MUNICH, Đức quốc – Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International phối hợp với Giáo Xứ Allerheiligen/Muenchen tổ chức Thánh Lễ tại nhà thờ Allerheiligenkirche trong hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật 19 và 20-11.2011, nhằm mục đích cầu nguyện cho linh mục Nguyễn văn Lý và quan trọng hơn, Amnesty International chính thức kêu gọi mọi người lên tiếng, bằng cách từng cá nhân gởi thư đến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đòi hỏi phải trả tự do tức khắc cho Ngài.
Tôi đã đến rất sớm, nhận thấy Cha xứ Oberbauer đã đích thân cho người dựng bảng trước cửa nhà thờ có hình Cha Lý bị bịt miệng và 15 thanh niên Công Giáo yêu nước vừa mới bị bắt gần đây.
Ông Veit cùng đồng nghiệp bày quày bàn thông tin ngay phía trái cửa vào Thánh Đường. Amnesty International phổ biến tài liệu liên quan đến việc làm của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế. Đối diện, phía bên phải thì trưng bày bức hình lịch sử của cha Lý bị công an Việt cộng bịt miệng trong phiên toàn 2006, khổ rất lớn và hình ảnh của 16 người công giáo vừa bị cộng sản Việt Nam bắt giam, đó là các anh: Chu Mạnh Sơn, Đặng Xuân Diệu, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn, Trần Vũ Anh Bình, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật và Blogger Tạ Phong Tần.
Hai hình ảnh nói trên đập ngay vào mắt mọi người khi mở cửa vào nhà thờ nên được nhiều người Đức chú ý.
Tuy cũng biết việc làm của Amnesty International gồm nhiều nhóm khác nhau, sinh hoạt độc lập nhưng tôi đã trực tiếp nói chuyện với quý vị làm việc thiện nguyện cho Amnesty International là ông Veit, ông Blomberg, bà Kreis và đã ngợi khen việc làm đầy lòng "vị tha" của Amnesty International mặc dù họ không phải là người Việt, chẳng cùng giòng máu và khác màu da. Tôi hỏi ngay nguyên nhân nào đã khiến quý vị, Amnesty International phối hợp với giáo xứ Đức Allerheiligen tổ chức thánh lẽ cầu nguyện cho một tù nhân lương tâm người Việt, Linh Mục Nguyễn Văn Lý?.
Ông Veit cho biết đây là nhóm chuyên đặc trách những việc liên quan đến Giáo Hội Thiên Chúa Giáo vùng Munich (der Arbeitskreis Kirchen im Muenchner von Amnesty International) nên đã tìm hiểu và biết đến những sự kiện liên quan xảy ra với Ngài dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam. Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo và với mục đích của Amnesty International nói chung, của nhóm chúng tôi nói riêng, ông Veit nhấn mạnh là không thể làm ngơ và cố gắng cùng với giáo xứ Allerheiligen/Muenchen thực hiện hai buổi Thánh Lễ đã thông báo.
Theo sự ghi nhận của chúng tôi, Thánh Lễ hôm chiều thứ bảy 19.11.2011 lúc 18h30 đã được nhiều tín hữu và đồng hương không cùng tín ngưỡng hưởng ứng tham dự, khoảng hơn 70% là người Việt, đó là nhờ sự kêu gọi bằng điện thư, điện thoại của Anh Tạ Thành (Chủ Tịch) và Chị Phan Thị Hương, Phó Ngoại Vụ Cộng Đoàn Công Giáo Munich và Vùng Phụ Cận (CĐCGM & VPC) thuộc Giáo Xứ Nữ Vương Hoà Bình/Tổng Giáo Phận Muenchen & Freising.
Ngay sau khi khai mạc Thánh Lễ, cha xứ Oberbauer cũng nói sơ lý do và giới thiệu đại diện Amnesty International. Trong bài diễn văn ngắn ông Veit, đại diện Amnesty International đã cho mọi người hiện diện tại thánh đường biết nguyên nhân Amnesty International được thành lập. Ân xá Quốc tế được ông Peter Benenson một luật sư người Anh, thành lập năm 1961, cách đây 50 năm. Mục đích chính mà Amnesty International theo đuổi, đó là cống hiến toàn sức sực vào việc can thiệp những quốc gia trên thế giới phải tôn trọng nhân phẩm, củng cố mọi quyền căn bản của con người đã được trịnh trọng nêu ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc gồm những quyền căn bản như sau:
* Quyền sống (Recht auf Leben)
* Quyền không bị tra tấn (Freiheit von Folter)
* Quyền không bị truy nã (Freiheit von der Verfolgung, Verfolgungsfreiheit)
Tóm lại, không được vi phạm mà phải tôn trọng Nhân Quyền!
Hay tin Linh Mục Nguyễn Văn Lý là tù nhân lương tâm của nhà cầm quyền Việt Nam, trong khi Ngài bị bệnh nặng nên Amnesty International phải can thiệp và đòi hỏi Việt Nam phải trả Tự Do lập tức cho Lm Nguyễn Văn Lý, cũng như cho những nhà đấu tranh vì dân chủ đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Ông Veit cũng cho biết Amnesty International đã soạn sẵn một lá thư bằng Anh Ngữ gởi cho Ngoại Trưởng Việt Nam, đồng thời kêu gọi mọi người hưởng ứng chiến dịch do Amnesty International thực hiện bằng cách ký tên ủng hộ để gởi đến bộ ngoại gai VN tại Há Nội.
Sáng chủ nhật 20-11-2011 có thêm một thánh lễ nữa với cùng mục đích tại đây (Allerheiligenkirche). Cả hai đều do Cha Xứ Oberbauer chủ lễ. Số người tham dự cũng đông như chiều hôm trước nhưng hầu hết là người Đức; Chỉ có một số đại diện của giáo xứ Việt Nam hiện diện vì mọi người Việt tham dự Thánh Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Sau mỗi thánh lễ trước khi ra về mọi người đều hưởng ứng vui vẻ nhận thư kêu gọi của Amnesty International đem về nhà gởi đi.
Riêng Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình thuộc Tổng Giáo Phận Muenchen và Freising, sáng chủ nhật ngày 20-11-2011 vào lúc 11 giờ. trong Thánh Lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại nhà thờ St. Benedikt, cha xứ Lê Thanh Liêm và cộng đoàn cũng đã hiệp thông cầu nguyện cho Cha Nguyễn Văn Lý và những người đang bị bắt cầm tù tại Việt Nam, trong đó có 15 thanh niên yêu nước Công Giáo vừa mới bị bắt gần đây, đó là các anh: Chu Mạnh Sơn, Đặng Xuân Diệu, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn, Trần Vũ Anh Bình, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật và blogger Tạ Phong Tần đã được dựng bảng hình trước cửa nhà thờ.
Nhạc sĩ Lê Minh Bằng đã sáng tác một bản nhạc bất hủ: "Phải Lên Tiếng", như là một nhắc nhỡ! "Đừng im tiếng mà PHẢI LÊN TIẾNG …."
Cũng trong chiều hướng này, Cha Lê Thanh Liêm đã nói trong bài giảng đại ý:
"Là con chiên Thiên Chúa chúng ta hãy làm cánh tay dài của Thiên Chúa, hãy bày tỏ sự đồng cảm và phải lên tiếng thay cho những người không thể lên tiếng được. Với tinh thần này, cộng đoàn giáo xứ hãy cầu nguyện cho người tù nhân lương tâm, Cha Nguyễn Văn Lý và những người đang bị bắt bớ giam cầm tại Việt Nam chỉ vì tranh đấu bất bạo động, muốn đòi Tự Do Dân Chủ và Công Bình cho mọi người dân Việt!. Ngoài ra cha Liêm cũng kêu gọi (nếu ai muốn) thì sử dụng sự tự do chúng ta đang được hưởng, dựa theo thông điệp của Thiên Chúa, vị Vua của Trời đất không dùng bạo lực hay vũ lực. Cha Liêm còn nhắc nhở cộng đoàn nên sử dụng quyền Tự Do mình đang có đúng nơi, đúng chỗ theo chân Chúa Jésu và hãy bước thêm một bước nữa là ủng hộ gởi thư của Amnesty International đã soạn đến nhà cầm quyền Việt Nam, việc mà "người của thế kỷ" đã, đang làm. Cha Liêm còn nói thêm, nếu cộng đoàn không sử dụng quyền Tự Do đang có thì ý nghĩa buổi thánh lễ cầu nguyện cho Cha Lý chưa được trọn vẹn !!!".
Đại diện Amnesty International, ông Veit (nói tiếng Đức và Cha Liêm đứng bên cạnh chuyển ngữ) sau thánh lễ tại Allerheiligen cũng đến tham dự. Được cha Liêm mời lên phát biểu, ông đã nhấn mạnh lý do Amnesty International thực hiện chiến dịch gởi thư đến nhà cầm quyền cộng sản được Amnesty International phát động trên toàn nước Đức đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam trả Tự Do cho Cha Lý, đồng thời kêu gọi đồng hương tiếp tay gởi lá thư đã được Amnesty International soạn sẳn đến bộ ngoại giao Việt Nam. Cuối cùng Cha Liêm thay mặt cộng đoàn cám ơn và chúc Amnesty International, ông Veit cùng các cộng sự viên Amnesty International gặt hái được kết quả tốt.
Nhằm mục đích quảng bá những sinh hoạt của người Việt Tỵ nạn cộng sản tại Đức nói riêng đến với đồng hương ngoài nước Đức, người viết đã thu xếp mọi việc để có mặt trong ba thánh lễ nêu trên. Theo nhận xét riêng của tôi thì phải nói đây là một sinh hoạt đáng đề cao.
Đặc biệt đáng ngợi khen là Cha Liêm đã mạnh dạn kêu gọi giáo dân hãy theo con đường của Chúa, hãy dùng quyền tự do của mình đang hưởng lên tiếng thay cho những người bị bịt miệng tại quê nhà.
Trước khi chia tay ông Veit và bà Kreis thì ông ta cho tôi hay là trong ba thánh lễ Amnesty International đã phân phát hết tất cả những lá thư in sẵn, không đủ, ngoài dự tính của Amnesty International. Anh Tạ văn Thành, chủ tịch CĐCGM & VPC thuộc Giáo Xứ Nữ Vương Hoà Bình/Tổng Giáo Phận Muenchen & Freising sốt sắng nói ngay là sẽ in thêm để phân phát đến các tín hữu trong Cộng Đoàn Công Giáo Munich và Vùng Phụ Cận.
Cảm phục lòng vị tha, sự làm việc tích cực của Amnesty International, của quý ông/bà Veit, Blomberg và Kreis, những người không cùng chủng tộc, khác chúng ta từ ngôn ngữ cho đến màu da … Từ đó tôi hy vọng đây là tiếng chuông nho nhỏ đã được Amnesty International rung lên, biết đâu sẽ "gây sự chú ý" của người Việt chúng ta nói chung liên quan đến những diễn biến đã và đang xảy ra tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
Ngọc Châu
Vietcatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét