Tháng Mười Một 9, 2012 in Kinh hoàng tế sống
Phó trưởng Ban Dân nguyện Hà Công Long trước nghị trường hôm qua, đã nói tới một sự thật: Từ hôm QH khai mạc đến nay, đã có 50 đoàn tới khiếu nại tại các cơ quan ở thủ đô.
Khoảng gần 2 triệu đơn thư đã được các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận. Con số mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận là 59.751 lượt. Trong lĩnh vực tư pháp, Tòa án các cấp đã thụ lý sơ thẩm 3.994 vụ. Đây là những con số chính thức mà báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong lĩnh vực đất đai. Tất nhiên kèm theo những tính từ chỉ tính chất: Gia tăng. Phức tạp. Gay gắt.
Sự "gia tăng", "phức tạp", "gay gắt" đang biểu hiện sinh động trong con số 4.159 đoàn khiếu kiện trong chỉ 1 năm (2011). Phó trưởng Ban Dân nguyện Hà Công Long trước nghị trường hôm qua, đã nói tới tình trạng thời sự nóng hổi: Từ hôm QH khai mạc đến nay, đã có 50 đoàn tới khiếu nại tại các cơ quan ở thủ đô. Đó là sự thật mà các vị ĐBQH không thể không biết.
Trong vô số nguyên nhân dẫn đến khiếu tố, có "Nguyên nhân của mọi nguyên nhân": Vì có quá nhiều văn bản luật liên quan đến đất đai.
Đó là một "rừng luật" mà báo cáo giám sát gọi là "sự bất cập". Hôm qua, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương công bố trước nghị trường: Từ năm 2005 đến nay, đã có tới 445 văn bản hướng dẫn thi hành luật Đất đai. Bình quân, mỗi năm có gần 100 văn bản, (hay cứ mỗi 3 ngày là một văn bản). Chưa bao giờ, ở đâu có một thứ văn bản luật "nhanh lỗi mốt", "Vừa ban hành đã lỗi thời, đã cần thay thể". "Cái sau được dùng để khiếu kiện tố cáo cái trước". Hoặc sinh động hơn, cứ 1 trang luật đất đai, có tới 19,5 trang hướng dẫn. "Cánh rừng" này, theo báo cáo giám sát, không những liên tục "thay đổi" mà còn "thiếu tính ổn định", "chưa đồng bộ", "chưa sát thực tế", "thiếu cụ thể". Chính xác hơn là nó đang nằm trong một thực trạng mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gói gọn trong "9 không": không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực.
"Một trong những khó khăn lớn nhất là một số quy định pháp luật về đất đai chênh nhau" – Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Đào Anh Kiệt có lần thừa nhận. Còn Sở TN và MT Đồng Nai thì liệt kê ra cả chục điểm "chỏi nhau" giữa luật đất đai với các thứ, cũng luật, khác. Một quan chức hàng Cục trưởng có lần cũng thừa nhận: "Dưới Luật Đất đai là 13 nghị định và hơn 200 văn bản hướng dẫn, nhiều khi chúng tôi còn không cập nhật kịp cái nào còn hiệu lực, cái nào hết".
Với một rừng luật, cái nọ xung đột với cái kia, cái nọ "chỏi nhau" với cái kia, người dân không "lạc" trong đó mới là lạ. Bởi nhiều văn bản luật, không có nghĩa là sẽ có một hành lang luật thông thoáng. Bởi trong "cánh rừng luật" âm u vừa thừa vừa thiếu đó, người có thể "lách luật" lại là những người về danh nghĩa đang thực thi pháp luật. Sự lách luật biểu hiện trong thứ mà Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện từng nói "Thích thì giải quyết, không thích thì thôi". Hoặc đó là những quyết định "không hợp lòng dân" từ "bệnh vô cảm" mà Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa từng lấy câu chuyện cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng để chỉ ra. Thậm chí, kinh điển hơn là phát ngôn nổi tiếng một thời về án dân sự: Xử thế nào cũng được.
Có lẽ không tình cờ khi mà tình trạng càng nhiều luật, càng nhiều văn bản hướng dẫn luật thì luật càng rối và việc thi hành luật càng như gà mắc tóc.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một mặt cho rằng: "Để phát triển kinh tế xã hội, ta đã xác định củng cố cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, tất nhiên phải thu hồi đất theo quy hoạch". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: Nhưng phải làm hài hòa để đừng nảy sinh thêm khiếu kiện đất đai, có mâu thuẫn phải giải quyết thỏa đáng, phù hợp".
Sự hài hòa mà Thủ tướng nói tới có lẽ phải bắt đầu bằng việc phát quang rừng luật, thứ đang dẫn tới khiếu tố, thứ đang tạo điều kiện cho sự lũng loạn, nhân danh pháp luật. Phải bắt đầu bằng việc sửa "lỗi hệ thống. Bắt nguồn từ Quốc hội, đến Chính phủ"- chữ dùng của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương- "Để sau khi bấm nút, Luật Đất đai không phải cần quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành nữa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét