối om sòm yêu cầu cha Thoại dừng xe. Cha dừng xe bên lề đường và phản đối việc làm tùy tiện và lạm dụng của CS 113. Một cs 113 bộ mặt rất hung dữ tiến đến yêu cầu cha Thoại xuất trình giấy tờ và để cho họ kiểm tra đồ đạc trong giỏ. Cha Thoại phản đối không xuất trình với lý do vừa mới làm việc ấy xong. Anh cs 113 mặt hung dữ chạy đến hùng hổ ôm chặt cha Thoại định cưỡng chế lên xe môtô thì có một chỉ huy mật vụ từ hướng tòa án chạy tới ra lệnh: "Làm nhẹ nhàng thôi". Lúc đó cha Thoại nói cho họ biết ngài là linh mục và phản đối kiểu làm việc bạo lực của công an. CS 113 đề nghị cha Thoại về trụ sở CA gần đó. Họ định đưa ngài lên xe còn họ lái xe của ngài, nhưng cha Thoại nhất định không chịu và tự lái xe đi. Một cs 113 nhảy lên sau xe cha Thoại ngồi. 3 chiếc môtô chuyên dụng của cs 113 được lệnh hụ còi dọn đường đưa ngài về trụ sở công an phường Bến Thành. Nhìn cảnh này người đi đường cứ tưởng viên cs 113 ngồi sau xe cha Thoại là người bị áp giải!

Cha Thoại cho phóng viên VRNs biết tại trụ sở công an phường Bến Thành viên cscđ 113 hung dữ lúc nãy tiếp tục uy hiếp đòi kiểm tra đồ trong giỏ cha Thoại xem có hình ảnh hay video gì trong tòa án không. Cha Thoại quay qua hỏi: "Anh là ai và có quyền gì ra lệnh cho tôi đưa tài sản cho anh kiểm tra? Tôi yêu cầu được làm việc với cấp trên của anh." Cha Thoại đã yêu cầu anh ta đeo bảng tên vào mới làm việc. Bên cạnh anh này còn 1 anh cs 113 khác cũng rất hùng hổ và thiếu văn hóa, cư xử sai pháp luật tên là Đoàn Trung Kiên, người ốm, cao trung bình. Cha Thoại kiên quyết không làm theo 2 cs 113 này và yêu cầu họ cho ngài làm việc với trưởng công an phường Bến Thành hoặc công an tôn giáo. Cũng theo lời cha Thoại, 2 công an này đi ra gọi bộ đàm thông báo tình hình và nhận chỉ thị.

Một lúc sau một anh ăn mặc lịch sự, người cao, nói giọng Bắc tự xưng tên Lợi, phó công an phường Bến Thành, ăn nói lịch sự, nhẹ nhàng bước vào. Nhưng nhìn dáng vẻ là người chỉ huy của tất cả công an ở đó. Anh Lợi nói với cha Thoại chỉ cần xóa hết hình ảnh trong tòa rồi ra về. Ngài lấy trong người ra 1 máy ảnh nhỏ bị hư đang mang đi sửa cho họ coi, mở cả điện thoại đi động cho họ xem không có hình ảnh gì. Một cs 113 cắm cúi ghi ghi chép chép, cha Thoại nói với ông Lợi: "Anh nói anh kia đừng ghi biên bản mất công. Tôi không ký bất cứ cái gì đâu." Khi anh cs 113 này trả lại CMND và thẻ linh mục (Celebret) và nói: "Tôi trả lại anh đầy đủ giấy tờ rồi nhé". Cha Thoại trả lời: "Cs 113 các anh còn giữ của tôi một lời xin lỗi." Anh này cười và đi ra.

Sau đó công an dắt xe ra ngoài cho cha Thoại lên xe về nhà với lời nhắn của ông Lợi: "Linh mục đi cẩn thận". Cha Thoại đáp lại: "Cám ơn anh về cung cách làm việc đúng đắn nhưng tôi phản đối lực lượng cs 113 sáng nay đã cư xử như những côn đồ với tôi."

Hàng rào sắt và công an chặn không cho vào khu vực tòa hình sự

Lúc 09:00 – Một số độc giả cho biết chỉ mới nghe các sáng tác của các nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang, nhưng chưa được đọc kỹ từng lời, và họ xin phổ biến lời của những bản nhạc đó, để công chúng Việt Nam có thể thẩm định để tự mình biết là họ có phản động hay những người bắt họ là phản động.

VRNs xin giới thiệu hai nhạc phẩm nổi tiếng của Việt Khang là Việt Nam tôi đâu và Anh là ai.

- Lúc 08:40 – Bình luận nhanh về phiên tòa, và đưa chi tiết thông tin xử án. Mời quý vị xem video ở đây.

- Lúc 08:00 – Chị Trần Thị Anh Mỹ, chị ruột của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cho biết: "Tôi đang đứng trước cổng tòa án, nhưng công an ngăn tôi, không cho tôi vào bên trong sân tòa. Tôi nói tôi là chị của Trần Vũ Anh Bình, họ đòi tôi phải xuất trình giấy tờ liên quan. Tôi đưa chứng minh nhân dân cho họ xem, họ không đồng ý, và đòi phải trở về nhà mang hộ khẩu lên cho họ xác minh".

Đây là cách công an áp dụng luật sai, vì theo Luật cư trú, hộ khẩu không được quyền dùng để cho phép hay không cho phép một ai vào tòa án. Đây là cách công an cố tình ngăn cản người có liên quan, ruột thịt đến dự phiên tòa bất công của con em mình.

Từ Vũng tàu, chị Bùi Hằng chia sẻ: "hôm nay, bao trái tim dù ở gần hay cách xa ngàn trùng đang hưỡng về cùng 1 điểm, đó là TOÀ ÁN SÀI GÒN nơi xét xử 2 nhạc sĩ yêu nước và chỉ nói lên nỗi đau xót sự thật trong xã hội ta.

Toà án nơi đấy đã không còn là của Nhân Dân nữa khi mà liên tục những bản án bất công – "ô nhục" được ban ra và cán cân pháp luật bị bàn tay kẻ vong nô bán nước bẻ gãy.

Chúng ta hướng về nơi đó cầu nguyện cho những con người có trái tim yêu nước và không khuất phục bạo tàn.

Chúng ta cầu nguyện cho chính nghĩa- công bằng lẽ phải sẽ đến với người dân nước Việt bao năm lầm than.

Chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào chân lý CHÍNH NGHĨA SẼ THẰNG HUNG TÀN và quan niệm bất biến rằng: "Ở đời này ai nợ ai bất cứ thứ gì đều phải trả, đôi khi phải trả bằng chính tính mạng mình, và trả từ đời này qua đời khác". Câu nói từ chính miệng 1 ông tướng trong ngành công an vô tình tôi nghe được đêm qua".

Lúc 07:36 - Tại trước cổng tòa án, chưa thấy xe chở hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đến, nhưng đã có 100 công an mặc sắc phục đứng trước cổng tòa án. Ở công viên đối diện có khoảng 50 an ninh mặc thường phục đang đi tới đi lui, quan sát và gọi điện thoại, bộ đàm liên tục.

Lưu ý, trên trang www.youtube.com/chuacuuthe, chúng tôi sẽ cung cấp các video liên quan đến phiên tòa. Hiện đã có 3 video clip vừa được đưa lên là: Việt Khang: Tiếng hát bị cầm tùNhững người bạn nói về Trần Vũ Anh Bình, và Nước Nam rạng ngời đi tù.

- Lúc 07:09 – Trên các ngã đường từ DCCT đến Tòa án, số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý), quận 1, công an đã được bố trí ở các ngã tư rất đông. Mỗi ngã tư có từ 20 đến 25 công an và mật vụ mặc sắc phục lẫn thường phục.

Theo ghi nhận của VRNs, các trạm cảnh sát giao thông giao với đường Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản) công an đứng đông hơn. Ngã tư cắt dường Bà Huyện Thanh Quan (đường từ nhà thờ DCCT ra Tòa) và Trương Định là đông nhất. Ở các trạm cảnh sát giao thông này có cả hàng rào và những công cụ khác để phòng chống bạo động đang được nhân viên an ninh trong tư thế sẵn sàng đẩy ra đường, ngăn người đi bộ hành, diễu hành trên lề đường.

Theo VRNs, hôm nay không có đoàn nào xuất phát từ tu viện DCCT Kỳ Đồng cả, các phóng viên đã có mặt ở các vị trí của mình để làm việc từ tối hôm qua.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tường thuật diễn tiến phiên tòa này.

Xin quý vị theo dõi.

PV.VRNs

Bùi Tín : Trong tầm tay của Chủ tịch nước

Nguồn VOA

Hai ngày sau khi Hội nghị Trung ương 6 bế mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri thành phố Sài Gòn. Ông không dấu nổi nỗi buồn do thất bại nặng nề trong ý định hạ bệ đối thủ công khai của mình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Hiệp đầu trong cuộc tranh chấp được các blogger trong nước gọi là «trận chiến tay đôi giữa 2 võ sĩ Ba Dũng - Tư Sang» đã kết thúc với thắng lợi nghiêng về phía Ba Dũng. Trước đó phần đông khán giả đều phỏng đoán và cá cược là Ba Dũng sẽ bị đo ván. Nhưng Ba Dũng đã trụ vững, trước sự ngỡ ngàng của không ít khán giả. Dư luận cho rằng sở dĩ Ba Dũng trụ được là nhờ có Bắc triều ủng hộ, sau khi chạy sang Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình, tạo nên thế trội về chính trị, cộng thêm thế mạnh về túi tiền riêng để mua từng lá phiếu của các ủy viên Trung ương Đảng. Tiền, điều anh Ba không thiếu, đã thao túng cuộc bỏ phiếu này.
 
Nhưng xem ra võ sĩ Tư Sang chưa chịu tháo găng. Ông còn tỏ ra hăng máu. Trong cuộc họp trên ông gọi đối thủ sống mái của ông là "đồng chí X". Ông nhấn mạnh: Đồng chí X không bị thi hành kỷ luật không có nghĩa là vô tội. Ông hứa sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, chống lũng đoạn kinh tế và lũng đoạn chính trị mạnh mẽ hơn, bằng việc làm, bằng hành động, chứ không nói suông.
 
Ông Tư Sang còn tỏ ra đặc biệt hăng hái khi hứa với cử tri rằng phen này ông mà không làm tròn trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, của người đứng đầu nhà nước - nguyên thủ quốc gia, thì ông sẽ xin rũ áo từ quan, về quê, trả nhà lại cho nhà nước. Một lời hứa danh dự đáng ghi nhận. Ông cho biết nhà của công hiện ông ở chỉ có 51 mét vuông.
 
Nhân có lời hứa danh dự trên đây của Chủ tịch nước, xin có lời chân thành gợi ý về một số việc trong tầm tay của ông mà ông nên làm ngay trong kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tuần tới.
 
Chủ tịch nước có quyền hiến định đặc biệt ân xá cho những người bị án oan, bị kết tội quá đáng, hay đang bị ốm đau nặng trong trại giam. Vậy thì trước hết, ông Trương Tấn Sang rất nên xét ân xá ngay cho các ông Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, Phan Thanh Hải, bà Tạ Phong Tần vì họ đã bị phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên án không có cơ sở pháp lý, khi họ chỉ tỏ thái độ yêu nước, chống bành trướng. Ông Sang cũng nên ra lệnh trả ngay tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ vì rõ ràng ông Vũ đã bị ông Ba Dũng trả thù cá nhân, vì ông Vũ đã dám phát đơn kiện Thủ tướng Dũng về việc ông này đã ký duyệt việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, gây tác hại ghê gớm cho môi trường sống cũng như cho an ninh và chủ quyền quốc gia. Thay vì mở tòa án xem xét tội chủ trương khai thác beauxite, ông lại lôi ra tòa người đã dám phát đơn kiện mình.
 
Ông Chủ tịch nước cũng nên xét ân xá ngay cho nhóm trí thức yêu nước Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, nhóm trẻ Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đòi lập công đoàn tự do cho lao động nước ta, cũng như ân xá ngay cho ông Nguyễn Hữu Cầu - người tù của Thế kỷ, đã nằm trong tù 34 năm, nay đang bị nhiều bệnh hiểm nghèo.
 
Chỉ cần làm ngay vài việc trên đây nằm trong quyền hạn hiến định của mình, ông Trương Tấn Sang sẽ lập tức nổi lên là con người có công tâm và quyết đoán, có bản lĩnh lãnh đạo công bằng, nghiêm cách, quần chúng sẽ xuống đường hoan nghênh ông đông đảo, khuyến khích ông đi tiếp trên con đường cải cách cần thiết. Cuộc sống đang thử thách bản lĩnh chính trị của ông Tư Sang. Cờ trong tay, sao ông không dám phất? Ông còn sợ gì, sợ ai?
 
Một vài việc làm trên đây có ý nghĩa tượng trưng lớn khi Quốc hội đang họp, chắc chắn sẽ được cơ quan lập pháp hoan nghênh đông đảo, xóa bỏ ấn tượng vô hồn vô cảm của Hội nghị Trung ương 6, mở ra một thời kỳ mới, Quốc hội tự chứng tỏ là cơ quan quyền lực thực sự cao nhất của đất nước, như được ghi rõ trong Hiến pháp.

Ba Nhân Vật Trong Tuần. The Week’s Three Personalities

Nguồn nhucaytrevn

Pham Hong Son
(Bilingual)


Nguyễn Phương Uyên

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh năm 1992, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm tại Sài Gòn, bị công an bắt đi từ ngày 14/10/2012. Sau 09 ngày giam cầm, ngày 23/10/2012 gia đình mới được cơ quan chức năng xác nhận Nguyễn Phương Uyên bị bắt với cáo buộc làm phương hại tới an ninh quốc gia, phạm vào Điều 88 luật Hình sự, tội "Tuyên truyền chống nhà nước" án phạt có thể lên tới 20 năm tù. Nhiều nguồn tin cho biết Nguyễn Phương Uyên đã tham gia hoạt động rải truyền đơn phản đối Trung Quốc xâm lấn Việt Nam.

Nguyen Phuong Uyen, born in 1992, a girl-student in Saigon's University of Food Processing, was taken away by the police on October 14, 2012. But the authorities did neither inform her family of nor confirm her arrest until October 23, 2012. She has been in custody for a charge of damaging "national security", violating the notorious Article 88 of Vietnam's Penal Code. The offence carries the penalty of up to 20 years in prison. Several sources said Nguyen Phuong Uyen got involved in making and spreading leaflets anti-Chinese aggression.

Nguyen Tan Dzung 
on the right in the right picture. A part of page 1 of Nhan Dan, the mouth-piece of the CPV.


Ông Nguyễn Tấn Dũng, sinh năm 1949, Thủ tướng Chính phủ, nước CHXHCN Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, trong buổi tiếp Bộ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ ngày 23/10/2012 tại Hà Nội, đã nói ông "đánh giá cao sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công an hai nước thời gian qua…mong muốn Bộ Công an hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả, sâu rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác trên các mặt và khẳng định chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ."

Nguyen Tan Dzung, born in 1949, the Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam, a Politburo member of the Communist Party of Vietnam, in a meeting with Meng Janzhu, Chinese Minister of Public Security, in Hanoi on October 23, 2012, said that he "highly appreciates the close coordination and cooperation between two Ministries of Public Security of the two countries…wishes a continued cooperation in a more effective and deepened way between two ministries," and Dzung also asserted that "the Vietnam's government always backs two ministries' cooperation."


Nguyen Phu Trong 
on the right in the middle picture. A part of page 1 of Nhan Dan, the mouth-piece of the CPV


Ông Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi tiếp đón Bộ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ ngày 24/10/2012 tại Hà Nội, đã bày tỏ rằng "Bộ Công an hai nước không chỉ giúp đỡ nhau về vật chất, kỹ thuật, hợp tác chống tội phạm, bảo vệ an ninh của mỗi nước mà cần hết sức coi trọng việc trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau."

Nguyen Phu Trong, born in 1944, a Poliburo member and Secretary-General of the Communist Party of Vietnam, in receiving Meng Janzhu, Chinese Minister of Public Security, in Hanoi on October 24, 2012, expressed that "Ministries of Public Security of the two countries should not only hep each other materially and technically in fighting crimes and saving national security but also pay a great focus on experience-exchanges and mutual learning."

Minxin Pei : Cáo lỗi cùng thế giới: Những gì xảy ra ở Bắc Kinh SẼ KHÔNG giới hạn tại Bắc Kinh

Nguồn boxitvn

Minxin PeiThe Diplomat, 22 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư dịch

Minxin Pei là một giáo sư môn Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là một nhà nghiên cứu thâm niên không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs, The National Interest, Modern China, China Quaterly, Journal of Democracy và trong nhiều sách được biên tập. Nhiều bài xã luận của ông đã xuất hiện trên các báo Financial Times, New York Times, Washington Post, Newsweek International, và International Herald Tribune, cũng như nhiều nhật báo quan trọng khác.

The Diplomat

Một trong những câu hỏi ám ảnh đầu óc của hầu hết các nhà quan sát tình hình Trung Quốc (TQ) hiện nay là, Bắc Kinh sẽ ứng xử thế nào với thế giới bên ngoài khi chính quyền này phải đối diện với một tình hình nội bộ khó khăn hơn nhiều? Trong những thách thức rõ nét mà Trung Quốc sẽ đối phó trong những năm sắp tới có những vấn đề như tính năng động kinh tế đang suy giảm, một cơ cấu làm quyết sách với quyền lực bị tản mác và thiếu ổn định, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, những đòi hỏi cải tổ chính trị ngày càng gia tăng, và nỗi bất bình của dân chúng đối với nguyên trạng (the status quo) đang lan rộng [The status quo còn được dịch ra tiếng lóng là "Vũ Như Cẫn", ND].

Nói chung, những khó khăn nội bộ này sẽ làm suy giảm các nguồn lực có thể có được để duy trì và bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, sẽ giới hạn khả năng quân đội Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa, và sẽ khiến các lãnh đạo TQ trở nên dè dặt hơn trong việc đảm nhận những trách nhiệm quốc tế và khu vực quan trọng hơn. Điều đáng lo ngại hơn cả là, thái độ ứng xử thất thường của Trung Quốc, do hậu quả của một hỗn hợp gồm thiếu kinh nghiệm lãnh đạo và bất ổn chính trị, rất có thể sẽ đánh dấu cách điều hành chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới.

Dựa trên địa vị nổi bật mà Trung Quốc đã nắm giữ trong việc phóng chiếu ảnh hưởng kinh tế của mình khắp thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển có nhiều tài nguyên, người ta có thể cho là hoang tưởng, nếu có ai bảo rằng những khó khăn kinh tế đang ló dạng trong nước có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng của Trung Quốc trong việc khẳng định mình như một cường quốc kinh tế thay thế cho phương Tây. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn cái cung cách mà Trung Quốc đã và đang tài trợ các đầu tư của mình tại châu Phi, Trung Á, và châu Mỹ La tinh, người ta sẽ chứng minh được rằng những đầu tư này không những tốn kém, mà lại còn chứa đầy rủi ro. Những khoản trợ cấp và cho vay ưu đãi mà Trung Quốc đã cung cấp cho nhiều nước khác nhau để giành lấy thiện chí của họ ít ra đã lên đến một con số tổng cộng hàng chục tỷ đôla (đây là những con số được báo cáo; không ai biết được con số đích thực). Những khoản vay này được thực hiện vào giai đoạn Trung Quốc có mức tăng trưởng trên 10% và dư thừa tiền mặt để vung vít. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu giảm tốc và lượng tiền chảy vào ngân khố của Bắc Kinh giảm đi, thì Chính phủ Trung Quốc hẳn nhiên sẽ không đủ ngân sách để duy trì những mũi tiến công kinh tế và ngoại giao này. Xét về chính trị nội bộ, nếu Nhà nước TQ tiếp tục duy trì một chương trình ngoại viện hào phóng khi dân chúng trong nước đang vật lộn với cuộc sống, thì việc này chắc chắn sẽ kích động những chỉ trích gay gắt từ phía dân chúng. Cách đây không lâu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị lên án gay gắt khi có tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã viện trợ cho Macedonia những xe buýt an toàn để chở học sinh trong khi con em trong nước phải đến trường trên những phương tiện chuyên chở bấp bênh.

Cuộc xâm nhập đầy rủi ro của Trung Quốc vào các nước đang phát triển sẽ gặp phải một trở ngại khác. Hầu hết các dự án tầm cỡ mà Trung Quốc hậu thuẫn tại những nước này được tài trợ do các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Dựa vào kinh nghiệm trước đây, nhiều dự án trong số này có khả năng thất bại. Khi chính các ngân hàng Trung Quốc được dự kiến sẽ vật lộn với một loạt nợ không sinh lãi ở trong nước, các ngân hàng này sẽ không muốn tiếp tục tài trợ các dự án có mức rủi ro cao và lợi nhuận thấp như thế ở nước ngoài. Vì thế, mọi người có thể thấy trước, một Trung Quốc suy yếu ở trong nước có nghĩa là một Trung Quốc mất dần ảnh hưởng ở nước ngoài.

Một tổn thất hiển nhiên khác là chiến dịch khoa trương của Trung Quốc để phóng chiếu "quyền lực mềm" (soft power). Được mệnh danh ở trong nước là "dawaixuan" (cuộc tuyên truyền to lớn ở nước ngoài), chiến dịch này đã dẫn đến việc mở rộng sự hiện diện của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc khắp thế giới. Tân Hoa Xã, chẳng hạn, đã phát động chương trình tin tức truyền hình bằng tiếng Anh. Tờ lá cải dân tộc chủ nghĩa, Global Times (Hoàn cầu Thời báo), đã thêm một phiên bản tiếng Anh. Tờ báo chính thống China Daily thường xuyên chiếm nguyên một trang quảng cáo trên các tờ The New York TimesThe Wall Street Journal, và The Washington Post. Nếu phán đoán từ sự kiện hình ảnh của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ khắp thế giới, thì chiến dịch tuyên truyền này đã hoàn toàn thất bại. Khi các vị trưởng ban tuyên truyền của Bắc Kinh tiếp nhận những ngân sách khắc khổ trong vòng một hoặc hai năm tới, thật khó mà tưởng tượng được họ sẽ quyết định phung phí tiền bạc như trước đây.

Ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, và ngoại giao đang suy yếu của Trung Quốc, do sự cắt giảm các nguồn lực tài chính gây ra, không phải là nạn nhân duy nhất của những khó khăn trong nước. Giải phóng quân Nhân dân (GPQND), trong gần hai thập niên qua có mức tăng trưởng ngân sách trên 10%, chắc chắn phải tranh đấu nhiều hơn nữa để giành lấy phần mình trong một chiếc bánh nhỏ hơn. Tiến độ của việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc có thể chậm lại. Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, tình hình này sẽ làm cho họ bớt lo lắng. Washington, hẳn nhiên, có thể thở dài nhẹ nhõm. Tuy nhiên, một kết quả như vậy là không có gì chắc chắn. Người ta tưởng tượng được rằng GPQND có thể lấy cớ phải đối phó với chiến lược "xoay trục" của Mỹ và các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam, để đòi hỏi thêm nhiều chi phí quốc phòng. Ví như GPQND có thành công trong đòi hỏi của mình đi nữa, tổ chức này sẽ phải trả một giá đắt bởi vì quân đội Trung Quốc còn phải cạnh tranh với những tập thể chính trị khác có quyền lực không kém, như các doanh nghiệp Nhà nước, guồng máy thư lại, và các chính quyền địa phương, để giành lấy ngân sách đang bị cắt giảm.

Một số nhà quan sát phương Tây có thể vui mừng về những thảm trạng đang chồng chất bên trong Trung Quốc vì chúng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc và giảm thiểu "mối đe dọa của Trung Quốc". Nhưng họ cần phải thận trọng về những gì họ đang mong muốn. Một Trung Quốc dù suy yếu vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự thế giới.

Thiệt hại hiển nhiên khi Trung Quốc bị suy yếu bên trong sẽ là thái độ e ngại của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò xây dựng hơn trong các vấn đề toàn cầu và khu vực. Những người hoài nghi có thể nói rằng các lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong thời kỳ đất nước thịnh vượng, vẫn nói thì nhiều mà thực hiện thì ít. Mặc dù một số trong những lời chỉ trích đó là đúng sự thực, nhưng nếu đánh giá khách quan hơn, ta sẽ thấy rằng thỉnh thoảng Bắc Kinh cũng đóng một vai trò tích cực nhưng không được nhìn nhận xứng đáng, chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á những năm 1997-98 và trong nỗ lực thúc đẩy tự do mậu dịch khu vực. Thậm chí về Bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã gây áp lực khiến Bình Nhưỡng bớt hung hăng hơn trước, kể từ đầu năm 2011 (sau khi không làm điều đó trong năm 2010). Về Iran và Libya, Trung Quốc cũng tránh thọc gậy bánh xe. Về các cuộc thảo luận khí hậu toàn cầu, lập trường đàm phán đang diễn biến của Bắc Kinh cũng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả những đóng góp khiêm nhượng của Trung Quốc cho trật tự thế giới cũng có nguy cơ tan biến nếu các lãnh đạo TQ, vì quá bận tâm với những khủng hoảng trong nước, phải quyết định chấm dứt mọi đóng góp.

Quan niệm thông thường về một Trung Quốc suy yếu là, nước này sẽ trở nên hiếu chiến hơn vì giới lãnh đạo của nó sẽ thấy có lợi trong việc đánh lạc hướng sự chú ý của dân chúng bằng những hô hào về lòng yêu nước và bằng một chính sách đối ngoại hung hăng hơn. Đây là một lối giải thích giản đơn về cung cách ứng xử của Bắc Kinh. Chắc chắn là, những cám dỗ này đang hiện hữu, và người ta có thể dự kiến rằng các lãnh đạo mới của Trung Quốc, vì bị hạn chế bởi thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn liếng chính trị, sẽ lợi dụng những tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người dân. Nhưng nói cứng là một chuyện, mà hành động cứng rắn lại là một chuyện khác. Khi chúng ta nghiên cứu kỹ hành vi ứng xử trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong vòng 60 năm qua, chúng ta sẽ thấy rằng Bắc Kinh, dù ăn nói đao to búa lớn, thực ra đã lựa chọn kỹ càng các trận đánh trước khi lâm chiến. Ý thức sâu sắc về các khả năng quân sự hạn chế của mình, các lãnh đạo Trung Quốc đã tránh lao vào những cuộc chiến mà họ biết chắc sẽ thua.

Nếu ta áp dụng tư duy này vào việc phỏng đoán hành vi đối ngoại của Trung Quốc trong những năm sắp tới, chúng ta nắm chắc một điều là Trung Quốc sẽ ở trong một tình trạng bấp bênh (uncertainty). Sự tự tin phát xuất từ một nền kinh tế mạnh và tình hình tương đối ổn định ở trong nước sẽ biến mất, và thái độ tự chế (self-imposed restraints) về các luận điệu sô vanh cũng tiêu tan luôn. Những thách thức nhiều mặt đối với giới lãnh đạo mới -- khả năng kinh tế bị đình đốn, bất ổn xã hội, tình trạng chia rẽ ở chóp bu, và sự phục hưng các lực lượng dân chủ -- sẽ gây ra tình trạng thiếu tập trung và yếu kém chính trị trong việc duy trì kỹ luật đối với nhiều tác nhân có liên quan đến chính sách đối ngoại.của Trung Quốc.Hậu quả của những rắc rối nội bộ chồng chất này, mặc dù không nhất thiết có tác động dữ dội, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến một lề thói ứng xử thất thường, gây lo ngại và đặt ra nhiều câu hỏi cho các láng giềng của Trung Quốc và phần còn lại của cộng đồng quốc tế.

M.P.

Nguồn: The Diplomat, 22 tháng Mười 2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Tưởng Năng Tiến : Thêm một cuộc đọ sức

Nguồn procontra

Tháng 10 24, 2012

Hôm 24 tháng 5 vừa qua, tôi có đọc trên trang pro&contra một đoạn văn ngắn – hơi buồn – của nhà văn Phạm Thị Hoài viết cho (và viết về "cuộc đọ sức" của) Người Buôn Gió, cùng những người đồng cảnh:

"Đó là một cuộc đọ sức giữa hai đối thủ hoàn toàn không cân xứng: bên này là một nhà nước đầy quyền lực, sức mạnh và sẵn sàng nghiền nát bất kể ai và bất kể điều gì nó không ưng ý; bên kia là một con người bình thường, một cá nhân vô danh nhỏ bé.

Cuộc đọ sức không diễn ra ở lĩnh vực thường được gọi là chính trị. Bạn, cá nhân nhỏ bé kia chưa bao giờ là một nhà chính trị, lại càng không là một kẻ âm mưu, một kẻ chống phá nhà nước. Suốt cuộc đọ sức, bạn ở vị trí phòng thủ, không muốn gì hơn là được giữ những gì mà bạn coi là tính cách của mình, cuộc đời của mình và danh dự cá nhân của mình, dù hay hay dở.

Những thứ ấy đều bị nhà nước thường xuyên xâm phạm, bằng những phương tiện thừa thô thiển và lố bịch, nhưng không bao giờ thiếu dã man. Trấn áp và đe dọa, để buộc bạn phải từ bỏ bạn bè cùng chí hướng, phải gột rửa quan điểm riêng để tiếp thu những quan điểm theo chỉ đạo, phải xưng hô không như bạn thuận miệng, phải sinh hoạt trái với sở thích, phải dành thời gian cho những hoạt động mà bạn ghê tởm, phải tham gia những phong trào mà bạn dị ứng, phải học tập những tấm gương mà bạn chán ghét, phải tuân thủ những quy định mà bạn thấy phi lí, phải tán thành những điều mà bạn cho là ngu xuẩn… Và nhất là phải đầy biết ơn và hân hoan khi được nhà nước cho phép làm tất cả những điều phải làm đó.

Nhưng bạn không chịu. Bạn chẳng tha thiết với vai nạn nhân và không sắm sửa gì cho nó. Không bẩm sinh là một người hùng, lại càng không bẩm sinh là một kẻ tuẫn nạn, bạn thuần túy là một con người bình thường, với nhiều nhược điểm, đã thế lại còn là sản phẩm của một thời bạc nhược. Nhưng đơn giản là bạn không chịu. Và thế là bạn chấp nhận đọ sức. Chẳng sung sướng gì, đúng ra là phải tặc lưỡi mà chấp nhận, nhưng với một quyết tâm thầm lặng là không đầu hàng…"

Đúng năm tháng sau, vào ngày 24 tháng 9 thì biết tin Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải, và Phan Thanh Hải nhận "lãnh" vài chục năm tù vì thái độ "không đầu hàng" của họ. Lịch sử tính bằng thế kỷ. Đời người tính bằng năm. Tôi chợt nghĩ  thế mà bần thần, rồi thấy mặn môi, và tê tái cả lòng!

Mãi cho đến sáng nay, đọc xong lá Thư cầu cứu khẩn cấp (viết ngày 20/10/2012) thì trái tim phiền muộn của tôi mới vui lại một giờ:

Kính gởi: Bác Chủ tịch Nước CHXHCNVN: Trương Tấn Sang 

Trước hết chúng cháu xin gởi lời chào, và lời chúc sức khỏe đến Bác.

Chúng cháu là những sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 140 A Lê Trọng Tấn, Quận Tân Phú. TPHCM

Chúng cháu mạn phép viết thư này cho Bác là để cầu cứu đến Bác về trường hợp bạn của chúng cháu là Nguyễn Phương Uyên.

Nguyên quán: Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận – Việt Nam

Ủy viên ban chấp hành chi đoàn thanh niên Lớp 10CDTP1

Vào lúc 11 giờ ngày 14/10/2012 bạn của chúng cháu là Nguyễn Phương Uyên đã bị các chú công an Phường Tây Thạnh, Công An Quận Tân Phú khoảng 10 người ập vào phòng trọ dẫn đi và nói là để xác minh một số vấn đề về Truyền Đơn chống Trung Quốc Xâm Lược do bạn ấy dán. Nhưng đến nay vẫn không thấy bạn ấy về. Cha mẹ và bà nội của bạn Uyên đã đến cơ quan công an Phường Tây Thạnh và công an Quận Tân Phú để xin cho bạn được thả nhưng mấy chú công an nói là không có bắt giữ bạn ấy. Hiện giờ cha mẹ bạn Uyên rất lo lắng cho bạn đó, không biết an nguy của bạn Uyên thế nào? Cha mẹ của bạn ấy là gia đình thuần nông, gia cảnh rất khó khăn bây giờ cha của bạn ấy là chú Nguyễn Duy Linh đã gom hết tiền của ở nhà và gõ cửa các cơ quan nhà nước xin được giúp đỡ nhưng không được đáp ứng. Mẹ bạn ấy khóc rất nhiều vì nhớ con.

Kính xin bác Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hãy lên tiếng giúp đỡ bạn ấy và gia đình. Bản thân bạn Nguyễn Phương Uyên là một người có đạo đức tốt, luôn được lòng các bạn bè và thầy cô trong trường. Bạn ấy luôn xung phong đi đầu trong các hoạt động về phúc lợi xã hội do đoàn trường phát động. Xin Bác hãy thương xót đến gia cảnh khó khăn của bạn ấy, và nỗi lòng của một người cha, người mẹ đã mất con mà can thiệp giúp cho bạn Uyên sớm về lại với gia đình.

Về việc làm của bạn Nguyễn Phương Uyên xét cho cùng tất cả đều xuất phát từ tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Đã là tuổi trẻ thì luôn thể hiện tinh thần và thái độ của mình một cách trong sáng dù đôi khi bồng bột, luôn muốn thử sức mình và đôi khi phải chịu đựng sự vấp ngã trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù với cách thức thể hiện như thế nào, chúng cháu luôn luôn tin rằng tận trong thâm tâm của bạn Nguyễn Phương Uyên vẫn mang tinh thần giống như những gì mà bác đã gửi đến các cháu cùng nhân dân nhân ngày Quốc Khánh 2 tháng 9: "Phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc. Hổ thẹn không phải để bạc nhược, mất ý chí mà để vươn lên gấp hai, gấp ba, để tiếp tục đi tới với tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang vốn là truyền thống dân tộc, góp phần làm cho đất nước ta phát triển và trường tồn mãi mãi." 

 Sở dĩ chúng cháu viết thư cho Bác là vì chúng cháu tin chỉ có Bác mới giúp được cho bạn ấy. Chúng cháu đã có dịp đọc báo trên các trang báo của cơ quan nhà nước khi tường thuật lại buổi gặp gỡ của bác với đồng bào cử tri quận 4 TP HCM. Những lời của bác thật là giản dị, sâu sắc khiến cho sinh viên chúng cháu rất cảm động khi thấy Bác cương quyết với tình hình xã hội phức tạp như hiện nay, vấn nạn tham nhũng vẫn và đang tồn tại trong một số bộ phận cán bộ đang suy đồi đạo đức Cách Mạng. Nhưng thật may mắn thay cho dân tộc Việt Nam vẫn còn nhiều cán bộ trong bộ máy lãnh đạo như Bác đang nỗ lực bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Chúng cháu đọc trên báo nghe lời bác nói:

"Khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. " "Bữa nay tôi nói dứt khoát là vậy". 

"Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui". 

"Nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc." 

Thật sự chúng cháu rất ngưỡng mộ Bác, một vị lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm với dân tộc. Những gì bác nói xứng đáng để tập thể sinh viên chúng cháu noi theo. Với tinh thần đạo đức, nhân bản và lòng ái quốc, xin Bác hãy can thiệp khẩn cấp để giúp cho bạn Nguyễn Phương Uyên sớm về lại với gia đình, trường lớp và thầy cô. Bạn ấy là sinh viên năm cuối cấp, nên việc học cho tương lai là rất quan trọng. Chúng cháu tập thể sinh viên và gia đình rất nhớ bạn Uyên. Rất mong nhận được sư giúp đỡ của Bác.

Cuối thư chúng cháu xin kính chúc bác luôn luôn khỏe mạnh để tiếp tục sự nghiệp chống tham nhũng và đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân và đất nước.

Tập Thể sinh viên: Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh

Tập Thể Sinh Viên Khoa Công Nghiệp Thực Phẩm Khóa 10

Niềm vui của tôi về một cuộc đọ sức mới, với một phương cách mới, của một lớp người mới cũng đã được chia sẻ bởi nhiều người – trong đó có giáo sư Hà Văn Thịnh:

"Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2012, đọc lá thư của 107 sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM gửi Chủ tịch nước, tôi đã xúc động đến mức khó nói thành lời: Đau đớn, uất nghẹn trước cái ác; cảm phục và trân trọng những nữ sinh viên 'liễu yếu đào tơ' đã mở mắt cho tôi, để tôi thấy rõ hơn – xuyên qua màn sương cay nhòe thở dài và rên rỉ – lòng yêu nước và sự can đảm của những cô gái trẻ trung mà các chàng trai, những người đàn ông (tất nhiên kể cả tôi) phải xấu hổ, cúi đầu.

Tại sao có thể bắt người, giam giữ người bất chấp luật pháp? Tại sao họ không sợ dân, khinh dân và bây giờ nghênh ngang coi thường cả tầng lớp sinh viên – tinh hoa của đất nước, tương lai của giống nòi?

….

Chắc chắn vụ việc này Chủ tịch nước không thể cho qua bởi lời ông nói còn nóng rẫy giữa Sài Gòn."

Không những lời nói của ông Trương Tấn Sang "còn nóng rẫy giữa Sài Gòn" mà đã được truyền đi khắp nơi. Ở Thời đại Thông tin, lời nói không dễ bị gió bay như trước nữa.

Tuy thế, vẫn không có gì bảo đảm là "chắc chắn vụ việc này Chủ tịch nước không thể cho qua" như sự tin tưởng lạc quan của giáo sư Hà Văn Thịnh. Nói một đằng làm một nẻo và bất cố liêm sỉ vẫn là những thuộc tính nổi bật của giới người đang cầm quyền tại Việt Nam.

Trong cuộc đọ sức này nếu Tập thể Sinh viên Khoa Công nghiệp Thực phẩm Khóa X không thắng, không thành công (trong việc vận động trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên) các em cũng sẽ thành nhân. Và kết quả tối thiểu (có thể nhìn thấy được) là các em sẽ giúp cho mọi người nhận diện ra được một đồng chí X nữa, một con sâu lớn khác, giữa bầy sâu lúc nhúc đang "ngoem ngoém tối ngày mồm róm" – theo như cách mô tả của cố thi sĩ Phùng Cung.

© 2012 Tưởng Năng Tiến & pro&contra

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Nguyễn Ngọc Giao : Khi trái núi đẻ ra... "một đồng chí"

Post lại từ boxitvn

Sau này bất luận thế nào, có lẽ 15.10.2012 sẽ được ghi là ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - và tập thể 174 đồng chí ủy viên trung ương của ông - đi vào lịch sử bằng cổng sau. Hai tháng chuẩn bị thực hiện "Nghị quyết 4" (về phê và tự phê), 3 tháng họp 4 đợt, rồi 15 ngày liên tục "Hội nghị Trung ương 6" (trong đó 5 ngày tập trung về NQ4), để rồi quyết nghị đầu voi đuôi chuột: "không kỷ luật" cả Bộ chính trị lẫn "một đồng chí ủy viên Bộ chính trị". Ngôn ngữ chính trị Việt Nam từ nay được làm giàu với những cụm từ "một đồng chí", mà mấy ngày sau, chủ tịch Trương Tấn Sang gọi là "đồng chí X". Đồng chí không được/bị nêu tên ấy, mọi người đều biết, chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người trực tiếp thành lập và chỉ đạo 18 tập đoàn kinh tế (Vinashin, Vinalines...) đang nợ như chúa chổm, và đã phung phí không biết bao nhiêu tài nguyên của đất nước. Ông Sang đã từng nói nạn tham nhũng không chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" mà là cả "một bầy sâu". Lần này, ông nói tới "tập đoàn" sâu. Dùng chữ "tập đoàn" (tuy không nói rõ con số 18), chắc ông Sang không vô tình lỡ lời.

clip_image002

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang và "đồng chí X" (ảnh AFP)

Thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng "xin lỗi toàn đảng, toàn dân" (nhiều người để ý ông nghẹn ngào khi nói mấy lời này). Mấy ngày sau, Thủ tướng Dũng cũng nối điêu "xin lỗi" trước Quốc hội.

Đây không phải lần đầu, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xin lỗi toàn dân. Lần trước, vào những ngày này năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải thay mặt Trung ương xin lỗi toàn dân về những sai lầm và tội ác trong cải cách ruộng đất. Chỉ khác một điều, năm ấy ông Lê Văn Lương đã bị đưa ra khỏi Bộ chính trị, ông Trường Chinh mất chức Tổng bí thư. Bây giờ, có thể trách ĐCS vẫn chưa gột rửa hết những sai lầm của thời ấy, không từ đó rút ra một cách triệt để những bài học1, nhưng ít nhất cuộc sửa sai cũng thực sự được tiến hành tuy không rốt ráo, và bước đầu, ĐCS đã phần nào thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Mao.

Marx, đâu đó, đã nhận xét: lịch sử thường lặp lại, lần thứ nhất, là một bi kịch, lần thứ hai, là một hài kịch. Xin lỗi mà quyết định "không kỷ luật" của Trung ương ĐCS và lời kêu gọi cán bộ phải "tự trọng" của ông Nguyễn Tấn Dũng, quả là hài hước hiếm thấy. Điều mà Marx không tiên liệu là hài kịch có thể diễn ra trong bối cảnh một thảm kịch khôn cùng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị - xã hội chung của đất nước, với những đe dọa quân sự, kinh tế, nhân sự của Trung Quốc, chỉ cần nhìn tình hình kinh tế cũng đủ thấy rõ mức độ nguy kịch:

Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với rủi ro hệ thống ngày càng cao. Có nguy cơ các ngân hàng sụp đổ hàng loạt,  do nợ xấu chồng chất đến 200 ngàn tỷ đồng, trong đó 70% là nợ của khu vực quốc doanh. Theo tác giả Tô Văn Trường: "Một số thông tin từ cơ quan tài chính, ngân hàng, từ IMF, ADB và báo chí ở Việt Nam cho chúng ta thấy với số liệu năm 2011: tổng nợ của doanh nghiệp nhà nước tương đương 52,2 tỷ USD, bằng 43% GDP, riêng phần doanh nghiệp nhà nước nợ các ngân hàng là 24,5 tỷ US, trong đó 47% là nợ xấu" (xem tại đây)2. Khi chúng tôi viết những dòng này, được biết một phái đoàn của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) đang chuẩn bị tới Hà Nội để "báo động lần chót" về nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng.

* Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước gây thất thoát đầu tư ngày càng trầm trọng thêm. Hiệu quả đầu tư công giảm mạnh:  hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR: đầu tư / tổng sản lượng) không ngừng tăng và ở mức 7 – 8 trong thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (từ 2007 đến nay), trong khi thời các chính phủ Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải (1991-2006), hệ số ở mức 3,5 – 4 ; năm 2010, riêng khu vực quốc doanh có hệ số ICOR vượt 10 trong khi khu vực ngoài nhà nước có hệ số chưa đến 5. 18 tập đoàn kinh tế và cả trăm công ty con đã làm thất thoát tài nguyên đất nước (tài nguyên thiên nhiên, công quỹ và tín dụng, cướp đất của nông dân), tích lũy của cải trong tay một đẳng cấp tư sản đỏ mà cuộc sống sa hoa, vô văn hóa và vô sỉ là một khiêu khích hỗn xược đối với nhân dân đang phải bươn chải với vật giá leo thang, sản xuất ngưng trệ 3(2).

Luật đất đai đang tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương lấy lại đất của nông dân (kể cả cưỡng bức bằng bạo lực). Chỉ từ năm 2006 (Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền thủ tướng) đến năm 2010, hai trăm ngàn ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi cho các dự án khu công nghiệp, biệt thự, sân golf. Các vụ Tiên Lãng, Văn Giang... tiếp diễn trong khi HN6 vẫn ngoan cố duy trì luận điểm "đất đai là của toàn dân".

Lạm chi: Từ năm 2007 đến nay năm nào chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chi nhiều hơn rất nhiều so với số Quốc hội thông qua, năm 2007 là 31%, năm 2008 là 29%, năm 2009 là 46%. Năm 2010 chưa được kết toán nhưng theo tờ trình sơ bộ của Bộ Tài chính thì chi vượt 11%.

Trong tình hình ấy, lòng dân ra sao, ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng cũng thừa biết. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, trong cuộc họp Quân ủy Trung ương và gặp gỡ bốn chục tư lệnh sư đoàn, ông Trọng đã thông báo kết quả một cuộc thăm dò dư luận (không công bố): tỷ lệ người dân vẫn tin tưởng ở "đảng và nhà nước" chỉ còn 30%. Sự thật còn đen tối hơn con số ấy vì nó là tổng của hai con số: 10% tin tưởng vào "lãnh đạo hiện nay", 20% vào "lãnh đạo đã từ trần". Chắc hẳn ông Tổng bí thư đã vận dụng con số đáng sợ này để củng cố "tín điều" số một và duy nhất của bộ máy an ninh, quân sự: "còn đảng, còn chế độ, thì còn mình".

"Bước đường cùng" dường như cũng là tâm trạng  của 175 ủy viên trung ương tại Hội nghị 6, thúc đẩy họ "đoàn kết, thương yêu lẫn nhau", "chữa bệnh, cứu người". Nếu không, làm sao giải thích được những con số thoạt trông mâu thuẫn nhau một cách khó hiểu:

- Trong những cuộc thăm dò mức tín nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng: 4/14 ở Bộ chính trị, 40/175 ở Ban chấp hành Trung ương

- đến khi biểu quyết thông qua đề nghị "kỷ luật" (Bộ chính trị và cá nhân Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị đã được Bộ chính trị "100% nhất trí"), thì 129 người (trên 175 ủy viên trung ương) bác bỏ.

*

Nhiều nhà bình luận đã để ý: Hội nghị Trung ương 6, các phát biểu và văn kiện đã công bố không hề đả động tới Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã bao trùm lên cuộc họp. Hội nghị giữa chừng, có tin Đại sứ Bắc Kinh đến gặp một Phó thủ tướng. Và trước ngày hội nghị khai mạc là cuộc gặp ở Nam Ninh của Phó thủ tướng Tập Cận Bình, người sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào trong vài ngày nữa, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

clip_image004

16 chữ vàng và 4 tốt, nay thêm phương châm "cà vạt cùng màu" (ảnh Chính phủ)

Giới thân cận lãnh đạo ở Hà Nội không ngần ngại rỉ tai nhau, diễn dịch những động thái khác thường (ít nhất về thời điểm) ấy: bạn vàng phương Bắc muốn giữ nguyên trạng quyền lực ở Hà Nội, và sẵn sàng cho vay 10 tỷ đô la nếu người anh em phương Nam lún sâu vào cuộc khủng hoảng ngân hàng đã được báo trước. Thực hư không biết ra sao, chỉ biết Thủ tướng Dũng đã hiên ngang tuyên bố "(sẽ) không cần đến sự giúp đỡ của IMF". Hiên ngang không kém là những phiên tòa xử tù nặng, những cuộc bắt bớ, bắt cóc những người mang tội duy nhất là lên án chính sách hung hãn của Trung Quốc. Mọi dấu hiệu đều chứng tỏ: trong sự bất lực và bất cập, trong tâm trạng bất an về sự tồn vong của chính mình, đẳng cấp cầm quyền đã muốn quay lưng với đường lối đoàn kết dân tộc, con đường duy nhất để tăng cường nội lực quốc gia, bảo vệ chủ quyền, khắc phục khủng hoảng,và thay vào đó, lún sâu vào con đường lệ thuộc.

Quá muộn rồi chăng?

Những ai luôn luôn lạc quan cũng như những ai bi quan cố hữu đều có sẵn câu trả lời. Nhưng có lẽ còn quá sớm để có căn cứ chính xác.

Điều chắc chắn là xã hội Việt Nam không thể bị động ngồi chờ. Mấy năm qua, trong cuộc khủng hoảng của chế độ toàn trị, bất chấp mọi sự trấn áp, xã hội dân sự đã khẳng định sự tồn tại của mình, đã từng bước lên tiếng, đảm nhiệm chức năng xã hội công dân. Hơn lúc nào hết, sự trưởng thành của xã hội dân sự / công dân Việt Nam vừa là mục tiêu cấp bách của mọi người Việt Nam thiết tha với vận mệnh dân tộc, vừa là điều kiện để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ lãnh thổ và biển đảo, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á, đưa đất nước vượt qua thử thách to lớn trước mắt.

N.N.G.

24.10.2012

1 Bằng chứng là theo chứng từ của ông Trần Bạch Đằng và của những cán bộ lão thành thuộc Ban nông thôn miền Nam: năm 1964, ông Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là Bí thư Trung ương cục Miền Nam, đã đưa ra chủ trương "phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và triệt để". Theo lời ông Nguyền Thành (Mười) Thơ (Bí thư Khu ủy Khu IX, rồi Chủ tịch Ban nông thôn miền Nam), Cụ Hồ đã gửi điện vào Nam, nói đại ý: "Bác nghe Chú T. (tức là Nguyễn Chí Thanh) có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện triệt để. Bác khuyên chú đừng làm, làm là sai, dứt khoát sai thôi". Sau đó,  đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết điện trả lời: "Chúng tôi có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và triệt để. Bác cho là sai, không an tâm. Chúng tôi thi hành ý kiến Bác. Xin Bác yên tâm" và ra lệnh rút các đoàn đi thực nghiệm ở Bến Tre, Mỹ Tho và Bạc Liêu (xem Nguyễn Thành Thơ, Cuối đời nhớ lại, hồi ký, 2003, tr. 153-154, dẫn theo Đặng Phong: Kinh tế Miền Nam Việt Nam / Thời kỳ 1955-1975, nxb Khoa học xã hội, 2004, tr. 476-477). Tháng 2.2008, người viết bài này có dịp nêu câu chuyện ấy với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông "Sáu Dân" khẳng định chưa bao giờ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định có bàn về dự án "cải cách ruộng đất này". Ông cho rằng có lẽ Tướng Thanh nêu lên như một ý kiến cá nhân trong lúc trao đổi với cán bộ phụ trách nông thôn. Cho dù như vậy, bản thân việc Tướng Thanh còn nuôi dưỡng ý tưởng điên cuồng ấy (gần 10 năm sau cuộc cải cách ruộng đất "long trời lở đất" ở miền Bắc) tự nó cũng mang rất nhiều ý nghĩa. Liên hệ với cuộc "cải tạo công thương nghiệp" ở miền Nam năm 1978, hai mươi năm sau cuộc "đánh tư sản" ở miền Bắc với những tác động tai hại (cũng vẫn do một người được phân công trực tiếp chỉ đạo là ông Đỗ Mười), ông Võ Văn Kiệt trầm ngâm nhận xét: Một khuyết tật lớn của Đảng là sau mỗi sai lầm, không phân tích đến nơi đến chốn, còn nể nang cho qua, nên dễ lặp lại sai lầm.

2 Cụ thể hơn, đây là bảng số liệu do nhà nghiên cứu Vũ Quang Việt tập hợp từ các thông tin của IMF, ADB và báo chí Việt Nam:

clip_image006

3 Xem Vũ Quang Việt: Khủng hoảng kinh tế Việt Nam 2008: sai lầm về chính sách.

Nguồn: diendan.org