Phải khẳng định là cán bộ của chúng ta đang sống "quá tài", chứ không phải là"quá khổ", khi mà hầu hết đều chĩnh chện trong bối cảnh lương lậu, phụ cấp chỉ đảm bảo "mức sống âm", tức là tự "ăn vào mình" để sống.
Phát biểu tại phiên chất vấn hôm 14-6, Đại biểu QH Phạm Xuân Thăng đã đưa ra một định lượng: Có nơi phụ cấp chỉ bằng "vài ngày công lao động phổ thông". Ấy thế mà thật tréo ngoe, người ta phải "chạy" để được làm cán bộ. Thế mà không có cán bộ nào muốn ra đường làm… cửu vạn. Thậm chí, tuần rồi, một kỷ lục mới được xác lập khi báo chí công bố một con số khiến những người làm dân phải giật mình: Có tới 500 cán bộ ở một xã.
Đó là xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa phương còn tới 30,6% hộ nghèo. Là nơi thu ngân sách tất tật 400 triệu mỗi năm thì mất tới 105 triệu nuôi cán bộ. Và tất nhiên đó là nơi mà cứ làm ra 5 tạ thóc, người dân phải đóng "1 tạ phí".
Theo NNVN, Quảng Vinh có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân nhưng có tới… 500 cán bộ lớn bé các loại. Tức là cứ 4 hộ dân thì có một "cán bộ". Số lượng này không dùng chữ "khổng lồ", không bảo "đông như quân…Nguyên" thực không biết dùng từ nào khác. Ngoài cán bộ có tí "chuyên" được hưởng lương từ NSNN, số cán bộ còn lại đương nhiên sống bằng…thóc do người dân đóng góp. Một vị phó chủ tịch Mặt trận được dẫn lời phát biểu: "Tất cả phụ cấp cho những cán bộ như thế đều được tính bằng thóc. Cứ đến hạn nhận lương là họ lấy tiền theo giá thóc thị trường. Còn xã phải thu phí từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân vì ngân sách quá ít ỏi, không gánh nổi. Xã giao chỉ tiêu cho thôn, mỗi thôn 40 triệu đồng, cứ thế mà thu".
Người 200 cân thóc, kẻ 2 triệu đồng. Thu nhập này đúng là "mức sống âm", là mở miệng nói "không đủ sống". Nhưng là "trưởng giả", là "phú ông" rất nhiều so với chính những người phải đóng thóc nuôi họ. Ở Quảng Vinh, mỗi hộ bình quân chỉ 2 sào ruộng 2 vụ với 5 tạ thóc mỗi năm (chưa trừ 1 tạ đóng phí). Lương cán bộ mỗi tháng, dù "mức sống âm", dù "tự ăn vào mình" cũng bằng nửa thu nhập của một hộ dân mỗi năm.
Bây giờ thì có lẽ rất nhiều người mới vỗ trán để hiểu cho sự không đủ sống một cách…danh giá của chức dịch các loại.
Rất tình cờ cựu Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông là người chất vấn nhiều nhất xung quanh chuyện "cái ghế". Tháng 6- 2006, ông Lê Văn Cuông đã làm nóng nghị trường khi thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung về việc chạy chức chạy quyền. Không chịu được lối trả lời "phải được xem xét bằng những trường hợp cụ thể", năm 2007, ông thậm chí còn chuyển đơn thư khiếu tố về việc "cán bộ xã chạy chức, cán bộ huyện bao che" ở chính Thanh Hóa cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn. Nghị trường hôm đó không ít nụ cười nửa miệng. Cũng thật khó tin khi đến cái chức bằng hột mè hột cải cũng phải "chạy". Nhưng "Câu chuyện xứ Thanh" hôm nay có vẻ là câu trả lời thỏa đáng nhất: Không làm gì mà mỗi tháng cũng bằng dân đen chổng mông cày cả năm thì tội gì mà không làm cán bộ.
Thực ra "câu chuyện xứ Thanh" còn có một nguyên do khác mà sách "Phong tục Việt Nam" đã nhắc tới. Đó là việc bỏ tiền mua bằng được một chức dịch trong làng, thậm chí chỉ một chân Nhiêu, chân Xa để thoát tiếng "bạch đinh", để khỏi bị bắt nạt, để "một tiếng giữa làng hơn một sàng xó bếp".
Nhưng nói câu chuyện "lạm phát chức dịch", không thể không nhắc lại "phút thật thà đột xuất" của ông Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan "Hiện có 30% cán bộ, công chức làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng và 30% có mặt chỉ để lãnh lương"- lời ông Hoan. (Dù sau này Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có lần thanh minh con số 30% là "chưa có thống kê rõ ràng", là "chỉ là cách nói định tính chứ không phải định lượng").
Nhưng câu chuyện "tăng cường cán bộ" dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhân dân và cử tri còn chưa quên hồi tháng 10 năm ngoái, rất nhiều các vị đại biểu QH đã đề nghị: Tăng số chức danh cán bộ công chức. Thêm cán bộ không chuyên cấp xã. Nâng phụ cấp. Cứ theo ý tứ của 3 cái gạch đầu dòng này thì dường như chúng ta đang thiếu cán bộ trầm trọng và số cán bộ "nghiến răng đương chức" đang đói trầm trọng. Bị đề xuất dữ quá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khi đó đành hứa sẽ báo cáo, xin ý kiến để sửa nghị định 92. Tuy nhiên, ông cũng khôn ngoan khi ném trả hàng loạt con số. Rằng tổng số cán bộ, công chức từ cấp Trung ương đến các huyện khoảng 270.000 người, tăng 13,7% so với thời điểm đầu nhiệm kỳ của Chính phủ khóa XII. Lượng quan chức cấp xã, phường, thị trấn là 233.000. Con số cán bộ dù "không chuyên trách" từ xã, phường đến thôn ấp thậm chí lên tới 550.000. Và 150.000 bổ sung "tùy tình hình thực tế".
Tổng cộng số cán bộ ăn lương từ tiền thuế hay tiền thóc của dân lên tới 1,2 triệu người, chiếm khoảng 1,4% so với 85,7 triệu dân.
Họa đơn vô chí, "đông như quân Nguyên", "30% cầm chừng, 30% không làm gì cả" chỉ là một trong vô số những căn bệnh kinh niên của nền hành chính. Kèm theo đó phải kể đến những loại nan y khác mà chính Bộ Nội vụ cũng thừa nhận. Đó là cơ chế "xin-cho" trong tuyển dụng. Đó là bệnh "sống lâu lên lão làng". Đó là tình trạng "làm giả hưởng lương thật". Đó chủ nghĩa cào bằng "Làm nhiều như làm ít, làm ít như không làm". Và đó là căn bệnh "khô cứng": "Có vào nhưng khó ra".
Trở lại với câu hỏi: Vì sao lương không đủ sống nhưng ai cũng muốn làm cán bộ? Câu trả lời có khi đơn giản đến không ngờ. Bởi không có cán bộ nào sống bằng lương, dù ai cũng lĩnh lương. Bởi "trong lương có lậu". Chẳng phải là trong vở tuồng dân gian "Nghêu- Sò- Ốc- Hến" nổi tiếng, các tác giả dân gian đã dùng một từ rất tuyệt là: "thất lộc". Quan chức chỉ hết lộc khi "về giời", hoặc xuống làm bạch đinh.
Dân gian nói gì cấm có sai bao giờ.
Chừng nào mà vẫn còn "tình trạng 30%" , chừng nào những "hột mè hột cải" ở nông thôn vẫn sống bám vào hột thóc như dáng giọt mồ hôi thứ dân, thì chừng đó vẫn sẽ còn tồn tại "câu chuyện xứ Thanh".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét