Đặc phái viên của Le Monde tại Bali nhận xét, mọi việc diễn ra giống như là một dạng chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên cái nền tranh giành ảnh hưởng tại châu Á. Sự cạnh tranh này diễn ra ngay cả trước thời điểm hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali, với sự tham gia của cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Le Monde nhận định, sự kiện lần đầu tiên có sự hiện diện của một Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á cho thấy Hoa Kỳ coi khu vực này là quan trọng và muốn gắn bó chặt chẽ.
Bên cạnh những bất đồng trên các lãnh vực khác, nay Mỹ và Trung Quốc còn ganh đua nhau ở Đông Nam Á, nơi là tuyến giao thương của một phần ba tổng lượng hàng hóa trên toàn cầu, và phân nửa nguồn cung dầu khí. Điều này gần đây lại còn thấy rõ hơn nữa qua việc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực. Hoa Kỳ muốn can dự vào, cho rằng những gì diễn ra ở Thái Bình Dương cũng là vấn đề của Mỹ. Còn Trung Quốc nhấn mạnh, cần giải quyết song phương với các quốc gia liên quan. Và thế là bế tắc.
Le Monde cho biết Trung Quốc đang tranh chấp với bốn quốc gia ASEAN : Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và có thêm Đài Loan. Trung Quốc và Đài Loan khẳng định toàn bộ Biển Đông thuộc về mình, còn bốn nước kia đòi hỏi chủ quyền của một phần các quần đảo chiến lược có thể giàu tài nguyên dầu khí, là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tình hình đặc biệt căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Việt Nam, Philippines. Hai nước này trong cuộc « thánh chiến » chống lại Bắc Kinh, hồi đầu tuần đã đề nghị các nước ASEAN hợp thành một « mặt trận thống nhất » trước Trung Quốc. Nhưng sáng kiến này được đón nhận một cách lạnh nhạt, vì các nước trong khu vực đều lo ngại cái bóng của Trung Quốc và ý thức được sự lệ thuộc kinh tế của mình với người láng giềng khổng lồ phương bắc.
Việc Hoa Kỳ xem hội nghị ASEAN là nơi chốn thích hợp để thảo luận về vấn đề « an ninh trên biển » đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt. Từ Bali, ông Ôn Gia Bảo phát biểu trước các nguyên thủ khu vực : « Các lực lượng bên ngoài không thể biện minh cho việc dẫm chân vào đây ».
Le Monde ghi nhận là trong tuần này Washington đã hai lần khiêu khích Bắc Kinh. Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trên một chiến hạm hôm 16/11 đã cam kết Mỹ sẽ ủng hộ Philippines trước « các thử thách mới của thế kỷ 21 ». Bà Clinton tuyên bố : « Tất cả các quốc gia đều có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình, nhưng không có quyền đe dọa và áp bức ». Tuy không nói thẳng ra, nhưng rõ ràng ám chỉ thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngay hôm sau, Tổng thống Barack Obama loan báo gởi 2.500 thủy quân lục chiến đến Úc. Theo ông, « Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ đóng một vai trò rộng lớn hơn, nhắm vào mục tiêu lâu dài » tại khu vực này. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả ngay : « Việc tăng cường và mở rộng các liên minh quân sự là không thích hợp ». Tờ báo dẫn thêm nguồn tin từ AFP cho biết, cuộc gặp song phương giữa ông Obama và Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị Đông Á đã không có một thông tin nào được đưa ra sau đó, chứng tỏ mọi việc không hề suông sẻ.
Sau những năm bị ông Bush bỏ quên, nay việc Hoa Kỳ quay lại vùng Viễn Đông, theo Le Monde là nhờ đã rảnh tay ở Irak và Afghanistan. Philip Golub, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Mỹ ở Paris cho rằng : « Trước các hạn chế về ngân sách và chiến lược, Hoa Kỳ đang tái cấu trúc lại lực lượng quân sự của mình trên toàn cầu. Tuy vẫn duy trì sự hiện diện quan trọng trong vùng vịnh Ả Rập - Persique, cái nhìn của Mỹ nay đang hướng về châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này được người Mỹ xem là trung tâm kinh tế quan trọng mới của thế giới, và điều này là chính xác ».
Các nước Đông Nam Á hoan nghênh việc « chiếc dù » Mỹ lại mở ra bao trùm khu vực, có thể giúp chặn đứng sức mạnh đang lên của Bắc Kinh. Nhưng một số nước cũng lo ngại hậu quả của việc này. Indonesia có ký hiệp ước « đối tác chiến lược » với Washington năm 2010, nhưng Ngoại trưởng nước này tại Bali đã cảnh báo « những diễn biến có thể gây ra một loạt phản ứng và hậu quả ». Thủ tướng Malaysia lo ngại về mọi sáng kiến có thể ảnh hưởng đến « hòa bình và ổn định ». Còn Ngoại trưởng Singapore e ngại mối nguy bị kẹt giữa các « lợi ích khác biệt » của các cường quốc đối địch.
Le Monde kết luận, tuyên bố trên đây phản ánh thế khó xử của các nước Đông Nam Á. Một khu vực có tổng sản phẩm nội địa 1.600 tỉ đô la với trên 600 triệu dân, khó thể tránh khỏi bị cuốn hút vào vòng xoáy của « cuộc chơi lớn » Mỹ - Trung.
Bài báo của La Croix mang tựa đề « Washington tự đặt mình làm đối trọng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á » cũng có các nhận định tương tự. Tờ báo nói thêm, việc Hoa Kỳ nhân thời điểm này loan báo chuyến viếng thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Clinton, như đã gởi một thông điệp cho Bắc Kinh thấy Trung Quốc không độc quyền thao túng tại đây.
Các triệu phú Trung Quốc không muốn ở lại đất nước
Cũng liên quan đến Trung Quốc, một bài phân tích trên Le Monde mang tựa đề « Điều làm các triệu phú phải bỏ đi » nói về một nghịch lý. Trong khi thế giới đang hướng về một Bắc Kinh đang cất cánh về kinh tế, thì những nhà giàu mới tại đây chỉ nghĩ đến việc bỏ sang phương Tây sinh sống.
Đây là kết quả một công trình nghiên cứu do Ngân hàng Trung Quốc và Hurun Report tiến hành, được công bố vào đầu tháng 11. Theo thăm dò 980 nhà triệu phú có trên 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,1 triệu euro, thì gần phân nửa cho biết đã nghĩ đến việc ra nước ngoài định cư, 14% đã hoặc đang làm việc này.
Đâu là các nguyên nhân ? Theo Le Monde, đó là con cái nhà giàu cũng phải hít thở không khí ô nhiễm như con nhà nghèo, số tiền bạc triệu của cha mẹ các em không thay đổi được gì cả. Chính sách mỗi gia đình chỉ có một con cũng áp dụng cho các gia đình giàu có. Trong số các lý do khác, có thể kể : hệ thống giáo dục cứng nhắc, hệ thống y tế thiếu thốn, và không có một khuôn khổ pháp lý vững vàng.
Ai sẽ xét xử Saif al-Islam ?
Liên quan đến vụ Saif al-Islam Kadhafi bị bắt, nhiều tờ báo cùng quan tâm đến số phận của con trai nhà cựu độc tài Libya. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là : Ai sẽ xét xử người con của đại tá Kadhafi ?
La Croix trích lời một chuyên gia về luật pháp cho biết, trên nguyên tắc thì Saif al-Islam phải được dẫn độ ra Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI), nhưng chính quyền Libya từ chối. Và thật ra, CPI chỉ có thể xét xử các tội phạm chống nhân loại hay tội diệt chủng khi nào quốc gia liên quan không có ý định, hoặc không có phương tiện và khả năng tiến hành điều tra đến nơi đến chốn, hay tổ chức một phiên tòa công minh.
Đã hẳn rằng Libya có điều kiện hơn trong việc thu thập các chứng cứ, nhưng không chắc rằng người Libya có thể tránh được khuynh hướng trả thù. Libya cũng là nước có nền tư pháp hết sức lỏng lẻo, sau nhiều năm dài dưới chế độ Kadhafi. Do vậy theo chuyên gia này, cần phải thông qua một đạo luật thành lập một tòa án hỗn hợp gồm các thẩm phán người Libya và nước ngoài, Ả Rập và không Ả Rập. Tòa án Hình sự Quốc tế cũng cần hỗ trợ xây dựng nên một nhà nước pháp quyền. Một phiên tòa nghiêm chỉnh diễn ra tại Libya, tôn trọng quyền bào chữa và không áp dụng án tử sẽ là một thông điệp tốt đẹp cho người Libya và thế giới Ả Rập.
Tây Ban Nha xoay chiều
Nhìn sang nước láng giềng Tây Ban Nha, báo Le Figaro trong bài xã luận đã nhận định, Tây Ban Nha có nhiều điểm mạnh so với Ý và Hy Lạp. Trước hết, tân chính phủ cánh hữu nước này có thời gian rộng rãi hơn với nhiệm kỳ trước mắt, và một đa số trong Quốc hội để có thể tiến hành các chính sách khắc khổ mà ít bị trở ngại.
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha còn có ngành công nghiệp du lịch thịnh vượng, lãnh vực xuất khẩu cũng chống chọi tốt trước khủng hoảng. Còn đối với nước Pháp, một đồng minh mới như Madrid để hợp sức với Paris trong những cuộc đối thoại nhiều khi rất gay go trước Berlin cũng là một viễn cảnh tốt đẹp. Theo tờ báo, Tây Ban Nha có thể sẽ là một người bạn mới quý hóa của Pháp tại châu Âu cũng như vùng Địa Trung Hải.
Thời sự nước Pháp : Chủ đề chính của các báo hôm nay
Trang nhất các nhật báo xuất bản tại Paris hôm nay hầu hết dành cho thời sự nước Pháp. Trong lãnh vực chính trị, tờ Le Monde chú ý đến phe cực hữu Pháp, với hàng tựa : « Marine Le Pen muốn tái thúc đẩy chiến dịch tranh cử như thế nào », nói về việc chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, đưa ra các đường hướng chính trong kế hoạch tranh cử tổng thống.
Nhật báo Libération chơi chữ : « Schizo Sarko », với tấm ảnh trên trang nhất là chân dung của đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được tách làm hai mảng. Tờ báo cánh tả cho rằng, việc tỉ lệ tín nhiệm của ông Sarkozy đang tăng lên không che đậy được cái thế khó xử trong chiến dịch tranh cử của ông, đó là ngả theo xu hướng cánh hữu hay cánh trung ?
Về mặt kinh tế, nhật báo cộng sản L'Humanité chạy tựa : « Kỹ nghệ xe hơi : Sarkozy cùng điều khiển về phía đổ vỡ ». Theo tờ báo, thì trường hợp tập đoàn PSA sa thải hàng loạt công nhân là minh họa cụ thể cho thấy sự thông đồng giữa chính phủ và giới chủ dẫn đến nguy cơ xuống dốc của ngành công nghiệp này. Nhìn rộng hơn, Les Echos đưa tít trang nhất: « Các kế hoạch gây lo ngại làm cho công ăn việc làm giảm xuống». Tờ báo kinh tế cho biết, sau công nghiệp xe hơi và ngân hàng, các lãnh vực khác đang bị các kế hoạch tái cơ cấu đe dọa. Các nghiệp đoàn sẽ tổ chức các hoạt động phản đối kế hoạch khắc khổ vào ngày 13/12 tới.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro quan tâm đến « Tây Ban Nha : ngọn triều cánh hữu », khi đảng Nhân Dân đoạt được đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Đây là một thất bại nặng nề cho đảng PSOE của ông Zapatero. Còn nhật báo công giáo La Croix nói về « Hy vọng châu Phi của Đức giáo hoàng Benedicto thứ 16 ». Trong chuyến đi Bénin, Ngài đã tán dương sức sống của châu lục này, và kêu gọi nên nhìn thẳng vào các khó khăn trước mặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét