Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Huỳnh Ngọc Chênh : ĐẢNG CỦA NHỮNG NGƯỜI BỎ ĐẢNG

Nguồn huynhngocchenh


Ông Lê Hiếu Đằng trong lần tham gia biểu tình với các bạn trẻ

Đảng bịnh nặng lắm rồi. Hai vị đứng đầu của đảng là bác Tư Sang và bác Trọng Lú đã công khai công nhận điều đó. Nhiều bịnh lắm nhưng bịnh có tính quyết định cho sự sống còn của đảng là bịnh tham nhũng. Ở đây xin đi lạc đề để bàn chữ "lú" một tí chứ có người chưa biết chuyện lại hiểu nhầm ý tốt của tôi. Gắn chữ lú vào bên cạnh tên bác Trọng, theo như bài báo chính thức trên lề đảng là tỏ ý ca tụng bác là người cực kỳ trong sạch chứ không phải chê bai bác là lú lẫn. Theo bài báo ấy vì bác quá sức trong sạch, trong sạch một cách kỳ lạ, dân gian không còn từ gì để ngợi ca nên phải sáng tạo ra từ mới là "lú" để dùng. Lú nầy đồng âm với lú kia nhưng dị nghĩa.
Qua đó thấy rằng bác Trọng rất rất trong sạch. Bác Tư cũng được xem là trong sạch. Hai bác đều trong sạch nên rất mạnh khỏe. Mạnh khỏe nên chưa nhuốm bịnh dù đang sống trong một môi trường rất bịnh. Do vậy không còn ai xứng đáng hơn hai bác ấy trong việc đứng lên phất cao ngọn cờ chống bịnh, đặc biệt là bịnh tham, là căn bịnh trầm kha đang đến hồi phát tác khủng khiếp.
Hai bác ấy rất có tâm, có lòng với đảng, rất nhiệt tình lo chữa trị cho đảng nhưng khổ nỗi hai bác ấy lại dùng các phương thuốc quá cũ để chữa trị. Cái bịnh tham bây giờ nó biện chứng phát triển đến mức siêu việt theo sự phát triển của thời đại rồi. Mỗi lần nó ăn là ăn đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Và cách ăn của nó cũng rất ...công khai minh bạch. Ăn qua chính sách, ăn qua cách ra nghị định và thông tư, ăn qua dự án, ăn qua nhóm lợi ích, ăn qua các công ty sân sau, ăn qua các ngân hang, ăn qua đấu thầu công khai…nghĩa là có muôn trùng cách ăn và ăn rất dễ dàng là nhờ vào chính cơ chế vận hành để sinh tồn của đảng.
Vậy mà hai bác trong sạch lại dung liều thuốc phê và tự phê, là cái bài thuốc của ông lang Mao du nhập vào VN cách đây hơn nửa thế kỷ chỉ dùng để bôi ngoài da cho các vết lở gây ra bởi bệnh tham lúc còn sơ khai cho đỡ ngứa tạm thời chứ không dứt được căn nguyên. Ngay với cái bệnh tham thời sơ khai chỉ ăn vài cân thóc, vài lạng thịt, vài tờ tem phiếu thì liều thuốc ấy cũng không chữa dứt được, huống chi là chữa cái bịnh tham đã tiến hóa lên đến mức siêu việt như ngày nay cùng những biến chứng tinh vi của nó.
Để chữa bịnh tham, thế giới đã có bài thuốc mà hầu hết quốc gia tiên tiến đang sử dụng rất hiệu nghiệm. Một nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, một xã hội dân sự, một nền kinh tế thị trường minh bạch là thang thuốc cực tốt để đẩy lùi bịnh tham.
Thật ra bác Lê Hiếu Đằng không phải là một thang thuốc, nhưng những bước đi của bác đang cùng mọi người góp phần đấu tranh cho sự hình thành một thang thuốc hiện đại để chữa bịnh cho cả quốc gia.

Từ lâu, nhiều đảng viên đã nhìn thấy căn bịnh của đảng đang phát tác và lây lan khắp nơi nên tự cứu mình bằng cách bỏ đảng chạy ra ngoài. Số lượng đảng viên bỏ đảng chưa có thống kê chính thức, nhưng tính từ năm 75  nghe đồn cứ lai rai gộp lai đến bây giờ cũng ra một con số không nhỏ. Hiện nay theo như bác Đằng nói thì có khá nhiều người đang muốn ra và dường như họ muốn rủ rê nhau cùng công khai tuyên bố ra một lúc vào một ngày đẹp trời nào đó.
Hai ông Huỳnh Nhật Tấn và Huỳnh Nhật Hải là hai đảng viên bỏ đảng rất sớm

Ra rồi thì có thể cứu được bản thân mình. Nhưng còn đảng và dân chúng thì sao. Căn bịnh của đảng không chỉ lây lan trong đảng mà còn di căn ra ngoài xã hội. Xã hội hiện nay cũng bịnh quá rồi. Đâm, chém, cướp, hiếp, lừa đảo, mại dâm, ma túy... tràn lan khắp nơi. Các bác ra khỏi đảng nhưng còn thấy mình có trách nhiệm với đảng và quan trọng là với xã hội và đất nước. Phải chăng vì vậy mà các bác ấy muốn làm cái gì đó để cứu đảng, cứu nước, cứu dân?

Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những năm cuối cùng của chế độ cộng sản Xô Viết, một nhà văn nào đó của Liên Xô dấy lên chuyện lập đảng cho những người không đảng. Tôi không còn nhớ rõ, đại khái ông nói rằng đất nước Xô Viết với hơn 400 triệu dân mà chỉ có một đảng dành riêng cho 20 triệu đảng viên vì vậy nên có một đảng dành cho những người không đảng còn lại để nhằm vào mục tiêu cứu nước Liên Xô vĩ đại. Nhưng đảng ấy chưa kịp lập ra thì chế độ Xô Viết đã ngã ra đột tử vì bịnh đã quá nặng, hết phương cứu chữa.

Bây giờ thì bác Đằng và bác Nhuận hô hào lập đảng từ những người bỏ đảng. Khi chuyện nầy nổ ra đã tạo nên những phản ứng đa chiều trong dư luận.
Ủng hộ, công kích, nghi ngờ…thôi thì đủ kiểu suy diễn. Có vài chiều ý kiến từ chính những người đã bỏ đảng hoặc chuẩn bị bỏ đảng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo một luồng ý kiến thì thời cơ chưa chín mùi để ra đời một cái đảng như vậy (nhưng không biết khi nào thì chin mùi?). Một luồng ý kiến khác thì cho rằng liệu pháp của hai bác Đằng- Nhuận là quá sốc đối với một cơ thể đã quá già nua và đang bịnh nặng. Gộp từ hai luồng ý kiến đó đã phát sinh ra một luồng ý kiến nữa là nên chăng đưa ra một liệu pháp ít sốc hơn là thay vì lập đảng thì lập một phong trào rộng rãi gì đó để vận động nhiều người tham gia để cùng nhau cứu nước, cứu dân.

Theo Hiến Pháp thì mọi công dân đều có quyền tự do lập đảng, lập hội, lập nhóm. Tuy nhiên từ sau năm 75 đến nay chỉ thấy hai đảng chính trị hợp pháp là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội bị giải tán chứ chưa thấy một tổ chức chính trị nào có đường lối độc lập với đường lối của đảng CSVN được ra đời hợp pháp. Nhiều tổ chức nhen nhóm ra đời đã nhanh chóng bị dập tắt. Từ đảng Dân Chủ phục hoạt của cụ Hoàng Minh Chính đến nhóm 8406... thậm chí đến một câu lạc bộ ngành nghề như câu lạc bộ Báo chí Tự do cũng không thể nào được phép hoạt động và những người khởi xướng là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn đều đang bị nằm tù như mọi người đã biết.
Từ đó dư luận không tin rằng tổ chức chính trị mà hai bác Đằng- Nhuận hô hào khởi xướng sẽ ra đời được.
Tuy nhiên cũng có một luồng dư luận nhỏ hơn cho rằng, tình hình đang càng ngày càng thuận lợi, có vài tín hiệu cho thấy đã đến lúc phải tỏ ra cởi mở và thay đổi. Miến Điện đã làm được và không gây ra xáo trộn gì, sự xuất hiện của phe đối lập không những không làm cho phe cầm quyền ngã lăn ra đột tử mà còn làm cho họ tăng thêm uy tín trong dân và dưới mắt bạn bè thế giới. Miến Điện làm được thì lý gì Việt Nam anh hùng tài giõi hơn lại không làm được.

Nhưng dù cho đảng của những người bỏ đảng ấy không lập ra được vì lý do nào đó thì tiếng hô hào của họ cũng giúp đánh tan được phần nào nỗi sợ hãi đang bao trùm, cũng là góp tiếp những bước đi cho sự hình thành xã hội dân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét