Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nguyễn Đình Ấm : Thách thức mới của báo “lề phải”

Nguồn badamxoe

Nguyễn Đình Ấm
Trên thực tế, hoạt động của báo chí VN từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến năm 1975 là nền báo chí cổ động "ta thắng địch thua". Từ năm 1975 đến nay thì chủ yếu minh họa ý chí của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, cổ xúy cho cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, mở ra, thu vào quy mô hợp tác xã, địa giới hành chính huyện, xã, tỉnh; cổ súy cho các điển hình "ảo" của kinh tế  tập thể, bao cấp duy ý chí kiểu "Mo cơm quả cà tấm lòng cộng sản, Ba ngọn cở hồng, Gió đại phong…"…
    
Đến những năm 1980 nền kinh tế kiểu "thời chiến" này kiệt quệ, cuộc sống người dân điêu linh…dẫn đến công cuộc "đổi mới" mà thực chất là buộc phải áp dụng nền kinh tế thị trường "tiền tư bản" đã có từ 500-600 năm nay để tồn tại. Từ đây, báo chí VN cũng có những thay đổi: Ngoài các tờ báo "quốc doanh" trung ương, địa phương "ăn cơm chúa, múa cả ngày", đã xuất hiện những tờ báo ngành, đoàn thể "tự lo, tự nuôi".

Một số tờ báo loại này như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động…ngoài nội dung "cúng cụ,…" như các tờ "quốc doanh" nhàm chán đã có các thông tin sát với cuộc sống, thậm chí còn chống tiêu cực, tham nhũng ở giới hạn nhất định. Nhờ đó, các tờ báo loại này đã nhanh chóng thu hút độc giả, tăng lượng phát hành, thu hút được nhiều quảng cáo, đời sống người làm báo cải thiện góp phần xây dựng xã hội. Đặc biệt, thời kỳ "những việc cần làm ngay" của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tưởng báo chí VN lên đến "mây xanh" nhờ những bài biểu dương các điển hình đổi mới, phê phán chế độ "quan liêu, bao cấp", chống tham nhũng đình đám…khi các thế lực này chưa thành "bầy sâu" còn ngây thơ, chưa có kinh nghiệm  "vô hiệu hóa báo chí". Đây là thời kỳ "hoàng kim" nhất của báo chí VN. Dở các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động…vào những năm 1986-2005, 2006 tin tức phong phú, các vụ chống tiêu cực đình đám hấp dẫn (dù vẫn trong giới hạn nhất định), các trang quảng cáo tràn ngập, số người sống bằng nghề bán báo dạo đông đảo chưa từng thấy.
    
Tuy nhiên, sau khi TBT Nguyễn Văn Linh bị "bao vây" thì việc chống tham nhũng bị răn đe, báo chí lề phải từng bước trở về "thuần" thân phận công cụ, nhất là từ những năm 2004,2005…thì bị giáng những đòn chí mạng: Do hăng hái "quá đà" trong các vụ "nhậy cảm", vụ PMU 18,…khi các loại "sâu mọt" đã trưởng thành, nhóm lợi ích đã hùng mạnh…một số phóng viên bị vào nhà đá, quan báo "cấp tiến" bị "chuyển đến ghế nhàn hạ" theo "yêu cầu của tổ chức"(ảnh trên: Mặt nhà báo VOV sau khi bị đánh ở Văn Giang). Bên kia thái cực, một số phóng viên sa đọa, biến chất đăng bài, hù dọa doanh nghiệp đòi tiền bị đi tù…cũng giáng những đòn chí mạng vào uy tín báo lề phải. Cùng thời kỳ này, người ta cũng kiềm tỏa báo chí một cách thô thiển nhất. Ông Lê Doãn Hợp, một lãnh đạo tỉnh lẻ được giao quản lý ngành truyền thông trung ương có câu nói "bất hủ" mà lịch sử báo chí VN không thể quên: Báo chí phải theo "lề phải" mà theo GS Ngô Bảo Châu là "đường đi của con cừu".Ông sau hình như cũng như vậy? Có vẻ người ta cố tình chọn những anh "điếc không sợ súng" để ngồi cái ghế "đen bạc" này cho được việc, không văn hoa, lễ nghĩa  gì hết?…
   
Do các tổng biên tập báo "lề phải" lấy "an toàn để sản xuất, sẩn xuất phải an toàn" nên các tờ báo không còn đăng các thông tin "quá sát" đòi hỏi của cuộc sống, các vụ tham nhũng, sai phạm, thất thoát của quan chức đình đám…hấp dẫn nữa, mặc cho độc giả ngày càng mai một. Để "an toàn là trên hết" những tờ báo dũng cảm nhất đăng tin bọn bành trướng  TQ gây ra hoạn nạn cho ngư dân đã phát minh ra các từ làm phong phú cho kho tàng tiếng Việt như: "Tàu lạ, tàu nước ngoài, nước bạn… "
  
Từ 2007, 2008 những vụ thất thoát khổng lồ như vụ Vinashin, Petro VN, Sông Đà, Agribanhk, Jetstar Pacific, hàng loạt ngân hàng, đại gia chao đảo… kinh tế VN lao đao, lạm phát phi mã, hàng loạt DN phá sản, số còn lại rơi vào khó khăn phải cắt bớt các chương trình quảng cáo vốn đã ít.
    
Để đối phó tình trạng khó khăn, nhiều tờ báo đã bị "lá cải hóa", không ít tờ phải tuyển các nhân viên, phóng viên "chân dài" để đấu rượu "mồi chài" đại gia, đi các cơ quan, DN "moi" quảng cáo, tài trợ…Những vụ mua bán dâm của các người mẫu, hoa hậu, váy áo "ren đỏ, ren xanh, lộ hàng", chân dài, quần ngắn…của chị em được lên trang nhất. Những vụ án đâm chém kinh hoàng, các vụ dâm ô trụy lạc, ly kỳ…được "lách" bằng cách "bài học" khai thác triệt để sự ly kỳ, rùng rợn...
   
Đặc biệt, hiện tượng số tờ báo bị cá nhân lãnh đạo thao túng đi vào con đường sa đọa đến cùng cực, xu nịnh, bênh vực kẻ mạnh, vùi dập kẻ yếu, trả ân, báo oán…để tâng công, ve vãn thế lực nọ, kia  nhằm dựa dẫm, kiếm lợi ngày càng nhiều. Tờ "Năng lượng mới" của nhà báo nhớn Như Phong bênh vực sáng kiến thu phí ô tô, xe máy của bộ trưởng Đinh La Thăng tức khí gọi ca sĩ Mỹ Linh là "ả ", bao che ngụy biện cho độc tài Gadhafi một cách  quá "lố"…Rồi VTV, HTV, An Ninh thủ đô, Hà Nội Mới… xuyên tạc, vu khống TS Cù Huy Hà Vũ, các nhân sĩ, Bùi Thị Minh Hằng… đi biểu tình chống TQ. Giữa tháng 10/2011 một loạt tờ báo lề phải ngang nhiên đăng chuyện một ông chánh án vào nhà nghỉ với "vợ xe ôm" ý miệt thị…
  
Tất cả những yếu tố này dẫn đến độc giả càng giảm. Nhiều tờ báo trước kia phải dở mãi các tờ quảng cáo mới tìm thấy trang nội dung thì nay rất dễ vì các trang quảng cáo còn rất ít. Những đội quân bán báo dạo đông đảo xưa kia cũng lặng lẽ về quê "làm ăn lương thiện".  Các tờ báo loại " quốc doanh" như Nhân dân, Quân đội…không bao giờ tìm thấy trên sạp. Riêng các tờ Công An các loại bị ảnh hưởng ít hơn do độc quyền có và đăng nhiều thông tin "cướp, giết, hiếp, các vụ án ly kỳ…" được các độc giả tò mò cần giết thời gian sử dụng. Riêng các đài truyền hình cũng bị "mai một" khán giả. Ngày càng nhiều người cứ khi nào xuất hiện những thông tin vô bổ, những nhân vật dù "bự" nhưng "không ai lạ gì nhân cách, không thể tin được" thuyết giảng, ba hoa trên màn hình là tắt TV để "tiết kiệm điện"…
     
Đặc biệt, một thách thức mà xưa nay ít ai có thể ngờ tới là báo "lề phải"  từ nay luôn có nguy cơ bị kiện. Khi nhiều nhân sĩ, trí thức cùng nhân dân xuống đường biểu tình phản đối TQ cướp đất, lấn đảo, cướp bóc dân ta bị chính quyền gọi là "gây rối", bị "thế lực thù địch" xui bẩy…dẫn đến bắt bớ, đàn áp người biểu tình. (ảnh bên: Nhà báo Hoang Khương bị cánh sát đưa giam tại khám Chí Hòa). Là "cái mồm" của chính quyền nếu nói đúng  sự thật thì không đạt "mục đích yêu cầu" còn nói sai(tất nhiên) thì sẽ bị kiện ra tòa. Ngày 6/9/2011, lần đầu tiên các nhân sĩ nổi tiếng đã gửi đơn đến tòa án quận Đống Đa  (Hà Nội)  khởi kiện HTV(tờ An ninh thủ đô, Quân đội, An ninh thế giới…thoát) về hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm các ông biểu tình yêu nước.
    
Dù được "chủ quản" bảo kê, không xét xử nhưng những kẻ cậy thế làm càn bị dư luận văn minh phỉ nhổ, lịch sử sẽ ném những ông TBT, giám đốc ôm chân kẻ mạnh, vùi dập kẻ yếu vào sọt rác…
   
Trước đây nhiều vụ kiện kiểu này thường là bị đơn "không thèm chấp", báo lề phải độc quyền thông tin, chiếm lĩnh lẽ phải...Thế nhưng nay đã khác do mạng Internet phát triển, mọi hành vi xấu, tốt, quang minh chính đại hay hèn hạ, tối tăm…của tổ chức, cá nhân liên quan đến quốc kế dân sinh, dân chủ, tham nhũng, maphia…được các trang mạng, blog cá nhân, tổ chức đăng tải. Thời kỳ báo lề phải độc tôn chi phối thông tin xã hội đã chấm dứt. Như vậy, báo chí, một số người làm báo "lề phải" bây giờ không còn cứ cậy thời thế nói bừa như trước để "xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ", lĩnh giải thưởng báo chí hàng năm mà vô sự…
  
Tuy nhiên, dù các tờ báo hoạt động theo "một  lề" phản ánh, minh họa  cuộc sống theo "chủ quản", phần lớn nội dung vô bổ, vô cùng lãng phí tài nguyên, tiền bạc của nhân dân nhưng cũng không thể phủ nhận vẫn còn những phóng viên, TBT báo lề phải âm thầm làm được việc có ích cho xã hội. Ngoài hết sức nâng niu những người tốt, việc tốt, viết bài chống tham nhũng, lộng hành, thói hư, tật xấu khi được phép (như vụ Tiên Lãng) họ cũng khôn ngoan lách luật, chớp thời cơ, lợi dụng hoàn cảnh, bối cảnh…để công khai, tiết lộ những thông tin "nhậy cảm" thường bị cấm nhưng có lợi cho dân, cho nước…Nhờ ống kính, âm thanh những cuộc phỏng vấn trực tiếp, những thông tin mới nghe, mới đọc tưởng như ca ngợi, tôn sùng, khách quan…nhưng phản  ánh, gợi mở bản chất khốn nạn về một kẻ nào đó, sự việc nào đó... Đặc biệt họ tung sự thật có lợi cho quốc kế, dân sinh lên mạng mà báo lề phải không bao giờ cho đăng…Chúng ta  nên hết sức cảm ơn họ.
  
Kỷ niệm ngày nhà báo VN năm nay tôi (có thể nhiều người khác) xin chia sẻ với nhà báo Hoàng Khương PV báo Tuổi Trẻ đang ở trong tù. Mặc dù anh bị bắt giam, bị xét xử, sẽ bị quy tội nhưng người lương thiện không ai nghĩ anh có tội và ngược lại, anh là nhà báo dũng cảm…

Chúc anh cũng như những người cần bút chân chính "chân cứng, đá mềm".

                                                   NĐA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét