Mùa xuân năm 1974, khi tấm giấy báo tử này bi tráng được ký, tôi vẫn còn là một chú nhỏ ngày hai buổi đến trường. Tuy bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên những âm thanh hừng hực ngày ấy. Từ chiếc radio Zenith cũ kỹ của gia đình, đài phát thanh Sài gòn đã liên tục phát đi những bản hùng ca "Hội nghị Diên Hồng", "Chi Lăng", "Hận Nam quan",… Nghe nói ông Hoàng Đức Nhã, tổng trưởng dân vận hồi đó đã huy động những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Sài gòn ngay trong đêm để cùng lên đài phát thanh, cùng hợp ca những bản nhạc hùng bất hủ ấy.
Lớp nhỏ chúng tôi cũng vậy, cũng cùng nhau hát đến khản giọng trong những buổi sinh hoạt hướng đạo, những ngày đi ủy lạo nạn nhân chiến cuộc hay hay cứu trợ đồng bào bão lụt.
Hoàng Sa mất vào tay giặc chưa được bao lâu, thì 5 năm sau, cuộc chiến biên giới 1979 nổ ra. Chúng tôi lại được lệnh đào hào, tập bắn súng thật, tập ném lựu đạn…Và được khuyến khích, cổ vũ tối đa việc bày tỏ lòng khinh miệt, căm ghét với "lũ bành trướng sô vanh nước lớn Bắc kinh", theo từ ngữ của các pa nô chống Trung quốc rợp trời hồi đó.
Ghét Tàu thì không cần cố gắng và tranh luận. Khác với những nền đô hộ mà sự xâm lược luôn đi kèm với một chút khai sáng, 10 thế kỷ đô hộ của người Tàu trên đất nước hình chữ S không hề mang lại điều gì tốt đẹp, trừ công khai hóa về nông nghiệp của Sĩ Nhiếp. Tàn ác như thực dân Pháp mà còn có được Viện Viễn Đông Bác cổ, hội Đô thành hiếu cổ… để nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa của chính dân tộc mà họ đô hộ. Đó là chưa kể Trường Đại học Y Hà nội, Trường Mỹ thuật Đông dương… đã để lại trong lịch sử Việt nam những cái tên sáng chói của những trí thức Tây học ngang tầm thế giới.
Còn người Tàu ư? Có dân tộc nào thâm hiểm đến độ đốt sách, chôn nho sĩ… để tuyệt diệt cội rễ văn hóa của dân tộc chúng ta như họ? Có kẻ xâm lăng nào tham lam đến độ ngoài các sản vật thời trân của đất nước, còn bắt cha ông ta phải tiến cống cả danh sĩ, mỹ nữ…, những nguồn gene ngoại hạng của đất nước sang Tàu? Và dù mê tín, cột đồng mà Mã Viện dựng lên với lời nguyền độc địa "đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" là khẳng định chắc chắn nhất của dã tâm tuyệt diệt trăm họ Bách Việt trên đất nước chúng ta.
Với những ký ức ghê sợ như thế, đừng ngạc nhiên khi thấy não trạng đề kháng ngoại xâm đã là một phần của căn tính Việt. Vì sao dân tộc chúng ta có thể tồn tại mà không bị đồng hóa sau 10 thế kỷ dưới ách một dân tộc hung hãn như vậy, tự nó là một phép lạ lịch sử ngoại hạng và chưa từng có ở bất cứ dân tộc nào khác.
Trung Hoa lục địa ngày nay vẫn chưa đủ bao la với người Tàu. Biển Đông của chúng ta vẫn là chỗ nhòm ngó của kẻ tham lam. Sự ngang ngược của kẻ cướp đất, cướp biển vẫn xảy ra mỗi ngày, với nhiều mưu mô quỉ quyệt khác nhau. Cả một lịch sử dài hơn 10 thế kỷ, dường như người Tàu vẫn chưa học được những bài học xương máu về chí quật cường của dân tộc chúng ta, nơi mà từ thế kỷ 12, gã lính viễn chinh cha ông của họ khi nhớ tới phải "run sợ đến bạc đầu".
Hôm nay, khi người Tàu ngang nhiên mời thầu những lô khai thác dầu ở biển Đông, chỉ cách bờ biển Phan Thiết 54 hải lý, đã có nhiều luồng dư luận bên lề khác nhau. Có người cay cú không màng, phủi tay đứng ngoài cuộc. Có kẻ hồ hởi thì thào về ngọn đèn xanh nào đó đã bật cho cuộc xuống đường sắp tới.
Tất cả đều sai! Vì yêu nước thì không cần đèn xanh đèn đỏ. Vì xuống đường biểu thị lòng ái quốc không thể, và không bao giờ là trò chơi để đong đưa hay kiếm chác.
Tôi xuống đường, vì tôi căm phẫn khi đất nước bị xâm hại.
Dẫu không hề ảo tưởng về sự nhún nhường của những kẻ đã cho xe tăng cán nát xương thịt của chính nhân dân mình, tôi đi, vì không muốn thấy xác những ngư phủ anh em phải trở về trong khoang thuyền ướp đá.
Tôi đi, để con cái tôi còn được ăn cá biển Đông, nơi những đội hùng binh thời các chúa Nguyễn đã cỡi thuyền ra giữ nước.
Tôi đi, vì những giọt dầu quí giá của tổ quốc, mà tương lai sẽ là cơm ăn, áo mặc, trường học, bệnh viện… của những thế hệ sau khỏi bị kẻ cướp kia chiếm đoạt.
Tôi đi, vì tôi yêu nước Việt của tôi, và đứng ngoài với mọi trò chơi chính trị.
Chỉ thế thôi, xin đừng quăng quật!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét