Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA - Gãy đòn bẩy và vỡ nợ dây chuyền

Nguồn RFA

Khi đó, người ta đã thấy bùng nổ hàng loạt những vụ vỡ nợ dây chuyền và nhiều vụ lừa đảo đã bị phanh phui tại Việt Nam. Nhưng chuyên gia tư vấn cho đài Á châu Tự do là ông Nguyễn-Xuân Nghĩa còn chỉ ra một hiện tượng đáng ngại là bong bóng đầu cơ. Vũ Hoàng xin tìm hiểu qua cuộc phỏng vấn sau đây với ông Nghĩa.

Hiện tượng tiền nóng

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trong tiết mục chuyên đề hàng tuần là Diễn đàn Kinh tế, từ nhiều năm nay ông đã phân tích hiện tượng mà ông gọi là "gẫy đòn bẩy" khi nhiều quốc gia vay mượn quá nhiều và đến kỳ trả nợ. Hiện tượng ấy chủ yếu xảy ra trong các nước công nghiệp hóa như Hoa Kỳ, Nhật Bản và khối kinh tế Euro trong Liên hiệp Âu châu. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển thì hàng loạt doanh nghiệp loại nhỏ và vừa bị vỡ nợ, như người ta đã thấy tại Trung Quốc và Việt Nam. Trong một chương trình vào đầu năm ngoái, ông cũng đề cập đến vụ lửa đảo vừa đổ bể tại Việt Nam mà ông gọi là "Thần Tháp Lừa" theo mô hình lường gạt gọi là Ponzi. Phải chăng ông thấy ra những liên hệ nhân quả giống nhau, giữa những vụ phá sản dây chuyền tại Trung Quốc với chuyện vỡ nợ ở Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Qua việc phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc, chúng ta muốn cảnh báo thính giả ở nhà về những gì sẽ xảy ra tại Việt Nam, do cùng một số nguyên nhân tương tự. Khi cái nhân giống nhau thì nhiều phần cái quả cũng vậy. Kỳ này, có lẽ mình còn phải châm thêm một yếu tố khác vào chuỗi tác động dây chuyền đầy bất ổn.

Chúng ta thấy là sau vụ Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, các nước đã phát triển, chủ yếu là các thị trường Âu-Mỹ-Nhật, đều đồng loạt hạ lãi suất để kích thích sản xuất. Tại nhiều quốc gia, lãi suất bị cắt tới số không, như trường hợp Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Thụy Sĩ. Kế đó, vì kinh tế vẫn chưa phục hoạt, nhiều ngân hàng trung ương trong khối công nghiệp hoá này còn áp dụng biện pháp bất thường như đã thấy tại Nhật khoảng chục năm trước. Đó là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing". Ngân hàng Trung ương Mỹ đã ba lần ban hành chính sách đó, lần cuối là từ Tháng Chín, với ngạch số là 40 tỷ đô la được bơm ra hàng tháng, cho đến khi nào định chế này thấy tình hình kinh tế sáng sủa hơn. Hậu quả là người ta có hiện tượng tiền rẻ và nhiều.

Vũ Hoàng: Và ông cho rằng hiện tượng đó cũng tác động vào thị trường của các nước đang phát triển?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy vì trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay dòng tiền có thể chảy từ nơi này vào nơi khác. Tại các nước có lãi suất quá thấp và tiền quá rẻ thì người ta đều muốn đẩy khối tiền đó vào những trị trường có lời hơn. Nói cho dễ hiểu thì đưa số tiền chỉ có lãi suất vài phần trăm vào nơi có lãi suất gấp năm là một nghiệp vụ có lời. Hậu quả là các quốc gia đang phát triển đã nhận vào một khối tiền nóng, lượng tiền đó lại thổi lên nạn bong bóng đầu cơ trên các thị trường cổ phiếu hay bất động sản.

Vũ Hoàng: Thưa ông, hiển nhiên là hiện tượng tiền nóng này đã xảy ra từ vài năm nay rồi. Khi ấy, các nước đang phát triển đánh giá thế nào về việc có thêm tư bản dư dôi đang tràn ngập ngoài thị trường?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các quốc gia thiếu am hiểu hoặc yếu kém về quản lý thì coi đây là mối lợi bất ngờ vì có thêm tài nguyên đầu tư trong khi kinh tế đang bị rủi ro suy trầm vì sự sút giảm của thị trường nhập khẩu trên thế giới. Trong hoàn cảnh đó, có nhiều vấn đề đã hoặc sẽ xảy ra.

Đầu tiên là áp suất lạm phát. Tại các nước châu Á chẳng hạn, ta gặp hiện tượng nhập khẩu tư bản từ các nước công nghiệp hoá và yếu tố đó có thể dẫn tới lạm phát. Việt Nam là nước đã bị lạm phát nặng nhất nên gặp rủi ro rất cao. Vậy mà nhà nước chẳng lo, lại còn mừng khi thấy khối dự trữ ngoại tệ của mình đã gia tăng và lượng tiền mà ở nhà gọi là "kiều hối", tức là tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về, đã ào ạt chảy về trong hai năm qua.

Nguy cơ lạm phát

000_Hkg7736509-250.jpg
Nhân viên một chi nhánh ACB nhận tiền từ công ty mẹ để chi trả cho khách hàng rút tiền hàng loạt sau vụ bầu Kiên hôm 22/8/2012. AFP
Vũ Hoàng: Thưa ông, tác động của hiện tượng nhập khẩu tư bản này là như thế nào và làm sao giải trừ được nguy cơ lạm phát?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì lượng tư bản nhập khẩu này, nếu muốn tránh hậu quả xấu, các nước chỉ có thể áp dụng hai trong ba loại biện pháp sau đây. Thứ nhất là để hối suất hay tỷ giá đồng bạc gia tăng, với bất lợi về ngoại thương vì xuất khẩu với giá cao hơn. Thứ hai là hạn chế hoặc thậm chí đánh thuế trên lượng tư bản nóng để điều tiết lượng tiền chảy vào, là điều ít quốc gia dám làm. Thứ ba là cố gắng duy trì chính sách tiền tệ khép kín với tác động bên ngoài, nhưng chủ yếu thì vẫn dẫn tới việc nâng lãi suất bên trong để ngừa lạm phát. Việt Nam đã từng áp dụng biện pháp đó với hậu quả là làm các doanh nghiệp khó vay tiền khi lãi suất lên tới hơn 20%.

Vũ Hoàng: Ông vừa trình bày rằng trong hoàn cảnh đó có nhiều vấn đề đã hoặc sẽ xảy ra. Ngoài nguy cơ lạm phát thì ta còn có thể thấy ra những khó khăn gì khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đó là nạn bong bóng đầu cơ.

Dù các nước đang phát triển hiện lưu giữ một khối dự trữ ngoại tệ rất cao sau giai đoạn tăng trưởng khá ngoạn mục so với đà tăng trưởng bình quân là 2% hoặc còn thấp hơn của các nước công nghiệp hoá, ta cần thấy rằng thị trường cổ phiếu của các nước đang phát triển thật ra còn rất mỏng, rất yếu. Chúng ta có thể đo lường kích thước của thị trường cổ phiếu ở "kết giá tư bản" hay "market capitalization", tức là nhân số cổ phiếu với giá niêm yết trên thị trường. Một thí dụ cụ thể là kết giá của riêng một tập đoàn Time Warner tại Mỹ còn cao hơn tổng số cổ phiếu trên thị trường Việt Nam. Các thị trường đó quá nhỏ để tiếp nhận một lượng tiền quá lớn chảy vào, hoặc ào ạt rút ra. Khi nó chảy vào thì thổi lên bong bóng, khi rút ra thì ta có bỏng bể và nhiều công ty phá sản, ngân hàng vỡ nợ. Nôm na là khi thị trường quá mỏng, tiền chảy quá nhiều, giới đầu tư quá tham và khả năng thẩm định rủi ro quá thấp thì mình dễ gặp hiện tượng bong bóng.

Vũ Hoàng: Đó là những khó khăn ngoại nhập do tác động của các quốc gia công nghiệp hóa đã hạ lãi suất và bơm tiền quá nhiều nên tư bản mới tràn vào các nước đang phát triển. Thưa ông, ngay bên trong các nước này, kể cả Trung Quốc, có phải là người ta cũng thấy ra những nhược điểm nội tại hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đúng như vậy, thí dụ như năm ngoái người ta đã thấy những vụ xù nợ khổng lồ ở Phúc Kiến và Chiết Giang, từ gần 50 triệu tới hơn 300 trăm triệu đô la. Đáng chú ý là vụ xảy ra tại thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang, khiến người chủ một tập đoàn làm kính đeo mắt thuộc loại lớn nhất nước đã trốn biệt tăm vì không trả được một núi nợ là hai tỷ đồng Nguyên, tương đương với khoảng 300 triệu đô la Mỹ, trong đó, 60% là nợ tư nhân. Ở đây, xin miễn nói về các viên chức cao cấp của Trung Quốc, trong lĩnh vực an ninh, đã tẩu tán tài sản và chạy ra nước ngoài từ nhiều năm nay.... Đó là do tin tức từ Bắc Kinh loan ra. Trường hợp Việt Nam cũng không khác. Chúng ta nên hình dung ra một cái tháp đang lung lay và có thể sụp.

Thị trường "tín dụng đen"

000_Hkg7452635-200.jpg
Công nhân viên rút tiền lương từ máy ATM, ảnh minh họa. AFP photo
Vũ Hoàng: Ông đã nhiều lần nói đến một tháp tiền có thể sụp, xin ông trình bày lại chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng trên đỉnh là các đại gia và tập đoàn kinh tế nhà nước được các ngân hàng của nhà nước tài trợ với điều kiện ưu đãi theo diện chính sách. Ở dưới là các tiểu doanh của tư nhân thì khó có điều kiện đi vay nên rất chật vật huy động vốn và phải tìm vào quan hệ với người có chức có quyền và trả tiền lời cao hơn. Dưới cùng là thường dân, không có hoàn cảnh đi vay chính thức thì phải vào thị trường xám nay đã có màu đen kịt mà trong nước gọi là thị trường "tín dụng đen". Đó là cái tháp, với thiểu số trên đỉnh và đa số dưới đáy.

Khi triển vọng kinh tế có vẻ phấn chấn với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO vào năm 2007 thì mọi người lạc quan làm ăn và đi vay bất kể rủi ro. Khi kinh tế thế giới bị tổng suy trầm từ năm 2008 thì cũng như Trung Quốc, Việt Nam ào ạt bơm tín dụng để kích thích sản xuất, mà bơm còn nhiều hơn Trung Quốc. Trong ba năm có đến cả trăm tỷ đô la đã tràn vào kinh tế mà không nâng cao sản lượng nhưng lại thổi lên bong bóng đầu cơ và lạm phát. Thế rồi vì phải chặn đà lạm phát, chính quyền siết vòi tiền tệ với hạn ngạch tín dụng và lãi suất cao.

Vài năm trước, phong trào đầu cơ trong không khí hồ hởi và luật lệ mơ hồ đã khuyến khích kẻ gian kích thích lòng tham của người khác để làm giàu thật nhanh mà bất kể rủi ro vỡ nợ, của kẻ cho vay lẫn người đi vay. Bây giờ, rủi ro gia tăng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn và lãi suất cao hơn. Cái "nhân" là cái tháp thiếu bền vững dựa trên tâm lý đầu cơ lạc quan và luật lệ lỏng lẻo, gặp cái "duyên" là tình hình làm ăn và tài trợ khó khăn khiến cho ngần ấy cái tháp lớn nhỏ đều theo nhau sụp đổ, là chuyện xảy ra cho Trung Quốc và Việt Nam. Một thí dụ là tại Trung Quốc, khối tín dụng ngân hàng được bơm ra đã lên đến năm nghìn tỷ đô la so với tổng sản lượng là bẩy nghìn 400 tỷ, tức là một núi nợ cực lớn và có thể sụp đổ. Chính vì vậy mà chúng ta mới nhắc đến một hiệu ứng rủi ro khác của việc dòng tiền nóng từ các nước công nghiệp hoá có thể lại tràn vào và thổi lên bong bóng nữa.

Vũ Hoàng: Theo cách trình bày như vậy, ông muốn nói ra chuyện vận hành kinh tế ở trên và tâm lý xã hội ở dưới.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có lẽ ở trên cùng, trên cả sinh hoạt kinh tế, là tổ chức chính trị và chính sách bất cập khiến một thiểu số đại gia có cơ hội trục lợi bất chính, lại còn nêu gương xấu về cái tật đầu cơ và cái thói khoa trương trong nếp sống. Ở giữa là một thành phần không ít cũng mong muốn đầu cơ để leo lên nấc thang cao hơn của các đại gia ở trên, nhưng bị lãnh họa mà không được nâng đỡ hay cấp cứu như các doanh nghiệp nhà nước ở trên. Họ vừa là nạn nhân mà cũng là thủ phạm của một thứ tư bản chủ nghĩa hoang dại vì vô luật lệ. Ở dưới đáy là đa số cùng khốn bị chết kẹt khi lãi suất thăng thiên, lại được ở trên đắp xuống phân lời nặng trịu. Rồi lãi đơn chồng lãi kép, từ vốn đến lời gánh nặng đi vay đã trút lên thành phần nghèo nhất. Cuối cùng thì công quyền bất lực và người ta giải quyết chuyện lường gạt bằng bạo lực của xã hội đen!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét