Chuyện lạ thứ ba là chuyện liên quan đến "Con Đường Việt Nam".
Con đường Việt Nam không phải là chuyện lạ, cách khởi xướng ra con đường Việt Nam của ông Lê Thăng Long mới là chuyện lạ.
Lạ vì ông Long là một trong 4 người bị kết án tù trước đây do liên quan đến "Con đường Việt Nam", thì ông Long bị tù nhẹ nhất rồi lại được giảm án, rồi lại được cho ra tù trước thời hạn.
Lạ là vì mới vừa ra tù, ngay trong thời gian bị quản thúc, ông Long đã công khai phát động một cuộc khởi xướng rầm rộ, kêu gọi mọi người tham gia vào một phong trào vốn rất kiêng kỵ đối với nhà cầm quyền. Trong lúc bị quản thúc, ông lại hai lần thoải mái lên đài BBC tuyên bố về việc khởi xướng phong trào.
Lạ là vì cách ông thay mặt cho các đồng chí còn ở trong tù của ông mà từ hai năm nay ông chưa gặp lại, ký vào cương lĩnh, vào các văn bản kêu gọi, vào các thư mời đến từng cá nhân cũng như danh sách người được mời.
Lạ là vì trong danh sách những người được mời có đủ các thành phần khác nhau kể cả những người đang đương chức của đảng cầm quyền..v.v...
Quá nhiều những chuyện lạ như vậy không thể không khiến cho nhiều người, đặc biệt là những người được mời tham gia, dấy lên lòng nghi ngờ về động cơ mờ ám của kẻ chủ trương khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam(CĐVN).
Nghi ngờ cái gì? Nghi ngờ phong trào CĐVN là một cái bẫy.
Cơ chế hoạt động của cái bẫy ấy như thế nào thì tùy mức độ cảnh giác (và có thể là sợ hãi) của mỗi người mà suy đoán ra.
- Mức độ 1, cảnh giác cao: Hể ai có tên trong danh sách được mời là có nguy cơ bị bắt. Do vậy những người nầy bật lên phản ứng ngay, tuyên bố từ chối quyết liệt, để ngay tức khắc cho ai đó phải hiểu rằng họ không những không liên quan gì đến phong trào mà còn rất khinh miệt nó.
- Mức độ 2, cảnh giác chừng mực: Ai ấu trĩ đồng ý tham gia vào phong trào là bị lộ diện, xem như tự đưa đầu vào rọ.
- Mức độ 3, cảnh giác chiến lược: Đây là cái bẫy nhưng không phải là cái bẫy để bắt người mà để gây ra sự nghi kị, chia rẽ, chống đối lẫn nhau giữa những người được cho là tiến bộ. Đó là cái bẫy làm sụp đổ phong trào dân chủ (nếu như đang có một phong trào như vậy).
Bình luận về mức độ cảnh giác 1 và 2, bạn Hùng Quân đã có ý kiến phản hồi trên blog nầy:
Hùng Quân 13:42 Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Nếu ai cho rằng Lê Thăng Long là con chim mồi được đưa ra để dụ bắt các nhân sỹ trí thức tiến bộ thì đã đánh giá CA quá thấp. Họ không ấu trĩ đến mức là tin rằng sẽ có những con chim quá ấu trĩ để chui vào bẫy sập. Và họ không ngu dại gì làm bẫy để bắt người hàng loạt. Trong các nhân sỹ trí thức tiến bộ, ai nguy hiểm, ai không nguy hiểm, họ đều biết quá rõ, cần thiết họ sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ để đánh lẻ từng người (như Cù Huy Hà Vũ hoặc Điếu Cày) chứ không ngu dại gì đánh đồng loạt để gây ra tiếng vang và phản ứng của dư luận.
Và blog Hiệu Minh đã phân tích như sau trong bài viết Về "con đường Việt Nam" , xin được trích một đoạn:
"Cạm bẫy"?
Chính quyền uy tín luôn làm việc theo chính danh. Nếu coi đây là "cạm bẫy" thì cũng ngây thơ.
Chuyện nghi ngờ có thể hiểu được vì trong lịch sử đã có những chuyện "tiền hậu bất nhất" trong chính sách đối nội.
Chả lẽ Việt Nam có vai trò trong khu vực, với hệ thống chính trị mạnh, quân đội đông, an ninh hùng hậu, sao lại cần đến một "con mồi" mới ra tù để nhử mấy trăm trí thức, nhân sỹ và cả những cán bộ cao cấp về hưu, để qui kết họ phạm vào điều 88.
Chả lẽ bỏ tù mấy trăm người trong danh sách vì do anh Long mời mà không báo trước.
Khó mà tin lãnh đạo cao cấp của Việt Nam lại để tiền của, trí tuệ và cả chiến lược vào một người vừa ra tù và 3 người đang trong tù, chỉ để tìm ra ai là người chống đảng, chống nhà nước. Một việc làm không cần thiết.
Với hệ thống tường lửa, an ninh trên mạng, hệ thống nghe lén, các quốc gia thừa sức biết ai định lật đổ chính quyền có tổ chức, ai thấy điều trái tai thì phát biểu và ai là người a dua theo đám đông. An ninh chính trị thừa biết những phát biểu có trách nhiệm và vô trách nhiệm dù trên mạng ảo.
Riêng về những phản ứng hơi thái quá của vài người có mức độ cảnh giác cao, một bạn đọc trên trang Ba Sàm đã viết:
Hồ Linh Giang đã nói
17/06/2012 lúc 19:25
...Tôi nghĩ các bác nếu không đồng ý với con đường của Lê Thăng Long thì cứ từ chối và phản biện thoải mái. Nghi ngờ để cảnh giác là tốt. Nhưng mới nghi ngờ đã kết tội và thi hành án người ta bằng những lời chửi bới thô tục, xúc phạm đến người ta là không đàng hoàng. Bạn mới nghi người ta ăn trộm tiền của bạn, bạn có dám chửi bới, kết tội người ta không? ....
Qua các ý kiến phản hồi trên mạng cho thấy có sự đồng tình cao nhất với những người cảnh giác ở mức độ 3. Nếu việc khởi xướng " Con đường Việt Nam" là cái bẫy thì đó là cái bẫy chiến lược, gây ra sự chia rẽ giữa những người tiến bộ. Và qua những động thái đang diễn ra, dường như cái bẫy ấy đang thu được vài kết quả bước đầu nếu như thực sự có một cái bẫy như vậy.
Bên cạnh việc rất nhiều người tập trung vào động cơ của việc khởi xướng, thì cũng có không ít người quan tâm đến nội dung cương lĩnh của " Con đường Việt Nam" và hầu như phần lớn đó là những ý kiến đồng tình.
Blog Trương Nhân Tuấn đã có một bài phân tích khá chi tiết về cương lĩnh của CĐVN. Đó là bài viết khá nghiêm túc rất được hoan nghênh vì qua đó làm cho nhiều người hiểu cặn kẻ hơn về cương lĩnh của phong trào, dù rằng theo tôi, có vài điểm cần trao đổi thêm.
Xuất phát từ tấm lòng mến mộ nhóm khởi xướng ban đầu, blog Mẹ Nấm có một bài viết khá xúc cảm về hướng đi của "Con đường Việt Nam".
Trên Dân Luận có khá nhiều bài viết đồng tình với cương lĩnh của phong trào CĐVN. Đó là những bài viết của các tác giả Nguyễn Ngọc Già, Khánh Sơn, Đàm Mai Đạo...
Qua những bài viết đó, và qua những gì ông Lê Thăng Long công bố, nhiều người hiểu ra "Con đường Việt Nam" là con đường gì.
Và nếu đã hiểu ra điều đó, thì sẽ hiểu rằng, tất cả chúng ta, những người dân Việt Nam của thế kỷ 21, kể cả những người đang có những phản ứng không đồng tình đều đang đi trên con đường Việt Nam. Đây mới là chuyện lạ.
Con đường Việt Nam không của riêng ai, đó là con đường của tất cả chúng ta.
Tại sao lại như vậy, có lẽ chúng ta sẽ bàn trong bài viết tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét