Hoàng Linh Vương (danlambao) - Đã là mặc nhiên thì xem ra làm thêm luật "Quyền Biểu Tình" là thừa giấy vẽ voi, là "chửi cha" mình. Có chăng việc phải làm là xây dựng lên "LUẬT BẢO VỆ QUYỀN BIỂU TÌNH" trong đó đưa ra những quy chế để bào đảm quyền biểu tình. Sẽ không có việc quy định về việc phải xin phép biểu tình mà chỉ có quy định về việc đăng ký biểu tình để người tổ chức có trách nhiệm với sự việc, tránh sự mập mờ, lợi dụng trở thành bạo động gây rối làm mất trật tự công cộng hay xâm hại thành phần khác vô cớ v.v…
*
Đề cập đến biểu tình mà không thống nhất về ngữ nghĩa của nó thì chỉ có cãi nhau suông mà chẳng đem đến kết luận nào cả.
Tiếng Việt thì phức tạp nhưng lại phong phú. Từ "you" của tiếng Anh đọ nghĩa với tiếng Việt thì nào là ông, bà, cha, mẹ, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em… và thậm chí có thể là… thằng, là mày nữa. Tiếng Việt đôi khi "nói dzậy mà không phải dzậy"! Tuy nhiên trong luật pháp thì không thể "vui" như thế được, gọi cha không thể nói rằng ý là tôi muốn nhắc đến mẹ v.v…
Thế đấy! Cụm từ "biểu tình" trong luật pháp cũng vậy, nó không thể đem ra trước Quốc hội để nhập nhèm, để tấu hài công cộng được.
Cụm từ "biểu tình" nếu chỉ đem so sánh, dịch và hiểu ý từ tiếng nước ngoài thì chưa đủ, nó còn phải được hiểu từ cảm nhận chủ quan của người Việt Nam, và một cách rõ ràng!
Sau khi được tra cứu, tham khảo, và quan trọng nhất là sự cảm nhận ngôn từ về ý và tứ của các cụm từ: tụ tập, tuần hành (còn gọi là xuống đường) và biểu tình thì có thể diễn giải như sau:
- Tụ tập: là sự gặp gỡ từ dăm ba người trở lên, ở bất cứ nơi đâu, không nhất thiết là phải định trước, không có quan điểm hay mục đích rõ ràng, cũng không có mục đích cho người khác biết (không biểu dương), hoàn toàn khách quan, và mang tính tự phát.
- Tuần hành hay xuống đường (còn gọi là mít-tinh): Về hình thức là sự tụ tập công khai của nhiều người ở nơi công cộng, trên đường phố, đương nhiên có sự hẹn hò và sắp đặt từ trước, tức là được tổ chức, nhằm mục đích bày tỏ quan điểm, mang tính biểu dương, thường là đồng thuận về một điều gì đó (nhưng gián tiếp cũng có thể là phản đối một điều khác ngược lại).
- Biểu tình: Là tuần hành hay xuống đường, nhưng rõ ràng là để bày tỏ sự không đồng thuận về một điều gì đó (thường là phản đối chính sách hay sự bất công của xã hội). Biểu tình -cũng như tuần hành- không mang tính tự phát, mà ngược lại được tổ chức hẳn hoi, được sắp đặt thời gian tập trung rõ ràng, cũng mang tính biểu dương, bất bạo động, có mục tiêu dứt khoát.
Vì không có mục đích nhất định nên những cuộc tụ tập thường "vô thưởng vô phạt", nó hoàn toàn khác với tuần hành hay biểu tình. Tuần hành hay biểu tình về hình thức thì giống nhau, nhưng tuần hành biểu hiện nghiêng về đồng thuận, còn biểu tình rõ ràng là bày tỏ tình cảm không đồng thuận, tức là mang tính phản đối. Nhiều ý kiến cho rằng biểu tình là hành động bày tỏ sự ủng hộ HAY phản đối một điều gì đó. Cái ý mang tính"nước đôi" này không đúng với ý và tứ của hai chữ biểu tình trong tiếng Việt! Người Việt Nam chúng ta khi nhắc tới biểu tình thì luôn luôn hàm ý một sự phản đối một điều gì đó: Biểu tình chống đế quốc Mỹ, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược…, chẳng ai nói: tuần hành chống đế quốc Mỹ, hay tuần hành chống Trung Quốc xâm lược v.v… Cũng chẳng ai nói: biểu tình "mừng" ngày 30 tháng tư.
Nói đi, nói lại, và nói cho cùng thì biểu tình cũng chỉ là thực hiện bày tỏ quan điểm một cách công khai, đó chính là quyền "nói" - dù "nói không". Nói (hay mở mồm) là quyền tự nhiên như quyền được ăn-uống-ngủ-nghỉ-đi-lại v.v…, đó là quyền của con người, mặc nhiên trong xã hội dân chủ.
Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định xã hội Việt Nam là một xã hội dân chủ. Phó Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Thị Doan cũng vừa mới khẳng định dân chủ Việt Nam còn "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản".
Trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc - mà Việt Nam đã ký kết là một thành viên - có ghi rõ quyền (gọi là) tự do ngôn luận này. Điều 69 của hiến pháp hiện hành Việt Nam cũng quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."
Đã là mặc nhiên thì xem ra làm thêm luật "Quyền Biểu Tình" là thừa giấy vẽ voi, là "chửi cha" mình. Có chăng việc phải làm là xây dựng lên "LUẬT BẢO VỆ QUYỀN BIỂU TÌNH" trong đó đưa ra những quy chế để bào đảm quyền biểu tình. Sẽ không có việc quy định về việc phải xin phép biểu tình mà chỉ có quy định về việc đăng ký biểu tình để người tổ chức có trách nhiệm với sự việc, tránh sự mập mờ, lợi dụng trở thành bạo động gây rối làm mất trật tự công cộng hay xâm hại thành phần khác vô cớ v.v…
Nhưng chính vì biểu tình có chất chứa sự phản đối nên Nhà nước cho đó là "nhạy cảm" và luôn từng "né" hai từ này. Họ không muốn nhắc, không muốn nghe, không muốn thấy, và càng không muốn văn hóa phản đối trở thành "thói quen có tổ chức" của quần chúng. Nói đúng hơn họ sợ các cuộc "cách mạng" có hệ thống từ phía đám đông, thực chất là họ đang rất sợ có biểu tình - dù bất cứ lý do gì- từ phía người dân.
Phản ứng của Nhà nước với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trong mùa hè vừa qua là chứng minh cụ thể về sự "nhạy cảm " và "nỗi sợ" ấy của họ. Có đời thuở nào thông báo của một thành phố là thủ đô mà chẳng ai dám chường mặt động bút ký. Nhưng lại dám cho phổ biến (không khác một tờ rơi), tài ở chỗ là cả nước tuân theo, phục ở chỗ là các ông nằm trên trung ương cao hơn nữa thì giả vờ lờ tịt, coi như không phải chuyện ở dưới đất nước mình, cứ như là Bá Kiến ở trong làng Vũ Đại cho rằng Chí Phèo nó chửi cả làng nhưng chừa mình ra.
Tới đây việc "ủng hộ Luật Biểu Tình" trong lúc "tranh tối tranh sáng " này xem ra có vấn đề to. Khi Nhà nước đang "ngoay ngoảy" chối bay chối biến hai chữ "biểu tình" thì lấy đâu ra cái sự bảo vệ cho quyền được biểu tình. Đừng có lơ mơ như các nhà thơ! Dân đang bị/được cho ăn bánh vẽ?
Nghĩ thế nào ông Thủ tướng "đề nghị" Bộ Công An phác thảo "Luật Biểu Tình" với lý do là để thực hiện hiến pháp - tôi xin thêm - và để làm sao cho quyền hành của Nhà nước được tập trung hơn.
Việc làm này tức là các ông lớn vừa đá bóng vừa thổi còi luôn cho… tiện. Tiện các ông nhưng bịt mồm chúng tôi là cái chắc rồi! Kiểu nào ông Nhà nước cũng thắng, dù có hay không có "Luật Biểu Tình".
Có ai dám cá ngược lại không? Cá cái gì tôi cũng cá! Hay chỉ một cái tát vào mặt thôi cũng được, nào!?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét