Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Song Chi : Ðảng đánh nhau, nhân dân lãnh đủ

Nguồn nguoi-viet

Friday, October 05, 2012 8:06:52 PM 

Song Chi/Người Việt

 

Hội nghị Trung Ương 6 khóa XI diễn ra giữa lúc đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn cũng như đang trong giai đoạn khủng hoảng về mọi mặt.

Một người bán hàng rong đi ngang qua của hàng bán Iphone 5 ở Hà Nội. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn ở Việt Nam là vấn đề nóng bỏng của xã hội. (Hình: Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Từ nguy cơ vẹn toàn lãnh thổ và độc lập chủ quyền, sự đoàn kết trong nội bộ đảng và uy tín trước nhân dân, các vấn đề đối nội đối ngoại cần phải giải quyết và hướng đi cho tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực điều hành quản lý kinh tế.

Sự khủng hoảng, bất lực của đảng và nhà nước cộng sản thể hiện rõ trên bức tranh chính trị xã hội Việt Nam.

Hậu quả là gần 90 triệu người dân phải gánh chịu sự bất ổn đang tác động trực tiếp lên đời sống của họ từng ngày. Lạm phát phi mã, thu nhập không theo nổi với vật giá leo thang, xăng dầu, thuế má, viện phí, mọi thứ đổ lên đầu dân...

Bên cạnh đó, những căn bệnh trầm kha của xã hội vốn đã tồn tại từ lâu, cứ ngày càng tệ hại hơn.

Trong đó, nạn tham nhũng, sự dối trá, giáo dục bị "lạc đường" (phát biểu của Giáo Sư Hoàng Tụy, Tiến Sĩ Chu Hảo tại hội nghị về đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29 tháng 9), cái ác ngày càng gia tăng về số lượng lẫn mức độ, tình trạng môi trường sống không an toàn... là những vấn đề nhức nhối nhất.

Trước thực trạng này, nhà cầm quyền dù có muốn bưng bít, che giấu hoặc tìm cách mị dân đến đâu, cũng không thể.

Từng ngày từng giờ, những thông tin thực, kể cả nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đang bị mạng lưới truyền thông báo chí "lề trái" phơi bày.

Còn với quốc tế, bộ mặt thật của nhà cầm quyền Việt Nam đã lộ rõ.

Một nhà nước độc tài, cai trị bằng bạo lực và sự sợ hãi, tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, chà đạp lên mọi chuẩn mực, công ước quốc tế về nhân quyền...

Một nhà nước bị lệ thuộc nặng nề và ngày càng tự nguyện gắn chặt vào Trung Quốc, tách dần ra quỹ đạo chung của thế giới tự do dân chủ.

Một nhà nước mang tai tiếng nặng nề về tham nhũng và năng lực yếu kém trong điều hành quản lý kinh tế... Thế giới đã nói đến Việt Nam như một gương xấu về phát triển kinh tế, từ rồng biến thành mèo ra sao. (From Tiger to Pussycat: How Vietnam's Economy Got Off Track," Newsweek Magazine.)

Nhiều đảng viên cao cấp phải thừa nhận chưa bao giờ uy tín của đảng cộng sản Việt Nam xuống thấp đến vậy, chưa bao giờ câu hỏi về tính chính danh của đảng lại bị đặt ra gay gắt đến thế. Dẫn đến "cuộc chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ" từ hội nghị Trung Ương 4 mà người dân vẫn gọi là "đóng cửa, tắm rửa vệ sinh cho nhau."

Tất cả tạo một sức ép nặng nề lên bầu không khí của Hội nghị Trung Ương 6, như chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi khai mạc sáng 1 tháng 10: "Ít có hội nghị trung ương nào có nhiều nội dung và dự kiến họp dài như hội nghị lần này. Tất cả vấn đề được bàn và quyết định đều rất quan trọng và phức tạp..." ("Hội nghị Trung ương 6 bàn những vấn đề quan trọng," báo Tuổi Trẻ)

Ðây cũng là một hội nghị mà từ trước đó, qua một số trang báo mạng độc lập, thông tin về những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực dữ dội giữa các phe nhóm, đưa đến sự đồn đoán về những thay đổi trong nội bộ nhân sự cao cấp của đảng.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người chịu trách nhiệm chính về bức tranh xám xịt của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Có những người vẫn còn hy vọng vào một sự thay đổi nào đó, không đơn thuần chỉ là việc ông Nguyễn Tấn Dũng cùng một số nhân vật bất tài, phá hoại, thuộc phe nhóm của ông Dũng cũng phải ra đi. Mà đảng sẽ thực sự tạo được bước ngoặt lớn như đại hội đảng lần VI, năm 1986, thực hiện chính sách Ðổi Mới.

Tuy nhiên, những ai hiểu rõ bản chất cũng như năng lực, tư duy, viễn kiến của nhà cầm quyền Việt Nam và tình hình chính trị xã hội trong nước hiện nay sẽ không lạc quan như vậy.

Về phía nhà cầm quyền, mục tiêu lớn nhất là cố gắng hạn chế mọi xáo trộn có thể dẫn đến sự sụp đổ cả hệ thống, theo nhận định của nhiều người. Nhiều khả năng sẽ không có sự thay đổi lớn về nhân sự.

Một vài thay đổi nhỏ, điều chỉnh, cân bằng lại quyền lực giữa đảng và chính phủ - như người ta thường nói, giữa phe ông Trọng, ông Sang và phe ông Dũng.

Càng không bao giờ có sự thay đổi về đường lối chính trị, tiến hành những cải cách thực sự theo hướng tự do dân chủ đa nguyên đa đảng. Là điều mà không bao giờ những người cầm quyền hiện nay dám nghĩ đến hoặc chấp nhận.

Bởi sự sợ hãi. Lòng tham. Bởi những quyền lợi cắm rễ quá sâu sau bao nhiêu năm, cộng với một cơ chế, hệ thống mà quyền lực chồng chéo gắn chặt với nhau nên một vài cá nhân, nếu muốn, cũng rất khó làm nên chuyện.

Quan trọng nhất, không một ai trong số những con người đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo cao nhất hiện nay có một tầm nhìn xa hàng trăm năm. Và sự dũng cảm dám đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của đảng, phe nhóm và cá nhân.

Ðiều mà Tổng Thống Thein Sein của Miến Ðiện đã làm được, chẳng hạn.

Do đó, những sự điều chỉnh, chỉnh đốn... cũng ví như chữa ghẻ trong khi căn bệnh của xã hội Việt Nam đã là ung thư giai đoạn cuối, do sai lầm của cả mô hình thể chế chính trị chứ không phải chỉ vài cá nhân.

Còn về phía người dân?

Phần lớn người dân không tin vào bất cứ sự thay đổi nào dù Hội nghị Trung ương lần này hay lần khác, dù bao nhiêu đợt chỉnh đốn đảng, phê và tự phê có diễn ra.

Dù nhân vật nào phải ra đi, nhân vật nào lên, xuống. Nghĩa là người dân đã mất lòng tin vào đảng, vào cái nhà nước này đến tận cùng.

Nhưng đáng tiếc là sự mất lòng tin, sự chán ngán đó thay vì tạo nên động lực để mọi người quyết tâm thay đổi thì lại đưa đến tình trạng thờ ơ, không quan tâm, coi "chính trị là chuyện của đảng, nhà nước lo."

Bất chấp thực tế đất nước là của chung 90 triệu con người, không thể phó mặc cho một cái nhà nước mà trong suốt hơn 6 thập niên cầm quyền đã chứng tỏ sự thối nát, bất lực. Một nhà nước không của dân, do dân, vì dân.

Lại nói đến chuyện Miến Ðiện. Trong rất nhiều nguyên nhân đưa đến sự thay đổi, cải cách của chính phủ Miến Ðiện hiện nay, có nguyên nhân sâu xa từ chính nội lực, lương tri của dân tộc.

Bởi dù có một chế độ quân phiệt hà khắc, nhưng xã hội Miến Ðiện không bị cái lý thuyết lẫn mô hình của chủ nghĩa cộng sản ngoại lai tàn phá như TQ hay Việt Nam. Trong đó sự phá hoại lớn nhất là giềng mối gia đình, đạo đức lương tâm, tâm linh của con người.

Miến Ðiện, như nhiều người đã từng du lịch đến xứ sở này nhận xét, mặc dù nghèo khó lạc hậu nhưng con người còn giữ được sự hiền lương, niềm tin vào Phật giáo, thế giới tâm linh của con người chưa bị hủy diệt.

Phải chăng triết học Phật giáo với sự khoan dung từ bi hỷ xả, niềm tin vào luật nhân quả... khiến cho những con người như Tổng Thống Thein Sein hay lãnh tụ đảng đối lập Aung San Suu Kyi có thể ngồi lại trò chuyện với nhau, bỏ qua quá khứ?

Tổng Thống Thein Sein còn công khai ca ngợi bà Aung San Suu Kyi trước quốc tế và tuyên bố sẵn sàng rút lui, nếu nhân dân bầu bà làm tổng thống.

Xã hội Trung Quốc hay Việt Nam, đáng buồn thay, một thời thì bị cái chủ nghĩa cộng sản ngoại lai tôn sùng triết học duy vật, gạt bỏ cá nhân, gạt bỏ thế giới tâm linh, tín ngưỡng của con người làm cho méo mó.

Tiếp theo lại bị cái mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa què quặt, thực chất là sự kết hợp của tất cả những gì tệ hại nhất của chế độ phong kiến lạc hậu, chủ nghĩa tư bản thời kỳ man rợ cộng với thể chế độc đảng độc tài, phá hoại đến tận gốc rễ.

Con người không còn biết tin vào cái gì, dựa vào đâu, từ luật pháp, giáo dục cho đến tín ngưỡng, tâm linh. Khi cái xấu cái ác nhan nhản khiến con người trở nên chai sạn, vô cảm, cộng với sự đàn áp của nhà cầm quyền khiến con người sợ hãi và không còn muốn dính líu tới chuyện chính trị.

Phong trào dân chủ ở Việt Nam thì rời rạc, yếu ớt, không thể tập hợp lại thành một khối cũng không lớn mạnh nổi.

Với một cái nhà nước và thực trạng dân tộc như vậy, mọi sự thay đổi là vô cùng khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét