Nội lực và ngoại lực: Muốn đứng giữa, trung lập hữu hiệu thì phải có một số điều kiện tối thiểu: Ổn định xã hội nhờ được lòng dân, kinh tế thịnh vượng và phát triển bền vững, chính quyền tốt… Những yếu tố này kết thành nội lực của một nước, nó là nền tảng cho một chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ.
Muốn kiềm chế Bắc kinh, nhưng lại đàn áp nhân dân; muốn chống tham nhũng nhưng lại độc quyền và bịt miệng báo chí và nhân dân; muốn kinh tế phát triển, nhưng lại quyết giữ hệ thống kinh tế nhà nước chỉ biết tham nhũng nhưng không biết kinh doanh…Rõ ràng đây là những chủ trương và chính sách đầy mâu thuẫn và cực kì sai lầm.
Nếu chỉ hô hoán là VN sẽ theo đuổi chính sách 4-5 không trong đối ngoại như những người cầm đầu chế độ toàn trị vẫn rao bán; nhưng nếu anh không có tiền, không có hàng, không có dân hậu thuẫn, không có lãnh đạo tốt thì bắt buộc anh phải nhờ vả cầu xin bên ngoài. Những tuyên bố như vậy trở thành nói suông, đối thủ bên ngoài cười thầm, xoa tay sung sướng và tiếp tục lấn lướt qua mặt!
Mới giữa tháng 6 Trương Tấn Sang vừa được đón tiếp rất long trọng theo nghi lễ quốc khách ở Bắc kinh với 21 tiếng đại bác và đội quân danh dự dàn chào cùng chiêu đãi yến tiệc..; đến khi hội đàm cả Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang đều thề thốt tiếp tục đưa quan hệ „hợp tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước Việt-Trung. Cả Sang-Bình còn tung hô „16 chữ vàng" và „4 tốt". Nhưng chỉ vài tuần sau Trương Tấn Sang đã lật đật chạy sang Hoa kì, mặc dầu các nghi lễ tối thiểu dành cho một quốc khách không có. Cuộc hội đàm với TT Obama chỉ kéo dài trên một giờ (với nhiều đề đài khác nhau) nên kết quả chẳng việc nào ra việc nào. Những người quan sát nội tình CSVN đặt câu hỏi: Tại sao Bắc kinh „trân trọng" và nuông chiều như vậy lại không ở lại với Bắc kinh? Tại sao Trương Tấn Sang nói riêng và những người đang có quyền lực trong chế độ toàn trị đã phải quyết định vội vã cử Trương Tấn Sang sang Hoa kì?
Khoa học chính trị đã chứng minh rằng, chính sách đối ngoại chỉ là một sự kéo dài của chính sách đối nội. Nếu đối nội được lòng dân, giải quyết được các quyền lợi chính đáng của nhân dân (chính trị, kinh tế, an ninh, giáo dục, tôn giáo…) thì sẽ được bên ngoài trọng nể thực sự và sẵn sàng kết thân nhận làm đối tác và bè bạn.
Chính sách đối nội và đối ngoại ảnh hưởng hữu cơ mật thiết với nhau. Khi theo dõi chính sách đối nội và đối ngoại của một chính quyền người ta có thể thấy rõ mục tiêu và ý định của những người cầm quyền. Cho nên chuyến đi của Trương Tấn Sang thăm Mĩ vừa qua có thể thấy rất rõ tình hình nội bộ của nhóm cầm quyền, tình hình đất nước và lòng dân và từ đó hiểu được mưu kế về đối nội và đối ngoại của chế độ toàn trị CSVN.
Tình hình chế độ: Đang phải đối diện với những khó khăn nan giải
Chế độ toàn trị với đường lối kinh tế tư bản nhà nước độc quyền xuyên qua các tập đoàn và tổng công ti dưới quyền điều khiển của các đảng viên có thế lực đã dẫn tới hậu quả rất bất lợi cho nhân dân và nguy hiểm cho đất nước:1. Chế độ công an trị ngày càng phình to và càng bạo ngược với dân, coi dân như cỏ rác, khinh miệt chuyên viên và trí thức. Trong khi đó các cơ quan chính quyền từ chính phủ, công an, tòa án, kiểm sát.. hành động như những bọn Mafia .. 2. Nền kinh tế đang rơi vào phá sản với nợ công khủng khiếp, tăng trưởng giảm từ năm này sang năm khác, lạm phát luôn ở mức rất cao…3. Sự lệ thuộc kinh tế-thương mại của VN với Trung quốc ngày càng gia tăng, thâm hụt ngoại thương với Trung quốc đã lên tới 16 tỉ US Dollar, các nhà thầu Trung quốc ngày càng chiếm số lượng lớn và thâu tóm các công trình xây dựng cơ bản. Bắc kinh đang lợi dụng những lệ thuộc này để gia tăng những đòi hỏi và áp lực đưa ra những yêu sách bá quyền về hải đảo, tài nguyên và chủ quyền VN. 4. Tệ trạng tham nhũng đang bành trướng như „bày rươi" và những người có quyền lực đang lợi dụng quyền hành lập phe nhóm bòn rút công quĩ, tài sản của nhân dân như chính Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng phải xác nhận. 5. Tình hình này dẫn tới kèn cựa, phân hóa và kình chống nhau ngày càng mãnh liệt từ Bộ chính trị tới Trung ương đảng từ sau Đại hội 11 (2011) với cao điểm là các Hội nghị Trung ương 5,6,7, trong đó Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn bất lực trong việc đẩy Nguyễn Tấn Dũng khỏi chức Thủ tướng. 6. Thái độ cúi đầu với Bắc kinh, phá sản kinh tế, tranh giành địa vị tiền bạc và suy thoái đạo đức từ các Ủy viên Bộ chính trị tới các Ủy viên Trung ương khiến nội bộ chế độ bị khủng hoảng trầm trọng, đảng viên và nhân dân mất niềm tin đối với những người cầm đầu chế độ. Vì thế trong thời gian qua đã bung ra những cuộc biểu tình chống Trung quốc bành trướng, chống tịch thu đất đai trái phép, chống sửa đổi Hiến pháp giả vờ và chống sự bạo hành theo tính côn đồ của công an. Cùng lúc là hàng loạt Blogger dân chủ ra đời, thanh niên trao đổi thông tin và ý kiến trên mạng; các lời kêu gọi, kiến nghị, thông tin và bình luận làm át đảo và tê liệt cả bộ máy tuyên truyền vĩ đại của chế độ toàn trị! Các cuộc chống đối này đã và đang nổ ra tại những điểm nóng ở nhiều nơi, nhiều lãnh vực, với sự tham gia rất tích cực và nhiệt tình của nhiều thành phần nhân dân, đi đầu là thanh niên, trí thức và ngày càng có sự tham gia của nhiều đảng viên còn biết quí tự trọng.
Nói tóm lại, chính việc quay lưng với nhân dân, tiếp tục bám chặt vào những chủ trương và đường lối cực kì sai lầm, nên những người cầm đầu chế độ toàn trị đang ngày càng bị cô lập ở ngay trong nước và ngay trong Đảng. Lo lắng, hoang mang và quay sang nghi ngờ kình chống lẫn nhau là tâm trạng đang bao chùm những người có quyền lực nhưng đồng sàng dị mộng. Chính vì thế họ phải lặn lội cúi đầu đi nhờ vả bên ngoài!
Cách giải quyết của những người cầm đầu đồng sàng dị mộng
Đứng trước tình trạng dầu xôi lửa bỏng như vậy, thay vì thức tỉnh trở lại xây dựng nội lực, lấy nhân dân làm trọng, đoàn kết toàn dân, dân chủ hóa đất nước để đẩy lùi tham nhũng, phát triển kinh tế bền vững và chặn đứng các âm mưu bành trướng của bá quyền phương Bắc. Nhưng những người cầm đầu chế độ toàn trị đã không làm như vậy. TBT Nguyễn Phú Trọng đã cao ngạo và ngang ngược kết án thiện chí và yêu cầu chính đáng của nhiều giới là „suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" và ra lệnh cho các cấp phải thẳng tay đàn áp, hàng trăm thanh niên, nông dân, trí thức và Blogger đã bị giam giữ và kết án tù.
Tâm niệm của họ là, bằng mọi giá phải tiếp tục giữ độc quyền cho Đảng -ở đây hiểu là chỉ một vài người có quyền lực nhất- nên họ quay lưng với nhân dân và sẵn sàng tìm sự che chở của bá quyền phương Bắc. Chủ trương này được thể hiện qua chuyến thăm ra mắt của tân TBT Nguyễn Phú Trọng tại Bắc kinh 10.2011 và chuyến thăm ra mắt mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 6.2013. Nhóm cầm đầu Bắc kinh từ Hồ Cẩm Đào tới Tập Cận Bình đã giành những nghi thức ngoại giao rất long trọng cho Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, trong thực tế tại các cuộc hội đàm từ ông Trọng tới ông Sang đều phải chấp nhận những yêu sách ngang ngược của Bắc kinh. Đó là không cho VN mở rộng vấn đề tranh chấp biển Đông trở thành một đề tài quốc tế, nghĩa là tìm cách cản trở sự tham dự của các nước, đứng đầu là Hoa kì. Ngoài ra, trong cuộc hội đàm với Trương Tấn Sang, Tập Cận Bình còn đòi Hà nội phải mở rộng một khu vực lớn hơn ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ để Bắc kinh thăm dò và khai thác dầu khí. Không những thế, trái với thỏa thuận là không bên nào được làm xấu thêm tình hình, nhưng sau mỗi lần họp thượng đỉnh Bắc kinh lại đơn phương tiến hành các chính sách và hành động xâm lấn công khai trên biển Đông, từ sát nhập các quần đảo Hoàng sa, Trường sa vào quận hành chánh Tam sa, cho quân đồn trú, gần đây còn cho hải quân tập trận bắn đạn thật và tổ chức du lịch quốc tế ở hai quần đảo này. Giữa khi ấy Bắc kinh cho các tầu hải giám Trung quốc săn đuổi và bắn phá nhiều tầu thuyền của ngư dân VN đánh cá trên biển Đông ở gần Hoàng sa, mặc cho những ngôn ngữ đao to búa lớn của Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trong những cuộc thăm đảo Cát bà, Quảng ngãi và đảo Lý sơn gần đây. Những hành động xâm lấn ngang ngược này là một phần của chủ trương thực hiện „Giấc mơ vĩ đại của Trung quốc" do tân TBT Tập Cận Bình phát động! Trong đó Trung quốc là trung tâm và các nước chung quanh trở thành chư hầu như thời đế quốc của Đại Hán trước đây!
Hà Nội càng nhượng bộ thì Bắc kinh càng lấn tới! Nếu cúi đầu với Bắc kinh hơn nữa thì không biết sẽ ra sao cho tương lai chính trị của chính họ, thái độ hoang mang này đẩy mạnh thêm sự nghi kị và xâu xé lẫn nhau giữa những người cầm đầu CSVN. Nhưng họ cũng thấy được nguy cơ, nếu Bắc kinh tiếp tục lấn tới mà họ lại vẫn cúi đầu im lặng thì sự phẫn uất của nhân dân khó lường trước được, kể cả một bộ phận không nhỏ trong Đảng cũng sẽ không còn ngoan ngoãn im lặng! Ngoài ra, vẽ ra một giấc mơ kinh tế mới cũng có thể phá được lòng bi quan trong nhiều giới về tình hình phá sản kinh tế đen tối hiện nay. Cho nên nếu vào lúc nguy nan như hiện nay mà tạo được một kết nghĩa giả vờ với một thế lực lớn bên ngoài cũng có thể giúp họ ít nhất giải quyết những khó khoăn trước mắt trong lúc này; nó còn có khả năng vô hiệu hóa, làm trung hòa phong trào phản đối ngoài xã hội và trong Đảng. Trước tình hình „xẻ đàn tan nghé" nên sách lược mua thời gian với thủ đoạn „Bất biến, vạn biến" lại được họ triển khai. Khi gặp nan nguy thì giả vờ nhượng bộ, mua chuộc cả trong nước lẫn bên ngoài nhằm củng cố lại vị thế và sau đó sẽ quay lại đàn áp để bảo vệ chế độ toàn trị, bảo vệ lợi ích phe nhóm. Đây chính là mục tiêu trước sau như một của họ!
Chuyến đi Mĩ của Trương Tấn Sang: Thông cáo chung "Dạ – Nhưng"
Chính tính toán như vậy nên Trương Tấn Sang đã được cử vội vàng sang gặp TT Obama chỉ nội vài tuần sau cuộc gặp với Tập Cận Bình ở Bắc kinh. Đây tuy là chuyến thăm Hoa kì đầu tiên của tân Chủ tịch nước, nhưng Trương Tấn Sang đã phải chấp nhận từ bỏ những lễ nghi ngoại giao thường dành cho một quốc trưởng. Phải hiểu rõ vì lí do nào mà họ phải tử bỏ các nghi thức ngoại giao, như sự dàn chào của đội quân danh dự với quốc kì và quốc ca của hai nước, tới buổi chiêu đãi dành cho một quốc khách. Trong các trường hợp bình thường những người cầm đầu chế độ toàn trị rất coi trọng các nghi thức ngoại giao bề ngoài. Nay họ phải chấp nhận từ bỏ những nghi lễ này cốt có cuộc gặp với người đứng đầu siêu cường Hoa kì là có những lí do của nó. Bởi vì các mục tiêu chính của chuyến thăm là muốn dùng sức mạnh và uy tín của Hoa kì chặn bớt lại thái độ ngày càng ngang ngược của Bắc kinh. Điều này không có nghĩa là Hà nội sẽ rời bỏ hàng ngũ với Bắc kinh. Các mục tiêu quan trọng khác nữa là, đẩy mạnh cuộc đàm phán để VN tham gia vào „Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) và tìm cách xoa dịu cũng như đánh lạc hướng sự chống đối của thanh niên, trí thức và các đảng viên tiến bộ trong nước.
TT Obama và những người hoạch định chính sách ngoại giao của chính phủ Mĩ hiểu rõ những áp lực rất mãnh liệt của Bắc kinh đối với Hà nội, tình hình kinh tế tồi tệ của VN, nội tình chia rẽ kình chống lẫn nhau trong Bộ chính trị, cũng như những sự gia tăng vi phạm nhân quyền, đàn áp những người dân chủ …của chế độ toàn trị. Nhưng mặt khác, trong sách lược quay trục an ninh từ Âu châu chuyển sang Châu Á-Thái bình dương từ hai năm qua để đối phó kịp thời trước một Trung quốc đang trỗi dậy nhanh về kinh tế, nhưng đang có nhiều phiêu lưu trong chính trị và quân sự ở châu Á-Thái bình dương, do yếu tố địa lí chính trị nên VN đóng một vai trò rất quan trọng trong sách lược an ninh toàn cầu của Mĩ trong Thế kỉ 21. Vị trí của VN như một yết hầu có thể ngăn cản hữu hiệu sự bành trướng của Trung quốc, nhưng cũng có thể mở cửa tự do cho Trung quốc tiến xuống phía Nam làm chủ biển Đông và mở rộng uy thế và ảnh hưởng ra toàn châu Á-Thái bình dương. Điều này tùy thuộc rất nhiều ở thái độ và chính sách của chính quyền hiện nay ở VN.
Tuy nhiên Hoa kì và VN đang đứng trước nhiều trở ngại. Các tiêu chuẩn giá trị trái ngược nhau như trắng với đen trên hầu hết các lãnh vực giữa chế độ toàn trị ở VN với chế độ Dân chủ Đa nguyên ở Mĩ. Cuộc chiến tranh tàn khốc của Mĩ ở VN đã để lại những hậu quả bất lợi cho cả hai phía. Đối với Hoa kì, do nền tảng chính trị-văn hóa cởi mở, sẵn sàng hướng về tương tai và xây dựng một hợp tác chung cùng có lợi với thù cũ -như với các cựu thù Nhật, Đức….- Nhưng điều này khó chờ đợi ở một chế độ toàn trị ở VN hiện nay, ý thức hệ CS và tâm lí nghi ngờ là những bức tường ngăn cản sự gần lại thực sự với nhau giữa hai nước từ sau 1975.
Tuy nhiên Obama kì vọng trong hoàn cảnh đang bị Bắc kinh đe dọa, sự phá sản kinh tế và sự phân hóa trầm trọng trong nhóm cầm quyền có thể mở ra cơ hội để chế độ CSVN xét lại đường lối đối ngoại và đối nội. Mặt khác, chính phủ Mĩ hiểu rõ tiến trình lập một quyết định đối với những vấn đề quan trọng trong Trung ương đảng và Bộ chính trị CSVN thường rất nhiêu khê và kéo dài, đặc biệt hiện nay còn khó khăn hơn vì những tranh chấp gay gắt giữa những cột trụ triều đình đỏ. Trong khi đó từ nay cho tới cuối năm trong lịch trình làm việc Obama có cả một chuỗi các hội nghị thượng đỉnh với Asean, Apec và TPP để đi đến các quyết định thuận lợi cho việc phục dậy kinh tế của Mĩ và củng cố chiến lược quay trục sang Á châu-Thái bình dương được coi là hai cột trụ chính về chính sách đối ngoại trong nhiệm kì cuối của ông. Chính vì thế mặc dầu các cuộc đàn áp nhân quyền tiếp tục gia tăng ờ VN, nhưng Obama vẫn mời Trương Tấn Sang sang, một người được chính giới Mĩ coi như không quá tệ như ba nhân vật khác trong tứ trụ triều đình của CSVN.
Các dụng tâm và ý muốn của cả hai bên như đã trình bày ở trên đều được ghi trong Thông cáo chung 9 điểm ngày 25.7 sau cuộc hội đàm trên một giờ giữa Sang-Obama, bao gồm: Hợp tác chính trị và ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại, hợp tác khoa học và công nghệ, hợp tác giáo dục, môi trường và Y tế, các vấn đề hậu quả chiến tranh, quốc phòng và An ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, du lịch và thể thao.
Ngay trong phần mở đầu hai bên cho biết từ nay „quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ". Ngay cả việc chọn cụm từ „Đối tác toàn diện" thay cho „Chiến lược toàn diện" đã cho thấy cả hai bên vừa nói „dạ" vừa nói „nhưng" để tránh cho Obama những khó khăn nội bộ với lưỡng viện và dư luận Mĩ và tránh cho những người cầm đầu CSVN trước những chỉ trích của Bắc kinh và nghi ngại của thành phần bảo thủ trong Đảng. Như đã nói ở phần đầu, hai lãnh vực được cả hai bên quan tâm nhất đã được ưu tiên đưa lên đầu trong Thông cáo chung là "hợp tác chính trị và ngoại giao" và "quan hệ kinh tế và thương mại". Nhưng ở đây thái độ „dạ – nhưng" của hai bên cũng thể hiện rất rõ. Trong điểm đầu nói về „hợp tác chính trị và ngoại giao" tuy nói rất rõ là hai bên „ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả." Tuy ở đây rõ ràng muốn cảnh cáo chính sách xâm lấn và bành trướng của Trung quốc nhưng không một lần nêu tên Trung quốc.
Tiếp đến là „Quan hệ kinh tế và thương mại", một lãnh vực cũng được Hà nội coi là một trọng tâm trong chuyến đi của Trương Tấn Sang. Thông cáo chung viết:
"Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm nay"
Tuy „cam kết hoàn tất đàm phán" về TPP, nhưng việc hoàn tất „vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm nay". Từ „có thể" này phải hiểu là có thể như vậy, nhưng cũng có thể hiểu là còn lâu và không biết chừng nào, hoặc thậm chí cuối cùng không thỏa thuận được với nhau! Vì đối với Obama, việc để VN tham gia TPP còn tùy thuộc vào lưỡng viện và dư luận Hoa kì, trong đó cộng đồng người Việt tại Mĩ đóng vai trò rất quan trọng; còn phía VN liệu có dám chấp nhận những tiêu chuẩn cao qui định trong TPP hay không, trong đó có những điều khoản đòi thông thoáng, tự do trong kinh tế, đầu tư, lao động, kể cả nhân quyền.
Vì vấn đề nhân quyền phía CSVN không thích nghe, không thích nói tới nên đã bị xếp vào phần áp chót của Thông cáo chung „Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người". Về điểm này thái độ „dạ-nhưng" lại càng thể hiện rất rõ:
„Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người." Nhưng xác nhận sự khác biệt quan điểm rất lớn giữa hai bên „ghi nhận lợi ích của việc đối thoại thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về quyền con người."
Nghĩa là phía Hà nội hứa sẽ thảo luận tiếp, nhưng không có nghĩa là sẽ đi đến thỏa thuận mà chỉ có ý đồ là mua thời gian, câu giờ câu giấy. Đó vẫn là thủ đoạn của Hà nội từ bao nhiêu năm nay!
Thái độ của „anh Tư" qua các chuyện bên lề trong chuyến thăm Hoa kì
Sau cuộc hội đàm, Obama-Sang đã có cuộc tiếp xúc ngắn với báo chí tại tòa Bạch ốc, trọng tâm là nhắc lại các điểm hai bên đã thảo luận. Đáng chú ý về phần phát biểu của Trương Tấn Sang, khi nói về vấn đề nhân quyền và cộng đồng người Việt tại Mĩ. Trong khi ông Sang chỉ nói đến nhân quyền trong một câu ngắn, „…kể cả quyền con người mà trong đó ý kiến hai nước chúng ta còn có những ý kiến khác biệt" thì ông Sang đã có chủ ý nói lâu và rõ về cộng đồng người Việt ở Mĩ. Đây chính là cách tránh né đề tài gai góc về nhân quyền. Nhưng nội dung và thái độ của ông Sang trong việc trình bày về Cộng đồng người Việt ở Mĩ cho thấy một con người tráo trở, đạo đức giả của người người cầm đầu nhà nước chế độ toàn trị:
„Bày tỏ lòng cám ơn chân thành của chúng tôi về sự chăm sóc hết sức chu đáo của chính phủ Hoa kì trong suốt quá trình mấy chục năm đối với bà con VN sinh sống và làm việc và bây giờ là người Mĩ gốc Việt trên đất nước Hoa kì. Chúng tôi thành thực cám ơn TT cũng như chính phủ Hoa kì và Ngoại trưởng Hoa kì () đã giúp đỡ rất nhiều … đồng bào của chúng tôi là những người Việt gốc Mĩ làm ăn ở Hoa kì hết sức thành đạt, kể cả hoạt động chính trị.
Tôi, nhân dịp này cũng bày tỏ một sự mong muốn của chính phủ VN rằng, bà con người Việt đang sinh sống và làm việc tại Hoa kì sẽ là một nhịp cầu vững chắc nối liền cầu hữu nghị của nhân dân hai nước và sự phát triển mạnh mẽ của hai nước VN-Hoa kì trong thời gian tới"
Đối với Cộng đồng VN ở Mĩ ông Sang không có quyền và không có tư cách đóng vai cha chú như vậy được. Đây là một sự chủ ý đóng nhầm vai trò và thái độ trâng tráo biến đen thành trắng của Trương Tấn Sang. Sử dụng cách tuyên bố như trên, ông Sang làm như là chính quyền CSVN đã có công đưa hàng triệu người Việt sang Mĩ! Nếu biết tự trọng và có tấm lòng muốn hòa giải thực sự thì trong dịp quan trọng và rất thích hợp này Trương Tấn Sang trong tư cách Chủ tịch nước phải xin lỗi hàng triệu thuyền nhân VN ở Mĩ nói riêng, và ở nhiều nơi khác đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do và đã phải chịu đựng những mất mát rất lớn, kể cả thân nhân và tài sản. Ông Sang cũng không dám nói một sự thực là, sự thành công của nhiều người Việt ở Mĩ cả trong làm ăn lẫn sinh hoạt chính trị đã chứng minh rằng, nếu sống trong những xã hội dân chủ văn minh thì người Việt đều có thể thành công trong các lãnh vực do sự chăm chỉ và thông minh của họ. Nhưng rất tiếc ngay tại VN việc này đã không diễn ra, ngay cả lúc Trương Tấn Sang đang làm Chủ tịch nước, vì các quyền tự do dân chủ trong hoạt động kinh tế, chính trị bị ngăn cấm và bị đàn áp!
Trong buổi thuyết trình tại Viện Nghiên cứu Chính sách và các vấn đề Quốc tế (CSIS) chiều 25.7 tuy Trương Tấn Sang có thì giờ, nhưng cũng chỉ lập lại thái độ cha chú và xuyên tạc đối với kiều bào VN tại Mĩ. Người cầm đầu đã tự làm mất tư cách như vậy thì không đáng ngạc nhiên khi Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn và tháp tùng Trương Tấn Sang đi Mĩ đã đưa ra những ngôn ngữ rất phản động, khi hàm hồ () bảo những người biểu tình phản đối Trương Tấn Sang trước tòa Bạch ốc ngày 25.7 là „chỉ vì đồng tiền"," chỉ vì có một chút thu nhập thêm". Biểu tình phản đối hay ủng hộ là một quyền tự do căn bản của công dân trong một xã hội Dân chủ Đa nguyên, chứ không bị cấm đoán, chụp mũ và bị tù tội như ở chế độ toàn trị VN!
Một ghi nhận khác đáng lưu ý, khi thuyết trình tại Viện Nghiên cứu Chính sách và các vấn đề Quốc tế (CSIS) chiều 25.7 ông Sang tuy không trực tiếp nói đến Trung quốc, nhưng trong phần trả lời ông Sang đã dám chỉ trích thẳng chủ trương đường „lưỡi bò" của Bắc kinh chiếm tới 80% biển Đông: "Chúng tôi không thấy có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố [chủ quyền của Trung Quốc] và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối kế hoạch đường chín đoạn của Trung Quốc".
Thái độ thẳng thắn này của ông Sang hoàn toàn trái với thái độ vòng vo tránh né của Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc thuyết trình tại „Đối thoại Shangri-La 2013" ngày 31.5 ở Singapore. Khi ấy ông Dũng không dám chỉ trích đích danh Trung quốc mà chỉ nói „đâu đó." Tiếp theo đó cũng trong phần trả lời ông Sang đã đồng ý với việc Phi luật tân kiện Trung quốc tại Tòa án Quốc tế: "Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Philippines có quyền thực hiện các việc tố tụng của mình." Nhưng cũng tại „Đối thoại Shangri-La 2013" khi trả lời cũng về câu hỏi này Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ngại ngùng phải viện dẫn để „tiết kiệm thời giờ" nên xin „không nhắc lại" rồi yêu cầu nên xem lại Thông cáo của bộ Ngoại giao VN về việc này. Nhưng Thông báo này cũng ấp úng chẳng nói gì rõ ràng cả.
Qua đó cho thấy „anh Tư" đã chọn đúng dịp để đá „anh Ba" đã được „anh Tư" ưu ái đặt tên vừa nhạo báng vừa khinh miệt là „Đồng chí X". Có phải vì cách chọc giận mới này nên ngày 29.7 Nguyễn Tấn Dũng đã không có mặt trong buổi lễ với sự hiện diện của Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng đã trao „Huy hiệu 75 tuổi Đảng" cho cựu Chủ tịch nước và nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh tại bộ Quốc phòng? Trong khi đó Nguyễn Tấn Dũng trước đó đã thân hành tới gặp riêng và chúc mừng tướng Anh.
Những ý đồ tiếp theo sắp tới
Chuyến đi thăm Hoa kì đầu tiên cùa Trương Tấn Sang với tư cách Chủ tịch nước nhưng chỉ đạt kết quả nửa nạc nửa mỡ, theo thái độ „dạ – nhưng". Điều này phản ảnh rất rõ nội tình của nhóm cầm đầu và tình hình vô cùng bất ổn của toàn hệ thống chế độ cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Chính vì thế Trương Tấn Sang đã không đạt được một kết quả rõ ràng, mặc dù đã phải từ bỏ các nghi lễ dành cho một quốc khách. Từ đó có thể rút ra một số kết luận về những ý đồ của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị trong thời gian tới:
1. Họ sẽ không dám tách khỏi ràng buộc với Bắc kinh và vì thế VN không thể thoát khỏi sự áp lực ngày càng đe dọa. Bắc kinh sẽ tiếp tục dùng các chìa khóa nắm trong tay từ chính trị, quân sự, mật vụ, kinh tế, thương mại…để can thiệp trực tiếp và sắt đá hơn nữa với nhóm cầm đầu CSVN. Cụ thể là trong khi Trương Tấn Sang đang thăm Mĩ thì ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo trung ương và Chủ tịch Hội đồng Lí luận trung ương Đinh Thế Huynh, cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng, đã cầm đầu phái đoàn CSVN sang Bắc kinh dự „Hội thảo khoa học" kì thứ 9 với chủ đề "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới – Kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam" Và trong các ngày tới tân bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị Sẽ có mặt ở Hà Nội.
2. Chính sách đàn áp nhân dân, theo dõi và giam giữ các người dân chủ -đi đầu là thanh niên, trí thức- sẽ tiếp tục được tăng cường. Các biện pháp bóp miệng đảng viên, bẻ cong ngòi bút các báo, đài lề Đảng cũng được đẩy mạnh. Vì thế bộ máy công an mật vụ đang được tăng cường. Các dấu hiệu mới nhất đã chứng minh mưu đồ này: Chỉ một ngày trước khi đi Mĩ chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã lần lượt phong hàm sĩ quan cao cấp cho nhiều sĩ quan công an trung thành với chế độ. Trong số này có Giám đốc Công an Hải phòng Đỗ Hữu Ca, người đã từng chỉ huy đánh phá nhà cửa của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng/Hải phòng và Thượng tướng Phạm Quí Ngọ, Thứ trưởng Công can. Chính ông này cũng từng thề thốt „không có chuyện vụ Tiên lãng chìm xuồng". Nhưng ngày 30.7 tòa án đã y án những bản án khắt khe và bất công với anh em ông Đoàn Văn Vươn. Mặc dầu mới hơn một năm trước, do sự phẫn uất của nhiều giới, kể cả nhiều cán bộ cấp cao, buộc lòng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng kết án các việc làm trái pháp luật của Thành ủy và Công an Hải phòng, đồng thời hứa cuội là sẽ xét xử công minh vụ Tiên lãng/ Hải phòng.
Mới đây Nguyễn Tấn Dũng đã kí Nghị định Nghị định số 87/2013/NĐ-CP dành ưu đãi tối đa cho con cái và gia đình các công an, như miễn học phí, miễn viện phí, trợ cấp chuyển nhà… Dù Nghị định này rất bất công với mọi giới, kể cả quân đội và công nhân, nhưng nó nhằm mục đích mua chuộc để có một sự trung thành tuyệt đối của bộ máy công an mật vụ theo tiêu chí „còn Đảng còn mình". Vì các hành động côn đồ và đàn áp nên công an bị nhân dân thù ghét khinh bỉ, nhưng nhóm cầm đầu chế độ toàn trị lại tăng cường lực lượng này và nuông chiều, ưu đãi. Điều này cho thấy rất rõ lòng dân ý đảng đang chống lại nhau!
Nguyễn Tấn Dũng còn vừa kí Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7 nhưng mãi ngày 31.7 mới công bố, tức sau khi Trương Tấn Sang từ Mĩ về. Nghị định cấm „các trang cá nhân trên Facebook không được tổng hợp thông tin". Quyết định này nhằm ngăn cản các hoạt động thông tin và liên lạc trên mạng điện tử của nhiều giới, nhất là thanh niên, đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy sự lo lắng rất lớn của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị trước cuộc vận động cho dân chủ, nhân quyền và chống sự cúi đầu trước Bắc kinh, vì thế họ phải tìm mọi cách bịt miệng, bịt mắt và sự liên kết của các thanh niên và trí thức.
3. Nói tóm lại, các quyết định đối nội và đối ngoại của một số nhân vật có quyền lực theo đuổi mục tiêu rất rõ ràng là cố thủ bảo vệ chế độ toàn trị, để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi cho phe nhóm mình. Vì thế tùy theo tình hình và thời gian họ sẽ ban hành những công tác thích hợp nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của chế độ toàn trị, trong đó từ mua chuộc, vuốt ve, đe dọa tới cả tù đày. Họ sẵn sàng thực hiện những thủ đoạn phản động và tàn ác miễn là đạt mục tiêu!
Chỉ tính trong vài năm gần đây đã có một loạt các hành động bất kể tới đạo đức, lương tâm và danh dự đã được những người cầm đầu chế độ toàn trị công khai và ngấm ngầm triển khai trong chính sách đối nội và đối ngoại: Mới đầu thập niên trước đây, để phá vỡ việc Hoa kì xếp VN vào danh sách các nước cần phải theo dõi đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo đồng thời trở thành hội viên của WTO, nhóm cầm đầu CSVN khi ấy đã tung ra một số hỏa mù chính trị để lung lạc dư luận quốc tế và mua chuộc cùng phân hóa những người dân chủ trong nước và các cộng đồng VN ở nước ngoài qua: Nghị quyết 36 (2004) về chính sách với Kiều bào là con đẻ của Hội nghị Trung ương 7 (khóa 9) với chủ đề „đoàn kết dân tộc" và „tự do tôn giáo" nhằm vận động và dành ưu ái cho một số nhân vật trong cộng đồng nhẹ dạ về thăm và thậm chí hứa cho „tự do hoạt động" ở VN. Như cho cố Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, cố nhạc sĩ Phạm Duy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tự do ra vào VN và còn được chào đón rất niềm nở. Nhưng sau khi được Hoa kì rút khỏi danh sách các nước cần phải theo dõi đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo và trở thành hội viên của WTO thì họ quay lại đàn áp những người dân chủ và cô lập tôn giáo, thậm chí cấm cả Thiền sư Nhất Hạnh về VN. Từ đó đến nay việc đàn áp nhân quyền càng gia tăng rất trắng trợn!
Các thủ đoạn này nay đang được vài người cầm đầu chế đố toàn trị cho tái diễn:
Đối với nhân dân VN, thủ đoạn tung hỏa mù chính trị để mua thời gian, xoa dịu và chia rẽ, đồng thời tiếp tục bàn tay sắt cũng đang được thi thố. Cụ thể nhất là chuyến đi Hoa kì của Trương Tấn Sang, một người được coi là không quá tệ trong tứ trụ triều đình để đi điều đình với Hoa kì, một xã hội Dân chủ Đa nguyên, là nhắm để làm an lòng và nuôi hi vọng ở một số người. Nhưng thủ đoạn này nhiều người đã thấy rất rõ: Không chỉ những lời tuyên bố xấc láo của Trương Tấn Sang và Nguyễn Thanh Sơn đối với kiều bào VN ở Mĩ, mà cả với các nông dân khiếu kiện, thanh niên và trí thức biểu tình chống Bắc kinh xâm lấn và chống tham nhũng.
Nhiều giới đã ý thức rõ ràng rằng, không thể ngây thơ tin vào lời hứa cuội hay lòng tử tế của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị, ngay cả Trương Tấn Sang, một nhân vật nhiều lần đã tuyên bố rất nẩy lửa về chống tham nhũng, chống nhóm lợi ích và chỉ trích Bắc kinh. Nhưng từ khi Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước ông đã nhận được cả hàng chục kiến nghị và thư công khai, yêu cầu ông hãy chứng minh lời nói bằng hành động, bằng cách trả tự do cho các thanh niên Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Blogger Điếu Cày, LS Cù Huy Hà Vũ, LS Lê Quốc Quân…Nhưng tới nay, những kêu gọi khẩn thiết và chính đáng này rơi vào im lặng, những kiến nghị và thư của những người dân chủ bị vất vào sọt rác! Trong khi đó nhiều nhà văn và Blogger tên tuổi khác lại vừa bị bắt, như các Blogger Trương Duy Nhất, Đinh Nhật Uy và nhà văn Phạm Viết Đào,… Nay ông Sang còn được cả „bầy sâu" lẫn nhóm cực kì bảo thủ cử làm đại diện thăm Hoa kì để rửa mặt cho họ và hứa cuội với Obama!
Nhân dân không còn cả tin, không còn ngờ nghệch, đất có tai, trời có mắt. Vì thế, đây chính là lúc những người có ý thức, niềm tin và can đảm từ nông dân, công nhân, thanh niên, nhà báo, trí thức, đại diện các tôn giáo, kể cả những đảng viên còn biết quí tự trọng hãy cùng nhau nhập cuộc bảo vệ các quyền chính đáng cho chính mình và dân tộc mình.
TS Nguyễn Quang A, Cựu Viện trưởng Viện Phản biện Chính sách độc lập (ISDS –đã bị Nguyễn Tấn Dũng ép phải ngưng hoạt động), một nhân sĩ rất có uy tín ở trong và ngoài nước, nhân chuyến thăm Hoa kì của Trương Tấn Sang đã thành tâm kêu gọi, nên sớm lập „một Ủy ban Bảo vệ Người bị giam giữ cần được thành lập với thành viên tới từ các tổ chức độc lập nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của những ai bị câu lưu, tù đầy." Ông nêu rõ quan điểm và lập trường rất chính đáng, đang được sự chia xẻ của nhiều người dân chủ ở trong nước cũng như các Cộng đồng VN ở nước ngoài:
„Về mặt Nhân quyền ở VN, bản thân người VN ở trong nước phải đấu tranh cho cái quyền của mình là chính và tất nhiên cũng mong đợi sự thúc ép của bên ngoài…. Nhưng cuối cũng vẫn phải ở trong nước là chính, người dân hiểu được quyền của mình, người dân biết được cái quyền của mình và lên tiếng đấu tranh đòi hỏi nhà nước phải thay đổi luật pháp, nhà nước phải thực hiện bảo đảm những quyền chính đáng của mình. Đấy mới là cái quan trọng nhất, chứ không phải là chờ, nhờ vào người khác họ đưa lại cho mình những quyền ấy. Những quyền ấy không ai cho không cả, những quyền ấy phải giành lấy chứ không thể chờ đợi để nhờ ai ban phát cho được.
4.8.13
© Âu Dương Thệ
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét