Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama là nhằm giương oai với Bắc Kinh, và Australia đã cổ vũ ông làm như vậy. Tuy nhiên, một số chuyên gia Australia cho rằng Chính phủ của bà Gillard nên thận trọng hơn khi quyết định vào hùa.
Chuyến thăm trở lại với tuổi thơ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập một liên minh tuần vừa qua đã cho phép ông huy động Thủy quân Lục chiến Mỹ vào một học thuyết chiến lược mới mang tính xác quyết nhằm đối phó với sự nổi lên của sức mạnh Trung Quốc. Tại Australia, ông Obama và Thủ tướng nước chủ nghà Julia Gillard đã thông báo kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự, được cụ thể hóa bằng dự án đưa một chiến đoàn Thủy quân Lục chiến sang trấn đóng tại Darwin (cực Bắc Australia). Việc này đã được dư luận Australia và trong khu vực ví như một món lời của quân đội hai nước - một sự đổi chiều để trở thành một cái gì đó với một quả đấm mới.
Thực vậy, tuần vừa qua chẳng khác nào một tuần giông bão trong khu vực, bắt đầu với việc ông Obama tấn công Trung Quốc bằng một loạt những chỉ trích liên quan đến thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Hawaii. Ông nói Trung Quốc nên hành xử như một "người trưởng thành", đồng thời thúc đẩy một nhóm đối tác thương mại chín muồi và sẵn sàng cho một quan hệ thương mại tự do thực sự, không giống với Trung Quốc. Tiếp tục là việc Canberra cùng ông Obama tuyên bố rằng, về mặt quân sự, "Chúng tôi đến đây để ở lại".
Cú đánh kép về ngoại giao này được tiếp tục trong tuần tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Bali (Indonesia) khi ông Obama đã nhắc lại thái độ huyênh hoang của Trung Quốc gần đây liên quan đến các yêu sách lãnh thổ trên biển Đông, và cảnh báo Bắc Kinh về hành động dọa dẫm các nước nhỏ hơn cũng đòi chủ quyền trên biển Đông, như Việt Nam và Philippines.
Chặng dừng chân ở Australia trong chuyến công du này tập trung vào một thông điệp chính, ông Obama nói: "Mỹ sẽ tăng cường cam kết của mình trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Ben Rhodes, một trong các cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia đi cùng với ông Obama cho biết Tổng thống "đã ra một quyết định chiến lược, rằng Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và dài hơn trong việc định hình khu vực này".
Và việc đưa quân tới đồn trú tại Darwin là một phần của vai trò đó. Phát biểu trong một cuộc họp báo, cố vấn Rhodes cho biết: "Đây là một thông điệp gửi tới toàn khu vực về cam kết của Mỹ hiện diện một cách mạnh mẽ tại khu vực Nam và Đông Nam Thái Bình Dương, cũng như Đông Bắc Á, nơi chúng ta đang có sự hiện diện đáng kể".
Việc huy động quân đội tới Darwin cũng sẽ cho phép người Mỹ hoạt động và kết nối với các nước khác và đối phó với những sự cố bất thường, từ cứu trợ thiên tai đến các hoạt động nhân đạo, hay đối phó với bất kỳ thách thức nào khác có thể xuất hiện trong khu vực này.
Báo chí cho biết khi các đơn vị đặc nhiệm được huy động đầy đủ tới Darwin vào mùa khô, họ sẽ mang theo toàn bộ vũ khí, xe bọc thép, xe lội nước và hỗ trợ trên không. Nói cách khác, lực lượng này sẽ sẵn sàng phản ứng nhanh trực tiếp. Quy mô của đội quân này - không phải chỉ là 200 binh sĩ như thông tin rò rỉ ban đầu mà là 2.500 người - sẽ đòi hỏi một sự đầu tư quy mô vào cơ sở hạ tầng mới tại căn cứ quân sự Robertson trong thành phố này.
Ông Obama cũng cho biết các chân rết của quân đội Mỹ tại châu Á sẽ không giảm khi ngân sách quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm 400 tỷ USD trong 10 năm tới. Nhưng các quan chức dưới quyền ông vẫn chưa biết rõ tuyên bố trên có nghĩa là sẽ có nhiều hơn, ít hơn, hay cùng lượng tiền như hiện nay được chi cho châu Á.
Các động thái trên của Mỹ đã được Chính phủ của bà Julia Gillard hăng hái hưởng ứng. Ngay từ trước khi ông Obama đến, bà Gillard đã thể hiện sự ủng hộ của Canberra đối với việc Mỹ liên kết với Ấn Độ như một chiến lược đối trọng với Trung Quốc. Bà thông báo sẽ tìm cách đưa Ấn Độ ra khỏi danh sách của Công Đảng cấm xuất khẩu urani cho những nước chưa tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, một số chuyên gia của Australia có nhận định khác về việc này. Hugh White, chiến lược gia thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng từng viết sách trắng Quốc phòng 2000 cho chính phủ của Thủ tướng Howard, cho rằng các tuyên bố trong tuần qua sẽ kéo Australia gắn chặt hơn với các kế hoạch chiến tranh của Mỹ trên toàn khu vực châu Á.
Ảnh: Allvoices |
White nói: "Các nỗ lực của Mỹ tại châu Á vào thời điểm này chủ yếu nhằm chống lại Trung Quốc, và toàn bộ lập luận về cứu hộ thiên tai và mọi thứ khác cũng vậy. Trong bối cảnh đó, việc Australia hoan nghênh các đề xuất này là một chỉ dẫn rõ ràng rằng chúng ta giờ đây đang tự gắn kết vào sự ủng hộ dành cho Mỹ trong cuộc đối đầu quân sự ngày càng gia tăng giữa họ với Trung Quốc. Tôi không dám chắc rằng chính phủ biết là đó chính là điều họ đã làm. Nhưng tất nhiên người Mỹ biết điều đó, vì vậy mà họ muốn như thế".
Stephen FitzGerald, sử gia xuất chúng về Trung Quốc được Gough Whitlam cử làm Đại sứ đầu tiên của Australia tại Bắc Kinh, đã than phiền về kiểu "sự đã rồi" được gửi tới Trung Quốc đã công bố trong tuần này. Ông nói: "Lẽ ra phải có một dịp để chính phủ có cách tiếp cận tinh tế hơn đối với sáng kiến này, như một cuộc thảo luận rộng rãi, thẳng thắn và lịch sự. Tôi không nghĩ là Australia cần phải làm điều này để duy trì quan hệ đồng minh mạnh với Mỹ. Tôi nghĩ họ hiểu rõ khả năng chúng ta gìn giữ độc lập bằng chính sách đối ngoại của mình, và không cần phải tạo thêm những phức tạp trong quan hệ của chúng ta với Trung Quốc".
Cả White và FitzGerald đều cho rằng quan hệ quốc phòng khăng khít hơn có thể hạn chế tự do của Australia trong việc xử lý những vấn đề như Đài Loan. FitzGerald cho rằng "đây là một mối nguy hiểm".
Chắc chắn người Mỹ sẽ đáp trả những thách thức tiềm tàng nhưng có thật từ Trung Quốc trong vài năm qua đối với vai trò chế ngự của họ trên vùng biển Đông Á. Trung Quốc đã va chạm với các tàu thăm dò của Mỹ gần đảo Hải Nam, bắt đầu các nghiên cứu dầu mỏ tại các khu vực biển mà Nhật Bản cũng đòi chủ quyền, và tranh cãi về hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Philippines khi khẳng định rằng biển Đông là một địa hạt của Trung Quốc trong lịch sử.
Với việc thử một loại tên lửa chống vệ tinh, chế tạo hàng không mẫu hạm đầu tiên, vận hành thử nghiệm chiến tranh mạng và phát triển các loại tên lửa chống hạm mới, quân đội Trung Quốc được cho là đang tạo ra các năng lực nhằm đối phó với khả năng Mỹ đưa hạm đội tàu chiến đến gần bờ biển Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan hoặc các nước được bảo hộ khác. Đáp lại, người Mỹ đang nỗ lực tiếp cận nhanh hơn tới các vũ khí "chống can thiệp, phong tỏa khu vực", được biết đến như khái niệm "Chiến tranh Hải-Không".
Về phần mình, Chính phủ Australia cũng lo ngại về tuyên bố đơn phương đòi chủ quyền và thách thức các quyền tự do đi lại trên biển. Một tàu ngầm lớp Collins tham gia các cuộc tập trận gần đây trên biển Đông sẽ được hỗ trợ cho các quốc gia Đông Nam Á đang lo lắng. Vụ tấn công mạng gần đây được Khối Hiệp ước quân sự Australia - New Zealand - Mỹ (ANZUS) coi như một biến cố khơi mào cho chiến tranh. Giống Nhật Bản, Australia sẽ tái huấn luyện một phần quân đội của mình như một lực lượng thủy quân lục chiến có thể được huy động tới các đảo xa xôi với một tiểu đoàn Townsville được giao một trong hai tàu chiến lưỡng cư mới của Hải quân.
FitzGerald đồng ý là các hành động của Trung Quốc trong hai năm qua đã đến mức đáng lo ngại. Ông nói: "Trung Quốc rõ ràng đang giương cơ bắp. Tất nhiên đó không phải là chiến tranh, nhưng lại khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo lắng và chúng ta ý thức về điều này".
Tuy nhiên, ông nghi ngờ về cách thức đối phó. "Đáp lại bằng việc củng cố liên minh với Mỹ ư? Hay bằng ngoại giao và một quan điểm độc lập hơn, thậm chí trung dung hơn, trong các cuộc chiến mà Mỹ đã hoặc sẽ gây ra với Trung Quốc? Ngay cả những vấn đề như giá trị của đồng tiền Trung Quốc hay bất cứ gì khác, chúng ta đều không thực sự cần phải tham gia".
Những cú đấm đầu tiên của Obama, trong vấn đề kinh tế, đã rất mạnh mẽ khi ông thúc đẩy một quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho thấy rõ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
TPP - một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xóa bỏ hầu hết các loại thuế nhập khẩu giữa các nước tham gia trong 10 năm - hiện không có mặt của Trung Quốc và ít khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể tham gia nếu không chấp nhận tiến hành những thay đổi lớn và đau đớn về kinh tế, như nâng giá đồng nhân dân tệ (NDT), bảo vệ hiệu quả hơn quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà sáng chế nước ngoài, và chấm dứt bảo hộ cho các công ty nhà nước. TPP muốn bao gồm cả những cái mà các thỏa thuận "tự do thương mại" không có như dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tài sản nhà nước và các công ty quốc doanh.
Chín quốc gia, trong đó có Mỹ và Australia, đã ký tham gia đàm phán, và trong một động thái rất ngạc nhiên, Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm của mình. Nếu Nhật Bản gia nhập, TPP sẽ hội tụ các nền kinh tế chiếm hơn 1/3 GDP toàn cầu và tạo ra một thị trường khu vực lớn hơn EU khoảng 40%. Đó là còn chưa nói tới khía cạnh "chiến lược" của kế hoạch này.
Ông Obama cũng chỉ trích mạnh mẽ chính sách tỷ giá của Trung Quốc, mà theo ông đồng NDT đang bị định giá thấp hơn 20-25% giá trị thực, khiến hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn trên các thị trường quốc tế. Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép các nhà sản xuất áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu chứng tỏ được rằng các loại hàng hóa đó gây tổn hại cho họ nhờ việc giá trị đồng NDT đã bị bóp méo.
"Đủ là đủ", ông Obama nói tại APEC vừa qua. Trung Quốc đã "trưởng thành" và nên có trách nhiệm hơn. Giới lãnh đạo nước này cần "hiểu rằng vai trò của họ giờ đã khác với cách đây 20, 30 năm, khi mà nếu họ phá vỡ một số quy định thì không gây ra vấn đề gì, tác động gì đáng kể".
Những lời chỉ trích còn mạnh hơn khi ông Obama phát biểu tại Quốc hội ngày 17/11. "Chúng ta cần sự tăng trưởng lành mạnh, trong đó mọi quốc gia đều phải tuân thủ quy định chung; quyền của người lao động được tôn trọng và các doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh trong một chừng mực nào đó; sở hữu trí tuệ và các công nghệ mới tạo điều kiện cho phát minh phải được bảo vệ; và giá trị các đồng tiền phải do thị trường quyết định, không quốc gia nào được hưởng một ưu đãi bất công".
Cuối tuần, Trung Quốc đã có phản ứng đối với đòn ngoại giao kép của ông Obama. Sau những lời đe dọa có thể đoán trước từ tờ Global Times và các tướng lĩnh Quân giải phóng nhân dân đã về hưu, một số chuyên gia thận trọng hơn ở Trung Quốc cho rằng ông Obama đang đấm quá mạnh vào lưng Trung Quốc.
Theo ông Jia Qingguo, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Peking, các động thái khiêu khích của Mỹ thúc đẩy các quan hệ quân sự hiện nay và lập các quan hệ quân sự mới trong khu vực là dễ hiểu, nhưng chưa đúng hướng. Jia nói: "Tôi không nghĩ là nỗ lực thành lập các liên minh để cân bằng Trung Quốc sẽ thành công, vì nó đặt giả định rằng chúng ta sẽ lao vào một cuộc chiến tranh".
Một đồng nghiệp của Jia, ông Zhu Feng, cho rằng đó là "một phản ứng rất điên rồ" vì đơn giản là Trung Quốc không có ý định quân sự nào trong khu vực. Zhu nói: "Tôi là một học giả tự do, nhưng tôi nghĩ Mỹ đã làm hơi quá. Tái củng cố hợp tác quốc phòng với Việt Nam, bán vũ khí cho Indonesia, tái đưa quân Mỹ vào Philippines... Tôi cho rằng đây là một phản ứng tổng thể đối với cái mà họ gọi là quân sự hóa PLA và các hành động xác quyết của Trung Quốc trên biển".
"Chúng tôi không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới; nó sẽ hủy hoại hoàn toàn các lợi ích của Trung Quốc. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa. Nhưng một loạt các động thái của Mỹ đang phá hoại bầu không khí hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh. Tôi cảm thấy rất thất vọng. Tổng thống Obama đang muốn gì khi làm vậy?".
Trước sự ngạc nhiên của các nhà ngoại giao Australia nói chuyện với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, phản ứng của Jakarta đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại phía Bắc Australia là quá choáng. Ông Natalegawa cho biết đó không phải vì sự gần gũi về địa lý - với tỉnh Tây Papua khó bảo của Indonesia, và mỏ Freeport của Mỹ đang gây tranh cãi - mà vì nguy cơ "một vòng luẩn quẩn căng thẳng và nghi ngờ" trong khu vực.
Phản ứng trên một phần cho thấy hy vọng của Indonesia khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đông Á: Họ mong muốn một cuộc họp hài hòa, trong đó các đại biểu - lần đầu tiên có Mỹ - sẽ ký một bộ "Nguyên tắc Bali" từ chối sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
FitzGerald cho rằng: "Không cần phải là một liên minh quân sự mới có một quan điểm về việc đó, và một liên minh quân sự sẽ không làm gì để thay đổi Trung Quốc từ bên trong. Các vấn đề này quá phức tạp để chúng ta lao vào một cuộc đối đầu được ăn cả ngã về không. Chúng ta có một quan hệ không chỉ phụ thuộc mà rất phức tạp. Hàng chục nghìn người Trung Quốc đến Australia học hành, tạo ra một tiểu dân tộc Trung Quốc trong lòng Australia, việc này vừa đem lại lợi nhuận vừa gây ra nhiều vấn đề ,và nhiều vấn đề quản lý chính trị lớn gắn liền với nó. Vì vậy chúng ta cần một cách tiếp cận thận trọng"./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét