Việt Hà, phóng viên RFA
Ảnh minh họa chụp tại Cảng Sihanouk, Campuchia. AFP
Cảng nước sâu của Trung Quốc ở Campuchia ảnh hưởng đến Việt Nam khi có căng thẳng?
Tờ báo Mỹ American Thinker hôm 1 tháng 12 vừa qua đăng bài của một cựu quan chức Ngoại giao Mỹ Michael Benge cho biết Trung Quốc đang xây dựng một cảng nước sâu ở Campuchia ngay trên vịnh Thái Lan, cách khu vực tranh chấp ở biển Đông vài trăm km. Cảng nước sâu này được nói là có độ dài 90 km được Trung Quốc thuê trong 99 năm và có thể đón các tàu các tàu có trọng tải lớn bao gồm cả tàu hải quân với tải trọng lên đến 10.000 tấn. Cảng nước sâu này của Trung Quốc khi hoàn thành có ảnh hưởng thế nào đến vị thế của Trung Quốc trong khu vực? Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao bởi cảng nước sâu này. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện quốc phòng Úc để tìm hiểu vấn đề này.
Giúp Trung Quốc đối phó khi eo biển Malacca bị đóng
Việt Hà: Xin ông cho biết, cảng nước sâu mà Trung Quốc đang xây dựng ở Campuchia ngay bên vịnh Thái Lan có ảnh hưởng thế nào đến tình hình an ninh khu vực một khi cảng hoàn thành?
Cảng này chắc chắn cũng nằm ở bên sườn của Việt Nam ở phần phía nam. Cảng này cung cấp cho Trung Quốc một cách để đối phó trong trường hợp eo biển Malacca bị đóng.
- GS Carl Thayer
GS Carl Thayer: Câu trả lời là ở hai mức. Mức thứ nhất là về kiểm soát. Trung Quốc đã vào được Campuchia với những đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước. Điều này là thích hợp với mục tiêu chính sách ngoại giao rộng hơn của Trung Quốc trong ASEAN. Thứ hai là liên quan đến sáng kiến con đường tơ lụa, dự án một vành đai, một con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất. Nhưng Campuchia thì lại không nằm trong tuyến đường này. Vì vậy nên ở đây chúng ta thấy có một câu nói thường được nói tới là tất cả đều dưới thiên đường có nghĩa là bất cứ cái gì Trung Quốc làm ở nước ngoài lúc này đều có thể được xem như là một phần của sáng kiến một vành đai một con đường, mặc dù Campuchia không trực tiếp nằm trong những con đường vận chuyển chính giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Việt Hà: Bài báo mới đây trên American Thinker viết rằng cảng nước sâu này nằm cách khu vực tranh chấp trên biển Đông vài trăm km và có thể tiếp nhận những tàu hải quân cỡ lớn. Theo ông, khi hoàn thành cảng này có thể ảnh hưởng thế nào tới cục diện biển Đông?
Ảnh minh họa chụp tại Cảng Sihanouk, Campuchia. AFP PHOTO
GS Carl Thayer: Cảng này sẽ cho Trung Quốc thêm một đòn bẩy bởi vì nó nằm ở đầu xa của biển Đông. Tôi có biết những báo cáo chưa được công bố của một số những cơ quan tư vấn có làm việc gần gũi với các chính phủ có liên quan. Những báo cáo này cho thấy ý nghĩa chiến lược của cảng này khiến Hoa Kỳ sẽ phải quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực. Có một lý thuyết thường được nói về chuỗi ngọc trai của Trung Quốc, có nghĩa là Trung Quốc sẽ có các căn cứ hải quân hoặc được tiếp cận tới các căn cứ hải quân từ Đông Nam Á sang Ấn Độ Dương và cảng này cũng nằm trong chuỗi đó. Cảng này khác với những gì mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng ở Pakistan hay qua Myanmar theo cách là nó sẽ làm giảm nhẹ cái gọi là thiếu thế tiến thoái lưỡng nan cho Trung Quốc. Mặt khác, cảng này chắc chắn cũng nằm ở bên sườn của Việt Nam ở phần phía nam. Cảng này cung cấp cho Trung Quốc một cách để đối phó trong trường hợp eo Malacca bị đóng.
Việt Nam quan ngại?
Việt Hà: Ông nói rằng cảng nước sâu này nằm bên sườn phía nam của Việt Nam. Theo ông trong tình huống nào thì Việt Nam nên quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng này?
GS Carl Thayer: Các phân tích cho đến lúc này cho thấy là nếu chúng ta nhìn vào phía bờ biển của Việt Nam trải dài từ biên giới với Trung Quốc cho đến Đà Nẵng, tính cho đến trước khi bãi Chữ Thập bị Trung Quốc xây lấp, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát được phần lớn 200 hải lý tính từ bờ biển của mình. Việc xây dựng cảng này mở rộng khu vực mà Việt Nam phải quan ngại. Ba sân bay trên biển Đông do Trung Quốc xây dựng cũng làm thay đổi bức hình chút xíu, nó quây xuống khu vực tây nam của Việt Nam. Cho nên những khu vực này sẽ trở nên nguy hiểm khi có căng thẳng.
Với việc xây dựng cảng nước sâu này, và nếu Trung Quốc cho tàu chiến ghé thăm thường xuyên thì điều này sẽ mở rộng vùng mà Việt Nam phải lo lắng và giảm sức ép của Việt Nam lên Trung Quốc ở khu vực biển Đông.
-GS Carl Thayer
Nói theo cách khác Việt Nam đã nhìn vào điểm yếu của Trung Quốc trong các tuyến liên lạc trên biển tính cho đến phía nam của biển Đông và tới vịnh Thái Lan. Trung Quốc đang có những khó khăn để duy trì tuyến này. Nhưng với việc xây dựng cảng nước sâu này, và nếu Trung Quốc cho tàu chiến ghé thăm thường xuyên thì điều này sẽ mở rộng vùng mà Việt Nam phải lo lắng và giảm sức ép của Việt Nam lên Trung Quốc ở khu vực biển Đông. Cảng này cũng cho các nước khác trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn thấy là sức mạnh của Trung Quốc đang ở đó và mở rộng tầm với của Trung Quốc ra các căn cứ mà trước kia Trung Quốc chỉ có thể xuất hiện không thường xuyên, biến chúng thành những căn cứ với sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc.
Việt Hà: Theo ông, cảng nước sâu này của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến chiến lược và vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực?
GS Carl Thayer: Nó không phải là một thách thức chiến lược chính mà chỉ là một quan ngại về chiến lược. Thời kỳ sau chiến tranh lạnh, các đô đốc hải quân Hoa Kỳ thường thích nói 'đến các nơi' thay vì 'đặt căn cứ' vì khi đặt căn cứ thì nó phải cố định. Với những cấu trúc của cảng này, Trung Quốc có thể có một nơi để đậu các tàu chiến vốn đã có ở phía bên kia của eo Malacca và ở ngay trong khu vực biển Đông. Nói theo cách khác, nó giống như một gọng kìm cho phép Trung Quốc có thể có phản ứng ở cả hai nơi. Đây là nơi Trung Quốc có thể đậu tàu chiến và trực ở đó khi Trung Quốc muốn có một bước chiến lược để củng cố vị thế của họ ở biển Đông nếu họ cần. Nó cũng có thể giúp họ tiến ra Ấn Độ Dương và gây thêm sức ép. Cho nên cảng này tạo thêm sự phức tạp cho Mỹ.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
V. H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét