Một xã hội dân chủ pháp trị, được điều hành một cách rạch ròi, minh bạch, có sự kiểm soát, điều tiết lẫn nhau của một cơ chế tam quyền phân lập, cộng thêm sức mạnh của báo chí truyền thông vốn là quyền lực thứ tư, sẽ đảm bảo cho cái chính phủ ấy nói chung và cá nhân mỗi người lãnh đạo, mỗi quan chức nói riêng không thể "tự tung tự tác", muốn ngồi xốm lên pháp luật hay muốn làm gì thì làm. Và trong cái xã hội ấy, người dân có lòng tin (tương đối hoặc tuyệt đối tùy theo) vào chính phủ của họ. Ngược lại, nhà nước cũng có lòng tin tương đối vào người dân, ứng xử với dân theo đúng nghĩa người dân có hiểu biết, có dân trí và có quyền được biết, được bàn, được kiểm soát mọi việc của nhà nước chứ không phải nhà nước là cha mẹ, mọi chuyện để nhà nước lo còn dân thì không có quyền gì.
Thật thanh thản, nhẹ nhõm khi có thể sống trong một xã hội mà con người có lòng tin (tương đối) vào người khác, tin vào chính quyền và ngược lại. Mọi người có thể an tâm rằng nếu họ sống và làm việc theo đúng pháp luật, đóng thuế đầy đủ thì họ không phải sợ hãi một cách vô lý bất cứ điểu gì. Rằng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra họ có thể trông cậy vào luật pháp, hoặc vào sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, và của chính quyền. Rộng hơn nữa, họ có thể tin rằng mọi việc nhà nước làm, dù có thể có sai sót, nhưng chắc chắn phải đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết, chắc chắn phải có sự hợp lý nhất định và nếu có sai sót thì nhà nước ấy sẽ điều chỉnh theo công luận.
Chính lòng tin giữa chính quyền và người dân đã khiến dân chúng tại các quốc gia có nền dân chủ cao như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Đức …có thể đối thoại thẳng thắn với chính quyền trên mọi vấn đề, mọi đường lối chính sách chủ trương từ lớn tới nhỏ của nhà nước đểu được công khai, minh bạch trước nhân dân.
Chính lòng tin vào chính quyền khiến người dân Nhật Bản ngay trong những ngày tháng tang thương bời thảm họa kép động đất-sóng thần trong tháng 3.2011 vừa qua, đã không hề hoảng loạn, không than khóc, oán trách, bình tĩnh xếp hàng chờ đến lượt mình được nhận thực phẩm, bình tĩnh chịu đựng bi kịch. Một phần do văn hóa, tính cách của người Nhật. Nhưng phần khác, người Nhật biết rằng chính phủ đang ở bên họ, đang làm hết sức mình có thể.
Chính lòng tin vào chính quyền khiến người dân Na Uy và các nước Bắc Âu vui vẻ chấp nhận mức thuế rất cao, vì họ biết rằng tiền đóng thuế của họ được chi vào đâu, vào giáo dục y tế miễn phí, các phúc lợi xã hội dành cho người già, người thất nghiệp, người bịnh tật, người về hưu …Tất cả được công khai minh bạch để hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát do tham nhũng, lãng phí hay điều hành quản ký kém cỏi v.v…
Trong một xã hội như xã hội VN, từ lâu rồi lòng tin trở thành một thứ xa xỉ, quý hiếm, hầu như tuyệt chủng! Người với người không có lòng tin với nhau. Nó là hệ quả của một thời gian dài trước đây, cả xã hội sống trong sự cảnh giác nghi ngờ lẫn nhau, người này theo dõi, tố cáo, đấu tố người kia để lập công với đảng, với nhà nước, để chứng tỏ sự trong sạch, trung thành cùa mình. Cái cảm giác ấy bây giờ vẫn còn, tuy không nặng nề như những năm 50, 60 ngoài Bắc và những năm sau 1975 ở miền Nam, nhưng một xã hội thực dụng, chạy theo đồng tiền hiện tại lại khiến cho con người không tin vào nhau theo kiểu khác.
Người với người không tin nhau. Và không tin vào điều tử tế. Bởi khi cái xấu, cái ác, sự không tử tế trở thành bình thường, tràn lan trong xã hội thì một người làm việc tốt, làm điều đúng lập tức bị nghi ngờ. Tay này điên, hay muốn chơi nổi. Hoặc chắc chắn phải có nguyên nhân thực, âm mưu gì đó phía sau hành động của y. Ví như một người biểu tình phản đối Trung Quốc hoặc kiện Thủ tướng làm sai hiến pháp, pháp luật, thì là đồ dở hơi, rảnh thì giờ, mắc bịnh tâm thần hoặc ăn tiền của các thế lực thù địch bên ngoài để chống phá nhà nước ta v.v...
Người dân thiếu lòng tin vào nhà nước. Và ngược lại. Vì thiếu lòng tin vào nhân dân nên nhà nước nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, dân làm gì cũng nghĩ là có động cơ xấu, có âm mưu chống đối. Là một nhà nước thiếu tự tin, biết rằng đường lối chính sách của mình có nhiều cái sai lầm, không hợp lòng dân, không thuận với xu hướng phát triển chung của nhân loại nên mới xử sự như thế. Không đối thoại. Mà chỉ chơi trò không nghe không biết. Không gọi tên đúng sự vật, đúng người đúng tội, không danh chính ngôn thuận xử lý vụ việc trước pháp luật công khai. Mà có tội này thì vu cho tội khác, xách nhiễu, gây khó dễ mọi mặt trong đời sống, xử dụng côn đồ, "quần chúng tự phát" để ném đá dấu tay v.v… và v.v…
Người dân chỉ mong một nhà nước cư xử với dân cho đàng hoàng. Đã có cả sức mạnh quân đội, công an, pháp luật, truyền thông…trong tay, sao cứ phải sợ dân.
Một khi lòng tin đã không có giữa nhân dân và chính quyền, thì rất khó để xây dựng lại. Nên mới có chuyện một lời ông Thủ tướng nói ra khẳng đinh chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, về chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước trong việc bảo vệ lãnh thổ lãnh hải hay kêu gọi quốc hội thông qua luật biểu tình…mà dân vẫn nửa tin nửa ngờ. Cứ đợi đấy xem đã. Còn phía nhà nước miệng tuyên bố thông qua luật biểu tình nhưng vẫn "dự án luật cần được chỉ đạo, chuẩn bị kỹ về nội dung, cân nhắc thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua và điều kiện tỏ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng biểu tình gây rối an ninh, trật tự, làm ảnh hướng lợi ích nhà nước và công dân." (Theo VietnamNet). Có nghĩa là vẫn đầy nghi ngại.
Khi bài viết này vừa xong thì cũng là lúc thông tin những người biểu tình "ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình" sáng ngày 27.11 bị bắt. Biểu tình ủng hộ Thủ tướng mà vẫn bị bắt, bị đàn áp như thường. Lại một hành động đi ngược 180 độ với những lời ông Thủ tướng vừa mới phát biểu ngày 25.11 trước Quốc hội về việc biểu tình. Như vậy bảo làm sao người dân có lòng tin vào nhà nước này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét