Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

RFI. Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác

Nguồn RFI

Một cuộc biểu tình của người dân đi khiếu kiện tại Hà Nội.
Một cuộc biểu tình của người dân đi khiếu kiện tại Hà Nội.
Reuters

"Việt Nam chưa có «văn hóa từ chức» thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh đạo. Vấn đề ở chỗ «lỗi hệ thống». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa thì phải thay đổi thể chế. Trong thế chế đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, và xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, và nền kinh tế nhiều thành phần".

Như tin chúng tôi đã đưa hôm qua 14/11/2012, trong phần chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra hai câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước hết là có phải ông Nguyễn Tấn Dũng đã nặng trách nhiệm với Đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân hay không, khi ông đã xin nhận kỷ luật trước Trung ương Đảng mà chỉ xin lỗi trước Quốc hội. Thứ hai, ông có nghĩ đến chuyện từ chức hay không ?

Thủ tướng Việt Nam đã trả lời rằng suốt 51 năm qua, ông không xin xỏ cũng không từ chối những trách nhiệm Đảng giao, và ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ được phân công.

Sự kiện lần đầu tiên có một đại biểu Quốc hội đặt vấn đề từ chức với Thủ tướng Việt Nam đã được dư luận rất chú ý. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhã ý trao đổi với chúng tôi về những cảm nhận của ông trong vấn đề này.

Luật gia Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh
 
15/11/2012
by Thụy My
 
 

RFI Kính chào Luật gia Lê Hiếu Đằng, rất cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. Thưa ông, trước hết xin ông vui lòng cho biết cảm nghĩ của ông về sự kiện có một đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng về việc từ chức ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Qua thông tin trên báo chí và truyền hình thì chúng tôi cũng được biết đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề cho Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng từ chức là ông Dương Trung Quốc. Tôi nghĩ thật ra từ trước đến giờ Việt Nam mình người ta thường hay nói là chưa có văn hóa từ chức. Trong khi ở các nước, chỉ cần một sơ sót nào đó là người ta đã từ chức. Nó thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh đạo. Chứ không phải mình đến nói với sinh viên về lòng tự trọng, trong khi mình lại hành xử khác đi.

Lòng tự trọng ăn sâu vào nếp văn hóa rồi, do giáo dục từ nhỏ, trong đó có cái gọi là « văn hóa xấu hổ », thấy mình làm không được thì thôi, mình rút lui. Điều này đã ăn sâu vào những nước có thể chế dân chủ và có một nền giáo dục tốt, trước tiên là giáo dục về con người.

Tôi nhớ là trước đây tôi đi học, thì nền giáo dục chế độ cũ dạy cho tôi mấy điều thôi. Đó là yêu gia đình – ông bà cha mẹ, rồi yêu thiên nhiên, và yêu đất nước, yêu tổ quốc. Yêu con người nữa – người ta lỡ bước thì mình phải giúp đỡ, vân vân.

Chính nền giáo dục đã hình thành nên tâm hồn con người, và con người sẽ biết xử lý như thế nào. Trong khi thật ra nền giáo dục của chúng ta nó nặng về chính trị, phục vụ yêu cầu trước mắt, không phải đào tạo vì con người và cho con người. Do đó có thể nói văn hóa ứng xử rất dở, trong đó có vấn đề từ chức.

Tôi nghĩ các vị lãnh đạo Việt Nam cũng nên suy nghĩ về điều này. Mà tiền lệ thì cũng có trường hợp ông Lê Huy Ngọ, từ chức do trách nhiệm về vụ Lã Thị Kim Oanh. Nhưng từ trước đến giờ chưa có một vị cấp cao nào từ chức cả, mặc dù rõ ràng so với trách nhiệm, thì trong nền kinh tế hiện nay thất thoát rất nhiều tài sản của nhân dân.

Thế thì ai phải chịu trách nhiệm ? Thậm chí tại sao không nói thẳng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đó là ai ? Tôi thì trong Đảng cũng được giáo dục là phải có địa chỉ cụ thể, mà đến phiên các vị thì các vị lại không nói cụ thể, mặc dù cả nước - toàn dân và trong Đảng đều biết vị ủy viên Bộ Chính trị đó là ai.

Điều đó làm cho Nghị quyết trung ương 4 vô nghĩa. Vô nghĩa ở chỗ hô hào nói thẳng và nhìn thẳng vào sự thật, mà sự thật sờ sờ ra đó thì lại không chấp nhận. Khi tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh, cử tri chất vấn thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại nói là đồng chí X, thành ra là một ẩn số. Nó làm cho người dân càng mất tin tưởng hơn nữa. Và nghị quyết này, nghị quyết kia cũng chỉ là đầu môi chót lưỡi thôi, không thể nào trở thành hiện thực được. Bởi vì cấp cao nhất không làm gương, thì làm sao các cấp dưới noi theo được. Ví dụ tình hình chống tham nhũng chẳng hạn.

Thành ra tôi nghĩ là các vị phải mạnh dạn và có lòng tự trọng. Mình đã gây đổ vỡ cho nền kinh tế, đổ vỡ cho đất nước, thì mình phải từ chức. Ví dụ trong lãnh vực giao thông vận tải, biết bao nhiêu sự cố xảy ra, nhưng ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải vẫn tại vị. Trong khi ở Hàn Quốc hay một số nước, chỉ cần một tai nạn gì đó là từ chức ngay. Hay mới đây ông giám đốc CIA của Mỹ, chỉ dính líu tới vụ bê bối tình cảm thì cũng từ chức.

Như vậy mới tạo được niềm tin cho người dân. Đó là thái độ cách mạng của người cán bộ, thái độ thẳng thắn, chân thật. Chứ còn gây ra tai họa cho nền kinh tế mà vẫn bình chân như vại thì không được. Do đó đại biểu Dương Trung Quốc có gợi ý đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, mà nhiều người cũng nêu chứ không chỉ ông Dương Trung Quốc không thôi.

Nhưng tôi nghĩ là, thôi, chuyện đã qua rồi. Bây giờ đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo ý kiến riêng của tôi, thì nên bằng hành động, vực dậy nền kinh tế, chứng minh rằng đã thấy thiếu sót của mình, và có những biện pháp hiệu quả, để đưa nền kinh tế đi lên. Chứ còn bao nhiêu lời hứa hẹn, quyết tâm, nói đến lòng tự trọng này nọ… nhưng mà không có những hành động cụ thể thì người dân không tin nữa.

RFI : Thưa ông, cũng có ý kiến cho là chủ trương phát triển kinh tế dựa trên các tập đoàn quốc doanh lớn là do Đảng thông qua. Đành rằng Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ thì phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể bắt ông Nguyễn Tấn Dũng lãnh trách nhiệm một mình. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?

Thì vấn đề xây dựng các tập đoàn đâu phải tự dưng ông Nguyễn Tấn Dũng làm được, phải thông qua Bộ Chính trị. Thành ra trách nhiệm về vấn đề tham nhũng là của cả tập thể Bộ Chính trị. Tôi nói « lỗi hệ thống » là ở chỗ đó.

Nhưng nói gì thì nói, chứ cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm ! Khuyết điểm của Bộ Chính trị là ở chỗ là thông qua chủ trương mà không giám sát, theo dõi để phát hiện những sai sót, không dám đấu tranh để chấn chỉnh lại. Để cho một mình tự tung tự tác, thì sẽ dẫn đến tai hại cho nền kinh tế của chúng ta.

Tôi nghĩ, bình thường nếu một người không được giám sát chặt chẽ, dù là trước đây tốt – ví dụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có quá trình – nhưng do không được giám sát nên có những thiếu sót, như Bộ Chính trị trong hội nghị trung ương 6 đã phân tích.

Vấn đề ở chỗ « lỗi hệ thống ». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa với những thiếu sót đó, thì phải thay đổi thể chế. Ở đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, Quốc hội cho ra Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể cho ra Mặt trận và các đoàn thể, và xây dựng ba vấn đề.

Một là Nhà nước pháp quyền, hai là xã hội dân sự, và ba là nền kinh tế nhiều thành phần. Thì tự nhiên xã hội sẽ lành mạnh, theo xu hướng tiến bộ hiện nay là dân chủ xã hội. Đó là khuynh hướng không thể nào cưỡng lại được đâu. Dù có muốn ngăn chận, nhưng đó là xu hướng tiến bộ của loài người.

Chứ còn nếu muốn chống tham nhũng mà không tam quyền phân lập, rồi ruộng đất thì vẫn nói là sử hữu toàn dân, thì sẽ tiếp tục tham nhũng. Nhất là trong vấn đề ruộng đất.

Mới đây rất đau lòng : một bà cụ ở Thanh Hóa, qua xô xát với công an đã bị chết ở Hà Nội. Thì đấy, những cái chết rất là bi thảm ! Trong văn bản 157 người ký về vụ Phương Uyên, thì chúng tôi rất lo ngại. Sau nghị quyết trung ương 6, làm sao Đảng và Nhà nước phải ngăn chặn khuynh hướng dùng bạo lực, dùng các lực lượng cảnh sát, công an để đàn áp dân, để bắt bớ khi người dân có tiếng nói khác với mình.

Cái tình trạng này rất là nghiêm trọng – tình trạng công an đánh chết dân gây xúc động rất lớn ! Hay là cái hình ảnh lôi tuồn tuột hai mẹ con trần truồng ở đồng bằng sông Cửu Long…

Phải chứng minh là sau nghị quyết trung ương 6 thì Nhà nước đã có khắc phục những thiếu sót, bằng cách làm sao cho dân người ta làm chủ thật sự. Làm sao tôn trọng các quyền tự do dân chủ, và không được đàn áp những người biểu tình, đàn áp những người có ý kiến khác. Bởi vì thật ra người ta làm trong khuôn khổ của luật pháp.

Ngay cả em Phương Uyên cũng vậy thôi. Những cuộc họp báo vội vã vừa rồi cũng làm nhiều người nghi ngờ, không biết có phải thật sự như vậy hay không. Vấn đề ở chỗ là, tại sao lại đẩy những con người như em Phương Uyên, như nhạc sĩ Việt Khang đến một sự chống đối như vậy.

Tôi nghĩ là do thiếu sót của mình. Bởi vì ai tham nhũng? Rõ ràng là Đảng tham nhũng chứ ai nữa! Ai yếu ớt, nhu nhược trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ? Thì cũng lãnh đạo Đảng và Nhà nước chứ ai! Các em nói như thế là nói lên một cái thực tế, mà là thực tế nhức nhối hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận được. Thay vì đối thoại với các em thì mình lại đi trấn áp, bắt bớ.

Vì vậy mà bên cạnh "văn hóa từ chức" thì còn phải xác định trách nhiệm của từng người lãnh đạo. Và khi có sự cố gì xảy ra thì phải xử lý thật nghiêm minh chứ không thể bỏ qua được.

RFI Có vẻ công việc trước mắt còn rất là bề bộn... Dân khiếu kiện khắp nơi, càng đưa ra xử những vụ bị nhà nước gọi là « âm mưu nổi dậy chống chính quyền » thì lại càng có thêm những tiếng nói phản đối. Lúc nãy ông có nói, vấn đề bây giờ là hành động, thì liệu Thủ tướng Việt Nam có dễ dàng sửa chữa sai lầm bằng hành động phù hợp lòng dân hay không ?

Vấn đề xin lỗi trước dân, từ trước đến nay (chưa có) thôi thì người dân người ta thấy cũng được. Không phải nói như ông Dương Trung Quốc trước đây là « an tâm ». Người ta không an tâm đâu, nhưng người ta thấy tình thế trước những sai lầm rất nghiêm trọng, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Việt Nam buộc phải nhận thiếu sót trước dân và xin lỗi dân. Điều đó không thể không làm được. Đáng lẽ phải có kỷ luật, phải cách chức …

Nhưng vấn đề ở đây là người ta trông chờ, xem thử những lời xin lỗi đó thể hiện được trên thực tế ra sao. Xin lỗi thì rất dễ, nhưng thể hiện bằng hành động cụ thể trong quản lý kinh tế, trong điều hành đất nước như thế nào.

Tôi cho đây là một thách thức rất lớn đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, ở chỗ là sau nghị quyết trung ương 6, nếu không có những biện pháp hiệu quả, nếu giữa lời nói với việc làm không đi đôi với nhau thì người dân lại càng mất lòng tin.

Và thật ra mới có những ý kiến phản đối chứ dân chưa có ai nổi loạn đâu. Người ta có ý kiến thế này thế kia, thì tôi nghĩ rằng không nên đàn áp. Phải tôn trọng và lấy đối thoại làm chính.

Ví dụ tại sao các nhân sĩ trí thức, gồm những người có tên tuổi – và trong kiến nghị gởi Chủ tịch Trương Tấn Sang gần đây, có cả gia đình giáo sư Ngô Bảo Châu. Thì Nhà nước phải trả lời ! Đó là văn hóa – người dân người ta có kiến nghị thì phải trả lời được hay không được. Đó là một cái lịch sự tất nhiên, cái văn hóa của người lãnh đạo.

Trong khi hô hào xây dựng nền văn hóa, nhưng bản thân cách hành xử của Nhà nước và chính quyền chúng ta lại không có văn hóa. Cái điều mà trước đây Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gọi là « sự im lặng đáng sợ », rất là kỳ. Ngay cả với đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà thư của đại tướng cũng không được báo chí đăng, rồi cũng không được trả lời ! Như vậy là các vị lãnh đạo đã rất coi thường dân, coi thường nhân sĩ trí thức, và kể cả coi thường những vị khai quốc công thần như đại tướng Võ Nguyên Giáp.

RFI Thưa ông, còn một ý kiến khác là theo nguyên tắc thì Thủ tướng phải là ủy viên Bộ Chính trị. Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng từ chức thì liệu có khuôn mặt nào khác được người dân tín nhiệm hay không ?

Bởi vì phương thức của mình nó cũ kỹ quá rồi. Từ Đảng chỉ định qua thì cũng chỉ có từng ấy người. Chứ nếu chúng ta dùng phương thức bầu cử, thì tất nhiên trong xã hội có những người tài, người ta sẽ ra ứng cử. Còn nếu tiêu chuẩn phải là ủy viên Bộ Chính trị thì hẳn nhiên là 14 vị đó thôi. Nếu mà bầu cử thật sự - vừa rồi bầu cử ở Mỹ, thì nó công khai minh bạch để người dân người ta lựa chọn.

Mà tôi nghĩ không phải là Việt Nam không có nhân tài, không phải là không có người có thể đứng ra quản lý đất nước. Nhưng do định chế chính trị hiện nay như vậy đó.

Ví dụ hội nghị trung ương vừa rồi, một trong những nội dung bàn là quy hoạch các vị trong Bộ Chính trị, trong Ban chấp hành trung ương, Ban bí thư…Thì như vậy có nghĩa là Đảng đã lựa chọn trước rồi. Từ Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương giới thiệu qua chính quyền, mà chính quyền, Quốc hội đại đa số là đảng viên, thì bầu cử sẽ vô nghĩa. Thành ra người ta nói là « Đảng cử, dân bầu ».

Một thể chế dân chủ thì không thể đi bằng con đường như vậy được.

Vì vậy trong góp ý sửa đổi Hiến pháp, Mặt trận Tổ quốc Trung ương cũng có đề nghị là phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thì phải như thế nào, và ai kiểm soát Đảng, ai giám sát ? Chứ Đảng không thể là một thứ siêu quyền lực, đứng ngoài và đứng trên luật pháp được. Và đảng viên không phải là điều kiện để được làm lãnh đạo. Lãnh đạo thậm chí phải tổ chức thi tuyển đủ thứ, thông qua bầu cử… thì lúc đó nhân tài sẽ xuất hiện.

RFI : Chúng tôi xin rất cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét