(Nguồn dangchaulong - Xin được share lại nhân dịp NGƯỜI BỐ THÁNH THIỆN khấn trọn)
Từ hôm nhận được tin Bố Nguyễn Thế Thoại xin tuyên hứa làm một tu sĩ khiêm hạ, tôi cứ băn khoăn và thôi thúc viết về một khoảng đời thật của bố trong thời gian khốn khó nhất tại trại A 30 năm nào, không nhân danh tín hữu, không nhân danh bạn tù, chỉ nhìn Bố bằng cái nhìn của một con người trong thời khắc gian truân.
Giữa năm 1980, từ đội 24, tôi chuyển về đội 5 nhà 2. Đội này phần lớn là những nhân vật có địa vị trong xã hội trước, đủ các thành phần. Bên quân đội có Đại tá, Trung Tá, Thiếu tá, bên tôn giáo có đủ Thượng tọa, Đại đức, Giáo chủ. Linh mục, tôi chỉ là tép riu trong đội.
Những ngày tháng ấy, lòng chúng tôi đã nguội lạnh sự mong đợi trong bản án cải tạo. Ba năm rồi chưa tốt ba năm thêm, có gì để chờ mong. Mỗi người một cách sống để đón đưa ngày qua tháng lại. Riêng tôi chỉ chiêm nghiệm nỗi đời qua cách sống những nhân vật, những con người đã từng trong cương vị cao trong xã hội, để nhìn họ vượt qua thế nào trong giai đoạn đen tối tột cùng này. Tôi may mắn được nằm trong tổ 10 người, mà chính Bố là Tổ trưởng.
Tổ 2 chúng tôi nằm bục giữa, phía dưới. Tôi nằm trong, đến Nguyễn Hữu Ninh-người nhạc sĩ xấu số như bài ca Trách Thân của Ninh- rồi đến Bố, đối diện cửa ra vào, vì thế thường xuyên trao đổi buồn vui trong cuộc sống. Bố luôn thể hiện một phong cách bình dị, hoạt bát và luôn quan tâm đến mọi người. Trong đội còn có hai Bố nữa, là Bố Nguyễn Thanh Phong và Bố Trần Hữu Thành. Mỗi buổi chiều, sau giờ lao động, cả ba lại ngồi cùng dùng bữa cơm đạm bạc, nhỏ nhẹ nói vài câu chuyện. Ngoài giờ ăn, Bố ngồi một mình bên sách vở, bên hộp chứa những tấm fiches ghi chú từ vựng tiếng Nga một các khoa học. Bố vẫn hay khuyên chúng tôi nên sử dụng thời gian trống vào những chuyện có ích hơn, thay vì bỏ phí, tiện nhất là ngoại ngữ, một vốn sống bao giờ cũng cần thiết cho đời. Tôi cũng một thời gian tập học tiếng Nga như Bố, nhưng rồi bỏ lững khi đối mặt với lối sử dụng danh từ rối rắm thay đổi trạng thái như tiếng latin.
Hóm hỉnh, gương mẫu, công bình là đức tính của Bố. Sáng sớm, nếu tới phiên vác bó cuốc hay rựa hoặc công cụ nào đó, Bố luôn là người cuối cùng vác bó còn lại. Đến bãi, Bố cũng là người nhận công cụ sau cùng khi tất cả đã chọn lựa. Trong lao động, công cụ vừa tay, bén hoặc nhẹ sẽ giảm sức lao động rất nhiều, ai cũng biết vậy, nhưng chính Bố không hề nghĩ đến chuyện đó, cứ bình thản nhận, như thể một chén rượu mời Thiên Chúa đã giao. Khi phân công tác, nếu công việc nhẹ, Bố để anh em tự nguyện, nhưng nếu việc nhọc nhằn, Bố là người số một trước anh em trong tổ.
Nụ cười luôn trên môi, Bố cùng mọi người lao lực, có đôi lúc anh em chống cuốc nhìn trời hiu quạnh, thì Bố cũng hiu quạnh nhìn trời, chẳng thúc nhắc nói năng, chỉ chống cuốc tủm tỉm một nụ cười vu vơ như sẵn sàng cùng nhau vui buồn chia sẻ. Vậy đó mà chúng tôi vượt qua cùng nhau, như một gia đình nghèo khó đông con, làm việc cùng nhau chẳng hiểu vì mục đích gì, nhưng tình cảm thì ngày càng thân thiết
Những ngày Bố Phong trở bịnh nặng, Bố Thoại đi làm về lại chạy xuống trạm xá, trò chuyện, ủi an. Bố cứ trách Bố Phong hay tiết kiệm thuốc, không lo cho sức khỏe mình. Tôi và Bố cứ song hành lên xuống thăm dù chẳng giúp ích gì cho Bố Phong ngoài lặng lẽ nguyện cầu. Ít hôm sau Bố Phong qua đời, tôi biết Bố Thoại buồn lắm, nhưng biết lời nào để sẻ chia sự ra đi đó khi Bố và tôi cũng chỉ là thân cá chậu chim lồng. Rồi đời vẫn trôi và Bố cứ tìm quên lãng trong việc học Nga văn trong lặng lẽ.
Tính kín đáo cũng là một tính cách mà tôi phải học hỏi Bố. Ngày Toàn bị trực cổng mang ra làm việc, chiều sẫm khi đưa về thì Toàn đã lã đi. Các bạn trong đội lui tới thăm hỏi, ủi an, Bố vẫn ngồi quay mặt vào vách như thể đang học như chưa từng biết chuyện đang xảy ra cho Toàn, một bạn trẻ vẫn thường quấn quít bên Bố như chúng tôi. Chín giờ tối, khi đèn toàn trại bắt đầu tắt hết, Bố lấy sâm pha sẵn mang lên tầng trên thủ thỉ cùng Toàn, rồi nhẹ nhàng về chỗ ngủ như bình thường. Tôi nằm nhìn Bố tự nhiên thấy lòng rưng rưng. Bố vẫn là chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi những lúc dường như muốn ngã lòng trong nghịch cảnh. Nếu đời đã không còn niềm tin nào để dựa, có lẽ những năm tháng dài đàng dặc ấy lạnh lẽo dường bao.
Những ngày mưa gió, tôi và Ninh vẫn đầu trần thân trũi, làm việc bên lô 3 ướt sũng chẳng có áo mưa che. Hôm ấy trở về Bố kiếm đâu ra hai miếng nhựa và hai cái mũ cho hai đứa cùng lời mắng mỏ thân tình. Bố có biết đâu hai đứa đã quẳng chiếc mũ từ lâu chẳng còn muốn đội, ít hôm sau cũng lại đầu trần. Sau này nghe chúng tôi trần tình, Bố chỉ cười xòa. Mưa gió nơi vùng Thạch Thành bao giờ cũng bạo liệt hơn những nơi khác, có lẽ vùng này quá trống trải và núi lại vây quanh. Những ngày noel sắp về, chỉ có lòng xôn xao, chung quanh vẫn thế. Cũng chỉ cuốc rựa lên vai, sáng đi chiều về lầm lũi trả nợ đời. Ninh viết bài ca Noel Noel để trải bớt nỗi lòng cho nguôi ngoai thế sự. Chàng cứ vừa bơi cuốc trong mưa vừa hát lồng lộng cùng mưa:
….Ôi Noel Noel Chúa lại về
Sao nghe bơ vơ lạc loài
Quyện theo thiêng liêng đêm thánh
Trên tầng cao Thánh giá
Chúa gục đầu thương xót
Mang vết thương vĩnh hằng
…Chắp tay con nguyện cầu
Khói thuốc bay nhiệm màu
Đêm nay Noel về
Trên phố phường xa vắng
Hãy đón Chúa giùm anh…
Chúng tôi nhẩm theo bài hát đi hát lại từ Ninh. Bố trầm ngâm trong bộ dáng ướt sũng vì cơn mưa gió quá to chẳng thể nào khô ráo cùng miếng nhựa mong manh. Bố nghĩ gì lúc ấy. Hai đứa không đứa nào có đạo, nhưng vẫn hay làm Bố chạnh lòng. Thôi thì Bố cứ xem như một thánh lễ Misa ngoài trời của một tín đồ ngoại đạo dâng lên ngày linh thánh Giáng sinh. Mọi con đường đều dẫn tới Thiên cung phải không Bố?
Rồi Ninh về trước, Bố đổi chỗ nằm thủ thỉ cả đêm cùng Ninh, Vài tháng sau tôi cũng về, Bố chúc tôi may mắn bình an. Tôi bùi ngùi nhìn Bố như ghi nhận lần cuối một gương mặt thân thương thời khổ nạn.
Ba mươi hai năm sau. Tình cờ trong dịp lớp cũ chúng tôi lên cộng đoàn Lasan Bình Cang dự thánh lễ Mừng Thánh Gioan Lasan và 10 năm cộng đoàn. Tôi ngồi hàng ghế đầu nhìn lên sân khấu, nơi diễn ra Thánh lễ đồng tế. Từ phía hông sân khấu lần lượt các linh mục bước ra. Tôi biết hôm nay có Đức Giám Mục chủ tế, nhưng không ngờ có Bố, trong bộ áo lễ vàng bước cạnh Đức Giám Mục. Tôi vô cùng xúc động tưởng như một cơn mơ. Nay Bố đã là Đức Ông. Chánh Đại diện bên cạnh Đức Giám Mục
Lễ xong, Bố thay áo lễ ra khán phòng, đến bên tôi, Hai Bố con ôm nhau bùi ngùi nối chuyện xưa, bùi ngùi sự ra đi của Ninh, Bố vẫn nhớ từng kỷ niệm. Hôm nay lại được ghi nhớ một kỷ niệm vui về Bố
Ngày 27-12-2013, Bố tròn 80 tuổi, Bố xin về ẩn tu tại Đan viện Xitô Mẫu Tâm, tôi chỉ mường tượng là nơi khổ tu thôi. Hai ngày nay, hay tin Bố lại tuyên khấn lại lần đầu, bỏ hết những danh vị cũ để trở thành một Đan sĩ bình thường
Vào lúc 7g30 ngày 7.12.2015 tại Nguyện Đường Đan Viện Xitô Mẫu Tâm Mỹ Ca, Đức Cha Giuse Giám mục Giáo phận Nha Trang chủ tế thánh lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, đồng tế với ngài có hơn 50 linh mục trong và ngoài giáo phận, cùng đông đảo quý tu sĩ và anh chị em giáo dân các giáo xứ nơi Đức Ông Giuse Maria đã từng chăm sóc mục vụ về tham dự.
Trong Thánh lễ đặc biệt lúc 7g30 ngày 7.12.2015 tại Nguyện Đường Đan Viện Xitô Mẫu Tâm Mỹ Ca, Đức Ông Giuse Maria Nguyễn Thế Thoại tuyên khấn lần đầu trong Đan Viện Xitô Mỹ Ca, với tước hiệu Đan sĩ là Phêrô Thi Nguyễn Thế Thoại. Đức Giám Mục giáo phận nhấn mạnh: "Đức ông là người chân tu đích thực qua những cuộc sống chứng tá mỗi ngày, với tuổi đời 82 nhưng Đức ông đã sống chan hòa, vâng phục bề trên, nhất với quí Cha quí Thầy đáng hàng con cháu trong đời sống tập viện…
Khiêm tốn xin được làm một tu sỹ khiêm hạ
Khấn dòng là một hành vi đức tin và là lời đáp trả tình yêu
Từ nay, ngài khiêm hạ vâng lời Tu Luật, bề trên, anh em… Ngay cả vâng lời những người bé nhỏ nhất trong đan viện, như thánh Biển Đức dạy. Ngài tự nguyện từ khước mọi sự, không quyết định bất cứ điều gì theo ý riêng mình nữa…"
Tám mươi hai tuổi đời, Bố thêm một lần nữa dấn thân, thả bay danh vị, hơn thua để khiêm tốn mặc chiếc áo đơn giản của Đan sĩ chiêu niệm khiêm hạ, quỳ tuyên hứa cùng Viện phụ đã từng là học trò mình, Bố thật sự là một tấm gương sống thánh nhân. "Cuối cuộc đời dài phục vụ trong rất nhiều sứ vụ: quản xứ, giám đốc chủng viện, tổng đại diện, chưa kể những năm tháng ăn cơm tù…, ngài quyết định dâng hiến quãng đời còn lại trong đời sống đan tu: "không lấy gì làm hơn Chúa Kitô" (như Thánh Biển Đức dạy) trong cầu nguyện, chiêm niệm, hy sinh, vâng phục, khiêm hạ, cô tịch…" như lời Nguyễn Thế Hiện viết.
"Đối với ngài, Đức Ông Giuse Nguyễn Thế Thoại đã là quá khứ; hiện tại và tương lai là một con người khác: tu sỹ Phêrô Thi Nguyễn Thế Thoại.
Đức Ông là một tước hiệu, còn tu sỹ là một bậc sống. Nay ngài tuyên lời khấn sống đời tu và thánh hiến, thì ngài là tu sỹ."
Và với tôi, trước sau vẫn là Bố Thoại, một Thánh nhân giữa đời thường. Đời mấy ai dám buông xả hết những thế gian ràng buộc để bước vào hư vô một cách bình thản. Từ nay Bố chỉ chiêm niệm và phụng thờ. Đời chỉ là một cơn mơ.
ĐẶNG CHÂU LONG
11-12-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét