Bổ sung vai trò của MTTQ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; sửa đổi quy định trong Hiến pháp thể hiện quyền làm chủ thuộc về nhân dân và vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước… Đó là những nội dung nổi bật được UBTƯ MTTQ VN kiến nghị để sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật MTTQ VN được nêu ra tại Hội nghị lần thứ chín Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN vào ngày 28-6.
Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước
Theo báo cáo của UB MTTQ VN, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay là một vấn đề phức tạp do sự phức tạp của tổ chức quyền lực nhà nước và hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước chỉ kiểm soát được khi có cơ chế xác định và các điều kiện cần thiết để vận hành cơ chế đó trên thực tế. Cơ chế đó phải bao gồm kiểm soát bên ngoài lẫn bên trong nhằm khắc phục sự tha hóa của quyền lực nhà nước, đưa quyền lực nhà nước trở về với đúng nghĩa là quyền lực của nhân dân, quyền lực thực hiện chức năng công quản xã hội.
"Để kiểm soát quyền lực nhà nước, cần giới hạn phạm vi quyền lực nhà nước bằng bản văn Hiến pháp. Đồng thời, kiểm soát thông qua bầu cử theo nhiệm kỳ, thông qua việc thực hiện quyền bãi miễn, thông qua đóng góp ý kiến, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, công luận và kiểm soát quyền lực nhà nước bằng phân quyền (phân công quyền lực nhà nước một cách rạch ròi). Ngoài ra, cũng cần kiểm soát bằng các thể chế trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước và bằng thể chế độc lập như Tòa Hiến pháp, Hội đồng Bảo hiến…" - UB MTTQ phân tích và đề nghị bổ sung cụm từ "kiểm soát quyền lực" vào Điều 2 của Hiến pháp. Cụ thể: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội
MTTQ cũng đề nghị bổ sung vai trò của MTTQ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, cho hay trong các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ, mặt trận có đề nghị bổ sung nhiệm vụ phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó cần quy định cụ thể đối tượng, phạm vi, nội dung, phương thức và cơ chế điều kiện đảm bảo để mặt trận thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội.
GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ-pháp luật, cho rằng vấn đề nhân dân làm chủ chưa gắn với các văn bản hiện nay. "Các vụ việc động trời như Văn Giang, Tiên Lãng vừa qua người dân có được làm chủ không? Đây chính là vấn đề cần sửa đổi trong Hiến pháp và cũng là câu chuyện chúng ta cần suy nghĩ để xây dựng Hiến pháp và Luật MTTQ trong thời gian tới" - GS Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, việc sửa Luật MTTQ phải gắn liền với sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp lại phải gắn với đổi mới chính trị. Đổi mới chính trị chậm thì không thể sửa Hiến pháp và vì thế mà Luật MTTQ cũng khó có thể sửa sớm được.
T.HẰNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét