Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Kami. Còn đảng thì còn gia đình mình con nhé!

Nguồn rfablog
Fri, 08/09/2013 - 03:27 — Kami

 

http://media.tinngan.vn:6060/archive/images/content/2013/06/20/shares/154414_dacnhiem4.jpg
Hôm vừa rồi, báo chí của nhà nước có một cái tin lạ và nhưng ít người chú ý, đó là Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chế độ chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an Nhân dân. Lạ cũng là vì tại sao đối tượng được ưu tiên là công an chứ không phải là các hạ sĩ quan, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ ở HS - TS trên Biển Đông? Vì nói cho đúng, những người chiến sĩ ấy và thân nhân của họ mới thực sự xứng đáng và cần thiết phải được hưởng chế độ đãi ngộ.

Qua tìm hiểu Nghi định số 87/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, theo Nghị định này quy định, thì gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an Nhân dân được hưởng rất nhiều chế độ ưu tiên mà những viên chức nhà nước ở những ngành khác, kể cả bộ đội cũng không dám mơ. Ví dụ (trích) "... gặp hỏa hoạn, thiên tai sập nhà, cháy nhà hoặc phải chuyển chỗ ở sẽ được trợ cấp 2 triệu đồng/suất/lần. Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng của hạ sĩ quan, chiến sĩ công an; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan chiến sĩ công an bị ốm đau một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bênh viện từ bảy ngày trở lên được trợ cấp 500.000 lần/suất/lần. Nếu những người thân nói trên từ trần, mất tích, sẽ được trợ cấp 1 triệu đồng/suất. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ngoài công lập theo định của pháp luật hiện hành về chế độ miễn, giảm học phí".
Cái này trong khoa học chính trị người ta gọi là các chính sách mang tính dân túy, để tranh thủ sự ủng hộ của các đối tượng cần hướng tới. Ở đây là cái chính sách đảng ưu ái cho lực lượng công an để lấy lòng và muốn họ phải trung thành với đảng hơn nữa, thông qua quyền lợi của họ và gia đình của họ. Nếu ai đã hiểu thế nào là dân túy thì nói đúng ra phải hiểu là chính sách công an túy của đảng CSVN. Xin hiểu rằng chữ túy ở đây có nghĩa là chỉ sự làm (gây) nghiện như chữ túy trong từ ma túy vậy. Từ xưa đến nay, khi muốn trói buộc ai, đối tượng nào ít hiểu biết thì các thế lực không có chính danh hay không đàng hoàng, thì họ sẽ dùng ma túy để lôi kéo và cương tỏa để kiềm chế. Đảng bây giờ cũng đang áp dụng cái chiêu thức công an túy đối với lực lượng còn đảng thì còn mình, nhưng chiêu thức này đang muốn cương tỏa để kiềm chế cả thân nhân của công an, với mục đích để cùng chung lý tưởng còn đảng thì còn chúng ta. Không hiểu tại sao, lý do gì để chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, một thủ tướng xuất thân từ ngành công an có những quyết định như vậy? Quyết định trên với mục đích gì cũng là vấn đề đáng quan tâm, tại sao đối tượng được đãi ngộ chỉ là công an chứ không phải bao gồm cả gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong quân đội? 

http://congly.com.vn/data/news/2012/10/20/40/khungbo2jpg1350746575.jpg
Một cảnh diễn tập chống bạo động

Vấn đề Chính phủ quy định chế độ chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an Nhân dân cũng là việc đáng nói. Ai cũng biết để vào ngành công an cho dù chỉ ở cấp bậc hạ sĩ quan hay chiến sĩ cũng là một mong ước của không ít thanh niên nông thôn. Cho dù chỉ được hưởng một khoản tiền lương hoặc phụ cấp không nhiều, nhưng rất nhiều gia đình phải tốn các khoản tiền không nhỏ để chạy chọt cho con em của mình. Hay trong thời chiến tranh, việc đi nghĩa vụ quân sự vào ngành công an cũng là một biện pháp để trốn đi bộ đội của một số thanh niên sợ phải ra chiến trường. Nói như thế để thấy, không cần thiết phải có những chế độ đãi ngộ như quy định nói trên thì việc có đủ quân số cho các đơn vị cảnh sát bảo vệ, cảnh sát cơ động, cảnh sát chống bạo động... không phải là việc khó. Vậy tại sao chính phủ lại sốt sắng trong vấn đề này như vây? Câu trả lời có lẽ là, chính quyền mong muốn có một lực lượng không chỉ "còn đảng thì còn mình" mà bây giờ sẽ là "còn đảng thì còn gia đình mình". Mà đa số các hạ sĩ quan hay chiến sĩ trong ngành công an thì chủ yếu là những người lính cầm dùi cui hoặc vũ khí khi đối mặt với người dân trong các tình huống hay các trường hợp mang tính nhạy cảm. Khi đó thì dùi cui có vung lên hay khẩu súng có khạc lửa vào đám đông hay không thì cũng hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi các đối tượng này.

Cái nguy hiểm ở đây là như thế.

Trong hoàn cảnh thực tế khi Việt nam là một nước nghèo, nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nhưng lại là một nhà nước được mệnh danh là công an trị. Thì việc duy trì một lực lượng với tỷ lệ nhân viên cảnh sát, an ninh bình quân trên đầu người dân thuộc hàng đầu thế giới đã là điều hoàn toàn mang tính bất cập.  Vậy mà nay lại có các chính sách đãi ngộ không thực sự cần thiết thì là một điều không có lợi.  Bởi vì hiện tại, lực lượng công an đã và đang có được những quyền lực cũng như chế độ đãi ngộ hơn người, đó chính là lý do đã biến lực lượng công an trở thành lực lượng kiêu binh trong xã hội. Họ có đủ mọi quyền hành, kể cả vi phạm pháp luật nhưng không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý nhẹ hơn nhiều lần so với người bình thường. Trường hợp trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, công an quận Hai Bà Trưng Hà Nội, đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng do không đội mũ bảo hiểm nhưng chỉ bị phạt 4 năm tù. Trong khi ba người đàn ông bắt trộm 2 con vịt , cho dù đã đã trả cho chủ vịt hai triệu đồng để khắc phục hậu quả và được nạn nhân bãi nại nhưng vẫn bị xử tới hơn cả chục năm tù là những so sánh để cười ra nước mắt.

Mà lẽ ra các chế độ đãi ngộ ấy lấy từ ngân sách quốc gia nên phải được áp dụng cho các bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi biên cương, hải đảo tuyến đầu của tổ quốc để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ; cho các thầy cô giáo, các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, các bản làng xa xôi và hẻo lánh còn nhiều thiếu thốn... Đó là những đối tượng với số lượng không nhiều nhưng cần thiết và đáng quan tâm hơn gấp nhiều lần nếu so với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong ngành công an. Hay vì bây giờ sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ không quan trọng bằng sự tồn tại của đảng CSVN?

Ngân sách của nhà nước chủ yếu là được thu từ tiền thuế của nhân dân, do vậy trong việc sử dụng ngân sách cho các mục đích mang tính an sinh xã hội, thì thiết nghĩ nhà nước hơn ai hết phải biết để sử dụng sao cho hài hòa và phù hợp. Chứ không thể dùng tiền ngân sách để phục vụ cho một lợi ích của một tập thể hay cá nhân, với mục đính để biến "chủ trương còn thì đảng còn mình" thành chủ trương "còn đảng thì còn gia đình mình", hòng nhằm bảo vệ quyền lợi cho lợi ích cho bản thân những người cầm quyền.

Đã là đảng cầm quyền trong thể chế chính trị độc đảng mà còn có các chính sách mang tính khôn lỏi như thế, người ta gọi là chơi không đẹp. Điều đó hoàn toàn không thể hiện sự chính danh của mình.

Ngày 09 tháng 8 năm 2013

© Kami

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét