Thước đo một xã hội dân chủ trước hết được nhìn nhận từ góc độ sinh hoạt đời sống thường nhật và tối thiểu của người dân, đó là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Không ít người đã hiểu hai từ "ngôn luận" như chỉ dành cho báo chí, đổ đồng báo chí với ngôn luận làm một. "Ngôn" là lời nói, "luận" là những lý giải, sự biện minh, giải thích, cả những tranh luận tự do, thoải mái làm sáng tỏ một việc hoặc vấn đề nào đó. Ngôn luận là cái quyền được nói, nói thẳng, nói thật, nói hết lòng mình một cách tự nhiên, không ai có quyền áp đặt, chi phối, ép uổng.
Tự do ngôn luận chính là biểu hiện cụ thể nhất của tự do tư tưởng. Một xã hội dân chủ, văn minh phải được minh chứng đầu tiên quyền tự do ngôn luận. Trời sinh ra cái miệng, không được ăn, thì cũng phải được nói. Thử phân tích lại thì nếu như gọi báo chí là "cơ quan ngôn luận" đúng là chưa rõ nghĩa, chưa bật hết các giá trị thực của khái niệm. Ngôn luận đâu chỉ đơn thuần là "tiếng nói', là đoạn tin, bài báo, ý kiến viết ra, qua biên tập, rà soát, xem xét rồi mới đưa lên mặt báo? Sự xuất hiện nội dung biểu cảm và diễn đạt tư tưởng của người viết (phóng viên, bạn đọc, phát biểu của nhân vật trong cuộc và những nhân chứng) chỉ là một phần, thông qua lăng kính của nhà biên tập và ban biên tập. Như vậy gọi là báo chí là cơ quan tuyên truyền đúng hơn là cơ quan ngôn luận. Ví dụ: Báo Nhân dân, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam…Nhưng khi nói về báo chí, một sự thể hiện cụ thể của phương pháp chuyển tải thông tin có yếu tố ngôn luận, thì có thể gọi là cơ quan báo chí, không nên gọi là "cơ quan ngôn luận". Đó là một ý kiến có tính chất mổ xẻ, soi xét về tu từ học, từ vựng học.
Về tự do ngôn luận, một trong những nét ưu việt của chế độ dân chủ, Bác Hồ đã nói một câu ngắn gọn, rất giản dị mà sâu sắc: "Dân chủ là phải làm cho người dân biết mở miệng". Phát biểu tại Lễ tốt nghiệp khóa học thứ Tư, trường Quân chính Việt Nam - (báo Cứu quốc số 58, ngày 4-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cần phải nhớ đến những đức tính mà đã là cán bộ cần phải có: Không tự kiêu, không có cái bệnh làm "quan cách mạng". Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm".
Như thế, theo lời Bác dạy, năng lực lắng nghe là sự cần thiết và cùng thể hiện quan điểm, phong cách lãnh đạo cầu thị. Sự lắng nghe quả là cần thiết đối với người cán bộ, đảng viên như thế nào! Nhưng khi người dân e ngại, sợ sệt, né tránh không dám nói thẳng, nói thật, thì lượng thông tin mà cán bộ nắm được liệu có ý nghĩa giá trị gì? Và muốn lắng nghe được lời nói thẳng, nói thật, những cái đúng như vốn dĩ bản chất của nó (sự việc, hiện tượng) đang tồn tại, cần phải biết tôn trọng và khuyến khích người dân tự do ngôn luận. Đó cũng chính là văn hóa lãnh đạo. Việt Nam ta đã có thời gian quá dài, và cho đến tận bây giờ cũng vậy, người dân và cả cán bộ, đảng viên chưa thực sự được tự do ngôn luận. Nói cái gì, chuyện gì? Nói với ai, ở đâu? Nói mức độ nào? Có nên nói thật, nói thẳng hay không? …tất cả nhưng cái quyền đó đều có sự kiểm soát, răn dạy khá là nghiêm cẩn, khá là chặt chẽ, nhiều khi thận trọng qúa mức. Như vậy, đâu còn "tự do ngôn luân"?
Đã có những ông bố, bà mẹ nhắc nhở con cái: "Đừng nói thế, công an bắt đấy!". Vậy là có những "tai vách mạch rừng" cứ xoi mói, bắt bẻ, chiết tự ra từng câu nói để quy chụp về tư tưởng, quan điểm. Bảo vệ quan điểm, tư tưởng theo cách đó là vi phạm nhân quyền, trước hết là quyền dân chủ, bóp nghẹt những sáng tạo ngay từ trong tư duy. Và đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự áp đặt, khuôn sáo, công thức, lối mòn, cố mà gói mọi sự phải đóng khung vào sự đồng nhất, phi tự nhiên, trái quy luật. Điều đó cũng thể hiện một xã hội không văn minh, kém lành mạnh, một lối "độc tài về tư tưởng. tình cảm" của con người.
Đã thành cái nếp quen, nên sinh ra tâm lý e ngại, thậm chí sợ sêt. Người dân không dám nói thẳng lòng mình, đảng viên không dám phát biểu đúng chính kiến, bộc lộ rõ tư tưởng, nhà báo không dám viết cái gì ngoài "sự chỉ đạo", tờ báo (đài, trang mạng) không dám đưa thông tin gì khác một khi chưa xin "ý kiến chỉ đạo". Tóm lại, đó chính là sự khô cứng và ấu trĩ, sự hà khắc, trói buộc, bắt bẻ, quá chặt chẽ làm mất tự do ngôn luận sẽ sinh ra nạn nói dối, con người trong cộng đồng sinh ra đánh lừa nhau. Đủ kiểu nói dối, nói dối tràn lan. Và nhiều khi chính nói dối lại được an thân, đỡ phiền toái, lại còn được khen thưởng (?!). Biết rõ thực trạng này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh coi trọng đường lối đổi mới đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân nói thẳng, nói thật. Cố Chủ tịch nước Trường Chinh cũng nói là sự "hướng đạo" sai, bóp nghẹt tự do tư tưởng cũng coi như làm trái quy luật tự nhiên (trong bài "Ba bài học quy luật").
Có lần, ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã kể rằng: Có đoàn cán bộ từ Trung ương về làm việc với tỉnh An Giang. Khi hỏi về một vấn đề trong tỉnh, thấy từ cán bộ tỉnh, huyện, xã đến một số người dân được mời gặp đoàn công tác, đều nói giống nhau. Trước khi ra Hà Nội, ông trưởng đoàn công tác khen: "Tỉnh các đồng chí như thế là đoàn kết nhất trí cao, trên dưới đồng tâm đồng lòng, thể hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết, nhất là thể hiện Đảng với dân một ý chí, thể hiện ý Đảng lòng dân ở An Giang tuyệt vời". Ông Nhị nói :"Khi được đoàn cán bộ Trung ương khen như vậy, cũng thấy hởi lòng hởi dạ. Nhưng sau đó nghĩ kỹ lại bỗng thấy chột dạ: "Thôi chết, thế là nguy, vậy đầu óc và trình độ nhận thức, cách nhìn của mọi người đều giống nhau cả à? Còn gì là sáng tạo, còn gì là tự do tư tưởng, cấp trên xuống đâu có nắm hết và hiểu đúng được thực tế? Thế là lâu nay mình cũng là thủ phạm đã tham gia vào việc đào tạo ra một lũ vẹt. Trên nói sao, dưới nói vậy. Rồi đến mức ông cán bộ, ông đảng viên nói sao, người dân nói đúng như vậy. Thế thì nguy rồi, rập khuôn, máy móc, dối trá, cùng một kiểu đánh lừa lẫn nhau".
Ai làm cho người dân sợ? Ai đưa đến hình thành trong xã hội sự dối trá, thiếu thực tâm thực lòng, không dám nói thẳng nói thật? Tôi tâm sự vậy, có ông bạn là Tiến sĩ ở trường đại học Cần Thơ nói: "Ông thể chế chứ ai! Cái thể chế đẻ ra những quy định, những quy định sinh ra thói quen kể cả có lợi và không có lợi".
Hầu như đã từ lâu lắm rồi, lần đầu tiên, ngày 26-6 mới đây, khi tiếp xúc với cử tri quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói là Đảng và Nhà nước rất cần cùng với người dân đối thoại, "trao đổi" qua lại với nhau để nó sáng rõ những vấn đề còn tồn tại, bức xúc và đi đến cái đúng, lẽ phải, đi đến chân lý. Ông Sang nói: "Chúng tôi cảm thấy rằng sự lãnh đạo của mình có lỗi khi để cho người dân và đảng viên ngại nói ra sự thật nhưng mặt khác thì đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình nữa, không thể thụ động".
Thưa ông Chủ tịch nước, đây không phải là "thụ động" mà đúng là "bị động". Cái quyền tự do ngôn luận, tự do nói năng, phát ngôn của người dân và cán bộ cơ sở đã bị nhiều biện pháp, cách thức, quy định tước mất từ lâu rồi, làm gì, nói gì cũng mất sự chủ động, luôn luôn bị động. Dân ta không nhút nhát, nhưng thật tình mà nói là có sự tính toán thực dụng, nên làm cách gì có lợi trước hết cho bản thân mình, gia đình mình. Và chính trong thực tế đời cũng đã cho nhiều kinh nghiệm rồi, cứ im lặng, im lặng là vàng, hoặc nói theo đúng chỉ đạo là yên thân, khỏi phiền toái, khỏi mất công phải đi "thanh minh-thanh nga", hầu tòa, chính quyền kêu lên gặp…"hỏi thăm sức khỏe" (!)
Cũng trong buổi tiếp xúc trên đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động người dân: "Khi có dịp nói thì làm ơn, làm phước nói một cách trung thực, nói rất thẳng, dù lời thật mất lòng. Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Tất nhiên cuộc sống nó tinh tế lắm, tôi hiểu. Nhưng nếu tất cả chúng ta mà sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!".
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi trẻ về những phát biểu rất mới, hiếm thấy nhưng hay và thiết thực của lãnh đạo ta, Chủ tịch nước nói: "Không khí của cuộc tiếp xúc cử tri chiều thứ bảy tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM là khá "nóng". "Nóng" là phải thôi. Và chính cái "nóng" đó (những ý kiến phát biểu) đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, của đời sống dân sinh, dân chủ ở thực tại. Tôi không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật. Tôi là đại biểu của dân, phải nghe để hiểu lòng dân đang muốn gì ở Ðảng, ở Nhà nước, ở các nhà lãnh đạo đất nước, ở hiện tại và trong tương lai của đất nước. Với tôi, không có gì lấy làm khó nghe, mà ngược lại thấy rất thích thú. Cái gì đúng cần được ghi nhận, biểu dương. Cái gì cô bác cử tri, báo chí chê trách đúng, cần nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa".
Thế thì đúng là phúc đức. Xem ra, thế là cũng có đổi mới về quan điểm, cách nhìn, tác phong công tác rồi, đổi mới thấy rõ riêng về tự do ngôn luận đã được Chủ tịch nước "bật đèn xanh", đã được "hướng đạo" theo đúng quy luật của tự nhiên và xã hội. Mong sao, từ nay trong thực tế xã hội với bản chất được coi là "dân chủ, ưu việt" của ta được đúng như vậy.
6/2012
bản gốc của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét