Nhà văn Võ Thị Hảo
Gửi cho BBC Việt ngữ từ Hà Nội
Nhà văn Võ Thị Hảo nói ít người dám lên tiếng chống lại cái ác
"Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ… Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc, mắt dường mù…
"Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô nhục mà không biết thẹn…"
(Phan Bội Châu –Bức thư viết bằng máu và nước mắt từ đảo Lưu Cầu)
Chuyện cướp bóc ở làng Vĩ Đại
Làng ấy nhỏ, nhưng có tính vĩ cuồng nên tự đặt tên là làng Vĩ Đại.
Ông Cột sống giữa làng Vĩ Đại gồm ba mươi ba người. Xung quanh có ông Kèo, bà Ninh, người làng cùng một số côn đồ.
Đám côn đồ chuyên hà hiếp cướp đoạt. Mỗi tháng tại làng có trung bình 9 vụ cướp bóc.
Người làng nhìn thấy nhưng lờ đi, chỉ đến khi mình là nạn nhân, mới kêu khóc thì đã muộn.
Không đành lòng, ông Cột, ông Kèo và bà Ninh bèn bênh vực những nạn nhân. Đám côn đồ phải chùn tay. Số vụ cướp bóc giảm còn 6.
Đám côn đồ ấy tức lắm, một hôm liền dựng ra một vụ đánh ghen, xúm lại đánh ông Cột, đã thế còn hô hào dân làng vào đổ tội, bêu riếu, làm nhục, làm chứng giả.
Ông Cột bị ném đá gẫy nát một chân, rồi từ đó cũng ê chề vì người làng xử ác, không dám lên tiếng nữa.
Số vụ cướp bóc tăng lên 1/3, lại trở thành 9 vụ.
Ông Kèo và bà Ninh vẫn liều mạng bênh vực người lành. Bọn côn đồ thấy chiêu dối trá bạo lực hiệu quả, liền đổ cho ông Kèo tội ăn cắp. Tòa án làng dẫu biết Kèo vô tội nhưng vẫn tống Kèo vào ngục.
Thế là chỉ còn bà Ninh đơn thương độc mã. Số vụ cướp bóc tăng lên thành 15. Thu nhập của đám côn đồ tăng theo. Mỗi tháng, tại làng Vĩ Đại có khoảng 15 nạn nhân.
Bọn chúng được đà, lại đổ tội làm giấy tờ giả, đưa tiếp bà Ninh vào tù. Số vụ cướp bóc tăng lên 20 rồi 25…
Bây giờ thì những người không phải côn đồ đều trở thành nạn nhân. Nhiều người trong đám côn đồ cũng bị kẻ mạnh hơn hà hiếp.
Lúc đó, có người dân làng Vĩ Đại mới đập đầu kêu khóc mà rằng: Bây giờ chúng ta dở sống dở chết, chẳng còn ai cứu giúp. Giá như ngày trước chúng ta dám kêu lên, không mặc kệ ân nhân bị hành hạ, không làm chứng dối, ném đá tiếp tay cho bọn cướp hãm hại người lành thì đâu đến nông nỗi này…"
Sự dối, bạo lực và dân khí suy đồi
Câu chuyện trên đây là thực tế đang có ở nhiều nơi tại VN, khi rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua lương tri và sự thật, im lặng, vô cảm trước sự oan khuất của đồng bào mình.
Nhiều người đã từng chua chát tự hỏi, trong đám đông chen chúc kia, trong đồng nghiệp, trong hàng xóm, trong bạn bè, trong những nhà chức trách tại cơ quan đoàn thể… khi chúng ta làm điều đúng, khi bị oan khuất, liệu có bao nhiêu người trong số họ dám đứng ra nói sự thật và bênh vực ta?
Ai? Hy vọng nào ở đám người hoặc hèn nhát hoặc tham lam vô cảm chỉ sáng tối làm bóng lộn bộ da và căng đầy cái dạ dày của mình, sống chết mặc bay?
Hy vọng nào từ đa số dân biểu, quan chức, cơ quan đoàn thể, nhà báo, luật sư, văn nghệ sĩ, quan tòa, quân đội, công an, nhà khoa học, nhà giáo… – những người có công cụ ngôn ngữ, quyền lực hoặc vũ khí có thể bảo vệ công lý nhưng đã và đang cúi đầu khoanh tay câm lặng, chỉ lên tiếng khi đụng đến quyền lợi của chính họ?
"Đa phần mọi người đều nói rằng tìm người có dũng khí và trung thực bây giờ thật khó như tìm kim đáy biển."
Đa phần mọi người đều nói rằng tìm người có dũng khí và trung thực bây giờ thật khó như tìm kim đáy biển.
Chính bởi thế, chúng ta là số đông, gần cả trăm triệu người, nhưng lại bị gọi là một đám đông hèn yếu, thậm chí còn không dám mở miệng cất lời bảo vệ chính mình, cam tâm nô lệ, còn nói gì đến việc bảo vệ người khác!
Đó là sự suy đồi của dân khí.
Vấn đề thịnh suy của một đất nước, đương nhiên ở trách nhiệm nhà cầm quyền, nhưng không thể không tính đến nguyên nhân dân khí.
Khí chất và khí phách của người dân thể hiện trong tính cộng đồng, trách nhiệm xã hội, trong sự lựa chọn, dám tôn vinh sự thật, biết tri ân những người vì cộng đồng và công lý, dám chống lại bất công, bạo ngược.
Dân khí mạnh buộc kẻ ác phải chùn tay và phải cư xử đúng mực. Dân khí cũng khiến mỗi người có được sức mạnh tinh thần để thoát vòng nô lệ luôn chờ chực bủa vây.
Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu từng xót xa khi bàn về dân khí.
"…Cái tệ ấy buổi đầu là do tính nhu nhược, theo mãi, hóa ngu hèn đến nỗi … có miệng lưỡi mà không biết trình bày,…u mê gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế…( Phan Bội Châu toàn tập. Tr 145. NNXB Thuận Hoá Huế.1990.
Hãy ngẫm nghĩ tiếp những lời của Phan Bội Châu: " … Các người chỉ là một khối thịt sống, ù ù cạc cạc không biết cái gì, chỉ ngồi mà trách cứ lẫn nhau, trông mong lẫn nhau mà thôi….đến nỗi cùng xô đẩy dắt díu nhau xuống hồ cả một lũ, một đoàn… Ngó lại các ngươi, ta chỉ hổ thẹn với con chó của tên Đạo Chích…" (Thời thế và anh hùng- Phan Bội Châu toàn tập- tr175- 176- NXB Thuận Hóa- Huế- 1990)
Ít người Việt Nam dám làm những điều khiến chính quyền bực mình
Những lời đó đã phản ánh tình trạng dân khí của người VN trong những năm đầu thế kỷ XX. Thời đó, với sự hà khắc của chế độ phong kiến, nếu dám trái ý triều đình, có thể bị tội tru di tam tộc.
Tệ thế, nhưng thời đó vẫn có những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và đông đảo người ủng hộ… Đám tang người tù yêu nước Phan Chu Trinh ngày 4/4/1926 có tới khoảng sáu vạn người Nam kỳ (có tài liệu nói là khoảng mười vạn, tức là khoảng 1/3 dân số Sài Gòn) theo sau quan tài ông để bày tỏ lòng biết ơn và chí khí, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền, phong trào truy điệu để nối chí ông được tổ chức khắp ba kỳ.
Thật đáng buồn là sau hơn một thế kỷ, những nhận định của Phan Bội Châu vẫn mang tính thời sự, thậm chí thực tế còn đáng đau xót hơn hơn.
Làm sao tưởng tượng nổi là không khí quy chụp tư tưởng, vu oan giá họa, xét xử bất cần công lý thuở Cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỷ trước dường như đang sống lại ở thời này ở nhiều vụ việc, tạo vô số dân oan ở nơi nơi. Trong một số bài báo và phóng sự truyền hình, thật nhục nhã cho nghề nhà báo khi một số người thay vì làm rõ sự thật như sứ mạng, thì lại "gắp lửa bỏ tay người" chỉ để đổi lấy tiền bạc, chức vị hoặc sự yên ổn!
Trên thực tế, tỉ lệ người trộm cắp cướp đoạt không lớn so với dân số nhưng sự hoành hành của chúng thật không giới hạn. Chỉ có thể ngăn chặn bằng cải cách thể chế. Một mặt khác, mỗi công dân cũng không thể không nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc đã để dân khí suy đồi.
Tù nhân lương tâm - những Tráng sĩ công lý
Những tù nhân lương tâm - những tráng sĩ vì đấu tranh cho lợi quyền chung mà phải giam cầm sau song sắt - lẽ nào ta không nợ họ?!
Khi tù nhân lương tâm Nelson Mandela khốn khổ vì bị nhà cầm quyền Nam Phi kết án chung thân, đày đọa ông trong tù tới 27 năm, mỗi người Nam Phi và người dân trên thế giới, kể cả người VN, đều nợ ông vì ông đã vì dám dũng cảm đứng lên chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, bảo vệ quyền con người và tự do.
Mặc dù nhà cầm quyền đổ nhiều trọng tội, bôi nhọ bằng mọi cách, nhưng ông đã được tôn vinh là người anh hùng của Nam Phi và thế giới, lĩnh tới hơn 250 giải thưởng, trong đó có giải Nobel Hòa bình, trở thành vị tổng thống dân cử đầu tiên của Nam Phi và là một trong những vị cứu tinh của nhân loại.
Bà Aung San Suu Kyi đã bị giam cầm và quản thúc trong hơn 20 năm nhưng cuối cùng chế độ ở Myanmar phải thay đổi theo hướng bà kêu gọi
Tương tự, bà Aung San Suu Kyi đã bị chế độ độc tài quân phiệt Myanma nhục mạ, kết tội, giam cầm và quản thúc tới gần 21 năm chỉ vì bà lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động cho việc thiết lập một nền dân chủ và thể chế tiến bộ cho người Myanma. Bà cùng những đồng chí của mình đã thức tỉnh chế độ quân phiệt tàn bạo, khiến đất nước này gần đây phải chuyển đổi theo thể chế dân chủ và tự do. Bà là vị cứu tinh của Myanma, cũng được coi là vị anh hùng của thế giới.
Mỗi người Myanma, nếu có lương tri, đều biết rằng mình may mắn được nợ bà- nợ những nỗi thống khổ mà bà đã vì họ mà chịu đựng. Nợ những cử chỉ nhằm giải phóng chế độ độc tài quân phiệt mà bà đã bền gan thực hiện cho bà và cho họ.
Khi xã hội loài người tiến lên được một bước về phía tự do, bình đẳng và công lý thì thường lại có rất nhiều người phải hy sinh trong công cuộc đấu tranh chống lại những thế lực luôn lấy việc cưỡng đoạt hạnh phúc của người khác để phục vụ cho quyền lợi riêng của chúng làm lẽ sống.
Suy cho cùng, không ai sống trên đời mà lại có thể chối bỏ hân hạnh gánh trên vai những món nợ tinh thần phải trả cho mình và cho cộng đồng, cho niềm hạnh phúc của con người.
"Khi xã hội loài người tiến lên được một bước về phía tự do, bình đẳng và công lý thì thường lại có rất nhiều người phải hy sinh trong công cuộc đấu tranh chống lại những thế lực luôn lấy việc cưỡng đoạt hạnh phúc của người khác để phục vụ cho quyền lợi riêng của chúng làm lẽ sống."
Bởi thế bất kỳ công dân nào cũng có trách nhiệm đương nhiên phải đấu tranh cho tự do, nhân quyền và công lý cho mình và cho mọi người.
Đó là khí chất làm người, là dân khí, là nhân tố cốt lõi tạo nên nền công bằng và vững mạnh cho một đất nước.
Cần ý thức rằng, khi một người chối bỏ trách nhiệm đó, là đem lại tổn thương cho chính mình và cho xã hội. Trong nỗi oan khuất của người vô tội này bao giờ cũng hàm chứa mối đe dọa về nỗi oan khuất rồi cũng sẽ đến với những người khác.
Khi công dân ý thức được điều đó, nghiễm nhiên sẽ có phẩm giá của loài hiểu biết, hãnh diện về khí chất làm người của mình, sẽ không còn sợ hãi bóng tối và những sự đe dọa.
Khi nhận thức được như thế, sẽ có sức mạnh tinh thần để biết tạ ơn và biết hành động để trả nợ, để không chỉ sống cho ta, trong kiếp ngắn ngủi này, mà biết còn hân hoan sống cho cộng đồng.
'Thế lực thù địch'
Người VN, đương nhiên mỗi người cũng mang món nợ của mình.
Như người làng Vĩ Đại nợ những giọt máu, nợ cái chân gẫy, nợ sự oan khuất và tự do bị tước đoạt của ông Cột ông Kèo bà Ninh…
Ta hân hạnh nợ nần bao nhiêu người anh hùng bảo vệ đất nước, chống tham nhũng, ma túy, cướp bóc, những nhà tư tưởng và nhà khoa học vì con người. Ta nợ bao Tráng sĩ lương tâm – họ xứng đáng được tôn vinh là Tráng sĩ - vì có bản lĩnh dám chỉ ra những cái sai cho nhà cầm quyền biết- thực chất là họ đã giúp nhà cầm quyền để củng cố nền hòa bình, công lý và tự do.
"Những người dám nói lên sự thật, đòi quyền làm người, dám phản đối cái ác và bất công, hoàn toàn không hề là người đối lập với đảng và chính phủ VN, mà chính nhiều cá nhân, tổ chức nằm trong hệ thống quyền lực đã tự hành xử ngày càng đối kháng với quyền lợi chính đáng của nhân dân, đất nước."
Thật đau lòng là nhiều người trong số họ lại đang bị giam cầm và hành hạ sau song sắt nhà tù. Đa phần trong số họ là vô tội, giữ được bản lĩnh. Càng bị đàn áp, bôi nhọ, phẩm chất của họ càng tỏa sáng.
Những người dám nói lên sự thật, đòi quyền làm người, dám phản đối cái ác và bất công, hoàn toàn không hề là người đối lập với đảng và chính phủ VN, mà chính nhiều cá nhân, tổ chức nằm trong hệ thống quyền lực đã tự hành xử ngày càng đối kháng với quyền lợi chính đáng của nhân dân, đất nước.
Nhưng danh sách tù nhân lương tâm tại VN tăng theo mức độ đàn áp. Chỉ trong nửa đầu năm 2013 này đã có tới khoảng 50 người bị bắt giam. Theo công luận và nhiều luật sư, họ đã bị kết tội oan. Đặc biệt bất công là trường hợp quy tội "trốn thuế" cho Điếu Cày và luật sư Lê Quốc Quân để bỏ tù và đối xử tàn nhẫn với họ, trong khi vô số cá nhân, công ty, đại gia, người trong giới biểu diễn…thiếu thuế hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, thì chỉ truy thu và được gọi là "kê khai thiếu chứ không phải trốn thuế,"(theo trả lời PV của bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM- Theo VNExpress- 27/7/2013)
Gần đây, việc bị dồn vào tình thế phải tuyệt thực liên tiếp của một số tù nhân lương tâm như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày…và cuộc nổi dậy bất đắc dĩ của tù nhân tại trại giam Z30 A Xuân Lộc – Đồng Nai ngày 30/6/2013 vừa rồi đã lại làm phẫn nộ thêm nhiều người có lương tri trong và ngoài nước.
Hiện trạng ấy khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối. Có khôn ngoan không, khi nhà chức trách đang chọn cách giải quyết những vấn nạn chính trị - kinh tế- xã hội bằng súng và xiềng xích đe nẹt tự do ngôn luận thay vì cải cách thể chế và cải cách kinh tế?
Chỉ tìm cách đổ lỗi cho các "thế lực thù địch diễn biến hòa bình" bên ngoài chứ không cắt bỏ khối ung bướu ngay trong thể chế, đó thực ra là một sự "tự sát", không những làm trầm trọng thêm các vấn đề cấp bách hiện nay mà còn khiến VN càng thêm giảm uy tín và khiến cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ.
Gần chót về tự do
VN hiện đang bị xếp thứ gần chót hạng(172/179 quốc gia) trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí thường niên 2013 do Phóng viên Không biên giới thực hiện.
Không phải vô cớ, không chỉ có sự đòi hỏi từ một số đồng bào VN, mà ngày càng dồn dập tăng số lượng cá nhân và tổ chức trung lập có uy tín trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với những nhà phản biện và tù nhân lương tâm VN, đòi phải lập tức trả tự do cho họ.
Ngày 18/4/2013, QH châu Âu thông qua nghị quyết tố cáo VN đàn áp tự do ngôn luận và hạn chế tự do tôn giáo.
Ngày 17/6/2013, có tới 12 tổ chức NGO, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới, Trung tâm nhân quyền Kennedy(Mỹ) và một đoàn gồm 12 nghị sĩ Mỹ… cũng lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu chính phủ VN phóng thích ngay luật sư vô tội Lê Quốc Quân, đồng thời yêu cầu chấm dứt việc đàn áp các luật sư và các nhà chỉ trích chính phủ về vấn đề nhân quyền.
Ngày 27/6/2013, bản Dự thào về luật nhân quyền cho VN đươc được UB đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua, đưa ra cảnh báo dứt khoát cho VN là phải cải thiện về nhân quyền, nếu không muốn có những tổn hại về kinh tế và thương mại, hoặc những nguồn viện trợ nằm ngoài tính cách nhân đạo từ Mỹ.
Một Dự luật nhân quyền cho Việt Nam và Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, hiện đang được trình cho Hạ nghị viện và rồi Thượng nghị viện Mỹ, là những hành động cảnh báo mạnh mẽ để VN cân nhắc lại và hành xử cho đúng với những văn bản đã ký cam kết về quyền con người cùng thế giới.
Trong hoàn cảnh Chủ tịch nước VN vừa ký văn bản cam kết hợp tác toàn diện với Mỹ, nếu VN không cam kết suông, thì vấn đề cải thiện nhân quyền tại VN lại càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Việt Nam và Mỹ vừa cam kết sẽ tiếp tục đối thoại về nhân quyền
Mỗi người VN xin hãy tỉnh táo để tránh thảm họa đều trở thành nạn nhân của nạn côn đồ cướp bóc, như người dân làng Vĩ Đại. Hãy mở miệng bảo vệ chính chúng ta và các Tráng sĩ công lý.
Mỗi người VN vốn đều mang căn tính thiện và dũng khí trong mình, với lòng yêu công lý, hòa bình và hạnh phúc.
Vậy hãy để cho căn tính này được tự nhiên bộc lộ.
Hãy hồn nhiên ""mở miệng" như tạo hóa vốn tạo nên ta thế. Như một sự xác tín rằng ta là con người, xứng đáng được hưởng những quyền tối thiểu, đương nhiên của con người đã được tạo hóa ban cho. Nếu sống mà không có quyền tự do ngôn luận, quyền được hưởng công lý và bình đẳng, thì sống khác nào đang chết.
Mỗi công dân nếu cố gắng vượt qua sự sợ hãi và vô cảm thì chắc chắn sẽ chấn hưng được dân khí.
Người VN cũng biết hân hạnh mang nợ và trả nợ lương tâm. Như thế không phải là chống đối nhà cầm quyền, mà là thức tỉnh họ phải trở lại con đường đồng hành cùng nhân dân xây dựng một nền dân chủ, tự do, đất nước toàn vẹn lãnh thổ và giàu mạnh./.
Bài viết của Nhà văn Võ Thị Hảo, hiện đang sống tại Hà Nội. Nhà văn chuyển bài viết cho BBC qua điện thư. BBC luôn hoan nghênh đóng góp bài vở của quý vị về địa chỉ thư điện tử vietnamese@bbc.co.uk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét