Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ghé thăm các blogs: 29/08/2013 (diễn đàn thế kỷ)

Nguồn diendantheky


BLOG TÂM SỰ Y GIÁO 


Báo Nhân Dân, trong bài thuộc chuyên mục Bình luận và Phê phánngày 22-8-2013 cho biết tác giả của bài này là Amari TX, một người Mỹ gốc Việt. Được biết tác giả này có nhiều bài đã được đăng trên báo giấy cũng như báo điện tử ở Việt Nam, và là chủ của trang blog amaritx.wordpress.com, mà từ một bài trong đó, báo Nhân Dân đã đăng lại thành bài nói trên. Trên trang blog này, không khó để nhận ra giọng văn chính luận của một người chuyên làm công tác chính trị tư tưởng, từ ý tưởng, hành văn, câu cú cho đến cách sử dụng các thuật ngữ thuộc chuyên môn nghiệp vụ tuyên huấn. Điều đó làm cho mình băn khoăn : Ông Amari TX này là ai mà viết hay thế, hùng hồn thế ? Sao ông ta là công dân Mỹ mà lại có cách hành văn của một nhà lý luận ở Việt Nam, một người marxist kiên trung đến thế ?

Hôm nay mình tình cờ đọc bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng của TS. Hoàng Văn Lễ, thì thấy có những ý, những câu giống hệt như của tác giả Amari TX.

Chẳng hạn, TS. Hoàng Văn Lễ viết :
Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chắc "Đằng ấy" biết rằng: Một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Trung Quốc hiện nay có 9 đảng chính trị thì 8 đảng thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Trung Hoa, lấy chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ, tuy có 2 đảng nhưng có đúng là chế độ đa nguyên về chính trị không? Bởi 2 đảng này chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản còn xét về bản chất giai cấp - xã hội, 2 đảng này là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế chính trị đầy bất công ở Mỹ. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai có thể đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ thể chế riêng có của họ. Ở nước Nga thời hậu Xô-viết, người ta cũng thành lập chế độ cộng hòa tổng thống theo cách thức của người Nga chứ không theo cách thức của người Anh để tái thiết lập chế độ Sa hoàng… 

Thưa anh Lê Hiếu Đằng, hẳn anh cũng biết rằng, một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị là do một loạt nhân tố quy định, trong đó tương quan lực lượng xác lập vị trí vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn Amari TX thì viết :
Xin nói để ông và các 'chiến hữu' của ông biết : một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là một chế độ đa nguyên về chính trị. Chẳng hạn ở Mỹ hiện nay, tuy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản ; xét về mặt bản chất giai cấp – xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau là củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ... Ở các nước khác cũng tương tự như vậy, cho dù nước Mỹ khác nước Anh, nước Anh lại không giống nước Pháp, nước Ý. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai ngớ ngẩn, rỗi hơi, vô lối đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến để hiến định chế độ cộng hòa, cộng hòa tổng thống hay cộng hòa dân chủ nhân dân...

Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên, về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là : tương quan lực lượng giữa các giai cấp, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của ĐCS Việt Nam như sau : Đây là nhân tố hoàn toàn khách quan, độc lập với ý chí của mọi chủ thể hoạt động chính trị. Vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam là một tất yếu khách quan của tiến trình lịch sử dân tộc, không phải do ai áp đặt lên xã hội.
Và đây là bảng đối chiếu :

Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chắc "Đằng ấy" biết rằng: Một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Trung Quốc hiện nay có 9 đảng chính trị thì 8 đảng thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Trung Hoa, lấy chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ, tuy có 2 đảng nhưng có đúng là chế độ đa nguyên về chính trị không? Bởi 2 đảng này chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản còn xét về bản chất giai cấp - xã hội, 2 đảng này là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế chính trị đầy bất công ở Mỹ.

Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến.Không ai có thể đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ thể chế riêng có của họ.

Thưa anh Lê Hiếu Đằng, hẳn anh cũng biết rằng, một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị là do một loạt nhân tố quy định, trong đó tương quan lực lượng xác lập vị trí vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó.

Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xin nói để ông và các 'chiến hữu' của ông biết : một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là một chế độ đa nguyên về chính trị.

Chẳng hạn ở Mỹ hiện nay, tuy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản ; xét về mặt bản chất giai cấp – xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau là củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ... Ở các nước khác cũng tương tự như vậy, cho dù nước Mỹ khác nước Anh, nước Anh lại không giống nước Pháp, nước Ý. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai ngớ ngẩn, rỗi hơi, vô lối đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến để hiến định chế độ cộng hòa, cộng hòa tổng thống hay cộng hòa dân chủ nhân dân...

Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên, về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là : tương quan lực lượng giữa các giai cấp, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể củaViệt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của ĐCS Việt Nam như sau : ...

Được biết, bài của TS. Hoàng Văn Lễ (cựu Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng) được báo SGGP đăng lúc 7h20 ngày 26-8-2013, nghĩa là sau bài của Amari TX trên báo Nhân Dân 4 ngày, và cũng sau bài của Amari TX trên blog amaritx.wordpress.com 4 ngày.

Nếu TS. Hoàng Văn Lễ và Amari TX là hai người khác nhau, thì có thể kết luận mà không phải chần chừ gì nữa : TS. Hoàng Văn Lễ đã trắng trợn đạo văn của Amari TX !

Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra giữa các tác già của hai tờ báo lớn là Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, đều là những cơ quan ngôn luận rất lớn của Đảng. Bởi nếu như thế thì chẳng còn ra cái thể thống gì nữa.

Vì vậy, có lẽ chỉ còn một khả năng duy nhất : Amari TX chính là TS Hoàng Văn Lễ, cựu Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng !

Và nếu điều này xảy ra, thì chỉ có thể gọi đây là một SỰ LỪA DỐI KINH HOÀNG!


Ông Hoàng Văn Lễ


FACEBOOK HOÀNG NGỌC DIỆP

Có lẽ tôi, và cũng có thể có nhiều người khác, may mắn được đụng chạm đến chính trị, xã hội và quản trị, từ khi còn trẻ, từ khi chưa biết gì về chúng, cho đến nay, được bơi lội trong những lĩnh vực độc đáo này kéo dài đã gần 40 năm kể từ lần đầu đụng chạm thực tế. 

Và tất nhiên, như một con người bình thường khác, tôi cũng ghi nhận được những sự phát triển trong nhận thức của chính mình. Có những nhận thức mới là sự thay đổi để loại bỏ những nhận thức sai lầm trước đó, nhưng cũng có những nhận thức mới làm tôi thấu hiểu hơn nhưng không thay đổi bản chất của nhận thức ban đầu.

Và những gì tôi tâm sự dưới đây cũng chỉ mong anh em trẻ không bị mất quá nhiều thời gian như những người đi trước trong đó có cá nhân tôi.

-----

Vào vài năm cuối thập niên 1970s, lúc đó những người tỵ nạn CS đến Úc rất nhiều, rất nhanh, những uẩn ức, hận thù, căm phẫn trong cộng đồng tỵ nạn rất cao, rất lớn, và tất nhiên những sinh hoạt chống CSVN cũng rất năng nổ.

Lúc đó, một tổ chức chống CSVN ra đời với tên "Phục Quốc", vì những người đứng ra tổ chức là những người thân tình cấp cha anh của tôi, cho nên tôi cố gắng lắng nghe, tìm hiểu, để hy vọng cùng tham gia… Nhưng sau một thời gian lắng nghe, nhất là khi họ tuyên bố sẽ về lại Việt Nam để phục quốc, thì tôi bắt đầu lo lắng và buồn.

Đầu tiên, không rõ là mình lo lắng điều gì và tại sao lại buồn, tôi đã phải suy nghĩ thật kỹ, nhất là mình lúc đó chỉ là một cậu thanh niên chưa tới tuổi 20, và chỉ có một kinh nghiệm nhỏ hồi 14 tuổi thôi, sau một thời gian tôi mới mạnh dạn đặt cho họ các câu hỏi sau:

- Làm sao các chú, các anh có thể an toàn khi về Việt Nam như thế này?

- Làm sao các chú, các anh bảo vệ được những người trong nước sẽ theo và ủng hộ mình?

Tất nhiên, tôi đã không tham gia vào tổ chức của họ, và tất nhiên,  câu trả lời của họ là "Chúng tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng, và những ai cùng tham gia thì cũng phải sẵn sàng hy sinh tính mạng như chúng tôi."

Nhận thức của tôi lúc đó chỉ vậy! Và nỗi buồn thì chưa tìm ra được tại sao…

-----

Vài năm sau, khi đã biết về quản trị, ít ra là những đại cương về quản trị, tôi lại đặt thêm những câu hỏi sau:

- Tại sao họ dám liều lĩnh về Việt Nam mà không biết gì về môi trường cụ thể trong nước?

- Tại sao ngay cả câu đơn giản như "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng" mà họ không hề có một chút kiến thức gì hay có những người những mạng lưới làm tai mắt cho họ từ trong nước trước?

- Tại sao họ không có trách nhiệm chuẩn bị những giải pháp cho chính họ và tất cả những người trong nước theo họ, nếu họ thất bại?

Kiến thức của tôi đã tốt hơn để đưa ra những câu hỏi sâu hơn. Nhưng nỗi buồn thì vẫn cứ như vậy và vẫn chưa tìm ra được tại sao…

-----

Sau vài năm, họ thất bại, một số người hy sinh, một số người bị bắt, một số ở tù tại Việt Nam rất nhiều năm, có vài người chỉ ở tù vài năm vì được sự can thiệp từ nước ngoài… tất nhiên, tổ chức họ phải tan rã. Và tất nhiên, trong thời gian đó, lại có những tổ chức chống CSVN khác trội lên, mạnh hơn, đông hơn, nhìn thoáng qua thì có vẻ "bài bản" hơn, nhưng khi tôi đặt ra những câu hỏi trên và một số câu hỏi dưới đây thì lại đụng phải những câu trả lời tương tự, hay im lặng, hoặc tệ hơn là…"đây là bí mật của đảng chúng tôi!". Những câu hỏi của tôi có thêm là:

- Cứ cho rằng các anh sẽ thành công, thế thì định hướng và lộ trình tái xây dựng xã hội Việt Nam của tổ chức của các anh là gì?

- Những nhân sự đầu não của các anh cho những lĩnh vực trọng yếu của một hệ thống nhà nước mới sẽ là ai, hoặc tổ chức của các anh sẽ chuẩn bị như thế nào?

Khi đó, tôi nhận thức rõ sự trống rỗng cực kỳ đáng sợ của sự thiếu chuẩn bị của họ. 

Điều thê thảm nhất là không những họ chuẩn bị quá sơ sài trong giai đoạn họ "đấu tranh" mà tận cùng họ chẳng chuẩn bị gì cho ra hồn việc sau đó nếu họ thành công.

Và tất nhiên, họ cũng đã thất bại, thất bại ngay từ trong trứng nước.

Khi đó, nỗi buồn của tôi vẫn cứ còn đó, nhưng tôi đã phần nào hiểu tại sao…

-----

Rồi những năm sau đó, những tổ chức chính trị chống CSVN, chính là ở nước ngoài, đều có những hình thức tổ chức có "bài bản" hơn nữa, họ đưa ra những cương lĩnh, những định hướng, và ngay cả những nhân sự cấp lãnh đạo cho từng lĩnh vực trọng yếu. 

Nhưng nếu nhìn kỹ thì mọi điều họ chuẩn bị cho giai đoạn "đấu tranh" đều chỉ nằm ở mức "rộn ràng" ở nước ngoài và cực kỳ "lẻ tẻ" ở Việt Nam. Họ không những lấy được rất ít sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội ở trong nước mà còn có rất nhiều cách "vận động" để nổi tiếng một cách vô trách nhiệm. 

Và nếu nhìn kỹ hơn, sâu hơn về những "nhân sự cấp lãnh đạo" của họ thì quả thật là cá nhân tôi phải… đầu hàng!

Khi đó, chừng giữa thập niên 1990s, các câu hỏi tôi đặt ra lại là:

- Liệu việc tổ chức và hoạt động của những đảng phái chính trị ở hải ngoại không quan trọng bằng chính những tiếng nói của lương tâm từ các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những vận động của họ đối với cộng đồng thế giới sẽ giúp Việt Nam hiệu quả hơn?

- Liệu những sức ép từ chính xã hội trong nước qua những tiếng nói, những phản đối, những tiếng kêu oan… của người dân, của những hội đoàn, những nhóm người khác nhau, hoàn toàn phi chính trị, lại là sức mạnh quan trọng nhất để thay đổi thể chế của Việt Nam, chứ không phải từ những tổ chức thuần chính trị?

- Liệu một tổ chức chính trị nào đó được xã hội ủng hộ và thành công thì chính tổ chức chính trị này lãnh đạo Việt Nam thời hậu CS sẽ xây dựng thành công một nền dân chủ đúng mức hay không? Hoặc họ sẽ phải bảo vệ vị thế lãnh đạo của họ vì họ đã chiến thắng, và từ đó xã hội mình lại phải tiếp tục khổ sở với một loại "dân chủ trá hình" khác? Điều gì bào đàm cho tương lai của cả 1 đất nước?

- Và liệu một giai đoạn chuyển tiếp vài năm của một liên minh lâm thời bởi những tổ chức, cá nhân, ngay cả hoàn toàn phi chính trị, để tạo dựng một guồng máy dân chủ cũng như tạo cho các đảng phái chính trị tiềm năng có thời gian và cơ hội chuẩn bị để tham gia ứng cử nhằm bảo đảm xã hội có một nền dân chủ thực tế, và nhằm tránh sự rủi ro của một loại dân chủ "giả hiệu" như một số nước đã trải vì 1 đảng phái chính trị tiếp nhận quyền lực cai trị đất nước từ đầu?

Với nhận thức này, càng ngày tôi càng thấy rõ hơn giá trị của những sự chuẩn bị cẩn thận và kỹ lưỡng của tự mỗi người dân, những người mà tự họ đánh giá là có tài năng và đạo đức, những sự chuẩn bị cần thiết của những tổ chức chính trị ở nước ngoài, và những sự chuẩn bị thật cho tìan của các nhóm trong nước có ý định xây dựng những tổ chức chính trị trong nước.

Và khi đó, tôi hiểu rõ là tại sao tôi lại buồn kéo dài đến gần 20 năm, và tới nay đã hơn 35 năm…

Buồn vì những tổ chức chính trị này rất thiếu chuẩn bị, rất thiếu trách nhiệm, nhưng luôn tự cho mình là có những sự chuẩn bị chu đáo, là vô cùng có trách nhiệm với xã hội, và nhất là luôn cho mình là những nhóm đại diện cho "lòng yêu nước", được "dânt ộc giao phó", được "tổ tiên ủng hộ"…

-----

Vậy đó, những nhận thức của tôi phát triển và thay đổi theo thời gian tôi học hỏi, tìm hiểu, suy gẫm, so sánh, đánh giá, và tự vấn mình từ khi mới 19 tuổi cho đến nay là như vậy.

Biết đâu, trong vài năm nữa tôi lại nhận thức thêm được những điều mới khác nữa để bổ sung hay thay đổi những gì tôi đang biết… vâng, biết đâu?


BLOG BÙI VĂN BỒNG

* TÔ VĂN TRƯỜNG

 Trước thực trạng giao thông "hỗn loạn" tai nạn kinh khủng của đất nước, mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 12 nghìn người (tương đương với quân số 1 sư đoàn) gây nên  thảm cảnh đau thương cho biết bao gia đình. Những người có trách nhiệm lại mới có "sáng kiến" đưa ra dự thảo để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua hàng chục tiêu chuẩn về sức khỏe, trong đó có tiêu chuẩn muốn cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 phân khối  trở lên (bằng lái A1,B1)  thì bộ ngực phải đảm bảo có số đo không dưới 72 cm...

Vậy, tai nạn tại 'bộ ngực' chứ không phải 'bộ chủ quản' hay 'bộ liên quan'!? Hóa ra, thơ Tố Hữu trong bài "Huế tháng Tám" lại vận vào đúng tháng Tám này:
" Ngực lép bốn nghìn năm
Trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên ..
Tim bỗng hóa mặt trời"

Những câu thơ hào sảng ấy  phải chăng chỉ ra cho Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải hiện thời có "cơ sở" luận giải  thì chính những bộ "ngực lép" đã có sức lay trời, chuyển đất làm nên những sự kỳ diệu cho đất nước. Mà ở đây, "ngực lép" cũng được hiểu theo đúng nghĩa đen, khi những người nông dân gày còm, ốm yếu vừa ôm ngực, vừa lao lên cướp súng giặc, diệt giặc cứu nước.

Ấy vậy, mà ngày nay một số hậu duệ  của những người "ngực lép" năm xưa lại không muốn cho những người "ngực lép" thời nay sử dụng một trong những vật dụng khiêm tốn của thời hiện đại là chiếc xe máy! Thế mới nên chuyện. Ngực lép hay phồng là do thực thể của mỗi người, dòng giống và điều kiện sống nữa. Những tầng lớp người dân nghèo khổ làm sao có bộ ngực nở nang để được quyền đi xe máy? 

Nhìn ra thế giới, người đẹp Hollywood Angelina Jolie đã hy sinh bộ ngực đẹp của mình để phòng chống bệnh ung thư, vậy mà cô nàng vẫn ung dung được phép  lái xe ở ngay nước Mỹ và ở nhiều nước khác. Cô đã có biện pháp 'dứt điểm' để phòng thủ và hạn chế tối đa khả năng tai nạn ung thư cho bản thân mình bằng cách chọn phương án 'ngực lép'.

Còn phương án ngăn cản người 'ngực lép' không được cầm lái liệu có tác dụng gì cho chúng ta giảm tai nạn giao thông ở nước ta hay không? Tai nạn giao thông xảy ra luôn luôn là tổng hợp rất nhiều các yếu tố không may xảy ra cùng một lúc, có các yếu tố bất ngờ và cả yếu tố phân tâm của lái xe,  yếu tố do chất lượng cầu đường, ánh sáng, độ thông thoáng, tình trạng tâm lý, và có không ít chi phối bất ngờ do may rủi…

Tai nạn giao thông ở nước ta vào hàng cao nhất trên thế giới, nhưng đã có những giải pháp gì để giảm bớt tai nạn? Trong quy hoạch giao thông, điều đặt ra đầu tiên là làm sao giúp cho người cầm lái được thuận tiện nhất, có tầm nhìn rộng nhất, có diện tích lòng đường để xoay sở tối đa, đạt được sự tập trung cao nhất ở các điểm nút, tiếng Anh dùng cụm từ rất dễ hiểu là "user-friendly". Còn nhìn cách của chúng ta thì rất sợ, vì hình như chúng ta không lấy an toàn của con người là trọng tâm của giao thông. Thấy rõ cách quy hoạch và thu xếp giao thông của chúng ta đang tiềm ẩn bao nhiêu hiểm hoạ, mà con người sử dụng giao thông dù có biết là nguy hiểm đó mà cũng khó tránh vì hạ tầng giao thông nó là như vậy rồi.

Ngành giao thông  nước ta bỏ ra bao nhiêu tiền để xây đường, khi công bố lưu thông, là đạt tốc độ 100 km/giờ thế nhưng tốc độ tối đa lưu thông thực tế vẫn chỉ cho 40 hay 50 km/giờ.

Ngực to,  ngực nhỏ quả là cách nghĩ khiên cưỡng của những người có trách nhiệm lập ra quy định.  Phải xây dựng quy tắc, quy định và luật trên cơ sở an toàn và lợi ích của con người. Trong việc cấp giấy phép lái xe không hề có việc giáo dục người lái xe quy tắc ứng xử trong giao thông, mà chỉ là những quy định đi đường máy móc và "não trạng có vấn đề" như vấn đề ngực to, ngực lép.

Quy tắc ứng xử trong giao thông có việc phải giao lưu bằng mắt với những đối tác (các xe khác đang giao thông)  để hiểu ý nhau để cùng nhau di chuyển an toàn. Quy tắc ứng xử cũng bao hàm việc phải có ý thức nhường nhịn nhau trên đường. Không phải cứ cầm lái là sẵn sàng vào trận 'tao phải, mày trái' mà là vì sự an toàn cho chính mình và cho những người khác. Rất hiếm khi thấy người cầm lái chạy chậm lại để cho người ta qua đường, hoặc cho xe khác rẽ phải, rẽ trái. Phổ biến là vọt lên như đe dọa khách bộ hành, và vọt lên để cắt cúp trong các lối rẽ, là hành vi 'ma lanh' chỉ vì mình, mà không hề có sự cân nhắc gì tới sự an toàn giao thông chung, trong đó có vấn đề an toàn cho chính họ.

Quy tắc ứng xử cũng phải có cả việc cấm tình trạng dùng còi để thể hiện 'ý chí' của người cầm lái. Việc dùng còi đã đến mức không thể nào chịu nổi, là đề tài cho khách du lịch tới ViệtNam tha hồ bình luận, là sự khác người 'ta chẳng giống ai' mà chưa có những biện pháp cơ bản để khắc phục. Gần đây, đã có những chiến dịch , những phong trào, huy động thanh niên tình nguyện giăng biểu ngữ 'xin' mọi người bớt còi, có cảnh sát phạt xe còi to trong thành phố, mang lại những tác động rất tốt. Nhưng phong trào đến rồi phong trào đi, sau một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Đáng lẽ việc dùng còi như thế nào cũng phải được cho vào thành một phần của việc cấp bằng lái.

Ô nhiễm tiếng ồn đã là một vấn đề được thế giới quan tâm, nhưng trong các quy tắc quy định và biện pháp thực thi của chúng ta không cho thấy chúng ta có giác ngộ vấn đề này. Ngay trong vấn đề đào tạo, huấn luyện để cấp phép cho người lái taxi cũng vô cùng khiếm khuyết, họ phải qua kỳ thi trả lời các câu hỏi về 'Mác Lê" (cho đúng phép áp dụng với cơ sở đào tạo),  ít được giáo dục về ứng xử như là một người cung cấp dịch vụ. Vì họ học lý thuyết như vẹt nên những điều quan trọng trong điều lệ giao thông cũng thành trò cười 'biết chết liền" tức là họ chẳng cần biết, miễn sao có cái bằng lái để xin được việc là xong. Đáng lẽ ra,  họ phải được giáo dục để thực sự là những 'đại sứ du lịch', vì hỏi có khách nào tới VN mà không dùng taxi? 

Nếu nhìn vào bức tranh giao thông của VN thì còn nhiều bức xúc lắm, nhưng thật khó tin thấy có ai giàu trí tưởng tượng đến mức coi vấn đề ngực to, ngực lép lại là bức xúc hàng đầu được quy định luật pháp phải ưu tiên quan tâm!!!

Thế hóa ra:
"Năm xưa ngực lép đã phồng
Mà nay nghèo khó nên không thấy gì
Hóa ra đất nước thịnh suy
Cứ nhìn bộ  ngực ắt thì biết ngay
Hóa ra tai nạn mỗi ngày
Chỉ do ngực lép làm tay lái quảng
Sinh ra quy định trái ngang
Cho anh bơm ngực giúp nàng lái xe"
He…He…!
TVT

---------------
(Bản gốc của tác giả gửi BVB)


BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Thứ ba, ngày 27 tháng tám năm 2013

Ngày bé tôi nghe các đàn anh kể những chuyện khốc liệt trong nhà tù. Những trận đòn, biện pháp hành hạ, tra tấn và khủng bố của các tù nhân với nhau. Thường là tù trách nhiệm ( một dạng tù chỉ huy do cán bộ trại giam chỉ định ) với các tù nhân khác, đôi khi là trực tiếp quản giáo tham gia cuộc đánh đập.

 Và những thủ đoạn tra tấn muôn vàn màu sắc như trói treo phơi nắng hè, ngâm mình dưới ao mùa đông. Đòn đánh vào hai bên mạng mỡ hoặc hai bên hông thắt lưng để om thận, đòn úp bàn tay vỗ vào tai cho chấn thương âm màng nhĩ. Kiểu ngồi bó gối dẫn đến tê liệt chân....

Những câu chuyên đó không phải ở thời kỳ nhà tù thực dân, mà thời mà cách mạng đã thành công, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vinh quang đời đời. Chuyện như thế xảy ra ở nhà tù Phong Quang, Quyết Tiến, Cổng Trời, Yên Hạ, Kế, Phú Sơn, Lam Sơn, Thanh Lâm, Thanh Cẩm, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Lập, Thanh Xuân, Văn Hòa, Kim Chi, Thủy Nguyên....những nhà tù mà sau này tôi đã đến, đã ở , đã đi qua tùy trong hoàn cảnh khác nhau.

Định mệnh dường như gắn tôi với nhà tù từ nhỏ, 4 tuổi bám áo mẹ đi thăm bố, 13 tuổi cùng anh đi thăm bố, lớn đi thăm bạn bè, anh chị em. Rồi nhiều lúc chính mình lại ở tù cho người khác thăm. Bạn bè tôi tù nhiều lắm, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở tận cùng của xã hội, chuyện nhà tù dính đến nhiều cũng là điều không có gì khó hiểu.

Thật kỳ lạ về trí nhớ của con người. Ký ức mà tôi nhớ được xa nhất lại là hình ảnh mẹ tôi làm bánh mỳ tẩm đường và dẫn tôi vào thăm bố ở nhà tù Hỏa Lò, lúc đó tôi mới tầm 4 tuổi. Chính vì ký ức này tôi còn nhớ được, nên khi con trai tôi mới 3 tuổi, tôi đã phải để ý kỹ sao cho cháu tránh được những điều không đáng thấy, hay không nên thấy. Năm con tôi 4 tuổi, tôi bị bắt vào tù vì điều 258. Ngày về con tôi nhảy lên bá cổ bố ngay từ cửa, cháu thốt rằng.

- Bố Hiếu đây , nhưng mùi không phải là mùi bố Hiếu.

Vâng, cái đó người tù gọi là mùi tù, mùi tù chỉ có người nào đi tù mới hiểu. Năm 2010 người đàn ông trí thức tôi gặp ở Berlinh tháo cặp kính trắng ra, lau mắt nghẹn ngào nói về mùi tù. Anh từng bị giam giữ 10 tháng tù ở Việt Nam vì những tư tưởng của mình. Ấn tượng về nhà tù còn đọng lại với cả những người đàn ông phong trần từng trải. Huống chi là đứa trẻ ngây thơ. Tôi vẫn kể cho con trai tôi nghe ở nhà tù bố được đối xử tốt, công an cũng tốt, họ nghi ngờ thì họ giữ bố để xem đúng bố phạm tội không, chẳng phải thì họ cho bố về. Cháu vui lắm, cháu kết luận rất hồn nhiên.

- Thế là công an bắt bố, thấy bố không có tội họ lại cho bố về với con. Công an làm thế cũng được.

Gần hai mươi năm trước đây, tôi từng chịu cảnh bị trói treo, đánh vào mạng mỡ, vào tai, bị cùm xích ròng rã 15 ngày, bị biệt giam...tôi mới nhận ra những điều mà các đàn anh đi trước kể cho tôi hồi nhỏ về những gì diễn ra trong nhà tù là sự thật.

Gần hai mươi năm sau, tôi bị bắt nhiều lần, ở gần như khắp mọi miền đất nước bởi những người an ninh. Lý do bắt thật bất công. Nhưng điều kiện bị giam giữ không có gì đáng phàn nàn, thái độ của người canh giữ cũng tốt.Nhưng thứ đó làm tôi cảm giác mọi thứ có một số điều đã tốt hơn.

 Tuy nhiên đó chỉ là những thời gian ngắn ngủi, và những người canh giữ là không phải là quản giáo chuyên nghiệp và nơi giam giữ chưa hẳn là trại tù thực sự. 


Hôm nay theo dõi câu chuyện về nữ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh. Tôi đọc lời kể của người thân cô, nhìn tấm hình cô chụp trước đến nay.

Tấm hình trước kia không son phấn, nhưng toát lên vẻ trẻ khỏe, sung mãn đầy sức sống. Tấm hình sau dù Đỗ Thị Minh Hạnh gắng trang điểm thế nào, cũng chẳng dấu nổi vẻ tiều tụy, ôm đau, đôi mắt và nét mặt gắng bình thản nhưng người tinh tế vẫn nhận ra những gì khốc liệt mà cô đã chịu đựng trong nhà tù.

Thương lắm những người tù nữ. Mỗi lần đi gặp người thân, họ mượn nhau bộ quần áo tươm tất, xin nhau chút son phấn, họ trang điểm cho nhau trước lúc gặp gia đình. Với mong muốn gia đình nhìn thấy mình không đau khổ , không tiều tụy. Dù ở hoàn cảnh như vậy họ vẫn có dấu đi những gì sẽ khiến người thân đau lòng, vẫn muốn an ủi người thân bằng cách che đậy đi những gì mình phải chịu đựng.

Khi trước ở trong tù, được làm phục vụ cho đội trưởng đội quản giáo. Nhiều lần đi qua song sắt khu giam nữ. Tôi phải dừng lại nghe những tiếng van xin.

- Hiếu ơi, chị bị thu gương lược rồi, Hiếu lấy lại giúp chị đi.
- Tù rồi cần gì đẹp hả chị, ai ngắm đâu, lấy bị phát hiện thì em toi.

Tôi định dợm bước đi, người tù nữ vọng ra tha thiết.

- Em ơi, làm đẹp để chồng mình nó gặp, nó thấy mình không xấu, nó còn chờ, còn đi tiếp tế cho mình em ơi.

Người khác nói với theo.

- Làm đẹp chút, cho mẹ mình nhìn không xót em à.

Cái câu của người tù nữ nói với theo, khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi  rình lấy chìa khóa kho của quản giáo để lấy gương, lược và cả nhíp sắt nhổ lông mày cho các chị. Thậm chí thấy giấy bút tôi còn tiện tay khua nốt để khuyến mại cho các chị luôn.

 Đằng sau những lớp phấn vụng về, nét son thô kệch là bao nhiêu nỗi đau muốn che dấu. Những chị em nào đọc được dòng này, nhìn cách trang điểm của Đỗ Thị Minh Hạnh, chắc hiểu được vì sao cô ấy trang điểm không được như xã hội, điều kiện nhà tù được như thế là một nỗ lực rất lớn. Và xót xa hơn nữa, chúng ta hiểu được vì sao cô ấy cố gắng điểm trang.

Hai mươi năm trước nữa là thời gian tù của những đàn anh kể cho tôi, rồi đến lượt tôi. Rồi hai mươi năm sau này nữa đến lượt Đỗ Thị Minh Hạnh. Cảnh trói treo, đánh mang tai, đánh mạng sườn ...vẫn còn diễn ra đằng sau những cánh cổng trại giam. Không tránh ai cả, từ tên tù ngỗ ngược xăm trổ đầy mình đến cô gái trong trắng vì niềm thương yêu đối với đất nước, niềm xót xa cho những thân phận người công nhân phải vào tù và chịu đựng cảnh hung tàn đó.

O ép từ miếng ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh, khủng bố tinh thần, đánh đập dã man một cô gái đang chịu án tù vốn dĩ đã đầy oan ức.

Chả lẽ sự tàn bạo trong nhà tù Việt Nam vẫn muôn năm như vậy . Chả lẽ những người quản giáo trại giam, đảng viên ĐCS cũng muốn sự bạo tàn này được duy trì mãi mãi như ước mơ của họ qua khẩu hiệu ĐCSVN quang vinh muôn năm.? Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm, chủ tịch HCM vĩ đại muôn năm.

Vậy để tôi cùng hô với các bạn.

Sự tàn bạo muôn năm.!


BLOG ĐÀO TUẤN

Dù rất cảm động trước sự cảm động của Bộ trưởng khi ông đọc những bức tâm thư lấm lem mồ hôi nước mắt của người trồng lúa. Nhưng nông dân chưa nhìn thấy "con gì cây gì", chưa thấy lối thoát trong câu trả lời của ông, thưa Bộ trưởng Phát

Hồi đầu tháng 8, một nông dân ở Long An gửi một bức tâm thư tới Bộ trưởng Cao Đức Phát với một câu hỏi, cũng là nỗi khắc khoải của nông dân cả nước: Xin Bộ trưởng hãy chỉ cho dân trồng cây gì và nuôi con gì.

24 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, người nông dân khốn khổ ở Long An chỉ học được một bài học là hạt lúa "chỉ giúp nhà nông không đói, chứ không làm họ hết nghèo". Bởi ngay khi nông dân đạt thành tựu 8 tấn/ha thì trong khi những người chồng thất thần cân lúa, những người vợ, giờ đã là "chị ba tám tấn" ngồi ghi sổ mà nước mắt tràn trụa. Càng được mùa càng rẻ. Càng nhiều tấn càng lỗ. Càng cấy nhiều càng nghèo.

Nhưng câu hỏi của người nông dân thực ra hoàn toàn không phải là cây gì, con gì, bởi nó đang đề cập đến vấn đề lớn nhất của cả nền nông nghiệp mà cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã dùng hai chữ "khuyết tật". Chính xác là một nền nông nghiệp khuyết tật khi "Sản xuất ra sản phẩm không biết bán cho ai, không biết thị trường của mình ở đâu". Và một nền nông nghiệp khuyết tật đến nỗi "khối im lặng khổng lồ" bỏ ruộng ở khắp nơi như một lời tố khổ thầm lặng.

Bởi thế, câu trả lời của Bộ trưởng Phát trong chương trình dân hỏi nhà nước trả lời được sự chờ đợi của nông dân, của những người quan tâm đến số phận của họ.

Và đây là tất cả những gì Bộ trưởng có thể nói, với một giọng nói buồn thảm và không có lấy một nụ cười:
"Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do thời gian gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp".

"Việt Nam vẫn duy trì quỹ đất lúa, tuy nhiên trên đất lúa bà con vẫn có thể chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ đang rà soát để quy hoạch lại cây trồng trên đất lúa, tùy theo tình hình của từng địa phương sẽ lựa chọn những cây trồng phù hợp". Cây ngô chẳng hạn.

Và, theo một đề án nào đó, thu nhập của nông hộ sẽ "tăng gấp 2,5 lần". Chỉ có điều, đó là điều xảy ra trong thì tương lai 2020, khi Bộ trưởng có lẽ đã về hưu, và thậm chí, lại rạch ròi chỉ ra những "khuyết tật" của nền nông nghiệp.

Thật buồn. Tư lệnh ngành nông nghiệp chỉ nhìn thấy sự mất cân đối đến khủng hoảng giữa đầu vào và đầu ra, điều mà bất cứ nông dân nào cũng nhìn thấy. Thế còn giá gạo "cuối bảng xếp hạng"? Thế còn lợi nhuận trung túi trùng trùng tầng lớp trung gian từ tư thương đến công thương? Thế còn con gì, cây gì, khi hạt ngô ở vương quốc Ngô Sơn La có những khi đỏ bầm màu máu.

Năm 2008, sau khi loạt điều tra của NTNN công bố con số chấn động "Một hạt thóc 40 khoản đóng góp", Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bãi bỏ hàng loạt khoản phí nhằm giảm gánh nặng cho người dân, trong đó có thủy lợi phí.

Năm 2013, số khoản phí, ngoài vô số các loại thuế, mà mỗi hạt thóc, củ khoai, con lợn, con gà phải gánh, là "từ 20-50" tùy từng địa phương, và trong đó có thủy lợi phí.

Liệu có ở đâu, có nền nông nghiệp nào mà một quả trứng, có khi phải chịu 3 lần phí kiểm dịch?!

Còn chuyển đổi vật nuôi cây trồng ư? Giải pháp đó nó cổ như những giai thoại từ cả chục năm nay xung quanh vẫn chỉ là chuyện "trồng cây gì, nuôi con gì".

Dù rất cảm động trước sự cảm động của Bộ trưởng khi ông đọc những bức tâm thư lấm lem mồ hôi nước mắt của người trồng lúa. Nhưng nông dân chưa nhìn thấy lối thoát, thậm chí, chưa nhìn thấy con gì cây gì trong câu trả lời của ông, thưa Bộ trưởng Phát.


BLOG NGUYỄN QUANG VINH

Báo chí mấy hôm nay đưa tin với thái độ phản ứng gay gắt lương của giám đốc công ty thoát nước đô thị tp Hồ Chí Minh( 2,6 tỉ đồng/ năm), lương của giám đốc công ty chiếu sáng công cộng tp Hồ Chí Minh ( 2,2 tỉ đồng/ năm) và nhiều mức lương khủng khác của các thành viên Hội đồng quản trị công ty Nhà nước này. Trong khi đó, công nhân lao động với cường độ làm việc cay cực, lương chỉ vài triệu bạc tháng. Đây như là điển hình cao độ về cái lũ quan lại " ngồi mát ăn bát vàng", bòn rút của công, đặc quyền đặc lợi...

Này chúng mày, ăn như vậy là ăn ngập miệng quá, ăn không thèm chùi mép, ăn không thèm giấu diếm, ăn trơ, ăn cướp, mà cướp công khai, ký nhận trong sổ đàng hoàng, cướp như thế gọi là cướp tởm.

Này chúng mày, chúng mày đã biến một công ty độc quyền của Nhà nước thành công ti đặc quyền chia chác của chúng mày, chia chác bằng tiền thuế của nhân dân, chia chác trên mồ hôi nước mắt của công nhân, chia như thế gọi là chia bẩn.

Này chúng mày, chúng mày ăn công khai mà như thế thì ăn vụng, ăn trộm, ăn bớt, ăn xén nó là bao nhiêu, chắc chắn là hơn nhiều nhỉ? Nhỉ? 

Chỉ cần nhìn vào cách chia lương, cướp tiền ngân sách như vậy đã đủ yếu tố để khởi tố một vụ án tham nhũng, chứng cứ sờ sờ ra thế còn ở đâu nữa, sao tới giờ, phát hiện ra rồi, thành phố Hồ Chí Minh còn không đình chỉ công tác các chức danh, còn không chỉ đạo khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền Nhà nước?

Còn chờ gì nữa?

Chúng mày ăn tiền dân như thế, ngập miệng ngập mồm, lòi má trợn mắt như thế thì hiển nhiên là nhà nước rót tiền mãi có khắc phục được tình trạng ngập lụt đâu, khắc phục sao được, khi hàng chục cái miệng vểu ra hớp tiền dân hàng ngày, hàng tháng, hàng năm như vậy.

Hả?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét