Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nguyễn Ngọc Già – “Hộ chiếu lưỡi bò” là cơ hội tốt?

Nguồn danluan

hclb_2.jpg

"Hộ chiếu lưỡi bò" có được đưa vào từ điển Quốc tế trong tương lai hay không thì chưa biết, nhưng quả là một "thuật ngữ" thú vị, khi nó được xem là một "sáng kiến vĩ đại" của giới cầm quyền Bắc Kinh!

Bất chấp cuốn hộ chiếu nhỏ bé, "sáng kiến vĩ đại" này giống như lời chúc đầy ý nghĩa cho một đại nhân – vừa cao vừa to, ở tuổi sáu mươi – tân Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Tập Cận Bình. Nghe đâu thân phụ ông này từng chịu nhiều kiếp nạn của cuộc "cách mạng văn hóa" gần 50 năm về trước. Dù tên gọi là "cách mạng văn hóa", nhưng cuộc "cách mạng" lại cho thấy đầy máu, nước mắt, nỗi bi hận và sự tang thương của người dân Trung Hoa hiền hòa, trong khi thật khó tìm được nét gì "văn hóa" trong cuộc "cách mạng" đó (!) Tập Cận Bình cũng "là một người thận trọng đã từng nếm trải rất nhiều gian nan, khổ cực" như ông Lý Quang Diệu nhận định.

Hộ chiếu (passport) là một trong các nét văn hóa của một hành xử ngoại giao quốc tế và nó cũng cho thấy gương mặt có văn hóa hay không của bất kỳ quốc gia nào tự nhận là văn minh.

Nhiều người cũng không chắc cuốn hộ chiếu ngộ nghĩnh này có bị "chết tên" hay không, nhưng đại đa số đều đồng ý là "chưa có tiền lệ" về thiết kế hộ chiếu trên thế giới từ trước tới nay, bởi nói theo lời bà Victoria Nuland – Phát ngôn nhân thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: "có một số tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về trình bày hộ chiếu cần phải tuân thủ, nhưng một tấm bản đồ không phải là một trong các chuẩn mực này." [1]

Nhiều nước đã phản đối gay gắt và có hành động thích ứng như: Ấn Độ, Philippines, Đài Loan, Indonesia [2], tất nhiên có cả Việt Nam.

Dường như bên cạnh sự phẫn nộ, chỉ trích kịch liệt, "hộ chiếu lưỡi bò" còn được xem như là trò gây cười của một diễn viên hài độc thoại (a stand-up comic). Trong cuộc trả lời phỏng vấn bà Victoria Nuland về cuốn hộ chiếu buồn cười này, nhiều tiếng cười rộ lên vẻ như chế nhạo [3].

Như bạn biết đấy, trở thành một "stand-up comic" rất khó vì loại hình này đòi hỏi độc diễn mà không có bạn diễn cùng tung hứng, nên dễ gây nhàm chán vì câu chuyện nhạt phèo và vô duyên. Diễn viên hài kiểu này thường bị khán giả tẩy chay và huýt sáo đuổi vào cánh gà, hậu quả dễ dẫn đến "bảy nghề".

Diễn hài độc thoại trước thế giới lại là điều quá khó khăn cho "Trung Hoa Thất Nhân" (7 người Trung Hoa), bởi vị nào cũng đầy vẻ đạo mạo và nghiêm trang trên mức cần thiết trong một thế giới năng động như ngày nay, đặc biệt sau cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ đầy hào hứng như một trận đấu thể thao phấn khích, lại chan hòa vui mừng, bất kể kẻ thắng người thua.

Làm chính trị cũng cần có tính hài hước, nhưng phải "có duyên sân khấu". Chẳng dễ dàng gì!

Có thể hình ảnh "a stand-up comic" không xứng lắm với dàn lãnh đạo "thất nhân" (7 người) tràn trề sinh lực cho một Trung Hoa đang ngày biểu tỏ sự "trỗi dậy hòa bình" mà tiền nhiệm của họ hay phát ngôn chính thức (!)

Thật khó để tin việc phát hành "hộ chiếu lưỡi bò" được lẳng lặng qua mặt một Tổng bí thư "rất cẩn thận trước công chúng" như đánh giá sau đây [4]:

"Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng", Cao Trí Khai, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói: "Trước công chúng, ông ấy rất cẩn thận[...]

Nhận xét trên bỗng trở nên nghịch lý, khi mới đây, người Trung Hoa phẫn nộ gọi "hộ chiếu lưỡi bò" là "hộ chiếu rác rưởi" [5] vì họ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của thủ tục rườm rà, phức tạp lại mất thêm nhiều thời gian khi nhập cảnh vào những nước đang phản ứng quyết liệt "đường lưỡi bò" trên biển Đông.

Ở góc độ khác, toàn thế giới đều biết tiền nhiệm của Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận "quốc tế hóa" việc tranh chấp trên 80% biển Đông, thay vào đó chỉ đàm phán song phương với từng quốc gia. Như vậy, "hộ chiếu lưỡi bò" có trở thành hành động Trung Quốc đá phản vào lưới nhà, khi một loạt các nước đang phản ứng vô cùng gay gắt và hành động phát hành cuốn "hộ chiếu chết cười" này tựa như "bàn tay thô kệch" vô tình đẩy các nước Asean về một phía để nhích gần lại nhau hơn nữa, cùng thắt chặt tình đoàn kết – thứ mà Trung Quốc luôn muốn chia rẽ và vui mừng khi trước đó Campuchia có vẻ không đứng về phía Philippines và Việt Nam – trước tham vọng hiển hiện của Bá quyền Bắc Kinh?

"Hộ chiếu lưỡi bò" vô hình chung làm cho giới cầm quyền Bắc Kinh đang tự nguyện đặt một chân vào "bàn đàm phán quốc tế" mà họ luôn cự tuyệt trước đây???.

Bên cạnh đó, chính cái "hộ chiếu lạ" này cũng vô tình "tạo điều kiện" cho Washington D.C phải chú ý, có ý kiến chính thức và đòi "nói chuyện" với Bắc Kinh về vấn đề "khiêu khích" này [1].

Việc phản ứng dữ dội "hộ chiếu lưỡi bò" bỗng nhiên trở thành "cái bẫy" sập mạnh vào giới cầm quyền Bắc Kinh do họ tự tạo ra, bởi trong "cái lưỡi" đó có cả Hoàng Sa – nơi mà Trung Quốc cướp trắng trợn của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974. Giờ thì cả Hoàng Sa cũng đã đường hoàng "lâm trận" chung với Trường Sa và Scaborough, dù lâu nay thế giới ít lên tiếng về Hoàng Sa.

Thật tội cho những cái "đầu bò" nào đã tư vấn cho giới cầm quyền Bắc Kinh đẻ ra cái "hộ chiếu lưỡi bò"!

Đây có thể nói là một "đường chuyền" quá đẹp cho các "cầu thủ" Việt Nam trong việc "quốc tế hóa" giải quyết luôn cả vấn đề Hoàng Sa mà phía Trung Quốc ngang nhiên, ngang ngược và ngang tàng xây nhiều cấu trúc hạ tầng trên đó trong những năm gần đây.

***

Cùng với Hoàng Sa – Trường Sa, Scaborough, còn có Senkaku cũng đang có sự căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Theo GS. Joseph Nye, có thể nó là một trong các nguyên nhân quan trọng để tạo ra "bước ngoặt của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản" [6] với việc "ông Ishihara, đã từ chức từ văn phòng để khởi động một đảng chính trị mới…"trong một hành động có thể tham gia tranh cử cho tương lai gần, để từ đó có thể làm một điều gì đó mạnh mẽ hơn trong việc bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải của Nhật Bản.

Người Nhật Bản từ sau đổ nát của Đệ nhị Thế chiến, đã chuyển hẳn sang "chí thú làm ăn" với tinh thần làm việc hăng say mà cả thế giới phải nể phục, tạo nên một hình ảnh giàu có với những sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng ngay cả những nước còn nghèo khó như Việt Nam luôn mong muốn. Tên tuổi của Toyota, Honda, Toshiba, Suzuki, Yamaha v.v…len lỏi vào từng ngóc ngách gia đình Việt Nam như bảo chứng về chất lượng không tồi so với hàng giá rẻ, phẩm chất kém lại đầy độc hại của Trung Quốc ngay càng bị kỳ thị và tẩy chay bởi ngay những thành phần thu nhập thấp.

Trong mắt tuyệt đại đa số người Việt Nam hiện nay, hình ảnh người Nhật tỏ ra được nể trọng hơn người láng giềng to lớn với số dân đông nhất thế giới, lại không tạo được sự an tâm cho ngay cả những bậc cha mẹ của các cháu bé còn phải bú sữa!

Ngay cả những cuộc đình công liên miên của công nhân Việt Nam, người ta hiếm thấy xuất phát từ công ty do Nhật Bản đầu tư.

Tuy GS. Joseph Nye có dè dặt cho biết:

Trong khi những lời lẽ Trung Quốc đang quá nóng, chắc chắn có sự thay đổi tư tưởng tại Nhật bản, mặc dù nó sẽ là khó khăn để mô tả tư tưởng này là quân phiệt. Một nhóm lớn các sinh viên tại Đại học Waseda gần đây đã được thăm dò ý kiến về thái độ của họ đối với quân đội. Trong khi một số lượng lớn bày tỏ mong muốn Nhật Bản cải thiện khả năng của mình để bảo vệ chính mình, đại đa số bác bỏ ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân và sự hỗ trợ phụ thuộc vào Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật tiếp tục. Như một chuyên gia trẻ nói với tôi, "chúng tôi đang quan tâm đến chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc không quân phiệt. Không ai muốn quay trở lại những năm 1930.

thì cả thế giới, không quốc gia nào không biết tinh thần "Samurai" trong việc bảo vệ phẩm giá, danh dự của võ sĩ Nhật Bản.

Nhà cầm quyền Nhật Bản từ mấy mươi năm qua, trong mắt thế giới là những người đầy trách nhiệm với đất nước và dân tộc của họ, cũng như họ thoải mái chấp nhận trả giá bằng việc từ chức xoành xoạch để bảo toàn danh dự cá nhân – điều mà tác giả Tùng Lâm cho là ông Nguyễn Tấn Dũng kém may mắn khi không được ĐCSVN dạy dỗ, mặc dù ông ta có những 51 năm "đi theo Đảng" [7].

Dù "luật tự mổ bụng" [8] đã lùi vào quá khứ, nhưng tinh thần tự hào dân tộc có lẽ vẫn chảy tràn trong huyết quản người Nhật.

Tuy thế, người Nhật Bản vẫn tỏ ra bình tĩnh trước việc một số người Trung Hoa quá khích lao vào đánh người và đập phá các cơ sở kinh doanh Nhật Bản tại Trung Quốc trong những cuộc biểu tình gần đây, mặc dù cuộc thăm dò dư luận dân chúng vừa qua của "Văn phòng Nội các Nhật Bản" cho thấy 80,6% số người dân nước này không có thiện cảm với Trung Quốc [9].

Có lẽ hình ảnh người Trung Quốc "đập phá và đánh người" cũng làm cho thế giới đặt câu hỏi về vai trò có ai đó đã kích động hoặc khả năng kiểm soát hành vi cực đoan quá đáng từ công an Trung Quốc bị buông lỏng như là khái niệm "mắt nhắm mắt mở"?

Nhật Bản hiện đại ngày nay đã "thoát Á" từ lâu, cũng không hề lay chuyển chút nào bằng tinh thần "Samurai" dành cho việc củng cố an ninh quốc phòng và bảo đảm vẹn toàn lãnh thổ mà người Nhật đang muốn nhìn thấy Quân đội của họ cần mạnh mẽ hơn nhiều.

Sự nhẫn nhịn trước những kẻ học hành không đến nơi đến chốn của người có văn hóa bao giờ cũng đáng trân trọng. Tuy nhiên, tên vô học đừng làm càn, bởi một khi giới hạn cuối cùng bị phá vỡ, đặc biệt, một khi sự nhẫn nhịn không làm cho người có văn hóa cảm thấy được tôn trọng hơn mà dễ làm cho kẻ vô học hiểu lầm là nhu nhược, thì lúc đó, hành động thích hợp như thế nào từ phía người có văn hóa cũng không khó dự đoán.

***

"Hộ chiếu lưỡi bò" dường như đang kích thích mạnh lòng yêu nước thức dậy đối với người dân những nước bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tham vọng của giới cầm quyền Bắc Kinh đã hiện nguyên hình.

"Hộ chiếu lưỡi bò" không chỉ dừng lại như sự mỉa mai của người Việt Nam, Philipppines, Ấn Độ v.v… về tính háu ăn của những tên "thực dân kiểu mới", đi xa hơn nó vô hình chung đã kéo các nước trong khu vực gần nhau hơn, cảm thông nhau hơn và nó giúp cho cả Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Phi cũng như phương Tây và Mỹ không còn băn khoăn trước sự "trỗi dậy" của "Long mạch" được gọi là "tiềm năng", "tiềm lực" gì đấy nhưng không hề thấy màu xanh hòa bình như cả nhân loại mong muốn.

Điều băn khoăn cho Việt Nam hiện nay, đó là giới cầm quyền thuộc ĐCSVN bấy lâu hay bị gọi là "ngủ quên", "ngủ mê" với "16 chữ vàng" và "4 tốt", thì nay, có lẽ họ từ "ngủ mê" chuyển qua "ngủ… nướng" chăng?

Xin hãy đừng "ngủ nướng" nữa!

Thời cơ không chờ đợi một ai. Hãy biến thách thức nghiêm trọng trở thành cơ hội trăm năm có một để "quốc tế" hóa vấn đề biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa – Trường Sa hay không là lúc này đây.

Xa hơn, hãy để những người đã từng là "đồng chí" nhiều năm gắn bó, nhưng nay vì an nguy Tổ Quốc, đã có lằn ranh phân định rõ về ý thức hệ, đứng ra lập một đảng chính trị, trong lúc Hiến pháp đang làm lại. Đó là cách đa đảng ôn hòa khả thi nhất hiện nay.

Chẳng lẽ một cơ hội cho dân chủ hóa xã hội Việt Nam kết hợp với bảo vệ Tổ quốc tiếp tục bị bỏ lỡ?!

Nguyễn Ngọc Già

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét