17-10-2012
Nếu chỉ xét qua những phản ứng của những người quan tâm đến chính trị trên không gian mạng, với sự thất vọng gần như bao trùm, thì người ta sẽ có cảm giác như canh bạc đã kết thúc.
Thực ra nó chỉ mới bắt đầu. Không có gì thay đổi một ngày sau bế mạc của Hội nghị Trung ương 6 so với một này trước khi nó khai mạc. Những tiếng thở dài, những phản ứng giận dữ, miệt thị trước kết quả của hội nghị – và thở phào, vui mừng ở phía bên kia, đương nhiên – chỉ là thứ xúc cảm khi một vở kịch hạ màn, đèn bật sáng, khán giả rời ghế ra về, tức giận, bùi ngùi, hớn hở; nhưng qua một đêm ngủ ngon thức dậy, họ ngỡ ngàng với chính xúc cảm bột phát của mình trước vở kịch tối hôm qua. Cuộc sống trở lại với những ngỗn ngang của nó; tất cả khủng khoảng, cùng với các định chế và nhân sự tạo ra chúng, vẫn còn nguyên vẹn. Các tay bạc bận rộn xào bài mà khán giả quá xúc động lại tưởng canh bạc đã kết thúc; chưa có lá bài nào được lật ra cả.
Yếu tố kịch tính, với sự hỗ trợ bởi những đồn đoán trên không gian mạng, được đẩy lên ở mức độ nghẹt thở và được gói ghém kỹ lưỡng trong lời phát biểu nghẹn ngào của ông Tổng Bí thư, đã đẩy khán giả lọt thõm vào trong cái ma trận xúc cảm của cuộc xung đột mà thế giới mạng vẫn quen gọi là "trận chiến Ba-Tư": một trận chiến không có thật.
Đến lúc này thì chúng ta không còn lý do gì để tin rằng đã có một trận chiến nhằm tranh giành quyền lực giữa ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính khách tranh giành các vị trí quyền lực không ưa nhau, kèn cựa đến mức có thể giở những trò đồi bại, là chuyện thường thấy. Chính trường xưa nay vẫn thế. Nhưng để hình thành một thế trận nhằm loại trừ nhau, trong một thời gian dài, thì cơ sở đầu tiên phải là tương quan quyền lực phe phái. Ở đây rõ ràng là không có tương quan quyền lực nào đáng để tin rằng một thế trận như thế giữa ông Sang và ông Dũng tồn tại. Giữa họ có sự nghen tức, kèn cựa nhưng không có "trận chiến". Nếu ông Sang không biết rằng ông không có đủ phiếu trong Ban Chấp hành Trung ương để kỷ luật ông Dũng thì ông Sang quá ấu trĩ. Nếu ông biết mà ông vẫn chơi trò này thì, hơn cả ấu trĩ, ông Sang thật sự ngu xuẫn. Chỉ mỗi điều này thôi thì ông Sang đã không xứng với cuộc thư hùng, nếu nó có thật. Nhưng ông Sang không ngu xuẫn cũng không ấu trĩ như thế. Đây chỉ là một trò chơi tập thể.
(Mở ngoặc: Sự bất bình, hụt hẫng, thất vọng vẫn tiếp tục ở những người đã chờ đợi điều gì đó không xảy ra. Người ta cho rằng Đảng đã không lắng nghe "nguyện vọng của người dân", như cái thăm dò trên trang Basam cho thấy. Thói quen viện dẫn "nguyện vọng của người dân" là một thói quen thường thấy ở các quốc gia toàn trị, từ kẻ cầm quyền đến thứ dân. Những người đang cổ xúy các giá trị của dân chủ không nên học theo thói quen viện dẫn "nhân dân" của thế lực độc tài.)
Phát biểu của ông Tổng Bí thư được thế giới mạng diễn giải là Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật ông Dũng nhưng Ban Chấp hành không cho. Có vẻ như khi đã đầu tư tình cảm vào một sự việc nào đó rồi thì người ta chỉ thấy điều người ta muốn nhìn thấy, vì đó không phải là điều ông Tổng Bí thư nói trong bài phát biểu bế mạc hội nghị của ông. Ông Tổng nói:
Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị.
Ông Dũng là một thành viên của Bộ Chính trị. "Thống nhất 100%" có nghĩa là có ông Dũng. Do đó, câu nói của ông Tổng Bí thư phải được hiểu là: ông Dũng tự đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét kỷ luật đối với ông nhưng Ban Chấp hành Trung ương không đồng ý. Ông Dũng mạo hiểm với chiến thuật "xưng tội" này trong sự may rủi của một phán xét công đạo từ 175 vị ủy viên trung ương? Không có chuyện đó. Ông Dũng biết chắc chắn là ông có sự hỗ trợ của đủ số ủy viên trung ương để tự tin chọn con đường "tẩy rửa" này. Ông Trọng, ông Sang, và mười một vị còn lại của Bộ Chính trị chắc chắn cũng phải biết điều đó. Họ ủng hộ ông Dũng.
Bổng nhiên, tất cả kịch tính của một cuộc tranh chấp quyền lực biến mất và chỉ còn lại đơn giản là một màn diễn "khổ nhục kế" tập thể. Ai ở đâu ngồi yên đó. Tiếp tục chia bài. Không hề có "trận chiến Ba-Tư". Ông Trường Chinh dưới mồ chắc đang trở mình. Ngay xưa ông phải một mình chịu mất chức và đứng ra gánh tội cho Đảng. Hậu duệ của ông khôn ngoan hơn nhiều.
Những người bàng quan với chuyện phòng the của Đảng, nghĩa là không có đầu tư tình cảm vào trong vở kịch ai đi ai ở này để cảm thấy thất vọng hay hân hoan, mà chỉ quan tâm đến vận mệnh đất nước chỉ muốn hỏi: giờ sao?
Những gì xảy ra trong thời gian tới mới thật sự quan trọng. Những tiết lộ qua bài diễn văn bế mạc của ông Tổng Bí thư không có gì mới. Nó không chứa đựng đột phá gì ghê gớm. Nó cũng không hứa hẹn điều gì đáng để lạc quan. Nhiều tiếng nói thẩm quyền trong ngành tài chính và kinh tế (hãy khoan nói đến vấn đề đất đai, giáo dục, hay "quy hoạch nhân sự") cũng đã đề cập đến những giải pháp này từ mấy năm nay. Có lẽ điều đáng ghi nhận ở đây là phải chờ cho đến lúc này, khi tình thế trở nên quá tồi tệ, những người lãnh đạo Đảng mới dàn xếp xong những chướng ngại chính trị để, ít nhất là có dự định, thực hiện chúng. Đó là những chướng ngại gì?
Như đã nói trong Canh Bạc trước, cuộc khủng khoảng hiện nay là khủng hoảng định chế chứ không phải khủng hoảng nhân sự. Chướng ngại chính trị ngăn cản việc thực hiện những giải pháp khắc phục khủng hoảng, những giải pháp nếu thực hiện ngay từ đầu thì đã ngăn chặn được khủng hoảng, là những chướng ngại định chế. Cái hệ thống của những định chế nhằm đảm bảo quyền lãnh đạo tuyệt đối Đảng, và sự thiếu vắng các định chế kiểm soát quyền lực chính phủ bởi lập pháp, không cho phép các giải pháp được thực hiện. Hãy đọc thêm một đoạn trong bài diễn văn của ông Trọng:
Các doanh nghiệp nhà nước phải được tổ chức lại theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với Luật Doanh nghiệp; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên thị trường chứng khoán… Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn phải được cấu trúc lại theo mô hình công ty mẹ – công ty con; được kiểm toán hằng năm… Đồng thời với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là trong việc phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Rất khó có thể hình dung với một hệ thống các viện nghiên cứu các loại từ trung ương đến địa phương, với sự tiếp cận với các nền kinh tế tiên tiến bên ngoài từ hơn hai mươi năm nay, mà những người lãnh đạo Đảng hoàn toàn không biết đến những điều sơ đẳng như thế trong quy trình tổ chức và quản lý một doanh nghiệp lớn. Chỉ có thể có một giải thích: họ biết nhưng lờ đi, không làm, vì nó đe dọa lợi ích cá nhân và phe phái của họ; cho đến khi phải đối diện với mối nguy mất trắng.
Không một thế lực độc tài nào muốn từ bỏ quyền lực và quyền lợi. Nhưng không một thế lực độc tài nào có thể duy trì quyền lực và quyền lợi trên sự bất công kéo dài. Quan tâm của của thế lực độc tài, trên hết tất cả mọi quan tâm, do đó, là làm sao có thể chia sẻ bớt quyền lực và quyền lợi cho xã hội trong một cuộc chuyển hóa dân chủ ôn hòa mà sinh mạng, và sinh mạng chính trị, của họ không bị đe dọa. Tuy nhiên, không phải thế lực độc tài nào cũng làm được điều này. Hình ảnh nhà độc tài Gaddafi bị kéo ra từ ống cống và bị bắn chết nhắc nhở điều đó. Một tiến trình chuyển hóa như thế hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng chuyển hóa ôn hòa của các định chế bất công đã được xây dựng nhằm bảo vệ và phục vụ quyền lợi của một thiểu số. Nếu các định chế này không có khả năng chuyển hóa thì sụp đổ là không tránh khỏi. Đây là điều rất quan trọng đối với những người quan tâm đến cuộc vận động cho một cuộc chuyển tiếp dân chủ ôn hòa, cả trong và ngoài Đảng: các định chế bảo vệ quyền lực và quyền lợi cho một thiểu số lãnh đạo của Đảng có khả năng chuyển hóa để quyền lực chịu sự kiểm soát và quyền lợi bị giới hạn không? Nếu câu trả lời là không thì chúng ta không nên bận tâm với Đảng mà chỉ nên sửa soạn cho một cuộc tự sụp đổ của Đảng và làm lại từ đầu.
Đoạn văn trích dẫn ở trên của ông Trọng có thể tóm lược: để có thể được cứu và tiếp tục tồn tại, các tập đoàn phải chấp nhận sự kiểm soát. Mở rộng ra với những khủng hoảng khác, điều này có nghĩa là để được cứu và tiếp tục tồn tại, Đảng và chính phủ do Đảng đẻ ra cũng phải chịu sự kiểm soát quyền lực. Nhưng ông Trọng không nói rõ ai sẽ thực thi quyền kiểm soát này. Chính phủ không có khả năng tự kiểm soát chính nó hay các ban bệ của nó. Các định chế bảo vệ Đảng càng lúc càng trở nên bất lực và đã chứng tỏ không có khả năng kiểm soát chính phủ, đó là chưa nói đến nguy cơ khủng hoảng pháp lý vì vị thế đứng ngoài pháp luật hiện nay của Đảng. Quốc hội, đến giờ này, chỉ đóng vai trò trang trí. Vậy ai?
Có vẻ như khi canh bạc đã bắt đầu thì những lá bài cuối vẫn chưa được chia xong.
(Viết thêm từ cái còm của bạn Hoàn Trần ở dưới: Cái ý tưởng cho rằng Đảng, qua việc không trừng phạt ông Dũng, đã bỏ qua cơ hội lấy lại lòng tin của người dân là một ý tưởng rất kỳ lạ. "Người dân" ở đây có lẽ là muốn nói đến tầng lớp lão thành cách mạng và thanh niên, trí thức, những tầng lớp không còn quan trọng đối với sự tồn vong của Đảng nữa. Tầng lớp quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của Đảng là tầng lớp mà sự giàu có của họ phụ thuộc vào Đảng. Một trăm bảy mươi lăm ủy viên trung ương là những triệu phú. Chưa kể các tầng lớp "ăn theo". Với Đảng, họ mới là "người dân". Đảng đang đi theo cái logic của quyền lực và quyền lợi. Những người lãnh đạo Đảng đang tận dụng cơ hội tốt nhất có thể có để cứu Đảng chứ ko đánh mất cơ hội nào cả.)
Nguồn: FB Trần Minh Khôi
Mời xem lại: 1304. Canh bạc – Phần I
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét