Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 9 tại Hà Nội, trong đó có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Tại hội nghị, việc đánh giá tình hình đã tương đối mạnh dạn hơn trước, song khâu quan trọng nhất là truy tìm nguyên nhân thì quá sơ sài, hầu như bị bỏ qua. Nguyên nhân chưa sáng tỏ thì thuốc chữa sẽ chỉ là suy diễn áng chừng theo đủ thứ sách vở, mà Y học gọi là "phác đồ điều trị bao vây", như hiệp sĩ cứ chọc gươm khắp vùng may ra thì trúng. Vì thế, hai kiến nghị chính cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là thực hiện Quyền Phúc quyết của dân và có Điều luật riêng về sự lãnh đạo của Đảng (ĐCSVN) mà hội nghị đưa ra nghe thì lớn lao, nhưng e rằng cũng chỉ là hai đường gươm "chém gió", cùng lắm là sát thương được mấy chú sâu nhãi nhép, rồi đâu vẫn vào đấy.
Thật vậy, theo GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ VN xác nhận thì thực tiễn "bắt đầu có sự đối lập hoàn toàn giữa nhân dân với chính quyền" (mà chính quyền này mệnh danh là của dân do dân và vì dân). Thực tế lộn ngược này quá lớn, không thể giải thích bằng mấy câu khơi khơi mà xong.
Thực tiễn thứ hai là các hiến pháp của Việt Nam, tuần tự là HP các năm 1946 -1959 -1980 -1992 thì ai cũng biết ngày càng kém dân chủ so với HP đầu tiên 1946! Song song với đồ thị đi xuống liên tục của Hiến pháp là đường đi lên liên tục về quyền lãnh đạo của Đảng ngày thêm vững chắc, và đương nhiên ngày càng tiến gần lên cái đích "Xã hội chủ nghĩa", không ai dám nói khác! Một đồ thị tuyến tính liên tục đi lên, ứng với một dãy giá trị tuyến tính liên tục đi xuống, từ tương quan tỷ lệ nghịch này rút ra kết luận gì, quy luật toán học rất đơn giản này xin nhường cho một em học sinh cấp hai, tiếc thay không một đại biểu nào phân tích.
Trong khi độ dân chủ giảm dần, đạo đức xã hội giảm dần theo một chiều như vậy, thì phần GIẢI PHÁP của bất nghị quyết nào cũng không thể thiếu một câu kinh điển "TĂNG CƯỜNG sự lãnh đạo của Đảng". Một anh thợ máy TĂNG điện áp thấy máy càng hỏng mà cứ thuận tay TĂNG điện áp mãi thì đúng là một anh thợ… khùng!
Trở lại hai kiến nghị cụ thể. Thứ nhất là vấn đề PHÚC QUYẾT HIẾN PHÁP: Đây chỉ là thao tác chuyên môn có tính kỹ thuật của các nhà soạn thảo luật, tự nó không quyết định thể chế dân chủ hay không dân chủ. Ai Cập có quyền Phúc quyết hiến pháp nhưng không dân chủ, trong khi Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan… không cần quyền Phúc quyết ấy vẫn là những thể chế dân chủ tiên tiến.
Còn nói đến Luật về sự lãnh đạo của Đảng, cũng như luật biểu tình hay trăm thứ luật khác đều có tính hai chiều: luật của Vua thì lợi cho vua thiệt cho dân, CHỈ KHI NÀO CÓ DÂN CHỦ thực sự để có luật do các đại biểu thực sự của dân làm ra mới bảo vệ được dân, hạn chế được quyền của vua, ấy mới là luật của chế độ Pháp quyền, nếu không thì luật chỉ củng cố thêm chế độ độc tài. Nay vua lại sai người của vua soạn luật cho vua thì chỉ là đánh bùn sang ao, có thay đổi tý chút cũng chẳng đáng gì. Muốn đổi mới rất nhiều nhưng với một điều kiện tiên quyết không thể nhân nhượng là giữ nguyên điều 4, đảm bảo sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất (nói gì thì nói, lãnh đạo là cứ phải trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối, không chia sẻ với ai), thì sự tự do ấy khác nào trò chơi Hổ quyền, xích con Hổ lại bằng xích sắt rồi bắt nó phải "tự do" đấu với một đàn voi hung hãn được trang bị đến tận răng… nanh!
Một xã hội, khi triết lý chính trị, cấu trúc chính trị còn "có vấn đề" thì sự tu sửa điều nọ luật kia cũng sa vào vòng luẩn quẩn.
Cũng vì những lý do ấy, xin thưa với MTTQ một sự thật nữa: Nhân dân thấy quyền PHẢN BIỆN được đề cao nhưngthực hiện trong khuôn khổ của MTTQ thì dân tôi hết hy vọng. Lời nói ấy biết chẳng khiến nhau vui lòng, nhưng chẳng nói ra thì quý vị cũng biết tỏng.
30-6-2012
H.S.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét