Nhà báo tự do ở TP HCM
Từ nhiều tháng và cả nhiều năm qua, báo chí Việt Nam đã không ngớt phản ánh về tình trạng lạm phát sân golf. Một trong những minh họa sống động được nêu ra là một xã ở tỉnh Lâm Đồng phải "cõng" đến 3 sân golf, trong khi bà con nông dân người dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát khỏi diện đói nghèo.
Nhưng dường như tiếng nói dân sinh đã bị các cơ quan dân nguyện bỏ ngoài tai. Đầu tháng 11/2011, đã xảy ra sự việc Bộ Xây dựng gửi một văn bản cho Văn phòng Quốc hội đề nghị làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng 176 ha đất quốc phòng thuộc Trường bắn Miếu Môn ở Hà Nội thành dự án xây dựng sân golf. Cơ quan chủ trương cho việc chuyển đổi này, không phải ai khác, lại là Bộ Quốc phòng.
Chủ đề liên quan
Theo văn bản trên của Bộ Xây dựng, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 cũng như quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó không có quy hoạch xây mới sân golf tại khu vực Miếu Môn.
Từ văn bản trên, người ta cũng biết thêm rằng Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai một số sân golf tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để "phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự"(?).
Đáng chú ý, cho đến đầu tháng 11/2011, Bộ Quốc phòng vẫn chưa có kế hoạch rút lại chủ trương chuyển đổi trường bắn thành sân golf; cho dù trước đó, vào đầu tháng 10/2011, Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 11 đã nêu ra một nhiệm vụ trong thời gian tới là phải "kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa".
Kinh doanh từ đất
Biểu đồ đi lên của sân golf và biểu đồ đi xuống của diện tích đất nông nghiệp là một nghịch lý không thể lý giải ở Việt Nam, dù tất cả những người nông dân phải chịu cảnh mất đất để phục vụ cho thói quen ăn chơi của giới thượng lưu, và hơn ai hết là giới chủ đầu tư kinh doanh sân golf, đều hiểu ra cái nghịch lý phũ phàng ấy.
Tại thời điểm đầu tháng 8/2011, có đến gần ba chục dự án sân golf "lỡ phát sinh" tại hàng loạt địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đắc Lắc…, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho Chính phủ phê duyệt. Khi đó, dư luận và công luận Việt Nam lại một lần nữa lên cơn sốt.
Người ta lo lắng rằng chỉ cần thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gật đầu là Việt Nam lại mất thêm khoảng 4.000 ha đất canh tác nông nghiệp cho sân golf.
Con số 4.000 ha trên là có cơ sở thực tế, vì vào năm 2009, khi số lượng sân golf do các địa phương trình lên Chính phủ tăng vọt đến 156 dự án, thì một nửa trong số đó đã chiếm hết khoảng 8.000 ha đất nông nghiệp.
Vào cuối năm 2009, trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân, các nhà khoa học và báo chí về những hệ lụy đã và sẽ không thể tránh khỏi của sân golf như gây ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và "ăn" cả đất nông nghiệp, cộng với thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhoi dự án kinh doanh sân golf có lãi, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải cắt giảm đến 76 dự án do chính quyền các địa phương trình đề nghị bổ sung cho quy hoạch sân golf đến năm 2020. Đến lúc đó, số lượng dự án sân golf đã là 90.
Hậu quả được các nhà khoa học và giới phân tích dự đoán đã xảy đến với 90 dự án sân golf trên vào năm 2011. Một cuộc kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết luận có đến 69 dự án - chiếm tỷ lệ khoảng 70% số dự án - nghiêng về kinh doanh bất động sản thay vì mục tiêu ban đầu là kinh doanh sân golf.
Không gì rõ hơn là chủ đầu tư lấy đất nông nghiệp của nông dân, phù phép chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa thành đất phục vụ sân golf, rồi từ đó lại biến thành đất xây biệt thự và các hạng mục dịch vụ du lịch. Trong thực tế, có dự án chỉ dành 30% diện tích để làm sân golf, còn 70% là bất động sản và những thứ liên quan đến bất động sản.
Trong khi hiện trạng hoạt động của 90 dự án sân golf vẫn không mấy thay đổi, nếu không muốn nói là ngày càng tệ thêm vì lượng khách chơi golf có khuynh hướng giảm dần và làm cho nhiều chủ đầu tư lỗ nặng, số địa phương đệ trình dự án sân golf mới vẫn lũ lượt nằm chờ trước văn phòng thủ tướng. Trường hợp chuyển đổi mục đích từ trường bắn thành sân golf của Bộ Quốc phòng là một minh họa điển hình.
Nguyên cớ gì đã làm cho các chính quyền địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra hào hứng với dự án kinh doanh sân golf đến thế? Không mấy ai trong chính quyền không biết đến những chuyến "công tác" của các quan chức đầu ngành địa phương và cấp bộ được các chủ đầu tư nước ngoài và trong nước đài thọ hoàn toàn.
Những chuyến đi mang tiếng là "tham khảo kinh nghiệm nước ngoài" này, mà về thực chất là du hí, cùng với sự hứa hẹn của chủ đầu tư dự án sẽ dành cho quan chức địa phương cổ phần trong sân golf hoặc những lô đất đắc địa dễ sinh lãi, đã khiến cho giới chức địa phương như tự nguyện chịu cột chặt vào cái vòng kim cô béo bở, bắt buộc họ phải làm mọi thủ tục cần thiết để lách luật, làm sao tuồn hồ sơ dự án lên bàn làm việc của thủ tướng.
Hạnh phúc người giàu - bi kịch kẻ nghèo
Nhìn lại các cuộc khiếu kiện đất đai diễn ra ở Việt Nam từ những năm 2000-2001 cho tới giai đoạn 2008-2009, có khá nhiều nông dân từ các địa phương – nơi phổ biến cơn lốc sân golf lấn chiếm đất canh tác – như Long An, đã lặn lội đến Văn phòng Quốc hội (trụ sở tại Sài Gòn) và ra tận các cơ quan trung ương ở Hà Nội để khiếu kiện.
Nội dung khiếu kiện cũng không nằm ngoài những "đặc thù" của vấn đề thu hồi đất làm dự án ở Việt Nam: bồi thường không thỏa đáng, không bảo đảm tái định cư và môi trường sinh sống làm ăn cho nông dân sau khi bị thu hồi đất, nạn nhũng nhiễu của cán bộ thu hồi đất và hành vi ép dân của chính giới chủ đầu tư dự án…
Có đến 80-90% cuộc khiếu kiện ở Việt Nam tập trung vào lĩnh vực đất đai – một tỷ lệ rất cao dù vấn đề khiếu kiện đã được Chính phủ và một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra nhà nước… cố gắng "khoanh vùng" cho đến năm 2007-2008.
Nhưng với tốc độ đô thị hóa tràn lan, thiếu quy hoạch, với gần một ngàn đô thị vệ tinh có chiều hướng ra đời đến năm 2020, với tình cảnh đất ruộng, đất thổ cư của người dân vẫn không được cải thiện bao nhiêu về cơ chế đền bù, sẽ chẳng có nhiều hy vọng rằng làn sóng khiếu kiện của người dân sẽ lắng dịu.
Các nhóm lợi ích có dừng cuộc chơi?
Gần đây, đã có dấu hiệu cho thấy tình hình được cải thiện đôi chút. Đó là việc Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị các tỉnh dừng xây dựng đối với 27 dự án nằm ngoài quy hoạch, đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp giữ đất để đầu cơ trục lợi, gây tác động không tốt cho thị trường bất động sản.
Cũng từ tháng 8/2011, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bổ sung các dự án sân golf ngoài quy hoạch, cho đến nay thủ tướng chính phủ vẫn giữ một thái độ im lặng thận trọng. Ít nhất, tờ trình bổ sung dự án sân golf vẫn chưa được phê duyệt, trong khi chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đang phải tiến hành kiểm tra một số dự án sân golf "có vấn đề" tại các địa phương. Hàng loạt dự án sân golf bị phát hiện vi phạm ở tỉnh Bình Thuận là một ví dụ.
Tuy nhiên sẽ khó có chuyện các nhóm lợi ích chịu dừng cuộc chơi trong một môi trường vẫn còn tràn lan tệ tham nhũng và nạn kiếm chác theo kiểu "tư bản dã man" như ở Việt Nam. Không phải lúc này thì lúc khác, con đường dẫn dắt từ hiện tại đến tương lai đã được thiết kế bởi những ý đồ trong quá khứ.
"Vào một thời điểm nào đó, nếu Chính phủ chấp thuận phê duyệt bổ sung số dự án sân golf "lỡ", điều gì sẽ xảy ra? Khi đó, không chỉ là hậu quả về môi trường, sự mất ổn định của quy hoạch mà hậu quả với tính hệ thống của nó còn đào sâu vào khía cạnh phân cách giàu nghèo."
Nếu ngay cả một cơ quan trọng yếu như Bộ Quốc phòng mà cũng "nhắm mắt" làm ngơ cho đất quân sự biến thành thứ để kinh doanh, thì người dân có đầy đủ cơ sở để vẫn tiếp diễn mối lo âu đáng sợ về một tương lai không xa, hàng loạt dự án trên giấy có thể biến thành những khu biệt thự-sân golf thật sự.
Vào một thời điểm nào đó, nếu Chính phủ chấp thuận phê duyệt bổ sung số dự án sân golf "lỡ", điều gì sẽ xảy ra?
Khi đó, không chỉ là hậu quả về môi trường, sự mất ổn định của quy hoạch mà hậu quả với tính hệ thống của nó còn đào sâu vào khía cạnh phân cách giàu nghèo – một trong những bất ổn nghiêm trọng của xã hội đương thời Việt Nam.
Cũng khi đó, với sự bật đèn xanh về bổ sung quy hoạch của Chính phủ, chắc chắn tại nhiều địa phương sẽ tái diễn cảnh ép giá, ép dân, hiện tượng liên kết giữa chủ đầu tư và chính quyền nhằm cưỡng chế thu hồi đất của dân…, để từ đó tích tụ, tích lũy ngày càng sâu những phản ứng bức xúc, phẫn uất của người dân mất đất.
Như một tiền lệ đã được định sẵn, chính quyền sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn lao vào bất cứ thời điểm nào khi sự phẫn uất của người dân vượt qua ngưỡng kềm chế và trở nên bùng nổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét