Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Lê Thị Thanh Thủy: Cánh Buồm của ông Toàn

Lê Thị Thanh Thủy, Chủ nhiệm CLB Ô Xinh

TP - Từ lúc mới xuất hiện, bộ sách Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ biên đã gây ra không ít tranh cãi trong giới làm sách. Gần 10 năm nay, ông Toàn vừa là người sáng lập, vận động bạn bè soạn sách không công, vừa đích thân đi "truyền bá" Cánh Buồm cho học sinh.

Nhà giáo Phạm Toàn

Nhà giáo Phạm Toàn sinh năm 1932, giới văn nghệ còn biết ông với tư cách nhà văn, dịch giả, bút danh Châu Diên. Giống như người bạn thân Dương Tường, nhà văn Châu Diên rất thân với những người trẻ. "Bọn trẻ con" có thể thoải mái gọi ông là "ông Toàn", Châu Điên, papa, hay là "thằng Toàn" mà không bị bắt bẻ.

Trí thức không đợi đặt hàng

Nhà giáo Phạm Toàn kể, ông "âm mưu" viết Cánh Buồm từ năm 1968, khi có cơ hội làm việc chung ở Trường Thực nghiệm với GS Hồ Ngọc Đại và được giao cho nhiệm vụ làm một bộ sách dạy Văn, Tiếng Việt cho học sinh tiểu học. Dự án bị kéo dài vì nhiều lẽ, đến năm 2008 mới chính thức khởi động. Lúc đó tôi có hỏi ông Toàn lấy tiền ở đâu để làm, ông xòe tay ra bảo: tiền ở đây chứ đâu!

Cánh Buồm chính thức xuất hiện năm 2009, không theo bất cứ một dự án nào. Ông Toàn bảo, người trí thức thì không bao giờ chờ đợi đặt hàng, nếu làm theo đơn đặt hàng thì chỉ là người làm thuê. Trí thức là người cảm thấy xã hội cần gì, mình làm được gì thì tự giác làm thôi, ông nói.

Thành phần chính làm Cánh Buồm là "một con gà trống già và mấy con gà nhép"; ngoại trừ ông Toàn ở tuổi 80, đa số đều trẻ, trên dưới 30 tuổi. Nhóm cộng tác viên đều là những trí thức có tên tuổi như: GS. TS Vật lý Cao Chi, GS Đặng Anh Đào, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, dịch giả Dương Tường… Song trên sách, tất cả mọi chức danh, học hàm, học vị của họ đều bị ông Toàn cắt. Dưới mỗi bài viết đều chỉ có tên tác giả, ai cũng như ai.

Tám mươi tuổi, nói chuyện phải đeo thiết bị trợ thính, nhưng ông Toàn không quên bất cứ chuyện gì. Ngồi nói về Cánh Buồm và những ngày đầu gian khó, ông vẫn có thể kể vanh vách: cộng tác viên Bùi Văn Nam Sơn biếu nhóm 40 triệu đồng, bà Phạm Chi Lan ủng hộ 50 triệu, Phan Lưu Vũ viết văn cho 30 triệu, một kỹ sư về hưu ở Vũng Tàu cho 100 triệu, một Việt kiều Mỹ trong ba năm, mỗi năm đều gửi vào quỹ 200 USD…

Con người tiến lên thông qua những lầm lạc

Học tiếng Việt kiểu Cánh Buồm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cũng vẫn chuyện bắt đầu làm Cánh Buồm, ông Toàn tổng kết: Khó nhất là thuyết phục những người từng làm sách giáo khoa làm khác đi, chứ không phải chuyện tiền. Đến nay, sau gần 10 năm làm sách, nhóm Cánh Buồm vẫn cống hiến không công, cộng tác viên cũng viết bài không công. Tiền ủng hộ mà quỹ Cánh Buồm nhận được phần lớn dành để in sách. Có 2-3 trường hợp phải tiêu "dăm ba triệu" đều là để thăm hỏi, động viên các cộng tác viên cao tuổi hoặc không may ốm đau. Câu cửa miệng ông Toàn hay nói với các cộng sự - học trò của mình: Phải tiêu tiền của người ta một cách có liêm sỉ! Nhà riêng của ông đến nay vẫn là đại bản doanh để các nghiên cứu sinh và học trò tá túc, làm việc và biên soạn sách.

Chủ trương làm sách của ông Toàn gần như đi ngược lại các giáo trình từ trước đến nay: Khuyến khích học sinh sáng tạo bằng cách ưu tiên cung cấp phương pháp, không sa vào cụ thể. Với môn Tiếng Việt, chỉ yêu cầu học sinh tiểu học biết ngữ âm để ghi. Với môn Văn, chỉ học phương pháp: làm thế nào người ta sáng tạo ra tác phẩm. Riêng quan điểm này đã bị phản đối một cách dữ dội. Nhiều người cho rằng, sách văn học lớp 1 của Cánh Buồm chẳng thấy văn chương đâu cả, chỉ đưa ra toàn các tình huống cho học sinh "nhập vai" để "đồng cảm", dạy văn mà tách ra khỏi ngôn ngữ văn học, không đếm xỉa đến ngôn ngữ văn học thì khác nào dạy nhạc mà không đả động đến các nốt nhạc, dạy vẽ mà lờ tịt đi màu sắc? Theo họ, với quyển sách giáo khoa văn học lớp 1 như vậy, nhóm Cánh Buồm có thể làm cho các em hiểu nhầm rằng "văn học là đóng kịch".

Ngoài ra, người ta cũng chê Cánh Buồm mắc các bệnh "đao to búa lớn" (dạy ngôn ngữ khó hiểu, quá trừu tượng cho trẻ nhỏ, thậm chí dạy đánh vần cả những từ vô nghĩa); bệnh giáo điều (nhồi vào óc trẻ những câu  như  "kẻ chẳng nhớ quê nhà thì chẳng ra gì cả")…

Gần như sau mỗi tập Cánh Buồm xuất hiện, những ý kiến phản đối cũng đồng thời làm người ta hoang mang. Ông Toàn bảo, Cánh Buồm đều có chỉnh lý bổ sung. Hiện nay, toàn bộ 18 cuốn Văn và Tiếng Việt (từ lớp 1 đến lớp 9) đều có bản e-book miễn phí trên website chính của Cánh Buồm để độc giả có thể đọc, học và góp ý.

Sách Văn lớp 9 của Cánh Buồm chỉ dạy duy nhất hai tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Faust của Goethe. Ông Toàn bảo, khi nhóm chọn Faust, rất nhiều người đã nói: khó quá, ngay cả với người lớn. Nhưng qua khảo sát và thực nghiệm, học trò lớp 9 tiếp nhận Faust rất tốt. Ông Toàn kết luận: Con người lớn lên thông qua những lầm lạc, Faust cũng thế, Cánh Buồm cũng thế!

"Học trò của tôi, đứa nào cũng biết làm thơ"

Giai đoạn đầu xuất bản Cánh Buồm, chính ông Toàn là người đứng lớp hướng dẫn học sinh tiểu học học Văn và Tiếng Việt theo phương pháp của ông. Có phụ huynh sau sáu tháng gặp ông bảo: "Em cám ơn thầy cứu con em"! Trước đó, học trò này bị liệt vào hàng cá biệt ở trường. Áp lực học hành khiến em bất hợp tác với tất cả các môn. Nhắc đến đi học có khi cậu nổi cáu lật cả bàn. Nhưng sau khi học theo phương pháp Cánh Buồm một năm, giờ mỗi ngày cậu đều viết hai trang văn.

Giờ học Văn của học trò theo giáo trình Cánh Buồm

Ông Toàn bảo, tất cả học sinh theo giáo trình Cánh Buồm, đứa nào cũng biết làm thơ. Từ lớp Hai, các thầy bắt đầu dạy học trò làm thơ Haiku. Trong một cuộc thi thơ Haiku mà trường Olympia Hà Nội tổ chức, nhà thơ Dương Tường làm giám khảo đã chấm giải cao nhất cho Bảo Duy (lớp 5) với hai bài sau: "Gió mùa đông thổi/ Lạnh thấu xương thấu da/ Một người đi qua phố" và "Gió heo may/ Cây nghiêng mình / Mình ta".

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nói về lý do ông tham gia viết bài cho Cánh Buồm: "Tôi chỉ tham gia phần đọc duyệt nhưng càng đọc càng thấy bộ sách này quá hay. Tại sao lâu nay mình không học như vậy vì ở các nước tiên tiến đều học như thế cả. Bộ sách này  có thể giúp xoá bỏ kiểu thầy đọc trò chép, trái lại cả thầy và trò đều cùng tìm tòi, học hỏi trong sự hứng thú không ngừng". "Từ lý thuyết chuyển sang thực hành vốn rất khó, nay đã có minh chứng rằng việc ấy là có thể làm được. Đây là một chương trình rất hiện đại và rất thiết thực, bởi chỉ cần học hết lớp 9, các em đã đủ trưởng thành và tự tổ chức cuộc đời mình một cách khoa học, nhân văn" - ông Sơn nói.

Từ lúc Cánh Buồm xuất hiện, các tùy viên văn hóa Pháp là người ủng hộ bộ giáo trình này nồng nhiệt nhất. Hai hội thảo lớn ra mắt hai đợt sách Cánh Buồm cấp Một và cấp Hai đều được L'Espace (Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội) tài trợ miễn phí. L'Espace cũng từng làm một triển lãm dài hơi về Cánh Buồm, có tranh minh họa kỳ công. Năm 2015, nhà giáo Phạm Toàn được trao giải Phan Châu Trinh - Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục do ông cùng nhóm Cánh Buồm nhiều năm qua có những canh tân xuất sắc trong giáo dục, đặc biệt là việc dạy văn và học văn trong nhà trường.

Từ năm 2009 đến năm 2016, nhóm Cánh Buồm đã hoàn thành dự thảo bộ sách giáo khoa Văn, Tiếng Việt gồm 18 cuốn từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở. Nhóm Cánh Buồm cũng đã đưa sách lên trang web: www.canhbuom.edu.vn/sachmo để các chuyên gia, phụ huynh, bạn đọc quan tâm có thể tham gia sửa chữa, góp ý cùng nhóm tác giả điều chỉnh sai sót.

Một cách đi

Bản thân tôi từng rất loay hoay tìm cách dạy Văn cho con. Đến khi gặp phương pháp Cánh Buồm, tôi đã bị thuyết phục. Qua những lớp học của thầy Toàn, tôi song hành với con và được "tẩy não" rằng: Trẻ con không phải là một tờ giấy trắng, nó là một thực thể. Mình dạy nó mà nó cũng tác động trở lại mình. Trong những lớp học này, tôi được mục sở thị: Trẻ không bị ép học thì nó sẽ tự nguyện học. Trẻ được khơi gợi thì có thể làm rất tốt. Nếu không tận mắt chứng kiến, tôi cũng không tin được, đứa trẻ lớp Ba có thể tổ chức một hội thảo khoa học!

Có nhiều con đường để đi, Cánh Buồm là một đường, và tôi cho là con đường tốt, vì nó làm cho trẻ tự tin và vui vẻ.

Tôi sáng lập CLB Ô Xinh từ năm 2014, lấy giáo trình Cánh Buồm làm chủ đạo, chuyên nhận những học trò kém Văn và cả học sinh tự kỷ. Kết quả sau hai năm hoạt động, thành công vượt cả mong đợi của tôi. Hiện Ô Xinh có hơn 200 học sinh từ 5,5-12 tuổi. Tất cả những học sinh cá biệt, sau quá trình học lại tiếng Việt giờ đều có thể làm thơ, làm phóng sự, thậm chí học tiếng Anh tốt hơn. Những học sinh tự kỷ phần lớn đều có thể tự tin giao tiếp, làm văn, sử dụng ngôn ngữ thành thạo.

Có gia đình con lớn con nhỏ, cháu nội cháu ngoại, con em bạn bè đều là học trò của chúng tôi. Có học sinh ở tận Đông Anh phải qua ba chặng xe bus mới đến được lớp, nhưng cháu và mẹ chưa từng bỏ buổi học nào. Thành quả của các cháu là một minh chứng cho cách đi của Cánh Buồm, ít nhất đến thời điểm này tôi cho là đúng đắn.  

L.T.T.T.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-buom-cua-ong-toan-1082578.tpo#epi_web

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét