Sổ Tay Thường Dân
Phía nam nước Tống có một nước nhỏ là nước Táng. Huyện Tan Nam Châu Diễn, nước Táng, có người tên là Tành. Năm Tành thập lục gặp lúc nhà cửa tan nát, cha giữ chức quan nhỏ vì say rượu mà đánh chết người dân. Bị đày đi tít nơi xa, cha Tành chán đời oán hận triều đình, say sưa tối ngày. Tành chán gia cảnh xuống tàu vượt biển sang xứ người mưu sinh. Bôn ba mấy mươi năm, gặp thầy gặp vận được nước Tống nâng đỡ dìu cho làm vương nước Táng.
Nước Táng vì vương chịu ơn của Tống mà thành nước chư hầu phên dậu. Cống nạp hàng năm đầy đủ.
Tành Táng Vương làm vua hơn hai mươi năm, nước Táng chinh chiến liên miên không dứt. Tành Táng Vương mất đi,quan hệ Tống Táng trở thành sứt mẻ khiến binh đao bờ cõi kéo dài cả mươi năm nữa. Nước Táng trở thành kiệt quệ, vua tôi nhà Táng dâng sớ cầu hòa, chọn ngày đẹp kéo sang ngoại thành kinh đô Tống xin chầu phục.
Tống Vương ra điều kiện vua tôi nhà Táng phải phong thánh cho Tành Táng Vương. Mọi nghi thức, lễ lạt nhất nhất phải theo sự chỉ đạo của Tống triều.
Vua tôi nhà Táng thấy điều kiện Tống Triều đơn giản, vả lại nước Tống đòi Táng thờ phụng tiên vương của Táng chứ của ai đâu mà phải đắn đo. Thứ nữa là điều ấy hợp đạo lý dân tộc Táng là uống nước nhớ nguồn. Bởi vậy khi về ra sức tô vẽ cho Tành Táng Vương hiển thánh. Xây dựng đền thờ khắp nước, dựng lăng tẩm kỳ công. Sách vở ca tụng Tành Táng Vương nhiều đến mức đem trải kín mặt đất nước Táng phải dày đến hàng tấc.
Tành Táng Vương được suy tôn như thần nhân, nhà nhà đến các phủ, sở đều có ban thờ Tành Táng Vương, hương khói quanh năm, đèn hoa, hương nến, lễ vật luôn tố hảo. Tâm đức của Tành Táng Vương được triều đình soạn thảo công phu cho trăm họ và quan lại học tập. Quan lại nước Táng lên công đường, hay chốn triều đình nghị sự thường mở miệng là nói.
- Tành Táng Vương dạy rằng….
- Tành Táng Vương nói rằng….
Đâu đâu cũng treo những lời dạy của Tành Táng Vương trong khung kính, trong những chỗ trang trọng. Công sở, trường học, quốc lộ, phủ quan… chỗ nào cũng có lời huấn dụ của Tành Táng Vương.
Trong suốt lịch sử nước Táng chưa có vị vua nào được suy tôn trọng vọng thành quốc thánh như Tành Táng Vương. Dân Táng vốn ưa chuyện thêu dệt phi thường, thế nên những mẩu đời hoạt động của Tành Táng Vương được mô tả như huyền thoại thành triết lý sống và làm việc để người ta bảo ban nhau.
Bấy giờ triều Tống nghị sự, luận việc phía nam. Quan coi sóc phương nam mới tâu rằng.
- Nay người Táng đã suy tôn Tành Táng Vương là thánh thần. Niềm tin ăn sâu đến ba thế hệ. Giờ là lúc thâu tóm Táng được rồi.
Nước Tống gửi thư yêu sách nước Táng phải nhận sự chỉ đạo toàn diện của Tống trên mọi lĩnh vực. Điều này là bất khả tư nghị, tuyệt đối phục tòng. Kèm theo là một số tư liệu, vật chứng về cuộc đời, sự nghiệp thật của Tành Táng Vương lúc ở bên Tống nương nhờ.
Nước Táng nhận thư và tư liệu, cả triều ngồi thẫn thờ với nhau. Tiếng thầm thì lao xao sau lớn dần thành tranh cãi. Kẻ thì bảo không phải nghe theo, sự thật thế nào thì chịu thế. Nhưng những kẻ thức thời, thực dụng hơn lại chiếm số đông tỉnh táo mà bác rằng.
- Nay hình tượng Tành Táng Vương đã là biểu tượng của triều đại ta trong lòng bá tính đó là do chúng ta ra sức dựng lên. Nếu hình tượng này sụp đổ thì dân nào còn tin triều đình nữa. Khi dân chúng biết sự thật thì họ sẽ thất vọng vô cùng, sinh biến loạn. Liệu chúng ta còn ngồi yên trong phủ đệ xa hoa, tì thiếp hàng đàn, của ngon, vật lạ thưởng thức hàng ngày không. Chi bằng cứ mềm dẻo đối ngoại, vừa lùi vừa tính có hơn không. Phàm ở đời cái gì mềm thì khó gẫy, lúc này cứng là trước hết chỉ có thiệt. Mà người thiệt trước hết là quan lại triều đình ta. Thế nên phải thận trọng từng bước để giữ vững sự ổn định.
Đa số đạ thần nước Táng đều cho lẽ ấy là phải. Bèn lựa lời xin Tống cho thư thả một số khoản để thu xếp cho dân chúng yên. Còn cơ bản thì nhất trí đồng tình toàn diện mọi yêu cầu trong thư của Tống.Việc này Táng lưu giữ là tuyệt mật quốc gia. Một số kẻ ban đầu không đồng tình đều bị ngấm ngầm triệt hạ, những kẻ còn lại khiếp hãi ngậm tăm mà sống đời quan lại xa hoa.
Tống cho người sang Táng khai thác hầm mỏ, mua bán với kiểu chèn ép tự tung tự tác. Lại đòi Táng cắt đất biên giới, tiếp đến đòi cắt lãnh hải. Đồng thời ép Táng tiếp tục công cuộc tôn vinh Tành Táng Vương phải xây thêm nhiều đền thờ nữa.
Trong mấy ngàn năm lịch sử nước Táng, Tành Táng Vương người huyện Tan là có nhiều đền thờ nhất. Ấy cũng là do ý của Tống mà vậy.
Khuyết Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét