LTS: Tầu hiện nay đã trở thành một quốc gia phát triển mạnh cả về kinh tế và quân sự. Ngay từ cuối thập niên 1950, đầu 1960, khi chưa thực mạnh, Tầu đã từng xung đột vũ trang với Liên Xô và Ấn Độ. Ngày nay, họ lại bộc lộ ý đồ bành trướng ảnh hưởng ra toàn thế giới, tạo nguy cơ xung đột tại Thái Binh Dương và nhất là vùng biển Đông Nam Á. Việt Nam, cửa ngõ xuống phía nam của Tầu, đang đứng trước nguy cơ bị Tầu xâm thực mạnh nhất và trực tiếp nhất.
Ngay từ đầu thập niên 1940, khi thế chiến II chưa thật sự chấm dứt, một nhà cách mạng Việt Nam, Lý Đông A,sáng lập ra chủ nghĩa Duy Dân, và đảng Đại Việt Duy Dân, để chống cả Pháp và Cộng sản, đã dự kiến trước nguy cơ này trong một số bài viết của ông. Những tài liệu do LĐA biên sọan cho đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi vì thường bị các chính quyền độc tài cấm lưu hành, nhất là chinh quyền CS. Bản thân Lý Đông A tới nay tung tích vẫn chưa sáng tỏ, không biết còn sống hay đã bị CS thủ tiêu, dù tới nay, đảng CSVN chưa bao giờ chính thức công bố đã giết LĐA.
Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn hai đoạn LĐA viết về nước Tầu trong thời kỳ hậu chiến (sau thế chiến II) đối với thế giới, nhất là Anh-Mỹ, và đối với Việt Nam. Đoạn 1 có tựa đề Chiến Hậu trong bài Xuân Thu (1943); đoạn 2 mang tựa đề Đối Tầu trong đoạn văn Chu Tri Lục 3, quyển Chu Tri Lục.
Trong các bài viết này, cách đây 70 năm, LĐA đã cảnh báo rằng nước Tầu sẽ trở thành đại địch của toàn thế giới, và sẽ là "tối hậu địch nhân" của dân tộc –mà theo sự hiểu biết của chúng tôi, sẽ là kẻ ngọai địch cuối cùng trước khi dân tộc chúng ta phục hưng, và điều này hiện đang xẩy ra.
Những đoạn in đậm và in nghiêng là do chúng tôi muốn nhấn mạnh để độc giả lưu ý.
_________________________________
CHIẾN HẬU
Đức có thể thua được trong ngoài 1945. Nhật bị nội bộ Đông Á giải thể trong ngoài 1946. Từ đấy thống trị bởi sự thắng trận. Thắng lợi là chuyện tất yếu của chiến tranh, sau đấy nó có thể mang đến sự thất bại của hòa bình. Anh với Mỹ có thể liên hợp thành một chủng tộc liên bang, lấy kinh tế ra đè ép và buộc chặt thế giới, hoặc Anh vẫn là Anh đế quốc kiên quyết cự tuyệt những nguyên tắc Đại Tây Dương ứng dụng vào nội bộ của mình, Mỹ vẫn là Mỹ đế quốc thực hành xong "monroisme" mà cương quyết đòi môn hộ khai phóng toàn thế giới. Hai đế quốc ấy đứng trên một hàng trận có mâu thuẫn bên trong như thế chia đôi bá quyền toàn thế giới. Sự giải quyết chung nhau của Anh, Mỹ với vấn đề Nga xúc tiến nên hội nghị Moscou (10-1943) ở đây Anh, Mỹ muốn cho xong vấn đề Đông Âu, Nga đánh Nhật và đánh Đức một thể, vấn đề Turquie và Cận Đông, Anh với Mỹ trong cuộc lãng giải, như là khắng khít như thế, thực tại vì đại địch đương tiền, đại địch hiện nay là Đức, Ý, Nhật, đại địch tương lai là Nga, đại địch giải định cho tương lai nữa là Tàu. Tàu tuy bi gọi là một trong tứ cường nhưng mà sự bỏ lãng khinh miệt với sự dè dặt sự đề phòng càng ngày càng phải tăng. Cái hình thế nước Tàu phóng trông ra tương lai, 20 năm sau 1944 chẳng hay ho gì. Những dã tâm của Tưởng Giới Trạch biểu hiện từ trong ra đến ngoài rất đáng kinh khủng cho toàn nhân loại. Những vấn đề Tàu yêu cầu chiếm lĩnh Việt và Hàn ở Washington và yêu cầu các quyền lợi chính trị với kinh tế các phía có Hoa Kiều (nhất là Nam Dương) chưa đủ để cảnh tỉnh Anh, Mỹ hay sao? Tất cả tuyên ngôn đường mật chỉ là đánh lừa và là thừa cho những nhà quan sát chính trị, nhưng là những tài liệu rất quý cho những nhà học về tâm lý trên lịch sử và chính trị. Người ta muốn công nhiên một cách mâu thuẫn bá chiếm cả thế giới, nhưng mà người ta còn cần hiệu triệu, thứ nhất là cần đánh lừa. Hitler nói: "đánh bạc" là thế.
(LĐA, Xuân Thu, 6-11-1943 (4822 tuổi Việt)
___________________
ĐỐI TẦU
Muốn biết lập trường của mình đối với người và người đối với mình, sự tự xem mình một mặt đã cần, sự xem người trên hết các xu hướng của phát triển lịch sử cùng là chính trị lộ tuyến của người về phía mình một mặt còn rất cần.
Trung tâm của quy luật lịch sử Tàu là: "Hữu đức giả hữu thổ"; hữu đức đây không phải là đạo đức, nhưng lấy ý nghĩa nghiêm ngặt của nó trong kinh sử Tàu mà giảng giải thì nó là lấy tài hóa thu nhân tâm. Cái quy luật đó đem phối hợp với ý chí của dân tộc ấy là "hưng Hoa diệt Di", hình thành một cái định nghĩa của một tấm lịch sử xâm lược. Cái nguyên tắc chủ yếu ấy từ cổ tới nay đã từng thực hành mà còn có thể nói có chứng cớ rằng vẫn thực hành. Bằng cớ sự đem ra thực tiễn các kho nguyên tắc này là kinh sử vẫn thấy nhan nhản. Kinh sử vốn là miệng lưỡi của cái thanh giáo nhà nho làm trung kiên cho xã hội quan liêu dân chủ, trung lưu tư sản phong kiến của cái thiên hạ đại đồng chủ nghĩa lối Hán, mà vũ khí và thủ đoạn chủ yếu là chủng tộc xâm lược. Chủng tộc được suy tiến theo lối "tam niên dưỡng nhi giáo chi tất giai ngô dân", văn hóa được suy tiến sau chủng tộc làm sự duy hệ và thế thủ sau thế công: "tuần tuyên văn giáo, thủ tại tứ Di", kinh tế theo sau nữa: "hữu đức giả hữu thổ" mà chính trị chiếm lĩnh là cần yếu hơn "phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ", tất cả đều phục tòng dưới lưỡi lê: "nhưỡng Di Địch, phạt Man Khương".
Nếu không tin mà còn tin vào Khổng Mạnh. xin hãy giở pho sử muôn năm của ta với tất cả thảm thương sỉ nhục của sự bị đè nén, bị xâm lược, bị hiếp tróc; lại xin tham khảo lịch sử của các dân tộc Man Di bốn phía Tàu. Quốc dân, chính trị gia và cách mạng gia hãy giở lại cái quan hệ của sự giúp đỡ cách mạng lẫn nhau giữa nòi giống ta và nòi giống Hán, hãy thể nghiệm cái sầu hận đời Hậu Trần và Lê Chiêu Thống, hãy tiếc róc cái đối đãi tốt của ta đối với lũ Hậu Tống, Hậu Minh.
Còn có kẻ thân Tàu, sùng bái Khổng Mạnh, ủng hộ Tôn Văn, nói rằng việc cũ bỏ đi, trăm điều phải trông vào xu hướng mới. Cái xu hướng mới của Cách Mạng Tân Hợi (1911) tức là sự chuyển hình của một đế quốc lối Á Đông phong kiến, sang lối dùng những tinh thần và vật chất vũ khí của các đế quốc tư bản lối Âu Châu.
Hãy xem Đảng Quốc Dân Tàu hiện làm chủ trào lưu của chính trị lộ tuyến và xu hướng nước ấy. Sự quyết định chính sách của mỗi đảng hay mỗi nước còn căn cứ vào cái thành phần xã hội của đảng hay nước ấy, tự nó giải nghĩa hết và quy định hết các hành vi hay tâm lý để rồi hãy xem đến quốc sách với chủ trương sau. Nền tảng của Quốc Dân Đảng Tàu bao gồm một giai cấp từ trung tư bản đến đại tư bản trở lên cầm đầu bởi lũ quân phiệt tư bản nho sĩ đè nén tiểu tư sản và vô sản giai cấp, mua chuộc sự thỏa hiệp với đế quốc bên ngoài, mong học đòi cái kết cấu ấy quyết định con đường tư bản đế quốc chủ nghĩa, phối hợp với chủng tộc thiên hạ chủ nghĩa cũ mà nảy nở ra một hình thức đế quốc chủ nghĩa Tam Dân. Tam Dân chủ nghĩa chỉ là một chủ nghĩa chủng tộc xâm lược, hơn nữa là một chủ nghĩa xâm lược thế giới. Đã biết rằng Tam Dân chủ nghĩa là thủ đoạn đó, sự phân tích dân tộc chủ nghĩa là đặc biệt cần yếu (chú ý: dân tộc chủ nghĩa của Tam Dân).
Dân tộc chủ nghĩa ấy tóm tắt 5 yếu điểm này:
A. Trung Quốc dân tộc tự cầu giải phóng hay là nòi Hán tự cầu đổi lốt.
B. Quốc nội dân tộc nhất luận bình đẳng. Khoảng năm 1885 cách mạng Tôn Văn ra đời, cực lực chủ trương chủng tộc. Lúc bấy giờ y đề xướng ra nòi Hán diệt nòi Mãn, rồi lãnh đạo nòi khác ở Á Đông, chưa bị hay hiện bị dưới ách của Tàu. Sự dập gẫy làm y giảm bớt sự quá khích mà đề xướng Ngũ Tộc Cộng Hòa (khoảng Tân Hợi 1911). Ngũ Tộc Cộng Hòa chỉ là một liều thuốc độc bọc bánh ngọt, bởi vì nếu kể về nhân khẩu trong đất Tàu thì 90% là Hán còn 10% là các nòi Mãn, Mông, Tạng và Miêu (Việt núi). Như thế thì chế độ Ngũ Tộc Cộng Hòa dung túng cho số đông nuốt số ít mà số đông ấy càng được đông người và thêm đất, hợp với mục đích lập quốc lắm. Nhưng bệnh quá khích lại nổi dậy để Tôn Văn (khoảng năm 1916) đề xướng ra luận quốc tộc. Quốc tộc là gì? Để Tôn Văn tự giải nghĩa. Là: đúc các dân tộc vào một lò mà thống nhất thế giới. Sự yêu cầu đồng hóa bằng áp bách và hiếp tróc các dân tộc chung quanh là như thế. Còn một điểm cần chú ý trong tập "Kiến Quốc Đại Cương" nó bày tỏ cái mâu thuẫn của dã tâm đó càng bộc lộ là đã nói để các dân tộc nhỏ yếu trong nước được bình đẳng, tự quyết mà nguyên tắc kiến quốc tối cao lại quy định đem chia toàn quốc ra tỉnh, quận, huyện. Sự quy định ấy giá trị một lò đồng hóa người.
C. Liên hiệp nhược tiểu, cộng kháng cường quyền, nó là một bãi nhỗ chua chát vào mặt các nòi giống nhỏ yếu toàn thế giới, bằng sự liên hợp ấy làm dưới Đại Á Tế Á chủ nghĩa của Tôn Văn (khoảng năm 1921-1922). Tôn Văn nói: "Ta phải đem các dân tộc Thái, Việt… liên hợp lại cùng chống đế quốc" (chú ý đến chữ "đem" và "liên hợp"). Ấy đấy sự liên hợp như vậy, nghĩa là đem mà thôn tính vào, tất nhiên cái truyền thống "thủ tại tứ Di" với cái thuật ngữ "sinh tồn không gian" làm cho người Hán ngớp đất Nam Dương nhiều nhất.
D. Hưng diệt kế tuyệt, cứu nhược phù khuynh, gọi là lý tưởng ngoại giao của lễ vận đại đồng của họ, nhưng đó chỉ là một chiêu bài giả đạo đức bao trùm cái sự thực can thiệp đến đời sống người khác và bắt ép các nòi giống nhỏ yếu thế nhập đảng Tàu và tôn phù chủ nghĩa Tam Dân để mà đi đến mục đích cuối cùng là:
Đ. Hoàn thành kiến thiết thế giới đại đồng, nghĩa là xâm lược thế giới là bước cuối cùng của chủ nghĩa. Dân Sinh với Dân Quyền là những hộc lương, xẻng đất và súng ống đeo lên lưng Dân Tộc chủ nghĩa để đi trên con đường năm chặng trên kia, bất tất luận.
Nhưng nếu có người trách tôi là nhiễu sự và moi móc thì nên hiểu rằng ta phải cùng lý để mà tri ngôn, lời nói đa số là mặt nạ, phải dò đến bối cảnh và động cơ của các lời nói ấy mới biết rõ cái hành động tiềm tàng trong bản vị. Còn nhớ Tôn Văn nói với cụ Phan: "Các ông bất tất phải làm, Việt Nam chỉ là một tỉnh của Tàu, chúng tôi làm xong thì xong". Cũng như họ Tưởng bây giờ nuôi mấy đứa Việt gian và nói rằng: Việt Nam là Tàu, Việt Nam để người Tàu làm giúp cho". Thử hỏi khi Tàu đổ bộ trên đất này, bao nhiêu quyền hành về tay Hoa kiều cả, binh sĩ bị hỗn hóa với lính Tàu thì thi hành kế gì để đuổi chúng về?
Nhưng nếu lại còn nghi nữa, cho rằng đấy chỉ đứng về lý luận mà quan sát, cần biết rõ những hành động thực tế của chính phủ ấy thì những chứng cớ thực tiễn, ta lại bày tỏ ra đây để cùng chứng minh cho sự thực là sự thực, phải là sự thực hay sẽ là sự thực: Dư luận dưới sự chỉ đạo của đảng Quốc Dân Tàu, nói về vấn đề Việt Nam chỉ có hai câu trên trăm nghìn muôn miệng là: Việt Nam là thuộc địa của Tàu, ta phải thu phục lại đất mất cũ của ta là Việt Nam.
- Giáo dục để nuôi cái xu hướng chính trị trong mầm mống nòi giống cũng chỉ có hai câu đó suốt từ ấu học đến đại học.
Học thuật và lý luận chỉ đạo của lịch sử học tiến từ "Quốc Tộc Luận" và "Hán tộc ưu việt" đến "Quốc quân sử luận" một ngày một tăng tiến đến lĩnh vực của dã tâm.
- Chính Trị Địa Lý Bộ, tức là bộ tham mưu chính trị quy định chính lược và chiến lược. Bộ ấy ở Trùng Khánh năm 1940 lên tiếng ra bộ "Đông Á Địa Lý" quy định tám con đường phát triển của nòi Hán sau này:
1) Tây Bá Lợi Á. 2) Tây Tạng, Ba Tư. 3) Tân Cương. 4) Ấn Độ. 5) Việt, Thái, Miến, Tân Gia Ba. 6) Nam Dương liệt đảo. 7) Úc Châu. 8) Thái Bình Dương Đông liệt đảo, Hàn.
Nhưng mà sự chuẩn bị quân sự để nhập Việt có thể moi móc cái tim ruột, cái mục đích của cuộc hành quân này, mặc dầu là đi giải phóng, bằng sự phát quật các chiến lệnh trong quân, ngoài dân do bộ tuyên truyền và quân chính bí mật phát bố ra: 1) Lộ ố Nàm phồ (lấy vợ An Nam). 2) Dìu ố Nàm sìn (tiêu tiền An Nam). 3) Chì ố Nàm tì (ở đất An Nam).
- Kiều Vụ Chính Sách: tức là tiền phong của ngoại giao xâm lược. Ngày 1 tháng 5 năm 1933, tờ Đại Lộ Nguyệt San ở Thượng Hải đăng một cuộc "Nam Dương Hoa Kiều Cộng Hòa Quốc vận động" chủ trương lấy Hoa kiều làm chủ lực lập quốc, xâm lược lấy toàn đất Nam Dương lập thành Hoa kiều Cộng Hòa Quốc, trong đó có quy định về Việt Nam: Bắc Kỳ quy về mẫu quốc, Trung Kỳ và Nam Kỳ thuộc về Hoa kiều thống trị. Nước ấy sau khi đồng hóa hết thổ dân rồi sẽ hợp nhất với mẫu quốc. Cái suy luận ấy suy động bởi Quốc Dân Đảng Tàu, cũng như hồi 1942, tháng 11, ngày 26 trên tờ Quảng Tây Nhật Báo một nhà Kiều Vụ Ủy Viên Trung Ương có tiếng đề xướng ta "Hoa kiều thổ hóa vận động" quy định rằng bề mặt phải thổ hóa, nghĩa là người Hoa kiều phải ăn mặc theo người thổ dân, nói tiếng người thổ dân, ảnh hưởng văn hóa người thổ dân để bề trong tăng mạnh thêm tác dụng Hoa hóa.
Chính sách chiến hậu của người Tàu theo đúng như mục tiêu chính trị trên, đối trong hết sức tăng gia quân bị, trọng công nghiệp và đào tạo một quốc dân hoàn toàn Ban Siêu và Mã Viện thực dân, khi ấy đối ngoài phải tranh đòi quyền lợi Hoa hóa cho Hoa kiều và đối đãi với các nước phiên thuộc cũ theo một chế độ mới. Sự Tôn Khoa yêu cầu ở Hoa Thịnh Đốn chiếm lĩnh Việt với Hàn chứng thực rằng họ muốn nối gót đế quốc, xây đắp một liên hiệp "Thập quốc" đòi đứng làm môi giới giữa Đông Tây (ngoại giao tay trên) và làm sức an định (tiếng thuật ngữ của đế quốc Anh) cho Đông Á (nghĩa là bá chiếm), đồng thời đòi thực hành bảo hộ mậu dịch chính sách (ăn cắp chính sách bloc).
Họ hiện nay đang dang hai chân, một chân đứng về đế quốc, một chân đứng về nhược tiểu để mà đóng vai "con trời" trên thế giới. Sự giúp đỡ De Gaulle và nể sợ Pétain đi đôi với sự ngược đãi cách mệnh Việt tỏ rõ rằng họ muốn làm cường quốc và đứng về phe liệt cường để quay giáo lại các nước nhỏ yếu. Đối riêng Việt Nam, họ đang nghiên cứu cách nào lập thành một tỉnh, nuôi Việt gian thế nào, diệt chữ quốc ngữ thế nào, tiễu trừ dân tộc ý thức cách nào, làm sao cho người Việt tưởng mình là Hán, khôi phục chữ nho thế nào, truyền bá Tam Dân chủ nghĩa thế nào, thống trị thế nào? Hỡi người Hán! Hãy quay lại mà dùng cách thực dân truyền thống nhà Minh đã văn minh chán, thử xem người Việt sẽ biết đối phó cách nào?
Chúng ta hãy quay về mình xem hình thể của tự mình. Đất ta là đất cơ sở của Thái Bình Dương, trung tâm của Đông Nam Á, tư lệnh đài của quốc tế, được ta thì tiến lên xưng bá loài người, lui về tự thủ muôn thuở, bất cứ trên chính trị, quân sự, kinh tế, chiến lược, văn hóa đều đứng vào thiên hiểm của trung tâm. Cho nên tự phần ta nên hiểu: đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ thì tất diệt. Lại đời nay, diệt tức là toàn diệt đó. Ta chớ nên hòng làm Hòa Lan hay Thụy Sĩ; bọn thân Tàu tất cũng diệt hết đi chớ để nó làm tay trong như Phần Lan với Nga. Ta còn nguy hiểm hơn Phần Lan đối với Nga nhiều. Phần Lan chỉ có một Nga, ta còn phải phòng cả thế giới, vì thế giới kẻ nào chiếm được ta mới xưng bá được lâu dài; tiện nhất và thẳng đường nhất là Tàu, ta là cái xương hóc giữa cổ họng chú chiệc, phải hiểu thế.
Hiện giờ đây nòi Hán đã và đang còn tiếp sẽ uy hiếp đến sinh mệnh ta. Chúng ta thử tính xem số Hoa kiều trong nước ngoài 60 vạn, hợp với số minh hương hơn 2 triệu, một số 3 triệu nội gián ấy trên mặt nhân chủng quen thói lấy vợ người mà giữ gái mình, ảnh hưởng tới sinh lý của nòi giống là thế nào? Sức lũng đoạn kinh tế của bọn Hoa kiều mới lớn, từ đô thị đến ngõ hẽm, từ tầu biển đến ghe sông, từ mỏ quặng đến đồng ruộng, từ bán gạo đến lạc rang, nhất nhất nằm trong tay bọn chiệc cả. Lấy sức tiền ấy mà giẫy thì dân chủ hay cộng sản, ba phần tư nghị viện với nội các giao tay người Tàu. Sự ngoại giao tay trên của người Tàu đi với các điều kiện xâm nhập muốn làm mưa gió thì làm trong ta, đủ cho chính trị của ta không phải chính sách Việt nữa, uy hiếp quân sự càng lớn với nội ứng, ngoại hợp trên các chiến thuật tối tân ngày nay. Sự đồng hóa càng dễ về văn hóa, một khi nó lợi dụng được bọn thân Tàu và đồ nho. Ấy chỉ riêng một cái ám ảnh Hoa kiều, mặc dầu cuộc chiến tranh này Nhật Bản đã làm tổn hại và giảm đi chút ít, cũng đủ làm cho ta thấy sự diệt vong trước mắt, nói chi đến cả sức của chính quốc.
Huống chi Nhật, Pháp chỉ là quân địch trước mắt chớp qua và quá độ, Tàu mới là quân địch sau cùng, tức là kẻ có thể quyết định diệt vong được mình. Chúng ta phải nghiên cứu, quan sát và đề phòng kỹ lưỡng quân địch tối hậu và sự đấu tranh với họ mới hẳn quyết định cái vận mệnh của mình. Những sách lược của chúng ta phải tính tới và tập trung vào vận mệnh tối hậu, nghĩa là vào quân địch tối hậu. Chúng ta phải biết bắn vượt tầm con mắt chúng ta qua khỏi cái trước mắt chúng ta, như thế mới nắm được sự sống còn trong tay chúng ta. Cho nên kể đường trường ra, chúng ta mắc vào tay quân Tàu trong ba tháng thì toàn dân đói khát, cái dũa không còn mà dùng, trong sáu tháng thì ruộng bỏ hoang, đường hết người đi, đàn bà tự tử quá nửa, trẻ con chết ba phần tư, đàn ông chết hai phần ba và trong mười năm thì nòi giống hoàn toàn diệt vong. Nhưng có thể trông thấy Tưởng và Uông từ năm 1944 đều xuống cả. Nước Tàu từ năm 1945 trở đi trong 20 năm nội loạn và ngoại hoạn ê chề còn đến để trừng phạt cái dã tâm muôn thuở ấy. Quân của nó sang ta mảnh giáp không còn mà về dưới sức lan tràn sùng sục của sóng đáy.
(trích trong: THÁI DỊCH LÝ ĐÔNG A, "Chu Tri Lục 3", CHU TRI LỤC, 1/11/4822 tuổi Việt (1943)
Nguồn tham khảo online:
Chu Tri Lục: http://thangnghia.com/
Huyết Hoa: http://vietnetlinks.com/thuvien/HuyetHoa.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét