27/07 là ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh Triều Tiên, cũng trùng là ngày thương binh liệt sĩ ở Việt Nam. Thứ tự chu niên của kết thúc chiến tranh Triều Tiên tính từ năm 1953; còn ngày thương binh liệt sỹ Việt Nam tính từ 1947, 2 năm tính từ cuộc chiến Đông Dương I.
Triều Tiên – Hàn Quốc, do chưa (không) thống nhất được nên mỗi miền tổ chức riêng, với qui mô, sắc thái, mục tiêu chính trị khác nhau.
Ở Bắc Triều Tiên, người ta làm đại lễ, có duyệt binh với sự biểu dương các loại vũ khí hiện đại, hùng mạnh nhất, có thể biến miền nam thành biển lửa, tức là biến bà con của họ thành than bụi. Họ huy động đến cả trăm ngàn người, áo quần khoe sắc, hát xướng linh đình, đến mức truyền thông đánh giá là lễ hội lớn nhất thế giới, để mừng kỷ niệm cái sự kiện trong lịch sử đã làm chết hàng triệu người dân xứ Cao Ly ấy. Trong buổi lễ, có thể dễ dàng nghe thấy tiếng loa hùng hồn, đằng đằng sát khí, rất đặc trưng của xứ sở này, hứa hẹn cho một cái lễ như vậy có thể diễn ra mấy chục năm sau, nếu chế độ vẫn trường tồn cùng với vị chủ tịch nước vĩnh viễn của họ.
Ở miền nam, buổi lễ chỉ có khoảng bốn ngàn người, sơ sài đạm bạc, với lời phát biểu của bà Tổng thống, giọng nhỏ nhẹ, rưng rưng ngợi ca những chiến binh đã chiến đấu cho nền tự do, bày tỏ những quan điểm cơ bản đối với việc giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên trong những ngày này.
Có lẽ cách tổ chức như vậy là có chủ ý của mỗi bên, là cái điệu mà mỗi bên muốn dùng để bày tỏ tình cảm với cái quá khứ buồn. Những chi tiết nghịch nhau trong cách bày tỏ có chủ ý đó lại làm cho người ta hiểu được nguyên nhân của cuộc chiến: ảo vọng về sứ mệnh thiêng liêng trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ của những cái đầu lãnh tụ u mê tại các nước nhược tiểu nhằm thực hiện sự đầu cơ lợi ích của các cường quốc.
Mẹ chờ tin con
Tại Việt Nam, từ vài tháng trước, đã bắt đầu cái phong trào lặp đi lặp lại chuẩn bị cho kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ. Các chương trình hoạt động có tính nhà nước cùng với bộ máy truyền thông quốc doanh tấp nập những sự kiện, thông tin về tri ân, đền ơn đáp nghĩa, với đủ các hình thức, từ thế tục đến tâm linh, từ cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi đại học đến lễ cầu siêu thoát cho các liệt sĩ. Không biết, với các liệt sĩ, trong đó có đảng viên, sẽ chọn chỗ nào để nhận tấm lòng của hậu thế tưởng nhớ mình.
Ở Việt Nam, do đã "chiến thắng" và "thống nhất" nên việc tổ chức kỷ niệm chỉ một phía – bên thắng cuộc. Sự ngợi ca từ một phía, và những người được ngợi ca cũng là một phía – những người của bên thắng cuộc. Trong những lời ngợi ca ấy, nghe được rằng họ đã ngã xuống cho Tổ quốc, ngã xuống trên đất mẹ, đổ máu trên đất mẹ; xương cốt linh thiêng của họ đã hòa vào đất mẹ. Những điều đó hoàn toàn đúng, nếu trong cuộc chiến chỉ chỉ có một loại kẻ địch là ngoại bang.
Hỡi ôi, cuộc chiến trên đất nước này suốt mấy chục năm không phải thế. Cả triệu người Việt chết trận, chết do khủng bố ám sát khi tham gia phía bên thua cuộc, chết do cải cách cải tạo cũng là người Việt tóc đen da vàng máu đỏ. Họ cũng ngã xuống bờ tre góc ruộng của quê hương Tổ quốc này, danh chính ngôn thuận, có căn cước, quốc tịch số quân hẳn hoi. Máu họ cũng đổ xuống quê cha đất tổ; xương cốt thi hài một số trong họ cũng hòa vào đất mẹ. Thế nhưng, vì họ thuộc bên thua cuộc với một kẻ thắng cuộc chẳng xem ai ra gì nên họ bị trục xuất khỏi cộng đồng hương hồn người Việt.
Trong ngày 27/07, khi sự hòa hợp hòa giải dân như một thứ con tin, những lời hứa suông vô tâm hợm hĩnh, sẽ có rất nhiều gia đình Việt Nam có hai bàn thờ những đứa con đã mất; bàn thờ đứa liệt sĩ sẽ có hoa tươi, đầy tự hào; bàn thờ của đưa bên kia, lạnh lẽo.
Đó là hậu quả, cũng chính là nguyên nhân của cuộc chiến. Không vinh dự gì với cái gọi là chiến thắng với cuộc chiến oái ăm như vậy.
Xích Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét